1. Caklaing đang cấp tập tiến hành Làng dệt thổ cẩm Chăm, Nghe nói khai trương vào Katê năm nay. Sân bóng đá đã kết thúc: đẹp, bề thế. Sinh viên, học sinh nghỉ hè đang làm bóng đá phong trào. Rôm rả.
Hani đầu tư sửa chữa và nâng cấp khu Trưng bày cũ, lấy tên NHÀ TRƯNG BÀY INRAHANI. – Để đón khách Katê, Hani bảo. Mình nói: – Không. Làm cho đẹp làng với vừa mắt khách thì được, chứ buôn bán thì – tuyệt đối không! Không nên kiếm tiền ở nhà quê để dùng tiêu pha đất Sài Gòn. Ngược lại thì được. Làm là làm đẹp mặt làng, và đẹp mặt ta nữa. Còn làm kinh tế thì chớ hòng.
Về quê, dự đám thiêu ông chú họ ở Palau: 3 năm mới về lại quê ngoại, bao kỉ niệm đẹp xưa làm nao lòng.
2. Buổi ra mắt 3 tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt. Ở đó có hai bạn thơ trẻ Chăm: Đồng Chuông Tử và T-T. Tuệ Nguyên. Không khí lịch sự, ấm cúng. Mình dự như là khách mời, vậy mà MC đã đôn lên phát biểu như là một nhà phê bình về Đồng Chuông Tử. Mình nói rất đơn giản:
– Như thường lệ, các bạn yêu thơ chờ đợi ở tôi một phân tích mang tính thi pháp. 3 tập thơ, đâu là lạc hậu, đâu là lặp lại và đâu là sáng tạo. Nhưng xin các bạn miễn cho tôi. Có lí do chính đáng của nó: một vị thì đã mất, hai người có mặt với tôi như thể người nhà, rất khó ăn khó nói. Nên xin nhường lời cho hai nhân vật chính và bạn đọc trao đổi. Bởi chính họ là độc giả thơ đúng nghĩa.
Ờ, tưởng là cho qua, ai dè cô nàng nhà báo nói hâm mộ Sara to lên (nhưng lúng túng do không nhớ tên nhà thơ mình hâm mộ), rồi đến một bạn trẻ lượt nữa đề nghị Sara phân tích thơ của ba tác giả vào chung khảo cho quý bạn nghe.
Tôi thì rất ngại biến mình thành trung tâm, trong khi đây không là cuộc của mình. Lại lần nữa buộc phải từ chối. Phiền là vậy. – Chảnh! Sẽ có người cho là thế.
Trích đoạn eVan:
“Dù được một khán giả đề nghị nhận định về chất hậu hiện đại trong hai giọng thơ của Tuệ Nguyên và Đồng Chuông Tử, nhà thơ Inrasara đã từ chối phân tích sâu. Inrasara chỉ nói ngắn gọn, 3 tập thơ lọt vào chung khảo giải Bách Việt lần này là 3 tập thơ xứng đáng được tìm đọc trong năm nay”.
3. Nhắc đến “chảnh” chợt nhớ vài bạn văn đã rất ngạc nhiên đến không tin là Sara chưa đọc Nguyễn Ngọc Tư. Tư nổi tiếng thế sao lại chưa đọc? Mình bảo mình không có tính tò mò. Mươi năm nay ít đọc văn xuôi, chỉ đọc khi phải làm việc: giới thiệu, phê bình, hay của bạn bè tặng. Trước, đọc tác phẩm nước ngoài, nay muốn đọc trong nước thì quá ít thì giờ.
Mình rất ít tò mò. Ngay cả vài bài viết phản bác vô lối hay khen nịnh mình, mình cũng không đọc. Lại bị cho là giả vờ. – Ồ, tôi đóng kịch làm gì cơ chứ!
Không có thì giờ đọc đã đành, mà sau khi đọc thấy nó quá sai, lại phải mất thì giờ “trao đổi” nữa. Trong lúc cuộc sống còn bao nhiêu việc đáng làm.
4. Hai bạn sinh viên trẻ ghé nhà “xin học” về văn hóa Chăm. Các bạn nhiệt tình, khiến mình vừa vui vừa thương. Hai bạn vẫn còn khá non, nhưng trái tim thì đầy lửa. Ai sẽ giữ và tiếp lửa cho họ? “Người bạn bè mất lửa/ Hôm nay còn mình ta/ Ôm con đường đóng cửa…”. Chợt nhớ đoạn thơ viết thuở hai mươi.
Mình nói với các bạn, nếu muốn học, yếu tố đầu tiên là: đừng cho ai sai! Cho dù họ có nói sai quấy thế nào đi nữa, cũng cần tìm hiểu cái sai đó: tại sao họ nói như thế, nguyên nhân xa và gần, truyền thống gia đình hay xã hội, giáo dục, môi trường sống, cả lợi ích cá nhân nữa.
Mươi ngày sau, hai bạn lại đến. Vẫn ngọn lửa đó: nó đang cháy lên trong mắt bạn, và lây lan sáng trái tim tưởng đã già cỗi của Inrasara nữa.
Cuộc sống vẫn còn bao điều mới lạ.
Cám ơn các bạn.