Quảng Văn Sơn: Văn 04 – Thử nhìn lại kĩ thuật xây dựng tháp Champa

Katê Chăm 2009 &
Tuần lễ Tagalau: 9-10 – 15-10-2009

Kính chúc Mik wa, adei xa-ai Cam kajap karo – thuk siam
Chúc Tagalau rak rok, lah dhan rak wan.
Kính chúc độc giả Inrasara.com mọi điều tốt lành.
*
(khảo sát THÁP PPO ROME – NINH THUẬN)

Trong di sản văn hóa Champa để lại, tháp Chăm là loại hình kiến trúc tôn giáo duy nhất còn lại cho đến ngày nay. Gần 900 năm từ cuối thế kỷ VII đến nửa đầu thể kỷ XVII, bằng sự lao động miệt mài và tài năng sáng tạo tuyệt vời, người Chăm đã xây dựng nên một nền kiến trúc điêu khắc khá độc đáo với hàng trăm tháp, hiện diện ở khắp nơi trên địa bàn cư trú của người Chăm trong lịch sử. Tháp Chăm đang nghiêng mình soi bóng trên các dòng sông lung linh tỏa sáng dọc dải đất ven biển miền Trung đầy nắng và gió của Việt Nam.
Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, ngày nay, tháp Chăm còn lại không nhiều, lại trong tình trạng xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng, nhưng đó là di sản kiến trúc vô giá không chỉ của quốc gia mà còn của nhân loại. Là nhân chứng về một nền văn hóa Champa cổ rực rỡ, rất cần được gìn giữ, tôn tạo và bảo tồn.
Vì thế, hơn một thế kỷ nay, tháp Chăm luôn được nhiều thế hệ học giả quan tâm nghiên cứu với những thành tựu to lớn.
Từ ngày phát hiện đến nay, kỹ thuật xây dựng tháp Chăm luôn là một câu hỏi không dễ trả lời, đặt ra cho các nhà nghiên cứu. Có lẽ hiếm có một công trình kiến trúc nào được nhiều thế hệ bàn đến về mặt kỹ thuật xây dựng như tháp Chăm.
Nhiều giả thuyết được đưa ra, có giả thuyết bị lãng quên, có giả thuyết được chấp nhận, bổ sung, hòan chỉnh.
Kế thừa kết quả nghiên cứu đạt được trong thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khai quật, dựa vào những kiến trúc hiện còn, những bằng chứng vật chất. Trong bài viết này, người viết thử nhìn lại kỹ thuật xây dựng tháp Chăm qua những giả thuyết của các học giả đã có công nghiên cứu.

I. Vài nét về Ppo Rome(1)
Những năm gần đây nền văn hóa Champa nằm trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam đã và đang được nhiều người quan tâm nghiên cứu làm rõ, đặc biệt về các lĩnh vực lịch sử, kiến trúc và điêu khắc.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Lịch sử vùng đất Panduranga thời kỳ Ppo Rome là hậu vương quốc Champa. Lịch sử thời kỳ này gắn liền trong dòng chảy song song với lịch sử của Nhà nước Đại Việt với sự tranh giành quyền lực giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn nằm ở vùng cực Bắc của vương quốc Champa.
Trong những năm 1627-1672, chiến sự diễn ra bảy lần giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Hầu hết đều do chúa Trịnh chủ động tiến công. Chúa Nguyễn đã kháng cự và phản công thắng lợi, không những thế còn có lần chủ động vượt sông Gianh lấn đất Nghệ Tĩnh trong những năm 1655-1660 và khi rút về đã bắt theo nhiều nông dân Nghệ Tĩnh đưa vào khai khẩn và canh tác miền Thuận Quảng. Nhờ đó, lực lượng lao động và quân đội được tăng lên đáng kể vào thời gian này(2).
Cuộc chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn nổ ra cũng là lúc Ppo Rome trở thành một hình ảnh đẹp trong cả giai đoạn hậu kỳ Champa này. Trở thành nhân vật của nhiều huyền thoại được lưu truyền trong các làng Chăm vùng Phan Rang ngày nay.
Theo sử liệu, bia ký và truyền thuyết của các đồng bào Chăm thì vua Ppo Rome (1595-1615) là người có công xây dựng đất nước Champa trong khi trị vì. Đặc biệt trong lãnh vực thủy lợi như xây dựng công trình đập nước Maren, ngoài ra ông còn cho khai một con mương dài khoảng bốn mươi cây số chảy từ núi Là A qua các thôn Vụ Bổn, Hiếu Thiện, La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức, Bầu Trúc.
Nhiều nhà nghiên cứu sử học viết về Ppo Rome đã cho rằng: Ngài làm vua từ năm 1627 và mất năm 1651. Năm Ppo Rome mất không theo đúng thực trạng xã hội Chăm lúc bấy giờ và cũng không đúng sử sách Việt Nam ghi chép.
Vào năm 1653 Chúa nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc mang ba ngàn quân đánh chiếm vùng đất còn lại của Champa từ Nha Trang đến sông Phan Rang. Ppo Rome bị bắt trong trận chiến này, ngài bị nhốt vào rọ, bỏ đói bỏ khát trên đường đưa về Huế, có lẽ trên đường đi ngài đã tự tử (Lược sử dân tộc Chàm, Dohamide gọi là Ba Bì đã tự tử)(3). Khi Ppo Rome bị bắt dân Chăm trong vùng phẫn uất Bia-Ut đã làm cho Ppo Rome mê hoặc, để Đại Việt có cơ hội chiếm hết đất Champa. Họ thi nhau đi tìm Ppo Bia, nhưng bà ta cũng đã tự tử tại Ga Ta Bui Ga Tháp Chàm.
Người Chăm gọi vị vua này là Ppo Rome hay là Ppo Rome, vì họ cho rằng Ngài đã mê muội một người đàn bà Đại Việt để đánh mất phần giang sơn còn lại do ngài trị vì. Tên tuổi của Ppo Rome gắn liền với truyền thuyết về Thần Mộc Phun Kraik nằm cách làng Vụ Bổn (Palei Pabhan) khoảng 10-15 cây số. Tương truyền bà vợ này cứ giả đau yếu, bệnh tật với lý do bị Thần Mộc quấy nhiễu. Để phục hồi sức khỏe cho vợ, ngài sai quân lính phá hủy Thần Mộc, nhưng không kết quả. Theo truyền thuyết Thần Mộc Kraik là thần hộ mạng cho triều vua Ppo Rome. Để trấn an Ngọc Khoa, nhà vua đích thân đốn Thần Mộc và Thần Mộc bị đốn ngã cũng là lúc triều đại Ppo Rome sụp đổ theo.
Ppo Nraup (1652-1653) tức là Ppo Nraup làm vua một năm. Đúng theo sử Chăm Ppo Nraup là em cùng mẹ khác cha của Ppo Rome, ngài thay anh làm vua xứ Chăm trên phần đất còn lại chỉ một năm. Năm sau chúa Nguyễn cho triệu hồi ngài về Huế, trên đường cùng đi với ngài có vài quan cận thần Chăm, mang theo nhiều vàng bạc châu báu hộ thân. Đến Huế ngài bị giam lỏng sáu tháng và đã nhờ một vị cận thần thân tín của chúa Nguyễn tâu xin và được tha trở về. Vì đường đi bằng ngựa từ Phan Rang đến Huế mất 3 tháng, trở lại quê hương, ngài sống trong lòng dân tộc Chăm. Lời truyền tụng về Ppo Nraup bị bắt và tha về đã được dòng tộc đời đời nhắc nhở nhau mãi mãi. Lăng ngài được thờ tại ga Sông Lòng Sông (Palei Paplom – Tuy Phong, Bình Thuận). Trong khi ngài bị giam cầm ở Huế thì chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho lập một vị vua mới tên Phik Pa Khoh. Vị vua này kết hôn với dòng tộc Ppo Mưh Taha. Vị vua này đã giao hiếu với chúa Nguyễn và xin xác Ppo Rome về hỏa táng. Điều này trái ngược với câu chú thích số 8 trang 181 tập san Champaka số 1, nói rằng: Ppo Rome khi từ trần, xác của ngài được đưa vào chùa Hồi Giáo Bàni để làm lễ trước khi đưa lên giàn hỏa. Câu ghi chú này đã không theo đúng phong tục tập quán của Chăm Bàni và Chăm Bà-la-môn ở địa phương vùng Phan Rang, Phan Rí xưa nay. Lại nữa, tài liệu từ Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Po Dharma dịch thuật), được các bài viết khác tham khảo chẳng hạn (Lịch sử Chiêm Thành suy thoái của Trần Gia Phụng) hay (Lịch sử vương quốc Champa của Lương Ninh 2004) và nhiều tài liệu khác cho rằng Ppo Rome là người Churu, tài liệu này xác định nguồn gốc của Ppo Rome, có lẽ tài liệu này được Pháp sưu khảo từ vùng Chăm Phan Rí. Tài liệu này hoàn toàn chính xác, vì ở vào thời Ppo Mưh Taha đã có một trí thức Chăm, ông Bilan ông Palei Grauk, làng Trì Đức, Phan Lý Chăm Bình Thuận đã một lần mang câu chuyện dân gian Chăm đồn đại về Ppo Rome, dòng Churu nói với Ppo Mưh Taha trong cuộc nhân duyên của Ppo Bia Thơn Chơn kết hôn với Ppo Rome và sự nhường ngôi của vua này cho nghĩa tế Ppo Rome.
Chúng tôi nêu lên các điểm trên để độc giả hiểu thêm về các sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian 1627 đến 1653 hầu xác nhận thời gian Ppo Rome làm vua trên đất Champa-Pangduranga.
Ppo Rome tên thật Ja Kathaut, biệt danh Cei Xit, sinh ở làng Tường Loan (Palei Pa-auk), bây giờ thành xóm đạo Thiên Chúa Hòa Thuận, bên hướng Đông trên đường từ Chợ Lầu lên ga Sông Mao Hải Ninh, nay là Bắc Bình Bình Thuận. Mẹ ngài người Chăm kết thân với người Churu, vùng Cà Lon bây giờ. Có lẽ ông bà nội thân nhân dòng tộc và cả xóm làng không chấp nhận mối tình này nên ngài được sinh bên ngoài xóm, cách khoảng một cây số trong cánh đồng ruộng, về sau ngài cho lập miếu ở đây và người dân Chăm gọi miếu này là Thang Ppo Rome Thauk. Ngài cùng mẹ sống và lớn lên ở Palei Pabhan (Vụ Bổn, Phan Rang). Ngài là một người thông minh, dĩnh ngộ, phải lòng công chúa Ppo Bia Thơn Cơn (con Ppo Mưh Taha). Ppo Mưh Taha lớn tuổi và sau đó đã nhường ngôi cho Ngài.

Sự nghiệp
Ngài làm vua và đóng đô ở Phan Rang, hoàng hậu là Po Bia Thơn Cơn, thứ hậu Po Bia Thơn Cih gốc Rađê. Về sau có bà vợ Yuôn, con gái út của chúa Nguyễn Phúc Nguyễn Ngọc Khoa (Bia Út) quận chúa. Có lẽ vị quận chúa này được tấn hiến cho Ppo Rome cùng lúc với Ngọc Vạn quận chúa tấn hiến cho vua Chân Lạp Chei Chetta II trong khoảng thời gian 1627-1935. Thời gian ở ngôi sáu hoặc bảy năm có lẽ Ppo Rome đã giao tiếp với các xứ Thần hoặc người ngoại quốc: Pháp, Bồ Đào Nha, hoặc đã đánh phá các vùng bị Đại Việt chiếm đóng hoặc liên hệ với lưu thủ Phú Yên Văn Phong năm 1629, nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên lo ngại an ninh phía Nam liền gả người con gái thứ ba, công chúa Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Ppo Rome để tạo hòa hiếu với Chiêm Thành nhằm rảnh tay đối phó với Đàng Ngoài (trang 42, Quảng Nam trong lịch sử của Trần Gia Phụng). Ngồi tại vị, ngài lo phát triển kinh tế, cho đào mương đắp đập, làm ruộng không những ở vùng Chăm bình nguyên mà còn cả Cao Nguyên Vùng Cà Lon. Chăm Churu đã đào mương đắp đập dẫn nước vào hai sở ruộng Hamu Kalai, Hamu Kaluk. Ruộng nước này hiện người Churu đang sản xuất trên vùng Cà Lon, còn có một cái vườn đẹp, bên trong có nhiều trái cây.

Ngoại giao
Ppo Rome là một ông vua thông thái, ngài đã đi ngoại giao nhiều nước có liên hệ với Champa: Indonesia, Mã Lai… không biết mục đích của ngài có phải đi cầu viện hay không? Những phái đoàn Mã Lai từng qua đất nước Champa, nhiều chiếc thuyền Mã Lai bị cơn bão đánh chìm gần bờ biển Mũi Né, An Hải, Phan Thiết, chỉ một ít thuyền được cứu sống. Sau cơn bão to thuyền Mã Lai bị đắm chìm, ngài đã tổ chức lễ cầu hồn, hình thức cầu hồn được diễn lại trong Rija Praung của dân Chăm ngày nay. Có lẽ ngài đã gặp cả sứ thần nước ngoài mong cầu viện giúp đỡ để tái chiếm lại đất đai bị Đại Việt chiếm. Công việc này đã bị bà vợ Kinh là Ngọc Khoa quận chúa mật báo lên chúa Nguyễn nên chúa Nguyễn đã sai quân đánh lấy hết phần đất còn lại của Chăm. Nhiều tài liệu cho biết thời Ppo Rome có hai tướng Chăm Hồi giáo có tài, chiến thắng nhiều lần với quân Đại Việt, nhưng nhà vua không những không thưởng công mà còn khiển trách nữa. Vì lòng bất mãn họ bỏ đi, nên khi Đại Việt tấn công, ngài đã bị thất bại và bị bắt. Ppo Rome là một vị vua thông minh, bên trong cho phát triển kinh tế nông nghiệp, tích trữ lương thực, bên ngoài giao tiếp với nước ngoài, nhưng thời vận người Champa có lẽ không còn nữa, nên bị quân Đại Việt chiếm hết đất và ngài đã phải tự tử.
Trong đời của vị vua này cho xây tháp thờ ngài tại Palei Thon, hiện dân Chăm hàng năm đến mùa Katê vẫn cúng kiếng. Tại Phan Rí có miếu gọi là Thang Ppo Rome Thauk tức là nơi thờ nhao của Ppo Rome sanh tại nơi đó. Theo truyền thuyết là nơi chôn nhau nhà vua, nhưng nhìn vào miếu này có năm tượng Kut rất đẹp, có lẽ đây là nghĩa trang dòng tộc mẹ nhà vua. Hàng năm palei Pa-auk (Tường Loan) thường vào miếu để cúng Katê. Trong thập niên 1990 có quân cướp lưu manh đã đào bới tượng Kut, dân làng Chăm phát hiện quân cướp cạn, đã để lại một cái thố không rõ thố này có phải đựng nhau không? Quân cướp này có lẽ đã bố trí canh gác cẩn mật để đào bới, vì miếu này nằm xác đường cái lên Sông Mao hoặc từ Sông Mao xuống Chợ Lầu, đêm ngày đều có người lên xuống. Ngoài ra cũng còn có miếu thờ dòng tộc của Ppo Rome trên Cà Lon, miếu này nằm trong cánh đồng ruộng Kaluk. Trong cuộc chiến tranh, miếu này đã bị phá sập chỉ còn lại đống gạch và nền miếu, một số hài cốt dòng tộc Ppo Rome do dân Churu cất giữ từ xưa đã mang giao lại cho bà Nguyễn Thị Thềm trong thập niên 1990. Trong số hài cốt trên có khoảng mười hài cốt được bộc trong hộp bằng vàng và bạc. Ngày nay có lẽ con cháu dòng tộc Ppo Rome nghèo túng quá, nên đã bán đi chỉ còn lại các hộp bình thường.
Trong Văn học Chăm II – Trường ca, Inrasara(4) có trích bài thơ nói về Ppo Rome và Ppo Nraup. Đọc bài thơ ta cảm thấy Ppo Rome là người anh đáng kính của Ppo Nraup. Tình cảm hai anh em thương yêu nhau, lúc mẹ mất sớm, qua bài thơ, làm người đọc xúc động, thương cảm Ppo Rome rất nhiều. Ppo Rome là một vị vua đáng kính, sống trong lòng dân tộc Chăm sâu sắc. Chúng ta cũng không hiểu tại sao dân Chăm đổ lỗi cho ngài làm mất nước Chăm vì một người đàn bà Đại Việt. Phải chăng đây là một sự đánh giá sai lầm, trong khi thâm tâm và thực tế ngài chuẩn bị cầu viện để có lực lượng hùng hậu phản công Đại Việt hầu giành lại đất đai đã mất từ các triều vua trước. Ppo Rome có lẽ là vị vua cuối cùng của Champa, giữ vững được nền độc lập tự chủ đối với Đại Việt. Sau Ngài, vua em là Ppo Nraup làm vua chỉ vỏn vẹn một năm rồi bị bắt, sau được trả tự do. Lăng mộ vua Ppo Nraup tọa lạc tại làng Tuy Tịnh (Palei Paplom) xã Lạc Trị, Tuy Phong, Bình Thuận, hiện nay do dòng tộc ngài thờ phượng và trông nom. Cũng cần nói thêm tượng vua này tay bồng đứa con, phía sau là tượng Kut, có lẽ Kut của dòng tộc bên vợ ngài.
Suy cổ luận kim, có lẽ Ppo Rome là một vua chết trên chiến trường, có công xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh, dân chúng sống trong cảnh thanh bình trong hơn hai mươi năm. Ngài đã mang lại cho dân Chăm một sự dung hợp giữa hai tôn giáo Bà-la-môn và Hồi Giáo thành tập tục Chăm Awal – Ahier thắt chặt tình đoàn kết như hiện nay.


II. Di tích tháp Ppo Rome

Cũng như bao tháp Chăm khác, tháp Ppo Rome được xây theo mẫu số chung và mang đậm tư tưởng tôn giáo Ấn Độ. Tháp là trung tâm hành lễ tôn giáo của cư dân Chăm trong vùng.
Tháp được xây trên mô hình thấp Ấn Độ, nhưng nhỏ bé hơn và mang đặc thù địa phương.
Tháp Ppo Rome nằm trên ngọn đồi Bbon Acauw thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm mười lăm cây số về phía Tây Nam. Tháp Ppo Rome được xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ vị vua Pô Rôme. Tháp Ppo Rome là một tổng thể kiến trúc gồm có ba ngôi tháp: Tháp chính, Tháp cổng và Tháp lửa. Nhưng hiện tại chỉ còn lại một ngôi Tháp chính cao mười chín mét bên trong có thờ một tượng vua Ppo Rome bằng đá dưới hình thể Mukhalinga: Trên đầu vua có ba đầu cùng chồng lên nhau, một đầu ở bên trái, một đầu ở bên phải và có hai đầu nữa, bên trái một bên phải một, có bốn tay mỗi bên, tay trái trên cầm lược, một tay cầm búp sen, một tay cầm dao. Bên phải tay trên cùng cầm cốc rượu thờ, tay cầm kiếm và tay cầm xiên. Hai tay chính đặt trước bụng, phía sau phù điêu chạm phồng hình đầu của đức vua. Mặt trước viên xung quanh biểu tượng cho trí tuệ của vua. Có hai con bò Nadin bằng đá nhỏ chầu hai bên. Toàn bộ được đặt trên bệ – phù điêu đá được làm bằng sa thạch. Phía bên tay trái của vua có một tượng thờ hoàng hậu Bia Thơn Cơn bằng đá – người Ê Đê. Cửa tháp hai cánh cổng bằng gỗ, thường được đóng, chỉ khi nào có làm lễ hoặc có khách thăm quan mới mở. Phía sau tháp chính còn có một ngôi miếu nhỏ thờ tượng hoàng hậu Bia Thơn Cih bằng đá – người Chăm. Còn hai ngôi tháp: Tháp cổng và Tháp lửa đã sụp đổ.
Nhiều tác giả nghiên cứu cho rằng tháp Ppo Rome được xây vội vàng, không kỹ lưỡng, không trau chuốt.
Tháp Ppo Rome không cao to bề thế như Tháp Ppo Klaung Garai nhưng tháp có một phong cách nghệ thuật riêng biệt – Phong cách Ppo Rome. Tháp Ppo Rome được xem là ngôi tháp cuối cùng trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đền tháp của người Chăm ở Việt Nam.

III. Kỹ thuật xây dựng
III.1. Một số ý kiến giả thuyết của các học giả trong và ngoài nước

Kỹ thuật xây dựng tháp Chăm luôn là đề tài nghiên cứu cho những ai quan tâm đến văn hóa Champa. Gần đây việc nghiên cứu khí cạnh xây dựng tháp được quan tâm và đưa ra thảo luận.
Hiện nay có một số ý kiến xung quanh vấn đề này như sau:
– Tháp xây bằng gạch mộc rồi nung toàn bộ (Leuba 1923)
– Tháp xây bằng vữa là nước cây xương rồng trộn mật mía tạo thành (Ngô Văn Doanh 1978), hay nhựa cây dầu rái (Trần Kỳ Phương 1980), hoặc gạch được xây bằng vữa đất sét rồi nung lại (Awawrzenczak và Skibinski 1987).
– Tháp được xây bằng kỹ thuật mài xếp gạch (Trịnh Cao Tưởng 1985).
– Tháp được xây dựng bằng nguyên vật liệu sản xuất tại chỗ (địa phương) với kỹ thuật xây dựng mài xếp phần vỏ và sử dụng vữa là bột mịn có độ nung như gạch xây tháp trộn với nước tạo nên (Lê Đình Phụng 1990).
– Theo truyền thuyết dân gian còn truyền ở các làng Chăm – Ninh Thuận hiện nay là tháp được xây bằng gạch mộc còn ướt chưa nung. Trước khi xây những viên gạch này đều nhúng vào dầu thực vật, rồi mới dùng xây tháp liền ngay lúc đó. Khi xây lên cao khoảng 1 – 5m thì ngừng lại để cho gạch khô và kết dính với nhau, rồi lấp đất xung quanh từng tháp đã xây. Sau đó, họ tiếp tục đứng trên lớp đất này xây tiếp cho đến khi xong tháp. Xây tới đâu lấp đất theo tới đó cho đến tận ngọn tháp. Cuối cùng họ đốt lửa nung đỏ tháp.
Khi tháp xây xong, người ta dùng lớp đất lấp xung quanh bên ngoài tháp thay cho giàn giáo, bằng cách gạt lớp đất này ra ngoài tạo thành một mặt bằng xung quanh tháp để cho thợ điêu khắc tiến hành trang trí. Công đoạn trang trí được tiến hành từ ngọn tháp dần dần đến chân tháp. Trang trí tới đâu người ta gạt đất ra tới đó cho phù hợp với thế ngồi của thợ trang trí và điêu khắc. Hình tháp sẽ lộ ra dần dần khi những lớp đất này được gạt ra. Cuối cùng khi những lớp đất được gạt ra hết thì tháp sẽ hiện ra nguyên hình hoàn chỉnh (Thành Phần 2000)(5).

III.2. Kỹ thuật xây dựng tháp Ppo Rome
Chúng ta có thể quan sát bằng mắt thường sẽ thấy mạch xây ở tháp trên lớp vỏ tháp, mạch xây có chiều dày 1mm đến 5-7mm, có chỗ đến 10mm. Đây là mạch rất dày so với mạch ở các tháp Chăm khác. Gạch xây được làm bằng đất sét cát kết lấy ngay tại địa phương. Gạch có khối lượng thể tích khoảng 1,55kg/dm3, cường độ chịu nén 50,7 daN/cm2(6). Có thể quan sát rõ các vết hình vỏ trấu sau khi cháy ở trong gạch, điều đó chứng tỏ người xưa đã trộn trấu vào đất làm gạch trước khi nung. Tuy nhiên, việc trộn trấu không được kỹ nên nên độ xốp trong viên gạch không đồng đều.
Ở tháp chính chúng ta có thể nẩy ra được phần vữa xây tháp. Nhìn bên ngoài vữa có màu trắng, bị nứt nẻ nhiều trông như vữa vôi. Gần như vữa đã mất lên kết với gạch, ta dùng tay bóp mạng sẽ vụn ra.
Theo Trần Bá Việt thì ở tháp Chính và tháp Nam theo phân tích thì có chứa thành phần gồm vôi cacbonat, cát trong vữa khoảng 40%, dầu rái khoảng 30%, vôi 30%. Ông kết luận rằng ở tháp này có vữa xây là dầu rái trộn với vôi. Kỹ thuật xây ở đây là kỹ thuật dán gạch bằng vữa vôi trộn với dầu rái. Dầu rái được nung nóng rồi trộn với vôi dùng làm vữa dán gạch.(7)
Từ những kết quả trên chúng ta có thể kết luận như sau:
– Tháp Ppo Rome (tháp Chính và tháp Nam) được xây bằng hỗn hợp các loại nhựa dầu rái nóng trộn với vôi, san hô, cát.
– Gạch xây cơ bản là gạch truyền thống của Chăm, nhưng do thành phần nguyên liệu của từng địa phương tạo ra.
– Tháp được xây dựng không kỹ lưỡng, tinh xảo như trước, đường nét nhìn chung khô cứng, không có sinh khí.
– Kỹ thuật dán mạch bằng vữa có thể xây tháp khá nhanh. Gia công gạch về cơ bản là cưa, đục hoặc mài sơ trước khi dán. Chấp nhận có chiều dày mạch vữa vì vậy bề mặt tháp không được đẹp như các tháp khác.
– Chất lượng khối xây về cường độ tuổi thọ và thẩm mỹ của kiểu xây bằng cách dán đều không cao bằng kỹ thuật xây mài chập.
– Kỹ thuật xây dựng tháp Ppo Rome là một sự chuyển tiếp về kỹ thuật xây dựng trong giai đoạn cuối của vương triều Champa.
Như vậy chúng ta có thể hiểu một cách khái quát rằng kỹ thuật xây dựng tháp Chăm cho đến bây giờ vẫn là điều bí ẩn cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Nhưng theo tôi thì kỹ thuật xây dựng tháp Chăm nó còn chứa đựng cả tâm linh, tâm hồn của con người trong đó nữa. Vì chúng ta ngay khi là nhà khoa học danh tiếng cũng không lý giải được về mặt tâm linh mà ta vẫn thấy tận mắt hằng ngày.

Kết luận
Dưới thời Ppo Rome cuộc sống của người dân được ổn định nhất, của một triều đại được coi là cuối cùng của vương triều Champa. Ppo Rome đã đem lại sự dung hòa tôn giáo giữa Bà-la-môn và Bàni vẫn được giữa đến ngày nay.
Kỹ thuật xây tháp Ppo Rome là xây dựng theo kiểu mài dán gạch, không phải là kỹ thuật mài chập. Chất dán gạch là hỗn hợp vữa vôi cát với nhựa dầu rái. Gạch xây được gia công cưa, cắt, mài trước khi xây tháp. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử xây dựng các tháp Champa được thể hiện bằng kỹ thuật dán gạch.
Với những nghiên cứu gần đây đã phần nào hiểu thêm về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm, việc nghiên cứu kỹ thuật xây dựng tháp Chăm vẫn là một ẩn số cho các nhà khoa học quan tâm đến nền văn hóa cổ đã tồn tại trong dòng lịch sử của Việt Nam.

_____________
Chú thích:
1. Bài viết này có sử dụng bài của Yassin Pangdurang trên tạp chí Vijaya 4. Xem thêm ilimochampa.org.
2. Lương Ninh 2004: Lịch sử vương quốc Champa, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 187.
3. Dohamide – Dorohiêm, 1965: Dân tộc Chàm lược sử, Sài Gòn, tr. 102.
4 Inrasara 1996: Văn học Chăm II – Trường ca, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr. 263 -269.
5. Trần Bá Việt (chủ biên) 2005: Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng tháp Champa phục vụ trùng và phát huy giá trị di tích, NXB Xây dựng, Hà Nội, tr. 88.
6. Trần Bá Việt (chủ biên) 2005: Nghiên cứu kỹ thuật xây… Sđd tr. 267.
7. Trần Bá Việt (chủ biên) 2005: Nghiên cứu kỹ thuật xây…. Sđd.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *