Ths. Quảng Đại Cẩn.
Chương trình dạy tiếng Chăm tại Ninh Thuận, Việt Nam,
Thực trạng và giải pháp
Dịch từ bài Tham luận tại Đại học Hawaii, 2006
I. Dẫn nhập:
I.1. Dân số:
Dân số nhóm sử dụng ngôn ngữ Chamic vào khoảng 1.700.000 người, họ còn được gọi là Champa. Họ sống phân tán thành những nhóm nhỏ hơn. Có khoảng 133.000 người Chăm cứ trú ở ven biển miền Trung, tập trung trong các làng nhỏ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Châu Đốc. Có khoảng 1.064.000 người (Cục thống kê 1999) ở vùng cao nguyên, bao gồm các nhóm khác nhau như: Rhade, Jarai, Hroi, Chru, Raglai, và Kaho. Có trên 500.000 người Chăm Hồi giáo ở tại Campuchia, cư trú tại Phnom Penh và dọc theo sông Cửu Long, biển hồ Tonle Sap tại các tỉnh Krache, Kongpong Cham, Kongpong Chnang, Kongpong Thom và Battambang. Một số người Chăm sinh sống ở Lào, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Châu Âu, Hoa Kỳ và đảo Hải Nam. Bài viết này tập trung vào việc dạy chữ Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có trên 100.000 người Chăm trong tổng số 650.000 người các dân tộc khác trong tỉnh.
I I. 2. Ngôn ngữ và văn chương:
Tiếng Chăm thuộc nhóm ngữ Nam Đảo. Nó bắt nguồn từ ngôn ngữ của vương quốc Champa. Chữ Chăm cổ nhất được thấy trên bia Võ Cạnh vào thế kỷ thứ hai. Trong suốt thời kỳ thăng trầm và suy vong của vương quốc Champa, người Champa đã lánh nạn rãi rác khắp nơi ở vùng Đông Nam Á như: Hải Nam, Campuchia, Thái Lan và trong lãnh thổ Việt Nam. Vì điều kiện sống cách biệt, ngôn ngữ của họ đã phát triển tách biệt thành những nhánh phương ngữ trong họ ngôn ngữ Chamic. Tựu chung lại thành hai nhóm chính: Chăm Đông được dùng tại Việt Nam và Chăm Tây ở Campuchia, nhóm được xem là lớn nhất.
Văn chương Chăm có thể được phân chia thành cổ văn và hiện đại. Văn chương cổ là văn chương bia ký đuợc khắc chạm trên các bia đá được tìm thấy trên khu vực miền trung Việt Nam, mà đã để lại những ghi chép về lịch sử và tôn giáo Cham. Văn chương hiện đại bao gồm các văn bản chép tay trên các lá buông hay giấy bồi được viết bằng mực chiết từ các rễ cây. Nếu phân chia theo nội dung thì có thể phân ra thành các tài liệu liên quan đến tín ngưỡng, pháp thuật và thế tục. Phần văn chương thế tục bao gồm các ghi chép, truyện, truyền thuyết, sấm ký, trường ca, sử thi. Sử thi tiêu biểu là Pram Dit Pram Lak, là ký sự dạng thơ của Ramayana, Akayat Dewa Mano (tương tự với truyền thuyết Dewa Mandu của Mã Lai), Akayet Inra Patra (tương tự như truyền thuyết Indera Putera của Mã Lai) và Akayet Um Mrup. Chúng rất được phổ biến trong người Chăm ở Việt Nam. Văn chương thế tục này cũng bao gồm những văn bản về các biến cố lịch sử, huyền sử và giai thoại về gia đình hoàng tộc. Cũng còn những văn bản về y học, động vật học, dược thảo học, kỹ thuật nông nghiệp và xây dựng. Cuối cùng cũng phải kể đến những gia huấn ca về đạo đức và truyền thống Muk Thruh Palei.
I I. Thực trạng của chương trình tiếng Chăm:
Nguy cơ phân nhánh của tiếng Chăm đã dẫn đến nguy cơ bị lãng quên. Tiếng Chăm Tây chỉ được thỉnh thoảng truyền dạy trong thánh đường hoặc trong vài gia đình. Ở vùng Chăm Đông, trước khi đưa được vào nhà trường thì sự truyền bá chỉ hạn chế ở một vài nhóm nhỏ lẽ ở gia đình các chức sắc. Nhìn chung tiếng Chăm chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình và cộng đồng Chăm. Chưa là ngôn ngữ văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật, và kinh tế. Chưa có một bản tin, hay báo chí bằng tiếng Chăm.
I I. 1. Trong trường tiểu học:
Chương trình tiếng Chăm trong nhà trường ở Việt Nam được thống nhất cho tất cả các vùng có đông đồng bào Chăm cư trú. Chương trình được bắt đầu thí điểm vào năm 1978 cho hai lớp 1 ở hai trường khác nhau, sau đó tăng dần lên các lớp lớn hơn cho đến năm 1985 thì xong thí điểm lớp cuối cấp tiểu học. Cho đến năm 1995 chương trình mới mở rộng ra đến tất cả các trường tiểu học ở vùng Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong năm học 2001- 2002 có khoảng 10.000 học sinh Chăm và 300 giáo viên tham dự chương trình.
Giáo viên đứng lớp phải theo đúng giáo trình được quy định và biên soạn trong sách giáo khoa bằng tiếng Chăm (mẫu tự truyền thống Akhar thrah). Tiếng Chăm được dạy 3 giờ mỗi tuần từ lớp 1 đến lớp 5 như là một môn học cùng với chín môn học bắt buộc khác bằng tiếng Quốc ngữ trong trường tiểu học. Mục đích của chương trình là giúp các em đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ Chăm và chuyển tiếp vào tiếng Việt tốt để có thể theo đuổi lên bậc học cao hơn. Từ năm học 2002- 2003, số lượng học sinh tham gia chương trình vẫn phát triển bình thường, nhưng thời lượng chương trình bị hạn chế, chỉ còn hai tiết (một tiết khoảng bốn mươi phút) trong một tuần và chỉ có năm mươi giáo viên tham gia chương trình. Không như trước đây ba, bốn tiết tiếng Chăm trong một tuần học và trên ba trăm năm mươi giáo viên phụ trách các lớp, dạy luôn môn tiếng Chăm. Đã hạn chế rất nhiều đến chất lượng của chương trình.
I I.2. Trong các lớp cho người lớn:
Những lớp dành cho người lớn còn gọi là Lớp xóa mù hay là Lớp căn bản chỉ được mở vào năm 1983 ở hai làng Thành Tín và An Nhơn. Đó là những lớp đêm kéo dài trong hai tháng cho tất cả những ai chưa viết hoặc đọc được chữ Chăm. Chương trình bao gồm nội dung ngôn ngữ của năm năm cấp tiểu học và trải dài trong tám mươi giờ học trên lớp được quy định trong giáo trình. Mục tiêu của chương trình là xóa mù tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng.
I I. 3. Trong các lớp đào tạo giáo viên:
Có bốn loại lớp đào tạo giáo viên là:
Khóa học cho giáo sinh:
Đây là các lớp mùa hè ở trường Sư phạm Ninh Thuận do giáo viên thỉnh giảng của Ban Biên soạn sách chữ Chăm hướng dẫn. Chương trình kéo dài hai trăm mười sáu giờ học trong vòng hai tháng (Can, 1999). Chương trình được thiết kế thành hai phần riêng biệt, nội dung ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy ngôn ngữ có thực hành giảng dạy các tiết học thật sự. Hoàn thành khóa học này, theo đánh giá của Ban Biên soạn, các giáo sinh này có thể dạy tiếng Chăm từ lớp một đến lớp 3. Nếu tiếp tục tự bồi dưỡng tiếng Chăm họ có thể dạy tiếng Chăm đến lớp 5 và các loại hình lớp tiếng Chăm khác. Những khóa học này được tổ chức hai năm một lần từ năm 1990. Cho đến năm 2001, đã có trên 300 giáo viên dạy tiếng Chăm tốt nghiệp từ các khóa học này.
Khóa Tiếng Chăm căn bản:
Những khóa này dành cho sinh viên, giáo viên và những người quá tuổi đến trường. Khóa học kéo dài trong năm tuần lễ liên tục tại Ban Biên soạn Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp Chăm căn bản nhất được giới thiệu trong khóa học này.
Khóa nâng cao tiếng Chăm:
Những khóa học này dành cho các giáo viên đã và đang giảng dạy tiếng Chăm bậc tiểu học muốn nâng cao tay nghề. Nội dung trao đổi trong khóa học bao gồm các khía cạnh ngôn ngữ học của tiếng Chăm và phương pháp giảng dạy tiếng Chăm có hiệu quả. Lớp học được tổ chức tại Ban Biên soạn và kéo dài trong bốn tuần lễ thực học.
Lớp Bồi dưỡng thường xuyên:
Khóa học này thường được tổ chức mười ngày trước khi bắt đầu năm học mới, dành cho tất cả các giáo viên đang giảng dạy tiếng Chăm. Nó kéo dài trong hai ngày, để cập nhật những thay đổi và đòi hỏi để chương trình giảng dạy tiếng mẹ đẻ- tiếng Chăm được tốt hơn. Đây cũng là dịp để giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp tại các địa phương khác nhau chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học tiếng Chăm. Cũng trong dịp này, phần thưởng cho học sinh và giáo viên xuất sắc được trao để ghi nhận và khích lệ sự cố gắng của họ trong một năm học vừa qua. (Trai, 2004).
Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, nhu cầu hiểu và thông thạo tiếng Chăm trong lực lượng công an và quân sự đã nảy sinh. Ban Biên soạn đã mở thêm những khóa tiếng Chăm hai tháng cho các đối tượng này cùng với các nhà nghiên cứu gốc Việt và ngoại quốc tại trường Chính trị tỉnh hay tại BBSSCC.
I I I. Xu hướng của chương trình giảng dạy tiếng mẹ đẻ:
I I I. 1 Tại Việt Nam:
Ngoài chương trình tiếng Chăm, còn có mười một nhóm ngôn ngữ khác đang được giảng dạy trong nhà trường tiểu học, như nhóm Hmong, Tày, Nùng, Thái, Jarai, Êđê, Churu, Kaho, Bahna, Khmer, và Hoa. Theo số liệu của cục thống kê quốc gia, có mười một triệu người dân tộc thiểu số chiếm 13,8% dân số cả nước. Trong đó có khoảng mười hai nhóm sắc tộc có dân số trên một trăm ngàn lên đến một triệu. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, tất cả năm mươi ba dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có ngôn ngữ riêng của họ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng tám chương trình ngôn ngữ để dạy trong trường tiểu học và trường dân tộc nội trú, đã hướng dẫn biên soạn trên hàng trăm đầu sách song ngữ trong lĩnh vực này để dùng trong nhà trường. Cũng để phục vụ giảng dạy, nhiều cuốn từ điển đối chiếu và phương ngữ Dân tộc – Việt và Việt – Dân tộc đã được xuất bản. Cùng với những chương trình do địa phương biên soạn, có đến hai mươi lăm tỉnh đang áp dụng các chương trình dạy tiếng mẹ đẻ trong trường Tiểu học (Bộ Giáo dục, 2004).
I I I. 2. Ở Hawaii:
Đã có chương trình hoàn toàn bằng tiếng Hawaiian cho bậc tiểu học, và trung học. Phong trào này ban đầu bắt đầu bằng chương trình dạy tiếng Hawai cho lớp nhà trẻ được gọi là Punana Leo vào năm 1984. Kết quả là Sở Giáo dục Hawaii chấp nhận chương trình hoàn toàn bằng tiếng Hawaiian dạy trong các trường công từ năm 1987. Hiện nay, có mười sáu trường tại Honolulu và hai mươi tám trường tại các đảo khác đang áp dụng chương trình này. Giáo dục thực hiện bằng tiếng Hawaiian đã bao phủ từ lớp 1 đến lớp mười hai lần đầu tiên vào năm 1999. Trong những lớp này, tiếng Anh bắt đầu được học từ lớp 6. Có cả chương trình tiếng Hawaii và tiếng Anh trong những trường loại này. Có khoảng 30- 50% học sinh của các trường này tham gia chương trình tiếng Hawaiian. Với dân số khoảng 230 ngàn người tại tiểu bang Hawaii, số học sinh theo học chương trình Hawaian này là 1726 học sinh, 95 giáo viên. Trường có đông học sinh nhất là Trường Anuenue School có 343 học sinh.
Chương trình tiếng Hawaiian được dạy cho đến bậc đại học cấp cử nhân hay thạc sĩ tại các trường Đại học Hawaii ở Manoa và Hilo (Kamana và Wilson, 1996).
I I I. 3. Ở Singapore:
Dạy tiếng mẹ đẻ ở Singapore đã được ổn định và có ích để tăng cường hệ thống giáo dục được quy định trong chính sách song ngữ của đảo quốc này. Mọi học sinh trước khi đến trường chọn cho mình một tiếng mẹ đẻ là tiếng Mã, Hoa hay Tamil để học ở trường như là một môn học cùng với tiếng Anh là ngôn ngữ chính được dạy trong nhà trường, từ cấp tiểu học đến hết cấp trung học một buổi học trong một tuần, khoảng bốn giờ. Những tiếng này cũng được giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học. Hầu như mọi công dân đều thông thạo tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Điều này chỉ có thể đạt được khi hệ thống giáo dục và môi trường sinh hoạt xã hội được hoạch định để nuôi dưỡng và phát triển tính chất song ngữ cho học sinh và công dân của mình. (Giáo dục Singapore, 2003).
I I I. 4. Ở Campuchia:
Gần như tất cả phụ nữ và trên 80% nam giới ở các vùng cao của Campuchia mù chữ, và hầu hết các trẻ em không được đến trường. Để cải thiện tình hình này, một dự án thí điểm song ngữ được hình thành tại Ratanakiri từ năm 1997 thực hiện cho bốn loại ngôn ngữ: Tampuan, Brao, Krung, và Kavet. Dự án này dùng mô hình lời giảng của giáo viên trong thời gian đầu bằng tiếng mẹ đẻ sau đó làm quen dần với tiếng Khmer sao cho học sinh học viết và đọc bằng cả hai ngôn ngữ và hội nhập được vào nền giáo dục chung. Với mục tiêu là đem “giáo dục đến cho mọi người” và giáo dục có chất lượng cho trẻ em trước cuối năm 2005, chính phủ Campuchia có lẽ phải áp dụng rộng rãi hơn giáo dục song ngữ, bởi vì đây là phương tiện giúp cho người sắc tộc, cả trẻ em lẫn người lớn, tiếp cận được với nền giáo dục chung của cả nước (Chap và Thomas, 2003).
IV. Thành công và hạn chế của chương trình giảng dạy tiếng Chăm:
IV. 1. Thành công:
Chương trình giảng dạy tiếng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận được xem là một trong những chương trình giáo dục song ngữ thành công nhất tại Việt Nam. Vào năm 2004, tham gia chương trình tiếng Chăm có tất cả là 9.524 học sinh tiểu học, 351 lớp và 242 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Tỉ lệ học sinh có điểm số cuối năm cho môn học này đạt trên trung bình là 87,9% (Trai, 2004). Kết quả khả quan của chương trình được biểu hiện trên các khía cạnh sau:
IV. 1. 1. Chính sách và nguồn tài chính của UNESCO và cố gắng của Bộ Giáo dục:
Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946, 1959, 1980, và 1992 đã kiên trì khẳng định mục tiêu trong điều 5 là: “Dân tộc thiểu số có quyền hưởng nền giáo dục bắt buộc và miễn phí bậc Tiểu học và Trung học cơ sở bằng tiếng mẹ đẻ, dùng tiếng mẹ đẻ và chữ cổ truyền để bảo tồn và phát triển truyền thống, phong tục tập quán và văn hóa của mình”.
Vào năm 1982, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch viết lại chương trình và sách giáo khoa, đồng thời huấn luyện giáo viên giảng dạy tiếng Chăm để nâng cao chất lượng chương trình tiếng mẹ đẻ tại các tỉnh vùng Chăm.
Vào tháng Giêng năm 1996, một cuộc hội thảo được tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia về giáo dục, ngôn ngữ và các giáo viên cốt cán trong chương trình tiếng Chăm để hoạch định lại chương trình và biên soạn lại sách giáo khoa cho Dự án giáo dục lớp ghép và song ngữ. Kết quả của đợt hội thảo đã hoàn thành bộ tài liệu cho chương trình song ngữ gồm các sách tranh khổ to về văn hóa địa phương bằng tiếng Chăm, Hmong, Bahna và Khmer. Cũng trong năm 1996, Bộ Giáo dục đã phát triển dự án “giáo dục song ngữ và lớp ghép” thành dự án “giáo dục tiểu học dân tộc”. Cùng với các chuyên gia ngoại quốc từ Úc, sự tài trợ của Unicef (Dự án giáo dục phổ thông cho trẻ em sắc tộc thiểu số của Unicef), và Ngân hàng thế giới. Dự án dự kiến hoàn tất vào năm 2005.
IV. 1. 2. Sách giáo khoa phù hợp và giáo viên được đào tạo bài bản:
Nhằm mục tiêu giúp quản lý chương trình có hiệu quả, chính quyền địa phương đã thành lập Ban Biên soạn sách chữ Chăm (BBSSCC) trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận (Thuận Hải cũ). Sách giáo khoa được biên soạn lần đầu tiên vào năm 1978. Chúng được cập nhật hằng năm và được ấn hành vào năm 1985. Năm 2003, bộ sách giáo khoa mới được in xong từ lớp 1 đến lớp 5. Sách mới này rất nhiều ưu điểm và phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.
Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Chăm được đào tạo tại trường sư phạm tỉnh và các khóa ngắn ngày mùa hè tại BBSSCC càng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khoảng 500 giáo viên dạy tiếng Chăm sẵn sàng đáp ứng cho hàng trăm lớp tiếng Chăm với đòi hỏi chất lượng ngày càng tăng cao.
IV. 1. 3. Sự quan tâm của cộng đồng:
Sự quan tâm của cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương và cả cộng đồng thông qua các hoạt động liên quan đến hoạt động dạy và học trong trường tiểu học, vai trò của tiếng Chăm trong đời sống kinh tế xã hội cải thiện đáng kể, như:
a. Người Chăm cảm thấy tự hào hơn về tiếng mẹ đẻ của mình và sẵn lòng sử dụng nó hằng ngày trong gia đình và cộng đồng.
b. Tỷ lệ người Chăm biết thông thạo viết và đọc tiếng và chữ Chăm càng ngày càng nhiều.
c. Số lượng trẻ em Chăm đạt sự thông thạo, chuẩn mực trong tiếng Chăm tăng hàng năm, khoảng 10.000 em có cơ hội tiếp cận với tiếng mẹ đẻ. Cả những em có dòng máu pha trộn không thuần Chăm hay cả các em không là Chăm sống trong vùng Chăm cũng có thể tham gia chương trình này.
IV. 2. Hạn chế:
IV. 2. 1. Thiếu vắng sự hướng dẫn của cha mẹ tại nhà:
Bởi vì không có các khóa học cho đối tượng người lớn nữa từ năm 1983, hầu như tất cả người Chăm lớn tuổi không hiểu được cách đánh vần mới được sử dụng trong nhà trường hiện nay. Các khóa học quá ít, nên rất ít phụ huynh biết được điều gì đang giảng dạy trong nhà trường. Họ không thể giúp được con của họ học tiếng Chăm ở nhà.
IV. 2. 2. Thời lượng giảm còn một nửa:
Trong năm học 2003- 2004, thời lượng học của bộ môn tiếng Chăm ở lớp 1 và 2 bị rút ngắn còn có hai tiết (một tiếtbốn mươi phút) trong một tuần thay vì bốn tiết như quy định cụ thể trong chương trình, sách giáo khoa và sự chỉ đạo của Bộ chủ quản. Đối với lớp 3, 4 và 5, thời lượng dạy tiếng Chăm cũng sẽ giảm xuống còn hai tiết trong những năm tiếp theo. Thế nên, thời gian để cho các cháu tiếp xúc với ngôn ngữ quá ít, chỉ có hai tiết tương đương với một giờ ruỡi một tuần. Trong khi tất cả các thời gian khác trong ngày các em tiếp xúc với tiếng Việt trong lớp cũng như trong lúc thư giãn trước màn hình cũng toàn bằng tiếng Việt, chúng sẽ mau chóng quên tiếng Chăm đã được dạy trong nhà trường. Hậu quả của việc cắt giảm này tạo nên sự tai hại nghiêm trọng đến chính sách cổ vũ tình trạng song ngữ trong giáo dục và trong cộng đồng điều mà đã ổn định nhờ sự kiên trì cố gắng của mọi người trong chương trình. Theo một quan chức ngành giáo dục tại Ninh Phước – Ninh Thuận, lí do của việc cắt giảm giờ học của các em là do không xếp lịch được và do thiếu ngân sách. Trong khi tại tỉnh Bình Thuận, chương trình vẫn được thực hiện đều đặn bốn tiết trong một tuần học. Các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục cũng không có gì thay đổi, bốn tiết trên tuần.
Thêm nữa, khi đã tốt nghiệp cấp Tiểu học và vào trường Trung học Cơ sở, nơi không được các lớp dạy tiếng mẹ đẻ, học sinh rồi sẽ quên tiếng Chăm đã học ở Tiểu học.
IV. 2. 3. Là một môn dạy chuyên, thiếu sự trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp:
Một điều khiếm khuyết đã làm cho chương trình kém thành công so với mong đợi nữa là mỗi trường chỉ có một giáo viên dạy chuyên, không như trước đây, mỗi lớp một giáo viên. Do đó giáo viên tiếng Chăm không có cơ hội và động lực để nâng cao tay nghề và cải tiến phương pháp. Cơ chế này đã hạn chế sự kích thích việc chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm trong giảng dạy giữa các giáo viên với nhau. Hậu quả là, thành quả ban đầu của chương trình song ngữ chưa đủ thời gian để định hình đã phải chịu nguy cơ bị tàn lụi.
V. Một số giải pháp để duy trì sự phát triển của chương trình tiếng Chăm:
Để cứu vãn sự sống còn của một ngôn ngữ sắc tộc thiểu số trong cộng đồng của nó là một việc làm không mấy dễ dàng. Chỉ có đưa vào giảng dạy trong trường Tiều học và sử dụng trong gia đình không thôi là không đủ. Cần có sự ủng hộ của toàn xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng cần truyền bá những hình mẫu giao tiếp. Khuyến khích sáng tác thơ văn nhạc hay dịch các tác phẩm hay sang tiếng Chăm. Những điều này sẽ nâng cao động lực phát triển chức năng của ngôn ngữ. Cụ thể, các giới chức địa phương nên tăng thời lượng và chất lượng chương trình TV và radio phát bằng tiếng Chăm. Ít nhất có một tạp chí hay tờ báo được xuất bản bằng tiếng Chăm. Phim ảnh và Karaoke bằng tiếng Chăm cũng cần có. Trước mắt, văn chương dịch thuật cũng cần được chú ý để thỏa mãn nhu cầu đọc nhất thời của học sinh và cộng đồng.
V. 2. Mở các lớp tiếng Chăm cho người lớn:
Nhằm mục đích giúp người Chăm đã qua độ tuổi đến trường ôn lại tiếng mẹ đẻ của họ, các lớp cho người lớn cũng rất cần thiết được mở tại các làng Chăm. Các lớp này sẽ thỏa mãn cả hai yêu cầu của đồng bào và chương trình là xóa mù và giúp con em họ học tiếng Chăm tại nhà. Điều này cần thiết để xây dựng một môi trường song ngữ cho cộng đồng.
V. 3. Phát triển chương trình:
Tếng Chăm cần có một chương trình phù hợp để khắc phục các khiếm khuyết nêu trên. Một vài điều chỉnh cần được áp dụng càng sớm càng tốt: Tiếng Chăm cần được dạy bốn giờ một tuần cho bậc tiểu học; tiếng Chăm cũng cần được kéo dài lên đến hết bậc trung học, hết lớp 12; chứng chỉ môn tiếng Chăm là điều kiện cần để học sinh sắc tộc Chăm vào học đại học. Vì ở cấp trung học, học sinh Chăm học rải rác ở các lớp khác nhau, nên các lớp tiếng Chăm ở bậc học này nên mở tại các Trung tâm học tập cộng đồng hoặc điạ điểm thuận lợi cho các em dễ tham gia, các học sinh Chăm cùng khối lớp đến đăng ký học chung với nhau. Vì tính chuyên biệt, các lớp này nên đặt dưới sự tổ chức và điều hành của BBSSCC.
Nếu chúng ta có chương trình và biện pháp hiệu quả để hiện thực chính sách ngôn ngữ tốt đẹp của chính phủ Việt Nam, tiếng Chăm sẽ tồn tại lâu hơn và góp phần tích cực hơn trong chức năng giao tiếp và phát triển xã hội.
________
Tài liệu tham khảo
References
Can, Q.D. (1999). Giáo trình Ngữ văn Chăm dành cho giáo sinh sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận (lưu hành nội bộ).
Can, Q. D. (2004). Champa. Language. Language Documentation Project. University of Hawaii at Manoa, from website, http://www.ling.hawaii.edu/~uhdoc/
Chap, H. C., The, I., & Thomas, A. (2003). Bilingual Education in Cambodia. Presented at Conference on Language development, Language Revitalization and Multilingual Education in Minority Communities in Asia, Bangkok, Thailand, 6-8 November 2003, from: http://www.sil.org/asia/ldc/parrallel_papers/he_chey_chap.pdf
Database in 2003 in http://www.ksbe.edu/pase/pdf/Reports/Demography_Well-being/DataBoard/
Inrasara. (1995). Văn học Chăm I – Khái luận và văn tuyển, NXB. Văn hóa Dân tộc. H., 1994.
Kamana, K. & Wilson, W. H. (1996). Hawaiian language programs. Stabilizing Indigenous Languages. Center for Excellence in Education, Northern Arizona University, from http://www.ncela.gwu.edu/pubs/stabilize/index.htm
Marilyn, W., & Paul, M. (1996). Teacher education partnerships in Vietnam, Australian Teacher Education Association Conference, University of Melbourne.
MOET (2004). Teaching mother and national language for minority students: Better apply principle of bilingual teaching.
http://www.edu.net.vn/Default.aspx?&tabid=2&mid=44&tid=149&iid=1412
Singapore Education. (2003). Singapore education branch. Singapore tourist board, from http://www.singaporeedu.gov.sg/htm/index.htm
The, B. K. (2003). Multilingual education in the community of minority peoples of Vietnam. Presented at Conference on Language development, language revitalization and multilingual education in minority community in Asian, 6- 8th November 2003, Bangkok, Thailand.
Trai, L. M. (2004). Báo cáo Tổng kết năm 2003-2004 của BBSSCC, photocopy.
Ty, N.V. (1998). Báo cáo kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập BBSSCC, photocopy.