Lê Hưng Tiến, từ Chân dung ảo đến Ễn lên đêm

Lê Hưng Tiến, từ Chân dung ảo đến Ễn lên đêm

Sinh năm 31-5-1981.
– Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận.
– Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam
– Hiện đang giảng dạy tại Trường Cao đắng Sư phạm Ninh Thuận. Có thơ đăng trên nhiều báo và tạp chí như Văn nghệ Quân đội, Thế giới mới, Văn nghệ Trẻ, Sông Hương, Cửa Việt… và các trang thông tin và tạp chí điện tử như Evan.com.vn, Vannghesongcuulong.org, Gio-o.com
Đã xuất bản: Chân dung ảo (NXB Hội Nhà Văn, 2007)
Sắp in: Ễn lên đêm (trường ca).

*
Vẽ Chân dung ảo hai năm trước đó, chân dung thơ Lê Hưng Tiến vẫn chưa thật sự ảo. Vẫn còn đó những suy tư siêu hình, bao vướng mắc của ngôn từ cũ kĩ:

Em cho anh một thiên đường
Đỉnh của tâm hồn sâu thẳm
Đáy của đại dương là bản ngã của trái tim và lí trí
Nơi nhận thức tình yêu ở giữa bốn bề vũ trụ

(“Em cho anh một thiên đường”, Chân dung ảo)

Dẫu sao ở đó, người đọc thấy thơ Lê Hưng Tiến có dấu hiệu ngọng ngịu. Để qua Ễn lên đêm, nhà thơ đất Ninh Thuận đầy nắng gió này còn cố tình đẩy cái ngọng ngịu đó quyết liệt hơn, tới cùng hơn nữa.

Ngôn từ thơ với độ chuẩn xác cao, chọn lọc kĩ nhằm tiếp cận và thể hiện chính xác hiện thực – Lê Hưng Tiến từ chối đòi hỏi đó.
Diễn tiến câu chuyện một trường ca có lớp lang, thứ tự; hoặc có thể xáo trộn diễn tiến sự việc, đảo lộn thời gian cho có vẻ hiện đại – nhà thơ này cũng bỏ qua.
Đi vào Ễn lên đêm là đi vào sự rối tù mù, rối tù mờ. Đã lạc vào nó, ta như kẻ mò chữ và nghĩa trong đêm hoang tưởng đen. Lê Hưng Tiến xô ta rơi tõm vào mớ bòng bong của mấy giấc mơ quái đản, ta bước lạng quạng và đụng vào cả chuỗi chữ và âm, không nghĩa:

bộ mặt ẽo à ẽo ọt…
sự ở ngủng ngẳng đằng thằng dấu lẳng lặng…
có đựng con cón con cỏn con còn con cọn con con…
lộng gió lộng óc và lộng ngôn
! (*)

Chữ lộng ngôn chữ.
Chữ đẻ ra chữ, lôi kéo chữ, chữ lặp lại chữ. Âm kêu gọi âm, móc nối nhau, chồng chéo và trùng lắp. Vô nghĩa, bất cần đến nghĩa.
Lê Hưng Tiến lặp lại chữ, lặp âm vần, và lặp lại câu. Nguyên câu hoặc chỉ thay đổi một/ một vài từ, hay lặp và nhại âm:

tầm nhìn giăng tối lồng lộng lòng thòng trí nhớ
tầm nhìn giăng sáng lồng lộng lòng thòng trí nhớ

ăn nhầy nhụa tủy sống
ăn quên cái đồng dao loã bóng
ăn quên cái đồng dao lão bóng

Đây không phải lặp lại và vần của thơ tân hình thức với mục đích giữ nhịp cho chuyện kể, mà là sự lặp lại dằng dai dây dưa nhằm làm cho câu chữ rối tung và tù mù lên thêm nữa. Chúng không gì hơn là thể hiện sự bức bối, quẫn bách, tù túng trong bất lực tìm hệ qui chiếu giữa âm và nghĩa, giữa ngữ nghĩa của từ và ý nghĩa văn bản, giữa ý nghĩa với hiện thực cuộc sống.
Cạnh đó, anh còn thoải mái đẻ chữ mới dựa trên âm tiết chính của từ ghép hay từ láy. Hiện tượng này từng có mặt ở thơ Đinh Linh: choãi vã, bơ phở, đại đường,… nhưng với Lê Hưng Tiến, chúng nhiều không đếm xuể: khốn rốn, thắc thẻm, cổn cảng, rỗng rễnh, chổn chảng, nghe móng mánh, hấm hứ nhảy múa,… Chúng ngập tràn và rổn rảng đến nghĩa của chữ mất hút. Cả hiện thực cũng mất hút.

Tất cả mớ hỗn độn hổ lốn kia nói lên điều gì?
– Chẳng nói lên cái gì cả. Chúng chỉ gợi. Gợi những diễn dịch – bao nhiêu diễn dịch không là vấn đề! Người đọc cùng người viết bi lôi kéo vào dòng cuộn bất tuyệt của chữ và âm, đồng sáng tạo trên trò chơi chữ và nghĩa bất tận này. Trong thế giới như là mớ bòng bong bất tận này.

ý nghĩ đen cứng
ý nghĩ cương cứng
thằng Nại trêu chọc dương vật tức thở dưới âm phủ
bao vây sương khói
bao vây ký ức
bao vây dòm dỏ sàm ngôn
bao vây sự nghiêng ảo mô phỏng thần hồn
bao vây thời thế
bao vây ức chế

Thế nhưng, cho dù không ý đồ thơ tái hiện hiện thực, giữa trận đồ chữ mù mịt này, Lê Hưng Tiến vẫn cho người đọc lờ mờ nhận ra cuộc sống bế tắc nơi kí ức của một cơ thể hổng hểnh với đôi ba ý tưởng mắt lưới chìm ngập giữa vũng lầy những giấc mơ không cánh; sự lẩn quẩn không lối thoát của vài kẻ mồ côi ý tưởng đang chỏng cẳng biệt xứ; vài sinh thể mà bản thể đã đánh mất một phần ba tư cách, nhân cách, tính cách. Đánh mất luôn lí lịch cá nhân:

không tên không họ không hàng
không ngày không tháng không năm sinh

Trường ca Ễn lên đêm bắt đầu bằng câu ngồi chầu hẩu đôi ba ý tưởng mắt lưới và kết thúc với đoạn:

gã chính quy gã
gã chính quy gã
gã chính gã
gã chính gã

đầy hối hả, gấp gáp.

Người đọc có thể đọc nó ở câu hay đoạn nào bất kì. Nó vẫn vậy. Trường ca không nhằm kể một câu chuyện. Nó chỉ là mớ âm thanh vô nghĩa được ú ớ giữa giấc hoang bởi một óc hoang tưởng trong thế giới đã đánh mất sự liên hệ giữa hiện thực và ngôn ngữ. Nó vẫn khả năng lôi cuốn chúng ta đi vào nó, để qua mớ hổ lốn hỗn độn trùng trùng ấy, mỗi người diễn ngôn nó theo cách của mình.
Lê Hưng Tiến chỉ mong có vậy, chắc thế.

Sài Gòn, 22-7-2009.
_____________________

(*) Các trích đoạn rút từ Ễn lên đêm của Lê Hưng Tiến, chưa xuất bản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *