Đính chính Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống

Khi nhận bài “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống do anh bạn gởi qua mail, cứ tưởng nó còn là bản nháp, nên trong “Ghi chép tháng 8”, tôi có vài lời nói vui. Mãi hôm qua khi Trần Can (rất cám ơn bạn) cho đường link dẫn bài viết trên vào Inrasara.com, mới hay nó là “bài báo” đã đăng chính thức ở website Sky.vn, 8-2009.
Nên xin có đính chính này.

Vào đề
Ngay mào đầu, sau vài câu khiêm tốn, Nguyễn Thành Thống nhanh chóng nhập cuộc:

Người ta “nói trạng” nhiều quá! Không biết vẫn nói. Biết một nói mười. Và rồi rơi vào tình trạng nhiễu thông tin (…). Thật ra đã có nhiều bài đúc kết tình hình nghiên cứu văn hóa Chàm, của G. Coedès, B.F.Lafont, Po Dharma… Nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất “dĩ hòa vi quí””(1)

Ông tiếp:

Đây chỉ là khuôn khổ của một bài báo, nên người viết chỉ nêu khái quát thực trạng, không có đủ thời gian và không gian bàn đến những chi tiết từng công trình cụ thể, phải xin hẹn đến những công việc dài hơi hơn vậy”.

Do “không có đủ thời gian”, nên ông chỉ “khái quát”, và ông “phải xin hẹn”. Đây là lí do thường được nhiều người viện ra để tránh đi vào chi tiết. Không vấn đề gì cả! Bài báo của Nguyễn Thành Thống động cập đến nhiều lĩnh vực, ở đây tôi thử kê ra vài điểm để đính chính.

1. Về bia kí và chữ Chăm cổ:
Bia kí là chuyện tôi hoàn toàn không biết. Cho nên, dù có trong tay Etudes epigraphiques sur le pays Cham (Reimpression de l’Ecole francaise d’Extreme-Orient) và một số bản tiếng Việt của Lương Ninh(2), ngay trong Văn học Chăm I – khái luận, tôi ghi chú rất rõ “Về văn bia kí Chăm, vì chưa tập hợp đầy đủ tư liệu, nên phần này chúng tôi tạm gác lại và sẽ bàn vào dịp khác”.
Không biết, nên tuyệt đối tôi không phát biểu độc lập về vấn đề này, còn khi ở thế kẹt, tôi chỉ trích dẫn. Nên khi ông Nguyễn Thành Thống viết:

thế nhưng gần đây ba nhà nghiên cứu không biết gì về ngôn ngữ chữ viết Chàm cổ là Bùi Khánh Thế, Thành Phần, Inrasara trong bài “Từ các nguyên cảo đến ngôn ngữ hiện đại vấn đề chữ viết Chăm” đã nói bừa là “…bia Đông Yên Châu tức Mỹ Sơn 3…”. Thực ra đó là ngôn ngữ chữ viết Chàm cổ nhất mà chúng ta biết được cho đến lúc này. Ngôn ngữ và chữ viết được khắc trên bia Đông Yên Châu (nằm cách Trà Kiệu một cây số đường chim bay về phía tây) rất khác với ngôn ngữ chữ viết khắc trên bia Mỹ Sơn 3”.

Tôi xin không ý kiến. Lãnh vực này, tốt hơn là Nguyễn Thành Thống nên xuất bản sớm công trình của mình, từ đó các chuyên gia có cơ sở trao đổi. Và nhất là cho “những kẻ không biết gì” như tôi còn có sách đọc và học.

2. Nguyễn Thành Thống trong nỗi đoán mò đầy tính phán định.
Ông Thống vừa viết câu: “Không biết vẫn nói”, nhưng tiếc là ông đạp ngay cứt ông vừa vãi ra! Xin lỗi, đạp cứt jwak aih là đặc ngữ Chăm, không mang nghĩa thô tục. Hãy xem qua cách ông nói mò:

– Về giới khoa bảng Chăm, ông Thống viết:

những ông khoa bảng này (…), đa số có trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chàm”.

Những “ông khoa bảng Chăm” ở trong nước, có Tiến sĩ thành Phần, Tiến sĩ Bá Trung Phụ và Tiến sĩ Phú Văn Hẳn; sau này là Thạc sĩ Quảng Đại Cẩn, Thạc sĩ Trượng Văn Món, Thạc sĩ Đàng Năng Hòa.

– Về “Ban Biên Soạn tiếng Chàm” (sic), thì:

nhân sự của Ban này từ trước đến nay không có đủ trình độ để làm một công việc hết sức khó khăn và trọng đại là nghiên cứu ngôn ngữ và chữ viết Chàm (…) vì trình độ tiếng Chàm của Ban Biên Soạn ấy quá hạn chế cho nên con em người Chàm chưa có được diễm phúc học một bộ sách giáo khoa tiếng Chàm đạt yêu cầu

Nhân sự của Ban Biên soạn sách chữ Chăm từ trước đến nay gồm: Lâm Gia Tịnh, Phú Văn Kỉnh, Quảng Đại Hồng, Bạch Thanh Chạy, Châu Văn Kên, Trượng Tốn, Đàng Năng Quạ, Châu Văn Đỉnh, Đàng Năng Mão, Phú Hữu Tỏ, Lâm Nài, Nguyễn Văn Tỷ, Nguyễn Ngọc Đảo,… ; thế hệ mới có Kinh Duy Trịnh, Thập Liên Trưởng, Quảng Đại Cẩn, Lưu Văn Đảo, Thuận Ngọc Liêm, Lộ Minh Trại,… Và cũng nên chú ý là Nguyễn Thành Thống đang nói cái “quá hạn chế” của họ về ngôn ngữ Chăm phổ thông, để có thể soạn sách giáo khoa tiếng Chăm!

– Về Po Dharma, ông nhận định:

Thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp có một ông tiến sĩ người Chàm chính hiệu một trăm phần trăm, nhưng không chuyên về ngôn ngữ Chàm, chuyên môn của ông ta là về sử. Tuy sử với ngôn ngữ có vẻ gần nhau, cũng là văn hóa cả thôi, nhưng thực tế vẫn khác xa nhau, cho nên việc “lộn chuồng”, “nói leo” thường dẫn đến những sai lầm tai hại”.

Cả ba khoản trên, người nào biết suy nghĩ tí xíu cũng có thể đặt ra với ông Thống vài câu hỏi nhỏ.

– Về “tiến sĩ người Chàm chính hiệu” này, ông thêm:

Biết thế cho nên có lần trong một hội nghị đang bàn về một vấn đề có liên hệ đến ngôn ngữ Chàm người ta đã yêu cầu ông ta cho ý kiến để giải quyết một vấn nạn, ông đã khôn khéo từ chối ngay với lí do là ông không chuyên về ngôn ngữ Chàm. Đúng là một nhà khoa học”.

Chi tiết trên, chắc chắn ông chỉ “nghe kể”.

– Về Từ điển Chàm – Việt – Pháp do G. Moussay chủ biên:

nếu cụ Thiên Sanh Cảnh có tham gia từ đầu đến cuối công việc biên soạn cuốn từ điển này thì cụ sẽ không để nhiều sai sót về từ nghĩa Chàm trong cuốn từ điển đó như vậy”.

Tôi nghĩ chỉ có ông thầy dạy lớp nào đó mới có thể nói: nếu hôm nay có trò A, thành tích lớp ta không bị sa sút thế. Nghĩa là người nhận định phải đứng cao hơn một bậc, và biết như đếm về khả năng người tham gia cuộc đó. Ở đây là “từ nghĩa Chàm” phổ thông.

– Về trí thức Chăm cộng tác biên soạn Từ điển, thì:

Hầu hết những người cộng tác khác trình độ chỉ là các giáo viên tiểu học (chữ Việt chứ không phải chữ Chàm), chỉ trừ Lưu Quang Sang là Giáo sư đệ nhị cấp (tức giáo viên cấp 3 nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ) môn tiếng Pháp, nhưng trình độ chữ Chàm thì chỉ sơ sài mà thôi”.

– Còn về Từ điển Chăm – Việt do Bùi Khánh Thế chủ biên:

các tác giả của cuốn từ điển này chưa nắm vững các từ nghĩa tiếng Chàm và yếu kém về thành ngữ và những cách nói đặc thù của tiếng Chàm”.

– Riêng Inrasara là:

tác giả (Văn Học Chăm I – Khái luận) đã hoàn toàn tự học về Văn học Chàm; hình như tác giả không có duyên gặp được những bậc thầy am tường lĩnh vực này”.

Ông Thống không là người thân của tôi, thì làm sao ông biết tôi đã học hay không học ở đâu, bởi ai. Chăm lại chưa có truyền thống dạy đại trà, không cấp bằng, mà mỗi thầy dạy vài người, có khi một gru một xeh, hệt bí truyền vậy. Ở đây ông lại “hình như” rồi!

– Và, cuối cùng:

Khó mà kiếm được những người như cụ Thiên Sanh Cảnh trước đây và Ông Sử văn Ngọc hiện nay”.

Thiên Sanh Cảnh đã mất một phần tư thế kỉ trước, vậy là giới chữ nghĩa Chăm hiện nay chỉ có mỗi Sử Văn Ngọc. Không biết anh Ngọc đón nhận lời khen tặng này thế nào, tôi thì thấy viết như thế, ông Thống đang đưa đối tượng vào thế chông chênh rất kẹt, trong quan hệ cộng đồng Chăm với nhau.

Điều đáng nói là, với tất tần tật người và việc, dù còn mơ hồ nhưng lời lẽ Nguyễn Thành Thống đều rất dứt khoát đầy tính phán định như vôi quẹt tường Yuw urang cih cur di gơng (là điều tối kị trong nghiên cứu khoa học). Vâng, thì ông cố không “dĩ hòa vi quý”, là đức tính đáng khen lăm lắm – nhưng chúng khá bất cập. Mấy bất cập này rất cần đến đính chính. Tại đây, tôi chỉ xin đính chính về văn học và “ngôn ngữ Chàm phổ thông”, là hai lĩnh vực tôi có biết chút đỉnh.

3. Về “ngôn ngữ Chàm phổ thông”
– Ông Thống viết:

Dictionnaire Cam-Francais (DCF), một công trình xuất sắc về ngôn ngữ Chàm phổ thông, đến nay chưa có cuốn từ điển nào cùng loại vượt qua được”.

Mỗi Từ điển đặt ra mục tiêu khác nhau, nên phương thức xử lí tài liệu khác nhau. Rõ nhất ở 2 cuốn Dictionnaire Cam – FrancaisTừ điển Chăm – Việt. Xét riêng về khoản mục từ thôi, nếu công trình trước nhắm đến nghiên cứu nên người biên soạn đã dùng hết lối viết khác nhau của một từ, nêu cả nguồn gốc của chúng, nếu có; ngược lại cuốn sau được soạn với mục tiêu “nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng, và trong mức độ có thể, cả nhu cầu nghiên cứu khoa học” như “Lời nói đầu” đã nói rõ thế, do đó, các tác giả chỉ “chọn” một lối viết và không chủ trương ghi xuất xứ của từ.
Đến nay, mới có 3 cuốn từ điển song ngữ Chăm – Việt xuất bản, chưa có “cuốn nào cùng loại” đế có thể đưa ra so sánh cả. Làm vậy khác gì mang trâu cày với trâu thịt ra so sánh chứ.

– Về Từ điển Chăm – Việt do Bùi Khánh Thế chủ biên:

Về từ nghĩa, vì trình độ hạn chế về ngôn ngữ và chữ viết Chàm, cho nên tác giả đã nhầm lẫn và sai lạc trong rất nhiều từ, gây bất ngờ cho người đọc. Phải chờ một dịp khác mới có đủ thì giờ để nêu ra cụ thể những sai sót đó được”.

Ông viết, nhưng lại nhân danh “người đọc”.
Nhớ Hội nghị Góp ý Từ điển diễn ra tại Hội trường Trường Dân tộc Nội trú ở Phan Rang năm 1995. Khi xong bản thảo Từ điển, ý kiến hành lang cho rằng nó phải được giới trí thức thông qua mới được xuất bản, “bởi Phú Trạm làm sai quá nhiều”! Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho photo ngay 30 bản gởi đi các nơi để bà con đọc góp ý trước một tháng. Xem qua các bài góp ý, không thấy “quá nhiều” như tin trên, chỉ rải rác mươi chỗ chưa thông được nêu ra. Duy nhất một vị góp ý 7 trang, đưa ra gần trăm “lỗi”, nhưng đến 95% là không dùng được.
Rồi ngày phán xét cuối cùng cũng đến. Đứng trước cử tọa non trăm trí thức Chăm hàng đầu từ các nơi, có cả Po Dharma về dự, tôi dành nguyên buổi sáng kính mời các cô bác anh chị thoải mái “nêu cái sai của Từ điển”, buổi chiều chỉ qua một giờ đồng hồ, mọi vướng mắc đã được tôi giải đáp trơn trụ. Từ điển yên tâm mở mắt chào đời.
Do đó, tôi rất mong đợi Nguyễn Thành Thống chỉ ra các lỗi giúp cho. Cá nhân tôi và đồng bào Chăm biết ơn vô cùng.

– Về cuốn Tự học tiếng Chăm của Inrasara, ông viết:

Gần đây có cuốn Tự học tiếng Chàm của Inrasara, xuất bản năm 2003. Đây quả là một cố gắng. Nhưng lực bất tòng tâm, và vì khả năng có hạn của tác giả”.

Tôi dạy chữ Chăm cho các bạn đồng trang lứa ngay từ năm tôi Đệ Tứ, dạy vui vậy thôi. Khi có nhu cầu cao hơn, tôi mới ý định “soạn” sách. Tự học tiếng Chăm là “giáo trình” tôi soạn để dạy khóa Hè 75 chữ Chăm tại Caklaing. Cùng nhóm bạn Quảng Đại Thính, Phú Đạm, Phú Văn Lệ, Từ Công Bánh… chung vai gánh vác. 70 học viên sau 2 tháng đã viết thạo chữ Chăm, đọc thông Ariya Patauw Adat, Ariya Cam Bini,… Mới tí tuổi mà đứng lớp gõ đầu những học viên lớn hơn mình, trình độ phổ thông cao hơn mình, ví chỉ có vài chữ trong bụng, có mọc sừng tamuh take (mọc sừng trong tiếng Chăm không gần nghĩa cắm sừng trong tiếng Việt) mới dám! Sau đó, giáo trình được dùng dạy vài khóa khác ở Phan Rang khi tôi lớp 12 Nguyễn Trãi. Hai lần, nó được diễn trình tại Hội thảo chuyên đề trước non trăm trí thức Chăm ở BBSSCC và Caklaing, để suýt nữa nó được NXB Giáo Dục in thành sách, nếu bản thảo duy nhất không bị thất lạc. Rồi vào những năm cuối thế kỉ XX, lần nữa nó được sử dụng dạy ở Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho sinh viên Nhật, Nga, Pháp, Việt,…
Theo chỗ tôi biết, Tự học tiếng Chăm là cuốn sách tự học đầu tiên (bản thảo cuối cùng dùng để dạy ở Đại học). Trước đó cũng có một tài liệu hướng dẫn tự học chữ Chăm in roneo. Sau này có hai cuốn nữa: Quảng Đại Cẩn – Lưu Văn Đảo, Tự học Chữ Chăm (2000), bản thảo và Thuận Ngọc Liêm, Tiếng Chăm căn bản, Sở giáo dục Ninh Thuận (1999). Hai cuốn này sơ lược hơn (sơ lược chứ không phải sơ sài).
Ít nhất 200 học viên biết chữ – tiếng Chăm thông qua “giáo trình” soạn cho nhiều lứa tuổi, trình độ (có người mới qua tiểu học, có vị đã là thạc sĩ), vài dân tộc,… này của tôi. Vậy thôi, nó đã xong nhiệm vụ, chứ còn đòi hỏi thêm nữa thì không phải nhiệm vụ của giáo trình rồi!

4. Về văn học Chăm:
– Ông Thống:

không gọi những trước tác bằng tiếng Việt của những người Chàm là văn học Chàm được

Vương quốc Champa đã tiêu, và người viết Chăm muốn hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, họ cần dùng ngôn ngữ phổ thông để thể hiện, nhưng dẫu sao – nếu muốn – tôi tạm đồng ý với ông về nhận định này.

– Nhưng khi viết:

Và có thể nói mà không sợ sai là chỉ có cổ văn mà thôi; văn học hiện đại coi như không có gì (…)Thực tế là người Chàm hiện nay chỉ viết tiếng Việt (…) Không ai có đủ khả năng viết những “chuyện mới”.

Dù “không sợ sai” nhưng ông đã sai TO hơn cả. Sau văn học cổ, tạm chia mốc thời gian văn học [tiếng] Chăm làm hai thời kì: hiện đại từ đầu thế kỉ XX-1975, và đương đại từ 1975 đến nay.
Hãy xem văn học Chăm hiện đại “không có gì” như thế này đây. Chỉ tính các bài thơ dài, có: Ariya Kei Oy, Ariya Ppo Thien, Ariya Nưsak Asaih, Ariya Thun Nưsak Kabaw, Ariya Ơk Lipa, Ariya Rideh Apwei,… Đó là chưa kể Ariya Ppo Parơng được viết trước đó một ít, vào khoảng năm 1886-1887, và nhất là sáng tác rất phong phú của Mưdwơn Jiaw đang được truyền bá khắp các palei Chăm. Tiếp đó là bài thơ dài “Su-on bhum Cam” Jaya Yut Cam-Nguyễn Văn Tỷ, các sáng tác ngắn của Thiên Sanh Cảnh, Jaya Mrang, Quảng Đại Hồng, Minh Trí,… Biết rằng Chăm khi đó còn chưa tới bốn vạn, tính riêng cộng đồng còn dùng akhar thrah! Và cũng nhớ thêm, các sáng tác kia chưa có điều kiện in ấn. Nhưng chúng đều là các sáng tác có tác giả.
Còn văn học Chăm đương đại, xin mời độc giả tham khảo bài “Văn học Chăm hiện đại (sáng tác tiếng Chăm)” của tôi vừa đăng trên Inrasara.com, 26-8-2009.

– Về Thiên Sanh Cảnh, ông Thống viết:

Cụ Thiên Sanh Cảnh, một trí thức Chàm uyên thâm văn hóa Chàm, cha đẻ hầu hết những bản dịch tiếng Việt những trường ca, gia huấn ca, truyện cổ, ca dao, tục ngữ Chàm, và nhiều thể loại khác nữa”.

Đây là lối bình tán. Thiên Sanh Cảnh, tôi biết ơn ông về nhiều mặt, đồng cảm với ông về Nội san Panrang (tôi chủ biên Tagalau, nên rất hiểu muôn vàn khó khăn ông đã phải vượt qua) và chưa bao giờ có lời bình tiêu cực về ông. Nhưng cho rằng Thiên Sanh Cảnh dịch “hầu hết”, là nói liều. Ông dịch vài tác phẩm cổ Chăm, như: Akayet Dewa Mưno, Ariya Glơng Anak, Ariya Nau Ikak,… và một ít ca dao, tục ngữ. Các sử thi, trường ca trữ tình và thế sự quan trọng của Chăm, ông chưa dịch là: Akayet Inra Patra, Ariya Cam – Bini, Ariya Bini – Cam, Ariya Xah Pakei, Ariya Twơn Phauw, Pauh Catwai, Ariya Ppo Parơng, Ariya Patauw Adat Kamei, Ariya Muk Thruh Palei, Ariya Patauw Adat Likei,… Với tất cả các Damnưy Chăm, ông cũng chưa động bút. Độc giả có thể tìm thấy bản tiếng Việt các tác phẩm này trong bộ ba Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển của tôi. Đó là chưa nói đến ca dao, tục ngữ, câu đố Chăm(3).

– Về cuốn Văn Học Chăm I – Khái luận của Inrasara, ông Thống viết:

Vì nội dung của cuốn sách đó và những cuốn sách sau nó còn quá nhiều không những thiếu sót mà còn sai trật nữa (…) tác giả không có và không đọc được nhiều tài liệu về Văn học Chàm; có đâu mà đọc”.

Lại thêm tiết mục “nói trạng” (chữ ông Thống dùng) nữa rồi!
Inrasara “không có”, “không đọc được nhiều”, và “có đâu mà đọc” – ông đinh ninh thế! Chứng tỏ ông còn chưa đọc “Phụ lục” cuốn Văn học Chăm I – khái luận của tôi. Ngay ở công trình đầu tay này, tôi cũng đã nói rất rõ ở “Phần dẫn nhập”: “người viết không tin rằng mình đang có trong tay tới một nửa sáng tác văn học Chăm”. Vậy mà 73 tác phẩm với hơn 150 dị bản khác nhau, đã được sử dụng phục vụ cho công trình. Bộ ba Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển hoàn thành năm 1990, in năm 1994-1995. 15 năm sau, tôi đã thu thập thêm gấp hai lần như thế. Và đó là chưa kể văn học dân gian. Ông Thống cũng nên xem qua mục “Sách tham khảo”.

– Về Chăm ở nước ngoài:

Ở nước ngoài thì những Chàm kiều có thể viết tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng tuyệt đối họ không viết tiếng Chàm. Phần nhiều là do không thể viết được; vì có đủ từ hoặc thuật ngữ hiện đại đâu mà viết. Mà có viết được đi nữa thì cũng có mấy người đọc được. Đó là chưa nói đến chuyện in ấn xuất bản”.

Ông không ngờ rằng Cahya Mưlơng hiện đang sống ở Mỹ, chuyên sáng tác thơ tiếng Chăm. Nguyễn Thành Thống bảo “tuyệt đối không”, nhưng ngay sau đó ông tự mâu thuẫn: “mà có viết được đi nữa”. 7 bài thơ Cahya Mưlơng đã đăng trong nước và 4 bài trên Vijaya ở Hoa Kì. Tác giả này còn có cả tập thơ tiếng Chăm chưa in!(4)

5. Về Tagalau
Nguyễn Thành Thống viết:

Trước năm 1975, ở Phan Rang Ninh Thuận, cụ Thiên Sanh Cảnh đứng chủ biên một Tập san gọi là Panrang. Đây quả thực là một cố gắng và đóng góp rất lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật cũng như sáng tác về văn học, văn hóa nghệ thuật Chàm, tuy Tập san chỉ ra được tám số, mỗi số chỉ khoảng ba mươi trang. Những năm gần đây có Tạp chí Tagalau, do Inrasara chủ biên. Đây vừa là một sân chơi vừa là một cố gắng và đóng góp đáng kể của một số anh em người Chàm trong công việc sáng tác, tiếc là những phần trước tác chủ yếu vẫn bằng tiếng Việt”.

Ông Thống lại tiếp tục mâu thuẫn. Để ca ngợi Panrang(5), ông viết “cũng như sáng tác về văn học” của tập san này; còn khi muốn chê Tagalau, ông viết “tiếc là những phần trước tác chủ yếu vẫn bằng tiếng Việt”. Ngay phần trên của bài báo, ông mới không kể sáng tác bằng tiếng Việt của Chăm là văn học Chăm cơ mà!
Chú ý: các tác giả chính của Panrang chủ yếu sáng tác bằng tiếng Việt: Huyền Hoa, Jalau, Nại Thành Viết; trong lúc các cây bút quan trọng của Tagalau đều sáng tác song ngữ (Trà Vigia, Inrasara) hay chỉ có tiếng Chăm (Jaya Hamutanran). Đây không nói chuyện hơn kém. Cứ kiểm kê số bài thơ tiếng Chăm đăng trên PanrangTagalau, thì vấn đề sáng tỏ tức khắc(6).

6. Về cá nhân Inrasara:
– Về Văn học Chăm I – khái luận
Làm khoa học, không ai dám kêu mình thập toàn đúng cả. “Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”, một nhà văn đã viết thế. Với vấn đề liên quan đến văn hóa Chăm thì càng. Ở “Phần dẫn nhập” của tác phẩm nghiên cứu đầu tay, tôi viết:

“Viết cuốn Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển, chúng tôi không có tham vọng làm một văn học sử Chăm (…) Có thể coi đây là công trình đầu tiên mang tính khai phá, với hi vọng cống hiến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về một nền văn học quý giá đang có nguy cơ bị thất truyền, trầm một. Đó là một tham vọng táo bạo và vượt quá khả năng, chắc chắn thế. Nên, khi tác phẩm này ra đời, người viết rất mong nhận được những góp í thiết thực và chân thành nhất của các độc giả nhìn xa thấy rộng, hầu lần tái bản, cuốn Văn học Chăm này ngày càng phong phú và bớt sai sót hơn”.

Không có chuyện giả vờ khiêm tốn ở đây cả. Nên khi ông Thống viết: “nó còn quá nhiều không những thiếu sót mà còn sai trật nữa”, tôi mong ông chỉ ra “quá nhiều thiếu sót và trật” đó. Dù bắt lỗi một công trình khoa học sau khi nó ra đời những 15 năm là điều… kẻ “không đọc gì” như tôi cũng đã nhận ra từ hàng chục năm trước rồi.

– Về “tự học” của Inrasara
Nguyễn Thành Thống viết:

tác giả chỉ tự học (…) hình như tác giả không có duyên gặp được những bậc thầy am tường lĩnh vực này”.

Nguyễn Thành Thống đã nêu, nên tôi xin độc giả cho phép được kể câu chuyện mang tính riêng tư.
Mới 4 tuổi đầu, chưa học biết A, B, C tôi đã được ông ngoại vỡ lòng K, Kh, G. Ông là Phú Bô, tác giả Ariya Rideh Apwei – là thầy cao đạo của thầy của thầy cao đạo hiện giờ, kèm cặp. Ông ngâm đọc và tôi thuộc lòng Ariya Glơng Anak khi còn chưa vào mẫu giáo! Sau đó là ông họ nội Phauk Dhar Cơk – nhà yogi siêu hạng, nhân vật mà tiểu thuyết Chân dung Cát cứ trở đi trở lại, và ám vào cả thơ tôi; Hán Phải – Mưdwơn gru, chú ruột tôi lấy vợ Chung Mỹ. Ngay từ Đệ Lục, tôi nhờ bạn Lưu Văn Đảo dẫn qua ông Thiên Sanh Cảnh lúc đó đang Phan Rang thọ giáo, sau 75 tôi mấy bận qua Hữu Đức quê ông hỏi chữ nữa. Lớn lên xíu tôi học ở Cả sư Hán Bằng, ông cậu trong họ. Năm 1977, tôi theo Trượng Ngọc Toán đọc sách Dhya Dauh ở Bầu Trúc. Năm 1980, cùng anh Lưu Ngọc Tuấn hỏi chuyện ông Lưu Ngọc Hiến ở Mỹ Nghiệp. Ông họ Thạch Tìm – nghệ nhân đánh trống Ginơng ngoại hạng, ông Nguyễn Tùng và Tài Năng Tre ở Phước Nhơn, ông Thập Văn Thơ – Văn Lâm, Phú Văn Thiệt – Hiếu Thiện, bác Lâm Nài – Phan Rí… đều cho tôi cái chữ cái nghĩa không ít thì nhiều. Theo thiển ý, thời buổi đó kiếm được những con người như thế để làm thầy thì không gì quý bằng. Mỗi vị tôi học mỗi cách khác nhau, thu nhặt được các kiến thức khác nhau. Tôi có nêu tên tuổi các vị ở “Lời cảm tạ” trong tác phẩm của mình.
Vài người trong số này vẫn còn sống.
Đó là chưa kể ông Quảng Đại Hồng người bày tôi làm thơ tiếng Chăm từ năm lớp Nhì, sau này gần như là bạn vong niên của tôi(7).
Tôi không ôm đồm tất cả để tỏ ra mình học nhiều biết rộng. Riêng đất Caklaing văn vật này thôi, có ít nhất mươi nhà được cộng đồng xem là người nhiều chữ trong đó ông Lâm Gia Tịnh và Mưdwơn gru Dương Dọng đều là người rất thân cận với tôi, nhưng tôi không kê vào danh sách, bởi đơn giản tôi chưa có dịp học ở các vị!
Ông Thống không sống trong xã hội Chăm, chưa làm cuộc “điều tra xã hội học” thì làm sao ông biết ai là bậc thầy “hơn” ai?
Có thể Thiên Sanh Cảnh “hơn” Lâm Gia Tịnh ở chỗ ông có viết, có công trình, nhưng ai dám chắc vị nào “hơn” vị nào về “am tường văn hóa Chăm”, hay khả năng truyền đạt chữ nghĩa? Rồi ông Phú Bô (mất năm 1965) thầy cao đạo đồng thời là tác giả trường ca thế sự Ariya Rideh Apwei khá nổi tiếng dài gần trăm cặp lục bát Chăm, ai dám nói ông kém? Ai dám nói ông không biết dạy xeh học trò của mình?

– Nhưng có lẽ chuyện đáng [buồn] cười hơn cả là…
Ông Thống viết:

Cũng xin nói thêm về CHCPI. Đó là một Trung tâm nghe ra thì rất thế giá vì gồm toàn các nhà nghiên cứu có dính dáng đến Đại học Sorbonne, nhưng thực tế trung tâm đó có giá trị văn chương học thuật thì ít mà chính trị thì nhiều (…) tác giả nhận giải thưởng của Trung tâm này đã ngộ nhận đây là một phần thưởng to tát lớn lao và vinh dự lắm và nhiều người khác vì không biết cũng hùa theo tán thưởng tác phẩm của người được giải”.

Đến nay, tôi đã nhận 20 giải thưởng khác nhau, của nhiều cơ quan khác nhau từ vài nước khác nhau. Tôi chưa bao giờ tỏ ra ở bất kì đâu rằng, về Giải CHCPI “tác giả ngộ nhận đây là một phần thưởng to tát lớn lao và vinh dự lắm”.
Khi Paul Mus cho rằng văn học Chăm có thể chỉ tóm trong vài mươi trang sách, tôi đã làm được bộ ba Văn học Chăm non ngàn trang sau 25 năm làm việc trong bóng tối vô danh. Giải thưởng đầu tiên này là để “ghi nhận nỗ lực và khuyến khích”, thì có gì sai đâu. Dù bất kì cơ quan nào trao cho nó(8).
Nhưng trong 4 Giải dành cho các công trình về Chăm của tôi là: CHCPI – Sorbonne (Pháp) cho Văn học Chăm I (1995), của Hội đồng Dân tộc (Quốc hội khóa IX) cho Văn học Chăm II (1996), của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam cho Ca dao – tục ngữ – thành ngữ – câu đố Chăm (2006) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho Trường ca Chăm (2006), tôi chưa hề tuyên bố ở đâu rằng giải nào “to tát lớn lao” (chữ ông Thống) hơn giải nào, để mà vinh dự hơn hay kém. Càng không dám quyết Giải nào mang tính “chính trị” (như ông Thống muốn ám chỉ) đậm nhạt ra sao nữa.
Dẫu sao tôi đã nói một lần rồi:

“có lẽ phần thưởng quan trọng nhất, đáng quý nhất là tấm lòng bà con Chăm dành cho công trình nghiên cứu cũng như sáng tác của tôi. Nó là duy nhất và không gì thay thế được!”(9)

Kết luận.
Để kết thúc bài đính chính này, xin cho nhắc lại, Nguyễn Thành Thống có thể rành chữ Chăm trên bia kí, nhưng khi bước sang lãnh địa văn học Chăm và ngôn ngữ Chăm hiện đại, thì vấn đề đã hoàn toàn khác. Bởi ông ít thâm nhập cộng đồng Chăm, chưa ba cùng với đời sống bà con lao động Chăm, chưa hiểu nhiều về bề sâu tâm thức và văn hóa Chăm nên có vài phát biểu sai lệch. Sai lệch về học thuật đã đành, ông còn tỏ ra bất tận nhân tình về quan hệ cộng đồng anh em Chăm với nhau nữa. Nâng Sử Văn Ngọc đứng chơi vơi một mình một cõi trong khi hạ bút “những ông khoa bảng này đa số có trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chàm”, chỉ là một ví dụ nhỏ.
Trong nghiên cứu khoa học, ý muốn khẳng định mình ở thời điểm khởi đầu là cần, nhưng đức tính khiêm hạ và sự bình tâm lại cần thiết hơn. Với dân tộc có định mệnh như dân tộc Chăm thì càng. Bởi chỉ bằng tình yêu thương và tâm giải sân hận toàn triệt, thì tâm hồn mới bắt gặp tâm hồn, từ đó người thiện tri thức hi vọng khai vỡ miền sâu của văn hóa dân tộc này, nơi mà kiến thức sách vở chỉ là yếu tố “cần”, nếu không muốn nói đó là thứ lớp váng đầy tính bề mặt không hơn không kém(10).

Vài đính chính trên chỉ nên được coi như một nhắc nhở, một hỗ trợ người viết “bài báo” tự thức trong chân trời còn đầy sương mù nơi vài vùng tối của văn hóa Chăm.
Viết, như là một người đồng hành hú gọi người bạn đồng hành khả thể.

Sài Gòn, 31-8-2009.

_____________________

Chú thích:

(1) Các chữ in nghiêng là trích nguyên văn trích từ bài báo của Nguyễn Thành Thống.

(2) Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, Q.I, NXB Khoa học Xã hội, H., 1992.

(3) Văn học Chăm I – Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994; Văn học Chăm II – Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995; và Văn học dân gian Chăm – Ca dao, Tục ngữ, câu đố, NXB Văn hóa Dân tộc, 1995; tái bản 2006.

(4) Khi nói tác phẩm nào đó chưa in, người viết bài này đã có trong tay bản thảo. Bởi thơ văn Chăm (cả bằng tiếng Việt) diễn biến (sáng tác – chép nhân bản – phổ biến) qua cảm trạng trong một khí hậu văn hóa – xã hội rất đặc thù, nên sự thể xảy ra đầy nhiêu khê mà chỉ người trong cuộc [và đầy quan tâm] mới nắm và hiểu được nó. Có người làm ra một tác phẩm, không thể nói là không sáng giá, nhưng chẳng hiểu vì lí do gì lại gán nó cho tác giả “khuyết danh”. Bên cạnh một số ít còn chưa dứt nỗi sợ hãi, còn thì đa số Chăm khá “xem nhẹ” sáng tác của mình (Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan là rất điển hình). Cả Inrasara cũng mang nặng nó. Sáng tác ba trường ca phục vụ lớp Hè tiếng Chăm tại Caklaing, xong khóa dạy, tôi vứt và quên tiệt luôn. Mãi năm 2007, khi Quảng Đại Thính đọc nó trong đoạn phỏng vấn phim Inrasara, nhà văn hóa Chăm trên HTV, tôi mới sực nhớ.
Tinh thần này còn lây sang người tiếp nhận: Tác phẩm có tác giả hẳn hoi (như Ariya Ppo Parơng của Hơp Ai chẳng hạn) nhưng khi chép văn bản, người chép sách lại bỏ quên tên tác giả, trong khi tên người chép được ghi rất trang trọng. Trăm năm trước là vậy. Cuối thập niên sáu mươi của thế kỉ XX này thôi, bài thơ dài “Su-on bhum Cam” của Jaya Yut Cam tức Nguyễn Văn Tỷ đăng ở đặc san Ước vọng 1 của Trường Trung học Pô-Klong, cả ngàn người biết, hàng trăm người thuộc lòng hay pwơc jal nó, nhưng hầu như đa số Chăm đều cứ là “khuyết danh”; một, hai người đồn là của Thiên Sanh Cảnh; còn chính em ruột tác giả là Nguyễn Ngọc Đảo thì cho đó là sáng tác của Lưu Quý Tân! Sự thể phát nguyên từ bề sâu lịch sử và văn hóa dân tộc, đòi hỏi thao tác nghiên cứu cẩn trọng bằng thái độ khiêm cung đúng mức mới hi vọng tiếp cận nó. Tôi đã hai lần thử phân tích tâm cảm này trong tiểu thuyết Chân dung Cát lẫn Văn học Chăm I – khái luận.
Cá nhân tôi là người sáng tác đồng thời có máu “thủ kho”, nên lâu nay không ít bà con anh chị em tin gởi tác phẩm (ví dụ Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan kí gởi thơ văn của họ cho tôi mấy năm trước khi Tagalau ra đời; bản thảo đầu tiên tập ca khúc của cố nhạc sĩ Đàng năng Quạ là do thầy “vứt” cho tôi làm, của Tantu cũng thế. Phutra Noroya còn nhờ tôi cất giữ bản thảo tiểu thuyết tiếng Chăm của anh nữa). Nhất là khi có Tuyển tập Tagalau, tôi càng nhận được nhiều bản thảo hơn.

(5) Tôi là người đầu tiên nêu lên ý nghĩa đóng góp của Nội san này. Xem “Ngôn ngữ – chữ viết Chăm, 20 năm nhìn lại”, tham luận tại Kỉ niệm 20 năm Ban Biên soạn sách chữ Chăm tại Phan Rang, 1998, in lại trong Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, NXB Văn học, H., 2003, tr. 174.

(6) Sau Tagalau 2, để dành phần đất “Thơ tiếng Chăm” cho các cây bút khác, Trà Vigia không đăng thơ tiếng Chăm của mình nữa, còn tôi thì chỉ dịch thơ Trà Ma Hani. Các sáng tác của tôi sau đó được đăng lên Website Inrasara.com.

(7) Chuyện vui: dạy lớp Hè những năm cuối thập niên 70, tôi khá bất ngờ khi biết ông Hiệu trưởng Tiểu học cũ dùng thơ tiếng Chăm của tôi dạy học sinh, tôi hỏi sao thầy làm vậy, ông nói bởi nó hay quá. Tinh thần tùy tiện Chăm là thế!

(8) Về Giải thưởng các loại, tôi ít biết bởi hoàn toàn không chú ý về cơ cấu hay phương thức bầu bán của chúng. Giải Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, sau này khi có chân trong Hội đồng, tôi mới hiểu chút đỉnh. Chút đỉnh thôi, bởi tôi không có vai trò quan trọng ở đó. Ngoài vài giải mang tính “trang nhà” như “Giải bài thơ hay nhất trong năm” của ePoetry tại Úc, hay đôi ba tặng thưởng nhí khác, còn thì tại các trang cuối mỗi tác phẩm nghiên cứu, tôi đều liệt kê đầy đủ giải thưởng. Tôi kê theo trật tự ngày tháng, như một “Thông tin về tác giả”. Từ Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho đến Giải thưởng Sách Việt Nam.
Có giải thưởng thì vui, vui và quên đi. Để còn làm việc khác. Giải thưởng CHCPI đã 15 năm đoạn trường rồi còn gì! Còn nếu là “vinh dự lắm” như ông Thống đoán thế, thì phải là tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư mới đúng lí! Bởi đó là lần thứ hai tôi đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tập thơ được chọn trên 800 thi phẩm khác in trong năm, sau đó đoạt luôn Giải thưởng Văn học Đông Nam Á. Hoặc giả Giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam dành cho Trường ca Chăm (2006). Hay Giải thưởng dù rất nhí nhưng đầy tính tự do của độc giả từ khắp nơi của Tienve.org: Chùm thơ tôi được bầu là “Work of the Month” trên gần trăm tác phẩm mang tính tiền vệ được đăng trong tháng.

(9) Xem “Hành trình về nguồn của tôi”, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (in lần thứ 3), NXB Văn học, H., 2006, tr. 19-43.

(10) Đoạn văn trích từ Inrasara, “Tinh thần tùy tiện Chăm & thông điệp Glơng Anak”, Hàng mã kí ức (tiểu thuyết tự sự, đang in) viết năm ngoái:
“Chăm không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi. Nếu bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bác còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bác còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bác chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bác chưa mở lòng ppalai tung tian với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bác chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak” (Tienve.org, 2008).
(*) Lưu ý: Hầu hết chi tiết liên quan đến sinh hoạt chữ nghĩa Chăm và cá nhân Inrasara được dùng trong bài đính chính này, từ năm 2004 tôi đều có kể lại đây đó trong tác phẩm của tôi hay trên Website Chamyouth, Ilimochampa.

3 thoughts on “Đính chính Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống

  1. Gởi Nguyễn Thành Thống

    Kinh gởi ông Thống.
    Về bài báo của ông, nhà thơ Inrasara đã phản bác đâu ra đấy rồi. Ông không cách nào cãi lại nổi dù chỉ một tẻo. Tôi thấy rằng nhà thơ này còn quá lịch sự với ông.
    Ông bảo cụ Thiên Sanh Cảnh đã dịch hầu hết tác phẩm của văn học Chăm. Ông Cảnh mới dịch 3-4 tác phẩm, nói hầu hết là mẫu số của hầu hết đó phải là con số 5. Văn học Chăm mà chỉ có 5 tác phẩm thôi ư?
    Cái chuyện ai ai cũng biết vậy mà ông còn nổ được, “biết một nói mười”, như thế vụ chữ Chăm cổ không người biết, thì ông còn nổ thế nào nữa! Anh Sara có thể tin ông rành chữ Chăm bia kí, tôi thì KHÔNG TIN.

    Chỉ xin hỏi ông mấy câu:
    1- ông nói những ông khoa bảng Chăm đa số có trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chăm. Người Chăm có 7 ông khoa bảng (Inrasara đếm nhầm khi chỉ nêu 6), nói đa số thì phải là 5-6 người, vậy đó là ai?
    Đề nghị ông nêu cụ thể, nếu không tôi coi ông là kẻ muốn hạ bệ người khác để tự tâng bốc mình.

    2- ông bảo tiến sĩ Chăm ở nước ngoài nói “lộn chuồng”, “nói leo”. Sau đó ông viết là ông ta đã khôn khéo từ chối nói mình chỉ chuyên môn sử trong một hội nghị quốc tế về ngôn ngữ. Ai đã kể với ông chuyện này, hãy nêu tên cụ thể?
    Hãy đưa ra chứng cớ, nếu không tôi kết ông tội vu khống.

    3- ông nêu đích danh Lưu Quang Sang trình độ chữ Chăm thì chỉ sơ sài.
    Ông làm ơn cho tôi hay làm thế nào ông biết giáo sư đệ nhị cấp người Chăm này có trình độ sơ sài về chữ mẹ đẻ của mình? Không nêu được, tôi coi ông là nói bừa.

    4- ông viết nhân sự của Ban Biên soạn sách chữ Chăm từ trước đến nay quá hạn chế về trình độ tiếng Chăm. Tôi hỏi ông: Hà cớ gì ông bôi bác các trí thức Chăm như thế?

    Đề nghị ông trả lời không tránh né 4 câu hỏi đó của tôi.
    Kính ông.

  2. Tôi đã đọc kĩ bài viết của N.T.Thống nhiều lần. Thoạt đầu vì ngạc nhiên nên đã gởi bài viết cho Sara. Sara lúc đầu cũng chỉ cười, nhưng khi biết bài viết đã đăng trên sky.vn & ganesha , anh đã rất giận.
    Cái sai lớn nhất của ô Thống là đã quá đề cao mình và hạ thấp người khác. Đó là một thái độ không trí thức chút nào.
    Và, thậm chí còn có thể coi là không lương thiện.
    Nếu ô Thống là một người chân chính, hãy sửa chữa lại bài viết của mình, và hãy xin lỗi anh em trí thức Chăm.

  3. Chuyện của NTT làm nhiều trí thức Chăm nổi giận là điều tất nhiên. Nếu NTT uyên thâm về Chăm đến mức ấy, chắc chắn cuộc hội ngộ giữa NTT và các trí thức Chăm sẽ được diễn ra. Những độc giả Tagalau không kể trai gái trẻ già được tham dự trong cuộc đối thoại trực diện này là diễm phúc lắm! Nhưng dù NTT có như thế nào vẫn mong quý bà con Chăm đưa NTT về với Tagalau mới được, để ông ta đơn độc ổng đổ quạu đó thôi. Không ầm ĩ làm chi mất đoàn kết. Đồng thời xem lại có thầy dùi nào đứng ngoài không. Bác Tỷ với bác Trạm coi bộ nóng hung! Mặc dù bây giờ mới biết NTT nhưng thấy nộ khí của các bác, độc giả Tagalau đoán mò cha nội nầy chắc cũng có chút đỉnh chứ không đến nỗi trần khi, nên mới có giọng trên tránh rứa chớ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *