Tác phẩm Pauh Catwai được Inrasara đưa ra lần đầu tiên bằng nguyên tác trong Văn học Chăm – trường ca (1995); trước đó vào năm 1994, anh có bài nghiên cứu về Pauh Catwai trong Văn học Chăm – khái luận. Đây là một trong bốn tác phẩm được anh xếp vào mục “Thơ thế sự”. Có thể nói đây là chương hay nhất trong toàn bộ tác phẩm của anh. Inrasara viết bay bổng nhất và, có thể nói đầy nhiệt huyết. Trong tình hình đất nước Việt Nam mà anh đã viết được một đoạn văn như thế này thì phải nói là rất thẳng thắn và dũng cảm:
“Trí thức không còn im lặng và quay lưng với thời cuộc nữa mà đã tỏ thái độ. Và muốn có được một hướng đi tương đối chấp nhận được, họ cố gắng đi tìm nguyên nhân để lí giải cho cuộc đại khủng hoảng kia. Cái tham vọng bành trướng của thế lực ngoại xâm được nêu lên trước nhất:
Tathik praung bhum mưda
Grơp abih ia jang khing mưrai
Đất đẹp giàu, biển mênh mông
Khắp các nước đều muốn đến chiếm
(Pauh Catwai)
Kế đó là sự phân hoá chia rẽ trầm trọng trong nội bộ dân tộc Chăm…
Nhưng không phải vì thế mà tất cả đã trở nên tuyệt vọng. Chủ trương bạo lực đã chịu thất bại nặng nề. Không thể phó mặc cho cả dân tộc chịu sự đầu độc của thời cuộc. Dân tộc Chăm không thể là con tốt trong bàn cờ chính trị cho cá nhân hay thế lực nào đó lợi dụng. Glơng Anak tin tưởng vào sự sống còn qua cơn sóng gió của định mệnh dân tộc. Pauh Catwai nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của nền văn hoá Champa. Và đặc biệt đoàn kết dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Đó là những ngọn lửa yếu đuối được thắp lên trong đêm tối của định mệnh dân tộc”.
Tôi đã trích dẫn hơi dài, bởi tôi không thấy trang viết nào về sinh mệnh dân tộc hay hơn. Xin quý vị tìm đọc Văn học Chăm, tr. 202-4.
Pauh Catwai luôn nhắc đến văn hoá dân tộc – bhap ilimo:
Đa ka lihik raung raih
Palai phun pajaih bhap ilimo
E rằng sẽ mất tiêu vong
Tận diệt cội nguồn văn hoá cha ông.
Sa bauh cơk tajuh gilaung
Sibơr ka thraung bhap ilimo
Một ngọn núi bảy ngã đường
Biết dường nào cho văn hoá dân tộc được thông
Viết như thế cách đây gần hai thế kỉ, tôi nghĩ ông cha ta đã có hiểu biết và suy nghĩ về bảo tồn văn hoá dân tộc trước thời đại. Đây là tinh thần nhân bản hiếm có của Pauh Catwai mà lâu nay thiên hạ (nhiều người đọc Chăm) hay cho là ông Pauh Catwai ưa ngạo mạn, khinh thường quần chúng! Nhưng thứ quần chúng như những cóc, nhái, thỏ, cá lòng tong (các nhân vật phản diện trong Pauh Catwai) đáng bị khinh bỉ lắm chứ! Chúng là hạng sâu mọt làm hại dân hại nước.
Bhap ilimo – văn hoá dân tộc. Tôi cho đây là ngôn từ được Pauh Catwai sáng tạo ra lần đầu tiên trong từ vựng Chăm, để nhắc nhở người Chăm, nhất là thành phần trí thức trong lòng xã hội Việt Nam. Nhà nghiên cứu Inrasara viết tiếp trong Văn hoá xã hội Chăm – nghiên cứu & đối thoại (tr. 90):
“Pauh Catwai không chỉ là một áng văn chương hay mà còn phải được xem như một thái độ của trí thức lớn trong giai đọan đen tối nhất của thân phận dân tộc, của số phận nền văn hoá dân tộc. Bằng tầm nhìn rộng, xa – Pauh Catwai đặt vấn đề trí thức: tính cách và thái độ trí thức với tiền bạc, trong xã hội đổi trắng thay đen, trước nền văn hoá sắp sụp đổ nay mai, vấn đề giả bản sắc hay phản bản sắc”.
Pauh Catwai được từ điển Moussay dịch là sấm kí, còn từ điển Aymonier dich là bí ẩn. Người Chăm chúng ta cũng hiểu như vậy. Bởi Pauh Catwai nói bằng ẩn dụ, rất nhiều ẩn dụ. Các ẩn dụ này mỗi người hiểu mỗi khác nhau, nhưng tinh thần chung thì có thể nói là không đi chệch ý lớn nhất của tác giả: bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc.
Theo tôi đây là huyền nghĩa của Pauh Catwai, mỗi người có thể mở rộng ý nghĩa của nó tuỳ trình độ và vốn sống hay vốn văn hoá của mình. Cho nên mặc dù rất quý trọng các thành quả sáng tác và nghiên cứu của Inrasara (bản thân tôi còn cho anh là một hiện tượng kì bí nữa – về Inrasara, tôi sẽ có một bài viết khác), tôi vẫn xin nêu một khuyết điểm trong cách hiểu của anh. Cuốn Văn học Chăm – khái luận, anh đã hiểu rất đúng và hay, câu:
Bilauk li-u iku bamong
Nhjrung gơp tapong lac ilimo
Sọ dừa – đuôi của ngọn tháp
Hè nhau mang vác, bảo: văn hoá đây.
Nhưng sang cuốn Văn hoá xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tr. 99, anh lại dịch lệch thành:
Thứ sọ dừa đẹt của quày
Bảo văn hoá đây, hè nhau mang vác
Tôi có hỏi một số người bà con, Bamong tiếng Chăm có hai nghĩa: tháp, quày (buồng).
Cặp Tháp/ sọ dừa thì có tính đối kháng cao hơn cặp Thứ sọ dừa đẹt của quày chứ! Dịch như cách sau này không sai, nhưng nó chẳng những không mở rộng huyền nghĩa câu thơ mà còn làm nó yếu đi thấy rõ. Trong khi chính anh đã rất ý thức về sáng tạo văn chương mang tính ẩn dụ đối lập. Ý thức này thể hiện suốt tác phẩm của anh.
Dĩ nhiên khi phê bình một điểm nào đó của cuốn sách hay của tác giả nào đó là muốn/ hay có thể hạ thấp được giá trị tác phẩm kia. Nó chỉ là những sai sót thường tình của kẻ viết lách. Phê bình là một góp ý (có thể kẻ phê bình cũng đã sai ngay điểm mà mình vừa phê bình) để giúp nhau mở rộng hiểu biết về cha ông, về mình và và nhất là về văn hoá dân tộc. Tinh thần phê bình cũng chính là thứ tinh thần mà Pauh Catwai ưa thích! Vì dẫu sao, Inrasara là người đầu tiên đưa bản Pauh Catwai trình làng công chúng Chăm và thế giới bên ngoài, một nhà thơ tài năng viết về một nhà thơ tài năng sống xa anh đến gần hai thế kỉ, một vài thiếu sót là rất bình thường. Chẳng phải anh đã từng viết:
Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt
Hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai, vì nó – đã ẩn hình
Thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật
Hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh!
(thơ Inrasara)
*
Hãy để tên tuổi mình ẩn khuất đi cho tác phẩm có mặt, hãy dẹp một bên cá nhân hay tác phẩm cá nhân anh sang bên đi để văn hoá dân tộc tồn tại. Vĩnh viễn tồn tại. Đó là huyền nghĩa của Pauh Catwai!
Bài này đã đăng ở Chamyouth, 2004.