Con người hậu hiện đại tin vào câu chuyện của cá nhân trong một hoàn cảnh cụ thể và ngắn hạn. Nó không tin các giải thích của đại tự sự với đủ loại mánh khóe uốn nắn thế giới lọt thỏm vào hệ thống của chúng. Ở Việt Nam, đại tự sự về cuộc chiến anh dũng thần thánh đã được lật mở bởi Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh hay Hoàng Minh Tường với Thời của thánh thần. Dù đây không là tiểu thuyết hậu hiện đại của nhà văn hậu hiện đại, nhưng sự thể đủ nói lên sự sói mòn niềm tin vào đại tự sự của nhà văn Việt Nam đương đại. Có thể coi đó là những tiểu tự sự nhỏ lẻ của cá nhân suy tư độc lập. Ở khía cạnh này, Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều cũng là một cách tiểu tự sự.
Tiểu tự sự khác là những mảnh vụn của một nền văn minh đang ngủ vùi giấc ngàn thu như văn minh Champa được Inrasara phục dựng và làm sống dậy; sống dậy và nhập lưu dòng chảy chung của dân tộc, của nhân loại. Cạnh đó, hiện thực của cuộc sống thành phố sôi động bề bộn hay bế tắc trước và sau thời mở cửa được Trần Tiến Dũng kể lại theo cái nhìn phản biện đặc chất cá thể. Bùi Chát hay Khúc Duy kể chuyện nhảm nhí rất đời thường của chính mình bằng giọng địa phương, là một lối tiểu tự sự đặc thù. Đỗ Kh. với các sáng tác mang ở tự thân tinh thần giải lãnh thổ hóa, hay Trần Wũ Khang và Lê Vĩnh Tài – giải địa phương hóa.
“Thế nhưng, quay cận cảnh bề tối truyền thống văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn phản biện lịch sử không là chống phá lịch sử, bất tín đại tự sự thì khác cả vực thẳm với hủy hoại mọi loại đại tự sự mà là đặt đại tự sự vào thế chông chênh để chúng tự soi lại mình bằng gương soi khác, từ nhiều chiều và dưới nhiều góc độ” (Xem thêm: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 2-2009). Bởi dẫu sao, tinh thần đại tự sự thuộc về bản chất con người.