Trần Xuân An: Inrasara làm sáng tên cho năm đóa hoa Champa của riêng anh 1/2.

Mang trong mình mười mươi huyết thống Chăm, được sinh ra, lớn lên ở làng Chakleng (Mỹ Nghiệp), học trung học tại trường Pô-Klong, Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, cho đến khi gần trưởng thành, Inrasara mới thực sự có những năm tháng dấn bước đến TP Hồ Chí Minh học đại học, ra các tỉnh Miền Trung phía bắc quê anh rồi trải nghiệm sống tại các tỉnh Nam bộ phía tây. Mãi sau này, anh mới có nhiều chuyến ra Bắc, phía ngoài Thanh Hoá. Khoảng mười lăm năm gần đây Inrasara định cư tại TP Hồ Chí Minh.

Inrasara xuất hiện khá muộn trong làng thơ, sau khi đã xuất bản một vài công trình biên soạn tài liệu giáo khoa Chăm – Việt và nghiên cứu văn học tiếng Chăm. Ba mươi chín tuổi, Inrasara mới gửi thơ đăng báo và xuất bản Tháp nắng (1996), tập thơ đầu tay. Nhưng anh nhanh chóng trở thành một hiện tượng nổi bật.

Inrasara là trường hợp hiếm hoi và quý báu. Trước khi quen Inrasara và biết đôi điều về anh như thế (những thông tin từ sách của anh và qua những cuộc chuyện trò), tôi cứ đinh ninh anh là tinh hoa Chăm đột ngột, bất ngờ xuất hiện. Khi quen thân với anh, nghe anh nói trước anh còn có Từ Công Phụng, tôi cũng ngạc nhiên về huyết thống Chăm của ông, nhưng vẫn không thay đổi ý kiến. Tôi biết Từ Công Phụng là một nhạc sĩ nổi tiếng đẹp về giai điệu, trau chuốt về ca từ, nhưng số lượng ca từ của ông chưa cho phép mọi người khẳng định Từ Công Phụng không những là một nhạc sĩ tài năng mà còn là một thi sĩ, người có biệt tài về nghệ thuật ngôn từ, như Trịnh Công Sơn. Sở dĩ tôi viết như vậy là bởi, khác với văn chương, âm nhạc chủ yếu là âm thanh nghệ thuật của nhân loại. Với Inrasara, phải chăng không thể không khẳng định, đây là lần đầu tiên có một người thuộc nhân tộc ít người trong đại gia đình các nhân tộc Việt Nam sử dụng tiếng Việt phổ thông với cách tư duy, cảm thụ và sáng tạo xuất sắc, hiện đại đến thế. Khi khẳng định điều ấy, tôi vẫn biết có nhiều người tiếc rằng sao Inrasara lại không như các thi sĩ nhân tộc ít người anh em khác, chẳng hạn, Nông Quốc Chấn, Bạc Văn Ùi, Lò Ngân Sủn… Đánh mất nét hồn hậu đáng yêu trong nếp cảm nghĩ, trong ngôn từ biểu đạt, liệu có phải là một điều đáng tiếc nuối khôn nguôi?

Dẫu sao, thực trạng ngôn từ thơ Inrasara quả thật không đậm đà bản sắc nhân tộc. Thơ anh là thứ tiếng Việt hiện đại ôm chứa tâm hồn Chăm từ nghìn xưa cho đến hôm nay.

Đây là một vấn đề không nhỏ chút nào!

Khi mới có ý định viết về thơ Inrasara, cách đây vài hôm, tôi có ý định sẽ đi sâu, khám phá những tầng lớp trầm tích thạch mà trên những mặt đá ấy anh đã viết như khắc chạm những bài thơ của anh với tất cả tâm huyết mình. Nhưng rồi, tôi lại đổi ý định. Tôi tự giới hạn bài viết tôi tự phác thảo trong đầu: Chỉ non một nửa thôi, hai trong năm tập thơ anh đã xuất bản, Sinh nhật cây xương rồng (1997) và Lễ tẩy trần tháng tư (2002), cũng đã đủ để hình dung ra chân dung đích thực Inrasara, trong một sớm mai hừng đông chưa tan hết bóng tối hay chiều hôm đã bảng lảng màu đêm. Và cuối cùng, một lần nữa, ý định ấy được rút gọn hơn: Tôi sẽ hình dung ra thi sĩ Inrasara qua năm đoá hoa sứ trắng (hoa champa). Đó là năm bài thơ trong năm tập thơ của anh. Tên của bốn bài cũng chính là tên của bốn tập thơ. Inrasara đã tự chọn cho chính anh như vậy. Tập thứ năm, Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài tân hình thức, dễ khiến người đọc nghĩ đó là tập văn xuôi hay truyện thơ. Đây là cuốn sách tôi chưa được anh tặng, nên cũng suýt nghĩ như vậy. Thực sự tôi cũng lúng túng vì trong tập này, không có bài thơ nào trùng với tên của cả tập. Tôi chỉ mới đọc trên điểm mạng toàn cầu của riêng anh, và nghĩ, đoá hoa thứ năm của Inrasara phải là bài anh tự kể về mình, “Chuyện tôi”, chuyện của chính Inrasara. Liệu sự chọn lựa của tôi có thích đáng?

Đoá hoa sứ trắng thứ nhất: Tháp nắng
Từ những năm còn học trung học, do một cơ duyên sách báo, mỗi lần trông thấy tháp Chăm ven đường quốc lộ hay nhìn thấy bất kì tấm ảnh tháp Chăm nào, hai chữ “Tháp” và “Nắng” đều vang lên trong tôi như vọng âm từ Panduranga (Phan Rang), vùng đất đặc trưng về tháp và nắng… Vì thế, phải nói là tôi xúc động như thể gặp lại một người thương mến cũ, khi đọc thấy tập thơ Tháp nắng của Inrasara.

“Tháp nắng” của Inrasara “như dấu lặng”, “âm thanh câm” giữa hoang vu đồi và hoang vu cát, những không gian trống không, và nơi ấy, “thời gian vắng mặt”. Cái không-thời-gian ấy cũng chính là “hoang mạc lòng nhân gian lạnh”, không lời ca, tiếng thơ nào ca ngợi – anh viết.

Chính anh, Inrasara, cũng vậy. Anh từng viết trong một lần ngỡ mình đã đốn ngộ đến mức tuyệt đỉnh nhất, “Đứa con của đất” [1990] (1): Tháp hoang vu như là một tất yếu của thời gian (*).

Và lần này, nói theo cách nói của một nhà thơ tiền chiến, “từ tôi phút trước sang tôi phút này” là một chuyển đổi toàn diện, triệt để, thì ở Inrasara, hốt nhiên, bật lên tiếng nói, không thể vậy mãi:

Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang
tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó – tôi vờ như không có
Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang

(Tập Tháp nắng, bài “Tháp nắng”, 1996)

Nghìn lần nhỏ hơn một phút: sát-na. Trong một chớp loé đốn ngộ, theo cách nói của thiền sư, nỗi không-thời-gian ấy trước nhãn quan anh đã tạo ra một big-bang mới cho một vũ trụ mới. Cái nhìn anh đã mới hẳn, hơn cả một lần tái sinh, mặc dù tháp nắng ở đoạn mở đầu bài thơ:

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày

(Tập Tháp nắng, bài “Tháp nắng”, 1996)

Tháp nắng ấy cũng chính là tháp nắng khi bài thơ kết lại để mở ra một trời suy tưởng, cảm xúc và dự kiến mới.

“Tháp nắng” là bài thơ được viết với ngôn từ rất trong sáng, giàu hình ảnh và đọng nhiều cảm xúc trong từng câu chữ, nhịp điệu thơ.

Tên của bài thơ “Tháp nắng” không phải ngẫu nhiên khi được chính nhà thơ Inrasara chọn làm tên chung cho cả tập thơ đầu tay của anh.

Đoá hoa sứ trắng thứ hai: Sinh nhật cây xương rồng

Chỉ tính trong tập thơ thứ hai (1997) của Inrasara, có đến ba lần ở ba bài khác nhau, anh khắc vào trí nhớ người đọc hình ảnh cây xương rồng. Ở “Một thoáng em” ([1997], tr. 16), cây xương rồng là một trong ba biểu tượng của Ninh Thuận quê anh, sau tháp của mảnh đất dồn tụ, mang hồn vía đặc trưng Chăm và nắng ở vùng đất Phan Rang (Panduranga) ít mưa nhất nước. Khắc hoạ đậm nét và sắc nét, hình ảnh của loài cây bền sức chịu hạn ấy, được thấy ở toàn bài “Ngụ ngôn cây xương rồng” ([1996], tr. 35-39). Đó là cây xương rồng phát sáng về đêm như biểu tượng của độ trì, soi dẫn và tiêu điểm nhận đường, lúc mặt đất cũng như mặt biển đều ngập tràn sóng đen. Và cùng những hình ảnh khác đặc trưng cho quê nhà, cây xương rồng khát tiếng trống ginăng, khát gió Katê là một điểm nhấn cuối bài “Katê mới” ([1996], tr. 38-39). Nhưng trên tất cả, bài “Sinh nhật cây xương rồng” ([1997], tr. 50-54), không phải ngẫu nhiên Inrasara dành để cuối tập thơ được vinh dự mang tên nó.

Đó là bài thơ dài, có dáng dấp như một tuỳ bút thơ, được triển khai qua năm đoản khúc.

Trước hết, cây xương rồng với Inrasara như là (cũng có thể hiểu: chính là) biến thể hiển linh của một nhà sư:

Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
Lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm tù trong cát
Ngày qua, mùa qua kiên trì lượm nhặt dưỡng chất trần gian rơi rớt
Miệt mài đứng mảnh đất bạc mầu – tạo dáng quê hương

Ở một đoản khúc khác, cây xương rồng, biến thể hiển linh của nhà sư lại một lần nữa hoá thân:

Như ẩn sĩ cô đơn – yêu thương mà không cần nước mắt
Sẵn lòng cho nụ cười khinh bạc của lùm cỏ dại hay cụm mây hoang

Và cho dù như là hay chính là gì đi nữa, điều làm cho Inrasara ngờ vực cả chính anh, khi anh không biết cây xương rồng hiển linh ấy đã tạo dáng quê hương anh hay chính những ngọn đồi quê hương anh đã tạo dáng cho cây xương rồng:

Ngọn đồi tạo dáng cây mười năm một trăm hay ba trăm năm
Trầm mặc đổ bóng lên tuổi trẻ tôi – diệu vợi

Chính sự tự ngờ vực như một thủ pháp biểu hiện ấy khiến cho người đọc hiểu ra quê hương anh và cây xương rồng thiêng đã được đồng nhất hoá. Nhà sư – cây xương rồng cần cù, nhẫn nại như người mẹ, ưu tư dõi mắt như người ông, rồi như người cha bảo ban minh triết về thời gian, lưu trữ quá khứ chưa xa, hãy còn nhức nhối về những đứa con vội quên màu xanh dĩ vãng. Ẩn sĩ – cây xương rồng lại là biểu tượng khiêm tốn, vô danh và vô ngôn của thời gian:

Trên đồi quê hương – lặng câm đứng nhìn từng thế hệ
Đứa con của dòng sông quay lưng lại dòng sông
Rời bỏ mái nhà, ngôi làng, cuộc tình thơm đi tìm đất hứa xa xăm
Ru thôi làm buồn, trâu hết muốn đi hoang, cánh buồm tuổi thơ bão nát

Chính nhà thơ Inrasara cũng thú nhận mình đã từng trốn chạy khỏi quê hương như vậy để mưu cầu một vùng đất hứa (vùng đất không thượng đế nào khác ngoài khát vọng hứa hẹn sẽ ban cho). Để rồi, cuối cùng, anh phải trở về, tả tơi không manh giáp, sau khi trước mặt là hố thẳm bế tắc đã thành vực thẳm bế tắc:

Chợt thấy bóng xương rồng nở chật trái tim mù sương
Tôi vội vã quay về quỳ dưới chân đồi và khóc
Cây xương rồng nhìn tôi với đôi mắt lửa và vỗ về tôi bằng bàn tay gai nhọn hoắt
Thì thầm bên tai tôi sinh nhật của mình

Điểm sáng thẩm mĩ hay nhãn tự là đây! Cái then cửa bằng vàng của bài thơ đã loé lên ở đây! Hoá ra, nãy giờ chúng ta chỉ mon men quanh cửa và hé mắt nhìn vào khe cửa. Tại sao cây xương rồng lại nghiêm trọng “Thì thầm bên tai tôi sinh nhật của mình”?

Tôi cứ ngỡ bài thơ sẽ kết lại để đồng nhất hoá cây xương rồng với tháp Chăm! (Plây ơi, làng ơi, sao tháp Chăm giống cây xương rồng Miền Trung đến thế!). Nhưng, không phải vậy:

Sinh nhật cây xương rồng
Có gió nồm reo đồi trọc
Có loài côn trùng đùa bãi cát
Có tháp Chàm giữa nắng đơn ca
(2)

Rõ ràng trong ngữ cảnh này, cây xương rồng là một chủ thể duy nhất, còn các khách thể kia: gió nồm – đồi trọc, côn trùng – bãi cát và tháp Chàm – tiếng hát đơn. Cũng như các khách thể kia, tháp Chàm không đồng nhất hoá với cây xương rồng. Tất cả mọi khách thể đều reo đùa, ca hát theo cách của mình, để mừng sinh nhật cây xương rồng.

Phải chăng, Inrasara muốn nhận diện lịch sử nhân tộc Chăm trong một dấu mốc đáng nhớ – ngày tái sinh với Phật giáo qua biểu tượng nhà sư khất thực thuộc Phật giáo nguyên thuỷ cổ đại? Đó cũng là lễ mừng sinh nhật mà từ hôm ấy, dưới anh sáng cây xương rồng, anh thấy chính anh đã hoà nhập, hội nhập tất cả những ngọn nguồn văn hoá, đặc biệt là “nối ariya vào ca dao” – nối những thơ ca dân gian Chăm vào thơ ca dân gian Kinh…

Câu thơ “Ngày mai xương rồng lại nở hoa” là tiếng reo hi vọng kết lại bài thơ.

Tương tự như sự trùng lặp nhan đề “Tháp nắng”, đặc biệt là hình tượng trung tâm của hai bài thơ cùng tên như đã viết ở phần trên: Mặc dù trước Inrasara và đồng thời với anh, đã có bao nhiêu bài thơ, câu thơ về cây xương rồng, nhưng “Sinh nhật cây xương rồng” vẫn là một hình tượng được Inrasara làm mới với nội dung mới, mang nét đặc trưng Chăm, Paduranga và hơi thở nội tâm của chính Inrasara.

Qua hai bài thơ “Tháp nắng”, “Sinh nhật cây xương rồng”, phải chăng không thể viết khác được điều này: Thực trạng ngôn từ thơ Inrasara quả thật không đậm đà bản sắc nhân tộc. Thơ anh là thứ tiếng Việt hiện đại ôm chứa tâm hồn Chăm từ nghìn xưa cho đến hôm nay.

Và cũng nên nêu lại câu hỏi bật ra từ những dòng mở đầu bài viết này: Phải chăng Inrasara đánh mất nét hồn hậu đáng yêu trong nếp cảm nghĩ, trong ngôn từ biểu đạt? Như thế, liệu có phải là một điều đáng tiếc nuối khôn nguôi?

Có thể có thêm dấu hỏi ngoài lề: Sao người viết bài này lại lại nhìn hoa xương rồng trắng muốt thành đoá sứ trắng ngời? Không, hoàn toàn không thể nêu lên câu hỏi như vậy. Vấn đề cần xác lập là bình diện. Trên bình diện năm bài thơ tiêu biểu, tên riêng của bốn trong năm bài thành tên của bốn tập thơ. Đó là bốn đoá champa. Cũng cùng trên bình diện ấy, một bài khác, không phải tên riêng của nó, mà chính là hồn phách, cốt tuỷ, hạt nhân của nó, là đoá hoa sứ trắng thứ năm, tiêu biểu cho tập thơ thứ năm. Mặt khác, khi đi vào nội dung của mỗi bài thơ, bình diện của vấn đề lại khác rồi.

Bài viết này vẫn còn bỏ lửng. Tôi cũng không dừng lại ở đây (3).

*
Trần Xuân An
Viết từ khoảng14:00 đến khoảng 21:00, ngày 08-9 HB9 (2009)
Chỉnh sửa, bổ sung đoạn cuối: Khoảng 8:00 đến 9:36, 09-9 HB9

_________________________

(1) Những đoạn thơ của Inrasara được trích trong bài, xin xem tại điểm mạng toàn cầu
www.inrasara.com
(2) Bài “Sinh nhật cây xương rồng”, tôi căn cứ vào bản sách in giấy (NXB Văn hoá Dân tộc, 1997; lưu chiểu:01-1998). Bốn câu thơ trên cũng đã được Inrasara viết tay, in vào bìa 4. Bản trên điểm mạng inrasara.com, đoản khúc V không đầy đủ, chỉ vỏn vẹn 4 câu này, còn những câu khác, bị cắt bỏ, không biết bởi lí do, tác nhân nào.
(3) Xin vui lòng xem tiếp phần 2 của bài viết (được tách riêng ra).

One thought on “Trần Xuân An: Inrasara làm sáng tên cho năm đóa hoa Champa của riêng anh 1/2.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *