Bùi Vĩnh Phúc, Damau.org, 12-8-2009
Tolstoi viết: “Yếu tính của hoạt động nghệ thuật, của tác phẩm nghệ thuật, là làm kích thích, gợi nhắc trong con người một cảm giác nào đó mà nó đã trải qua, và trong sự kích thích gợi nhắc đó, tác phẩm nghệ thuật dùng những động tác, những đường nét, màu sắc, âm thanh, hoặc là những thể cách khác được diễn tả ra bằng lời, bằng chữ, để chuyển đạt cái cảm giác kia đến mọi người, khiến cho họ cũng kinh nghiệm được cái cảm giác đó như nhà nghệ sĩ.”
Martin Heidegger, triết gia nổi tiếng của Đức, thì nhận xét rằng một tác phẩm nghệ thuật chắc chắn phải là một vật được bàn tay, khối óc người nghệ sĩ làm ra; nhưng một tác phẩm như thế phải nói lên được một cái gì đó cao và xa hơn chính bản thân nó, allo agoreuei. Tác phẩm ấy phải là một thứ dụ ngôn để nói về một cái gì khác, sâu sắc và tiềm ẩn hơn. Theo ý Heidegger, một tác phẩm nghệ thuật, như thế, mang theo cùng với nó một cái gì khác nữa, ở bên ngoài sự hiện hữu có tính cách vật chất của tác phẩm nghệ thuật ấy. Trong tiếng Hy Lạp, cái sự mang vào, mang đến, mang với, hoà hợp vào này được diễn tả bằng chữ sumballein. Tiếng Anh là symbol. Tác phẩm nghệ thuật phải là một biểu tượng.