Bài viết của Trần Thiện Khanh
Đăng ở tạp chí Văn Việt, số 13, tháng 6-2009.
Inrasara nhập cuộc văn chương từ rất sớm. Sức nghĩ của Inrasara dồi dào và mạnh mẽ, sâu sắc và hiện đại. Ngòi bút của Inrasara chạm được vào những vấn đề cốt tử của nghệ thuật. Inrasara đã sống thực sự với đời sống văn chương đương thời.
Sáng tác của Inrasara có thể che lấp được những định kiến hẹp hòi, hoặc những mĩ cảm cũ kĩ. Anh dám vượt mình với vẻ ngạo nghễ cần có, dám vượt qua những lực cản bên ngoài một cách đàng hoàng. Inrasara góp công không nhỏ vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới cách tư duy và lối viết. Inrasara đã làm thức dậy linh hồn Chăm, văn hoá Chăm. Nhiều công trình về Chăm của anh đã được giải thưởng cao quí.
Inrasara sinh năm 1957 tại làng Chăm Chakleng, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Mà Chakleng lại là một làng Chăm chuẩn, một làng Chăm duy nhất có tên trên bi kí cổ Chămpa. Vậy ra, Inrasara được hít thở không khí Chăm từ thuở thiếu thời. Anh được tắm gội trên con sông Chăm đã ngàn năm tuổi.
Ngay từ nhỏ, Inrasara đã mang trong mình “dòng máu Chăm”. Sinh ra trong gia đình Chăm, ông cụ thân sinh của Sara thường đọc thơ cho Sara nghe. Nghe cha đọc thơ, Sara đã thuộc lòng nhiều câu thơ Chăm cổ. Văn hoá Chăm thấm vào Inrasara một cách tự nhiên.
Trong tâm thức của Sara có một dòng sông Chăm ngày đêm thao thiết chảy, thao thức với sự lở bồi của văn hoá Chăm truyền thống. Inrasara tâm sự: có biết bao con sông Chăm nuôi nấng, vỗ về tâm hồn tôi, “có biết bao con sông, mương đầm khuất đi không còn lại dấu vết, nhưng tên của chúng, sức sống của chúng vẫn vang vang ở bề đáy tâm thức tôi”. Sức sống ấy, nguồn sống ấy đã dồn tụ vào hình tượng con sông Lu thân thiết.
Tôi chợt nghĩ thế này: mỗi một nhà thơ có lẽ nên được tắm gội trên một dòng sông nào đó. Nói cụ thể hơn: tên tuổi của anh ta, sự nghiệp của anh ta cần phải gắn bó với dòng sông. Thậm chí phải giống với hành trình vươn ra biển cả của sông nước. Chẳng hạn Nguyễn Khắc Hiếu gắn với núi Tản, sông Đà; Hoàng Cầm về với sông Đuống, Dương Thuấn hát với sông Năng, tên tuổi của Đỗ Trung Lai gắn với “đêm sông Cầu”. Ở văn cũng vậy, Nguyễn Tuân vin dựa vào sông Đà để khẳng định sức mạnh của tuỳ bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường mượn sông Hương để ca ngợi vùng đất cố đô Huế đẹp và thơ mộng… còn tên tuổi của Inrasara thì phải gắn với sông Lu.
Sara gắn bó với sông Chăm, chung thủy với sông Chăm. Năm 25 tuổi, Sara được mời tham gia Biên soạn sách chữ Chăm ở Ninh Thuận. Năm năm sau, Sara thôi việc để được tự do nghiên cứu văn hoá. Tưởng ngòi bút của Sara được thăng hoa tung tẩy sau sự biến ấy, ngờ đâu chỉ mấy năm tiếp, Sara lại bị “lôi vào” Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á để nghiên cứu văn hoá Chăm.
Cuộc đời của Sara có nhiều thăng trầm. Trước năm 90, có một Sara vừa vô định vừa quẩn quanh, vừa bấp bênh vừa “trì đọng”: đi học rồi bỏ học; tham gia nghiên cứu rồi thôi việc để được tự do; được tự do xê dịch bỗng lại bị gọi về làm công việc nghiên cứu,… Chúng ta chỉ có Sara- một nhà nghiên cứu Chăm thực sự khi anh cởi bỏ được mọi trói buộc để lang thang trên các làng Chăm. Chúng ta chỉ có Sara- nhà thơ Chăm khi anh biết tiếp thu ngôn ngữ Chăm, biết mở rộng tâm hồn đón nhận ngọn gió Chăm tràn trề sinh lực.
Có lẽ không phải chỉ Sara mới yêu mến văn hoá Chăm, mà văn hoá Chăm đã chọn Sara từ tiền kiếp.
Sara “có một tập thơ sáng tác bằng tiếng Chăm và một bộ sưu tập văn học cổ điển Chăm” từ hồi còn đi học. Năm 1975 Sara khởi thảo Từ điển Việt – Chăm. Năm 1992, anh hoàn thành bộ sách Văn học Chăm. Năm 1984 biên soạn Từ vựng học tiếng Chăm. Năm 1994, viết xong Văn học Chăm I – Khái luận. Năm 1995, in Văn học dân gian Chăm. Sau cuốn Văn học Chăm II – Trường ca (1995), Inrasara công bố tập tiểu luận Các vấn đề Văn hoá – xã hội Chăm (1999). Năm 2003, Inrasara cho in cuốn Văn hoá xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại… Càng ngày công trình của Inrasara càng dày dặn. Tất thảy sự kiện này đều chứng tỏ bút lực của Inrasara khá dồi dào, sức viết, sức nghĩ, sức đi… của anh rất lớn. Nếu kể hết tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, hoặc các sáng tác đề cập đến văn hoá Chăm của Inrasara cho đến lúc này lên tới vài trang sách. Nói đến Inrasara nên hình dung về một “vùng Chăm” cổ kính…
Sáng tác và nghiên cứu ở Inrasara luôn song hành với nhau. Có thể nói chúng đã hoà vào nhau, chuyển hoá cho nhau. Cảm hứng sáng tác thôi thúc Inrasara sưu tầm, nghiên cứu. Công việc nghiên cứu văn hoá Chăm ở Sara đơm hoa rồi kết thành những trái thơ.
Inrasara nói: bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, “tôi phải nhìn sông Lu từ một chiều kích khác, đến với sông Lu bằng những bước đi khác”. Nàng thơ hiểu tâm nguyện ấy của Inrasara nên xuất hiện kịp thời. Ả thơ tự nguyện thực hiện chức năng mang chở văn hoá. Thơ Inrasara kết đọng vẻ đẹp của văn hoá Chăm. Thơ của Inrasara biểu hiện cái nhìn đầy suy tư về con người Chăm, tâm tính Chăm. Có một “vườn Chăm” trong thơ Inrasara.
Inrasara có một quan niệm rất đẹp về thiên chức của của mỗi con dân Chăm. Với anh, người Chăm phải tự gánh trách nhiệm khai vỡ văn hoá của dân tộc mình. Người Chăm phải tự lực khi xây dựng văn hoá. Quan niệm đó trở thành niềm tin và lí tưởng thôi thúc Inrasara hành động. Inrasara đã cứu nền văn hoá, văn học Chăm khỏi nguy cơ thất truyền. Anh tự mày mò học chữ Chăm cổ, rồi rong ruổi khắp các làng bản để sao chép lại những vốn Chăm vô cùng quí giá. Inrasara không cần kĩ thuật hiện đại nào, mà cũng làm được thứ “ngọc Chăm” thực thụ.
Hành trình về nguồn của Inrasara có thể ví với sự lãng du trong văn hoá dân tộc? Tôi nghĩ không qui về mối ấy. Bởi lẽ trách nhiệm công dân của anh đã bộc lộ rõ ràng từ điểm xuất phát. Inrasara dấn thân vào văn hoá Chăm với nhiều vui buồn rất đỗi trong sáng. Lúc nhỏ tuổi Sara đã khao khát khám phá ra khuôn mặt của văn học dân tộc mình. Khi thiếu thốn, Sara vẫn hăm hở lên đường thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Vào giai khó khăn chồng chất, vậy mà Sara vẫn “nhiệt tình đến với chữ nghĩa cha ông”. Nếu không “mê ngôn ngữ Chăm và cái âm vang của lời”, chắc hẳn Inrasara đã rời bỏ cuộc chơi từ lâu lắm.
Thật khó hình dung nổi, “sự thóc mách về văn hoá” của Inrasara đặc biệt đến nỗi – mỗi khi thấy bà con Chăm chửi bới nhau, anh liền chạy tới nghe, nghe cho hết trận cãi ấy. Anh bảo đến đó được “nghe âm vang của lời, rồi ghi”. Theo sự quan sát của tôi, thì chỉ mình Inrasara mới biết lắng lại để nghe “các tục ngữ, thành ngữ Chăm bật ra theo tiếng chửi rủa, cãi vã”. Mà cũng nhờ có quá trình lượm lặt thế này, về sau khi biên soạn, Inrasara đã làm giàu có hơn văn học dân gian Chăm.
Công của Inrasara thì nhiều, thâu lại gồm mấy điểm sau:
– Về ngôn ngữ Chăm, tiếng nói Chăm:
Inrasara sớm có những nhận xét đích đáng về “chuyện chữ”. Anh kể chuyện “chữ hoang” đầy vẻ bí ẩn, và kể huyện thoại về chữ cũng thật hấp dẫn. Những trang viết về “đám tang chữ” của anh vừa lạ vừa sống động. Đọc kĩ Inrasara chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về thân phận của chữ Chăm hôm nay. Tôi chợt nghĩ phải hiểu cơn hấp hối của của tiếng Chăm đương đại thì mới chia sẻ được với Inrasara về tính cấp thiết của việc cứu sống nó.
Inrasara đã bước đầu chuẩn hoá, thậm chí làm cho ngôn ngữ Chăm phong phú hơn trước rất nhiều. Điều này biểu hiện ở bốn phương diện. Thứ nhất: Inrasara đã cùng với Bùi Khánh Thế, Lương Đức Thắng,… biên soạn bộ Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm. Khi biên soạn họ đã sáng tạo ra một số chữ mới, và bổ sung được khá nhiều từ mới. Thứ hai: Inrasara đã có nhiều sáng tác thơ bằng tiếng Chăm, việc sáng tác này vừa để giữ gìn tiếng nói dân tộc vừa làm cho vốn từ Chăm giàu có hơn. Thứ ba: Inrasara đã từng tổ chức lớp dạy tiếng Chăm để cứu vãn tiếng Chăm khỏi cơn thương khó. Cuối cùng: Inrasara đã cất công sưu tầm, rồi nghiên cứu tỉ mỉ văn học Chăm cổ.
– Về văn học Chăm:
Inrasara có công sưu tầm – nghiên cứu và dịch văn học Chăm. Sara chịu khó đi, chịu khó tìm tòi, sao chép, và hệ thống lại Trường ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm… Anh nói có những tư liệu cực kì quí hiếm, để có được nó, anh đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình. Đối với sử thi, Sara đã vận dụng thao tác so sánh để chỉ ra sự gần gũi cùng điểm khác biệt giữa sử thi Chăm và sử thi các dân tộc thiểu số khác. Sara rất nghiêm túc khi truy tìm nguồn gốc sử thi, chính anh đã có những lí giải hợp lí về một số thuật ngữ vùng sử thi này. Đối với truyện cổ, Sara đem lại sự tin cậy về tư liệu cho giới chuyên môn. Đối với lục bát Chăm, Inrasara đã gợi ra không ít điểm lí thú, mà người đến sau nếu đam mê có thể dựa vào đó để viết những công trình nghiên cứu sâu sắc hơn thế.
Ngoài công việc sưu tầm, nghiên cứu, Inrasara còn tuyên truyền, quảng bá văn học Chăm, văn hoá Chăm trên một diện rộng. Dẫu có công lớn đến vậy, song việc sưu tầm, nghiên cứu… của Inrasara lúc đầu còn nặng quá khứ. Mãi về sau, trong bối cảnh hội nhập, anh mới quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thời sự văn học Chăm. Inrasara đã “gợi mở và gợi hứng sáng tạo” cho các thế hệ Chăm tương lai.
Nếu chúng ta đồng thuận với nhận định: trước Inrasara giới nghiên cứu lẫn độc giả phổ thông chưa hề nhận ra một nền văn học Chăm sáng giá thì theo tôi nên phân định rõ hơn một chút nữa, rằng: công làm sang giá văn học Chăm thuộc về chủ thể sáng tạo, còn công làm sáng giá nền văn học ấy, cho đến thời điểm này – cần phải ghi nhận cho Inrasara.
– Về văn hoá Chăm:
Inrasara ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc Chăm. Anh chú ý không chỉ tới kẻ có bằng cấp mà còn cả người không có bằng cấp gì. Đúng ra, anh dành sự quan tâm nhiều hơn đến những con người tự đào tạo. Anh phê phán những kẻ được đào tạo bài bản mà không chịu tìm học thêm, anh rất ghét những kẻ an tâm ăn mòn mớ kiến thức lạc hậu.
Inrasara chỉ ra có hai loại văn hoá: văn hoá sách vở, tức thứ văn hoá tĩnh và văn hoá nhân dân, tức loại văn hoá động. Loại văn hoá thứ nhất dẫu cần thiết, nhưng không sinh hoá, chỉ có loại văn hoá thứ hai mới được sinh thành liên tục trong cộng đồng và cho cộng đồng.
Inrasara nêu bật vấn đề bảo tồn văn hoá dân tộc. Trong nhiều bài viết của mình, anh khẳng định để bảo tồn văn hoá dân tộc “cần có tấm lòng và phương pháp làm việc đúng đắn”. Mặc dù Inrasara không nói rõ ràng, nhưng tôi đọc thấy trong trang viết của anh một quan niệm khá thú vị rằng: muốn bảo tồn văn hoá thành công, mọi dân tộc cần phải có “khả năng tự vệ”. Nếu không có sự tự vệ này, bất kì nền văn hoá nào cũng tất yếu bị suy thoái rồi dần dần bị diệt vong. Ngược lại, nếu có khả năng tự vệ, dân tộc ấy dù có hiện đại hoá để hoà nhập đi nữa cũng sẽ vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình.
Mặc dù Inrasara luôn nói tới “Chăm tính”, song chưa bao giờ anh tự biến mình thành kẻ giữ kho cho cha ông. Tôi thấy, bên cạnh việc bảo tồn, bảo lưu vốn cổ, Inrasara đã thường xuyên nhắc nhở đến công việc tiếp thu, với anh tiếp thu để sáng tạo ra cái mới.
Inrasara bám sát đời sống văn hoá Chăm đương đại. Có thể nói quang phổ kiến văn của anh tương đối rộng. Tôi thấy, anh có thể kể vanh vách những thành tựu về mỹ thuật của Chăm. Lại thấy anh hào hứng nói về hoạt động của ca- múa -nhạc. Khi nói về kiến trúc, anh cũng tỏ ra mình rất thức thời. Bàn về lễ hội dân gian Chăm, hoặc thổ cẩm Chăm, những ý kiến của Inrasara đượm vẻ trẻ trung và hiện đại. Còn nhận định về văn chương Chăm thì khỏi phải nhắc lại.
Tựu trung, Inrasara đã phác dựng được khuôn mặt văn hoá Chăm từ truyền thống đến hiện đại.
– Về xã hội Chăm:
Từ việc điểm lại nhiều cuộc thiên di lớn của người Chăm trong lịch sử nước nhà, Inrasara đã dành nhiều trang viết về các thế hệ Chăm Panduranga.
Đọc Inrasara, tôi thấy anh xông xáo bàn về các vùng mờ của xã hội Chăm và văn hoá Chăm cổ. Các trang viết về chế độ mẫu hệ Chăm, hoặc về họ Chăm của anh vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có tính chất lí luận.
Sara đã trực diện với những vấn đề nóng bóng của thời cuộc. Chẳng hạn anh thẳng thắn nhìn nhận vấn đề thân phận dân tộc, nghiêm túc nghĩ về thế đứng của con người Chăm hôm nay. Anh thừa nhận: trong xu hướng toàn cầu hoá, khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ cấu xã hội nông thôn Chăm bị phá vỡ, đất ruộng ngày càng bị thu hẹp, số hộ không còn đất canh tác tăng theo cấp số nhân,…
Từ thực tế trên, Inrasara nêu lên nhiều vấn đề thiết thực đối với một dân tộc và nói nhiều tới sứ mệnh của trí thức. Với anh, trí thức trước tiên phải biết tỏ thái độ trước thời cuộc, rồi phải thường xuyên tham gia các hoạt động trí tuệ có tính chất cộng đồng; trí thức không chỉ biết tự đặt lên vai mình trách nhiệm xã hội, mà còn nên tự nguyện gánh vác lấy nó suốt đời, thậm chí sẵn sàng sống chết cho nó. Inrasara luôn xét trí thức trong quan hệ với cộng đồng, với dân tộc. Anh bàn sâu tới bản lĩnh trí thức, anh xét tâm thế cùng tri kiến đích thực của trí thức ở từng hoàn cảnh cụ thể. Tôi xem quan điểm vừa nêu của Inrasara rất đúng đắn và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Inrasara lo cho sinh phận Chăm với một lòng chân thành rất mực. Anh nói về xã hội Chăm, con người Chăm từ một tinh thần mở, một thái độ mở. Anh bảo “chúng ta dù muốn hay không cũng phải lên đường cùng nhân loại”.
Trước Inrasara hiếm có người nào sòng phẳng nói đến cùng các khuyết điểm của mình, lại càng ít người chế ngự được các thói tật của bản thân. Chỉ đến thế hệ Inrasara, mẫu người Inrasara thì sự tự tri mới trở nên có ý nghĩa to lớn đối với chính chủ thể văn hoá Chăm, xã hội Chăm. Tôi khâm phục cái ý chí tự mổ xẻ các khuyết tật Chăm ở anh.
Trong tương lai, tôi tin tưởng, người ta còn nói nhiều đến Inrasara hơn nữa. Công lao của Inrasara rồi sẽ được đánh giá công bằng và khách quan hơn lúc chàng Chakleng còn sống, còn đi và còn viết.
Tác giả bài này, từ những ấn tượng chủ quan khi đọc Inrasara, dĩ nhiên chỉ mới thể hiện được những cảm nghĩ thông thường nhất. Những cảm nghĩ ấy sẽ còn đeo bám, và đến một lúc nào đó – tôi nghĩ – mình sẽ nhìn lại tầm vóc của Inrasara.
Kính mời bạn đọc ở đây
vanvietnew.com/Home/detailnews