Inrasara
SINH NHẬT CÂY XƯƠNG RỒNG
NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997
Sinh nhật cây xương rồng 1/ 5.
*
BÀI THƠ KHÔNG VIẾT
Có những bài thơ không viết bao giờ
Không phải bài thơ tôi không muốn viết.
Nho độ nhụy đầu mà trời làm rét
Vạn chùm xanh bỗng cọc giữa mùa.
Cặp tình nhân hãi cả ước mơ
Chịu chôn đứng bên này bờ thường nhật.
Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật
Trăm ngõ ra chẳng lấy một lối vào.
Thi sĩ còm thôi còn vọng trăng sao
Mãi lúi húi ao đầm cõi đất.
Hoa nở trọn lòng mình – bất giác
Một bàn chân thô bạo dẫm càn.
Bao văn nhân sở hữu cả kho tàng
Phí một đời xuân đi làm hành khất.
Có mặt hai trăm năm – thơ Glơng Anak*
Chưa gieo nổi mầm xanh ở giữa lòng người.
Nguyễn Trãi đau nỗi đau đất trời
Năm thế kỷ sau câu thơ còn xót.
Không phải bài thơ tôi không thể viết
Những bài thơ không viết bao giờ.
*
NHỮNG BƯỚC CHÂN XA
Ra đi từ sầu của mây, từ lạc của lòng
từ bạc của lời, từ im tiếng khóc
từ lặng câm của đêm đồi trọc
Ra đi từ nỗi khát của đống rơm hoang
từ nỗi trâu già nhớ đất xâm canh.
Ôm hoài vọng của đuôi sao chổi
giấu chút nắng quê hương vào túi
làm hành trang mai mốt tìm về!
Dặm tuyết xứ người cấu rát gót chân quê
bàn tay cuốc cày cóng vô lăng hàn đới
trận trận mistral thổi chùng hai lá phổi*
Ra đi từ cõi mộng xanh
rồi tha phương ngút mắt tha phương
rồi thiểu số giữa lòng thiểu số!
Để vĩnh viễn lắng sóng quê nhà vỗ
vào xa lắc cánh đồng tuổi thơ
vào hao của hát, vào gầy của ru
vào nắng cũ
không bờ nào âm vọng.
___________________________
* Loại gió mạnh, lạnh và khô thổi dọc sông Rhône nước Pháp.
*
NẾU
Rồi em làm Mĩ, Mã, Italy…
Thì có hề chi
Nếu ta còn bối rối
Khi gặp và chào nhau how are you.
Rồi anh thành Mường, Mông hay Khmer…
Thì có hề chi
Nếu ta còn bở ngỡ
Cứ bập bẹ chuyện lòng bằng tiếng mẹ.
*
ANH ĐẠM
Có người thơ tấp tểnh đi buôn
lận lưng ít nắng quê làm vốn
đi, cứ đi phiêu giạt đất trần
chân sạn, buồn đầy, hai tay trắng
Hai mươi năm trở lại xóm thôn
cũ tiếng bò trưa, vầng trăng muộn
mới điệu cười, lạ nhịp sống
Hốt nhiên
chàng úp mặt
khóc oà
*
NỖI BUỒN ỨNG TRƯỚC
Rồi một ngày em di
Xa cái Chạng gầy, bỏ bờ cỏ dại
Xa tiếng mỏ trâu chiều, bỏ thằng Klu xóm dưới
Bốn mùa thơ anh gọi
Hụt hơi.
Rồi một ngày em quên
Plây ta nghèo
Gió trưa tràn bãi trắng
Cha trần thân quần quật cuốc nắng
Cuốc mãi cuốc hoài hút bóng ban mai
Lời ca dao ngấn mỗi vạt ru dài
Rưng rưng hai đầu võng
Nửa con đau – nửa đồng lũ cuốn
Giọt mưa vơi khôn vợi buồn đầy.
Rồi một ngày em không còn nhớ
Một dòng ariya, một điệu kamơng
Mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm
Văn thổ cẩm hay màu mây cố quận
Em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng
Cuốn dòng chảy thị thành
Em quên mình là Chăm
Như quên mình chưa có giấy khai sinh.
Rồi một ngày
Hơi thơ anh
Tắt lịm.
Mình cứ tưởng nhà thơ chết sạch từ thế kỉ trước. vậy nên từ năm 2000 đến nay đâu có đọc thơ của ai. Nhóm thơ tân hình thức cũng đâu có tác giả nào hơn nổi những sử thi cổ đại và đừng có so sánh ai hiện đại hơn ai. Thế cho nên bây giờ mình độc thơ của ông Chăm Inra này, mình bảo mình thấy hay, mình ái mộ, và mình bỗng nhiên nghe ghen ghen với những cô nhân tình của ông Chăm (mà ko thể ko có) thì có cải lương quá ko đây.
Lê Chân
Lê có 2 điều sai:
– Nói về chuyện cô nhân tình nào đó (chắc là phải có) thì là đoán mò rồi.
– Nói nhà thơ Việt chết sạch bách hết, chỉ còn độc mỗi ông nhà thơ Chăm Inrasara là tán rồi.
Lê cần đầm tính hơn.