Họ và tên: Nguyễn Thị Nguyệt, bút danh: Lưu Mêlan
1989: sinh tại Phan Rang – Ninh Thuận
2005: Học sinh trường Trung học phổ thông Chu Văn An – Ninh Thuận
2007: Sinh viên trường đại học Kỹ Thuật Công Nghệ TP Hồ Chí Minh.
2009: viết văn, làm thơ.
Hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh.
*
… Chỉ còn thân xác rã rời mi
Quần la trong đêm tối
Mảnh hồn mi nhòa khan cát bụi
Gió phi trường Thành Sơn xa lạ mi
Núi Chà Bang xa lạ mi
Và cả biển
Réo gọi ngươi
Khác
Tin nhắn Lưu Mêlan:
20:52 18-6-09.
Chot e nghi 30 nam sau bien Ninh Chu doi khac, e khong con do nua, voi no. Cung co the ngay mai thoi. E nghe minh nhe bong. Nhu con ma hong chan. E so hai. Nhung ko biet so cai gi…
Reply:
Do la cam thuc Hien sinh goi la xao xuyen angoisse, hay so hai can nguyen.
Mi sinh ra
Thời thế khác
Dòng họ khác, con sông khác
Mùa lũ, mùa khô, thời gian đã
Khác
Bụm xương rồng ngạo ngang thời khóc
Bãi đất hoang nứt đỡ thân ngươi
Sụp
Tàn
(“Sinh 1”)
Rồi…
một sáng thức giấc tôi thấy tất cả chợt xa lạ. Tôi như đang bềnh bồng trôi trong không gian lạ huơ lạ hoắc. Tôi nằm lì trên giường, cố gắng điều hòa hơi thở định thần. Lạ quá! Căn phòng chợt xa lạ, như là không phải phòng của mình hai mươi năm qua. Tiếng đám trẻ chơi la hét ngoài kia bỗng chốc trở thành lạ lẫm. Tôi rướn người nhìn ra ngoài, mặt trời xa lạ. Gió và nắng cũng lạ. Mẹ vừa bước vào, sao giọng mẹ nghe là lạ. Mẹ đi ra. Tôi thử lên tiếng gọi mẹ, âm thanh nghẹn lại nơi cuống họng. Bóng ông anh vừa đi qua, dáng anh sao hôm nay khác lạ. Tôi vói tay ngoắc, dường không nhìn thấy, anh bỏ đi.
Tôi nghe thân xác oải, rã rời.
Tôi vùng dậy khỏi giường, lấy xe phóng xuống biển. Hơn cả bạn tâm giao, biển luôn thân thiết với tôi, hôm nay biển cũng hóa xa lạ. Nó cứ vỗ lạnh lùng, lạnh lùng đến vô hồn. Ngàn đợt sóng cuốn chìm bao nhiêu là hình ảnh thân mật hôm qua. Cuốn trôi cả tôi. Thân xác và tâm hồn tôi dật dờ trôi. Mất hút.
Thư Lưu Mêlan 22-6-09
Em nghe mình đang chết. Em thấy sống và chết như nhau, không khác. Nó cứ ám em. Nó bước vào phòng, ngồi đó, rồi bỏ đi. Nhưng không bao giờ bỏ đi vĩnh viễn. Nó quay lại. Điều lạ là dường em vẫy gọi nó, ở tận sâu thẳm mình. Em nhớ Nó, nhớ vô cùng. Chiều nay quá nhiều cô đơn, nhiều bùng vỡ, nhiều trống rỗng, muốn chạy ra ngoài, nhưng có gì chặn lại. Nó lại có đó nữa rồi…
Reply:
Có thể gọi đó là khắc khoải siêu hình. Khi một tâm hồn thoát khỏi vỏ bọc yên ấm, khi ý thức bùng vỡ, ta đột ngột thấy mình như bị quăng ném ra ngoài không gian rỗng hoác. Ta nghe lạnh. Và cô độc, không nơi gối đầu. Ta thấy ta chỉ là sinh thể li ti giữa mênh mông vũ trụ, có thể bị tiêu tan lúc nào không biết. Ít người chạm mặt với cảm trạng này. Một số người bắt gặp, nhưng vội bỏ quên nó trong cuộc sinh nhai bận rộn, hay cố tình khuất lấp nó bằng ý hướng thực tiễn. Riêng kẻ xu hướng trầm tư thì sống với hay chết bởi nó.
Tôi như kẻ đi trong chân không mất trọng lực. Có cái gì cào xé trong tôi, khiến toàn thể con người tôi rúng động. Thân xác tôi đau đớn, tâm hồn tôi vỡ vụn. Mỗi tối, tôi chui vào quán cà phê đầy bàn ghế sặc mùi khói thuốc, tôi vẫn thấy cô đơn. Réo đám bạn bè mong tìm hơi ấm quen thân, tôi cứ thấy họ xa lạ. Khoảng trống cứ to lên. Trống và rỗng. Vô cùng rỗng. Họ nói chuyện về các kiểu dáng thời trang đang làm mốt, chuyện sở thích của mấy ông giám đốc, chuyện lương bổng, vụ nhỏ bạn đồng môn cũ có thằng người yêu bô trai, về mấy ngôi sao ca nhạc vừa nổi,… Tôi muốn la lên, thét lên: tôi cô độc đây, cô đơn và cô độc… Không ai hiểu tôi, không một ai…
dòng hốc mắt lãng du đất triệu năm
trồi máu ứ tìm cào hãi thét
đớn đau
khô dãi đờm
nó nói:
“Tôi
cô
đơn”
cô đơn một loài rắn già bấu mình lê từ hồng thủa
chẳng viên miễn nổi hai chữ cuộc
đời cứ lết mặt song đồi
song mặt đất, rễ song tay
hai chân đóng
trong khối đầu
đặc
rỗng
(“Song đối hai tôi!”)
Tôi mở cổng đi như lao ra ngoài, chạy trốn vào đám đông, nhập vào dòng xe người xuôi ngược, những con phố với vô số bảng hiệu đủ cỡ, đèn đường đủ màu.
xe quành ngã
HÀNG XANH
ròn phương, xuôi ngược
thốt tiếng người ré lên, đường eo, con khóc
mụ chủ hàng bún ốc đánh ực cốc thuốc rầy bên cạnh người chồng say
âm thanh tóc tách
tóc
tách…
(“Song đối hai tôi!”)
Thư Lưu Mêlan 15-7-09
Em quyết rồi. Có lẽ em đi vào kinh doanh thôi. Tối hôm qua em thức suốt đêm đọc Nietzsche. Em nghe như Nietzsche đang nói qua em, bằng ngôn ngữ khác. Em không có gì để nói nữa.
Reply:
Kinh doanh hay làm một việc gì đó bất kì, không vấn đề gì cả. Nhưng nếu chỉ để chạy trốn nó, thì nguy. Với một tâm hồn đã dầm mình trong nỗi xao xuyến căn nguyên ấy, khó mà bứt ra được. Ta phải học thân thiện, đánh bạn với nó, ưu tư về nó để cuối cùng rời bỏ hay vượt qua nó. Không – rời bỏ hay vượt qua, hạn từ này chưa chuẩn lắm, đúng hơn: làm một với nó.
Thư Lưu Mêlan 15-7-09
Em không hiểu mình nữa. Khi thì thế này khi muốn thế khác. Thay đổi từng ngày, từng giờ. Em không có người hiểu mình, cảm thông mình. Cả những người gần gũi mình nhất…
Reply:
Con người bị quăng ném vào trần gian, không đất gối đầu. Làm sao có ngôi nhà để cư trú như là nhà mình, là bổn phận của thi sĩ.
Hãy dựng nên ngôi nhà ngôn ngữ cho thơ, mình chỉ có thể khuyên Mêlan thế…
Việt Nam không truyền thống triết lí; ít hơn là suy tư siêu hình. Suy tư này được thể hiện qua thi ca thì càng hiếm hoi hơn nữa. Ngoài các sáng tác theo truyền thống Phật giáo: thơ Thiền đời Lý hay phần nào thơ Miền Nam trước 1975, còn thì cuộc đấu tranh sinh tồn, với thiên nhiên, với con người và nhất là với giặc ngoại xâm luôn chiếm thế áp đảo. Ở đó, thơ ca trở thành công cụ hữu hiệu cho rất nhiều thứ: dạy đạo lí làm người, tuyên truyền cho chế độ hiện hữu, thơ nói chí, thơ giải tỏa tâm tình, thơ thưởng cảnh, vân vân… Còn thơ chẳng để làm gì thì hiếm.
Tôi viết những câu thơ chẳng là gì
Chỉ nhớ ánh sáng lóe lên
Rồi phụt viết
Gì cũng muốn viết
Gì
Cũng
Không…
(“Vt3”)
Thư Lưu Mêlan 15-7-09
Hãy ném bỏ tất cả bài thơ em gởi đi. Đừng đăng ở đâu cả. Nó không đáng, không đáng tí nào cả. Em viết ào, không kĩ thuật. Một tâm hôn còn chao đảo thì thơ thoát ra từ nó hoàn toàn không giá trị. Em chẳng thấy nó hay ho gì cả. Thấy chán mình hết sức…
Reply:
Thơ Lưu Mêlan có hay hay chẳng, không là chuyện bàn ở đây. Cả kĩ thuật nữa, mấy năm qua có quá nhiều kĩ thuật mới được nhà thơ Việt vận dụng. Điều đáng chú ý hơn cả chính là cảm thức của Mêlan, nền đất ở đó nguồn suối thơ kia trào ra. Nó mang hơi thở lạ. Không là kết cục, cái đáng quan tâm chính là hành trình, bước chập chững lẫn sa sẩy của nó. Cũng là hành trình suy tưởng của người tạo ra nó.
Vậy chứ, thơ Lưu Mêlan không phải không có lối nói lạ. Ngôn từ được tạo tác mới lạ. Ý tưởng nhảy cóc được nhà thơ chộp bắt bất ngờ. Chúng được kết nối liên hoàn trong dòng suy tưởng bề bộn, nhưng vẫn nhất thống ở hơi thơ hơi thở của người thơ. Nhịp thơ nhiều biến chuyển đột ngột. Hơi thơ gấp gáp, đi như không kịp lấy hơi, không kịp thở:
Mất rồi sông ơi!
Ta không còn ngây thơ nữa
Ta không chỉ biết cười, đùa nghịch nhớ mi
Ta không còn nhỏ để mi nâng lên cánh sóng
Con đường nhỏ, mi nhỏ, tỉnh nhỏ
Ta ra khơi
Ta nghe mi chết trong lòng
Ta nghe mi trăn trối
Ta nghe mi tắt thở những con thuyền
Đàn cá nhỏ hết rỉa chân mùa tắm
Ta đi
Ta
Đi
(“Sông Ding”), (11:46 PM 18/06/09)
Một hơi thơ thổi đến từ miền lạ, vô hình.
Sài Gòn, 12-8-2009.
Ban co bai tho Sinh 1 rat hay. Khong ngo ban tre the. Bai phe binh cua nha tho Inrasara cung rat la.
Ban cung ho Luu voi toi (a quen, day chi la but danh cua ban) nua. Chuc ban Luu Melan co nhieu bai tho hay hon nua.
Men
Luu Hoa
Tôi thích bài sinh 1 lắm. Rất hay 🙂