[Tadhuw phwơl Tuần lễ Tagalau: 9-10 – 15-10-2009]
Nhìn qua cảm thức hậu hiện đại là cái nhìn giải-trung tâm, phá vỡ vách ngăn văn chương [bị cho] là ngoại vi với văn chương trung tâm [thế giới], văn chương ngoài lề/ chính lưu, nam/ nữ giới, dân tộc thiểu số/ đa số, thơ tiếng Chăm/ tiếng Việt, văn chương địa phương/ trung ương… Đưa thơ trở lại ngôi nhà thi ca như nó là thế: giải trừ thói quen viết và đọc, một thói quen đẩy thơ vào bế tắc dai dẳng, khiến thơ tự đánh mất mình, “xa rời quần chúng” rồi đánh mất luôn người đọc trung thành.
Bởi thơ là một thực thể bất định nên, để tồn tại, nó luôn hướng về phía chuyển động. Tuy vậy, dẫu thơ bị đóng cứng bởi đầu óc bảo thủ ngoan cố tới đâu, bị làm rách nát do kẻ nổi loạn phá phách cỡ nào; thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến những đâu chăng nữa, nó cũng phải trở về. Trở về nơi nó xuất phát: con người, ở ngôi nhà của nó: ngôn ngữ.
Trong ngôi nhà đó, thơ mãi có mặt.