Đức Minh Nguyễn thực hiện
1. Trong bài “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, nhà thơ có phân biệt thơ Chăm và thơ Việt. Nhà thơ có thể làm rõ ranh giới giữa thơ Chăm và thơ Việt, theo quan điểm hiện tại của ông?
Inrasara: Thơ Chăm là thơ tiếng Chăm và thơ của người Chăm viết bằng tiếng Việt. Bằng tiếng Chăm thì rõ rồi, có muôn ngàn khác biệt. Xin trích đoạn tiểu luận của tôi:
“Không kể thể loại truyện cổ hay truyền thuyết, ca dao hay tuc ngữ dân tộc nào cũng có; cũng chưa kể tới các trường ca triết lí như Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) hay các trường ca thế sự như Ariya Ppo Parơng, vân vân rất độc đáo; riêng về hình thức: Ariya – lục bát Chăm chẳng hạn. Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Đừng nói ai có trước hay ai vay mượn ai, trong khoảng mù mờ của lịch sử. Ariya – lục bát có đó, làm phong phú nền văn học Chăm và Việt. Bởi cấu trúc ngôn ngữ khác nhau (đa âm tiết/ đơn âm tiết là một trong những), nên lối phát triển hai dòng thơ đã có khác biệt nhất định.
Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. Đây là điều mà lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có. Năm Sử thi – Akayet Chăm có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, Chăm có bốn sử thi nổi tiếng; nhưng khác với các dân tộc anh em ở Tây nguyên như Êđê hay Bana,… sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Ba Trường ca – Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bàlamôn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Vân vân…”
Về người Chăm sáng tác bằng tiếng Việt, sự khác biệt thể hiện ở: đề tài, tâm cảm, tư tưởng và nhất là cách viết. Cách viết xuất phát từ ngôn ngữ. Cấu trúc tiếng Chăm khác tiếng Việt, lối nghĩ của hai dân tộc cũng khác nhau. Chăm khi viết thơ bằng tiếng Việt, họ mang lối nghĩ Chăm vào trang thơ của mình, bên cạnh họ luôn dè chừng tiếng Việt, thường trực ý thức khi sử dụng tiếng Việt. Đó là nói về kẻ ý thức ngôn ngữ khi viết, chứ không phải “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”. Rất nhảm! Sự khác biệt tạo thành bản sắc, bản sắc làm phong phú văn học Việt Nam đương đại.
2. Đọc thơ Inrasara, hồn Chăm luôn phảng phất. Hồn Chăm ấy đã được chăm sóc và gìn giữ như thế nào trong tâm hồn ông?
Inrasara: Thường xuyên đi vào lòng dân tộc, ba cùng với cuộc sống thường nhật của quần chúng Chăm; thường xuyên ôn tập từ các trang thơ cổ của cha ông; ý thức sâu thẳm về sử dụng và canh giữ ngôn ngữ dân tộc, dù tôi đang viết thơ bằng tiếng Việt hay tiếng Chăm.
3. Hồn Chăm đó đến được với nhiều người hơn nhờ tiếng Việt, ngay cả khi đối tượng đọc nó là người Chăm, ông có buồn vì điều đó?
Inrasara: Chắc chắn rồi. Bởi thi sĩ là kẻ canh giữ ngôn ngữ dân tộc, nhưng hắn lại thờ ơ hay chểnh mảng công cuộc nặng nhọc ấy. Ngôn ngữ dân tộc rơi vãi hay sa đọa, hắn có thể trách ai?!
4. Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, những tên tuổi Văn nghệ sỹ Chăm nào đã ghi được dấu ấn? Và họ ghi dấu ấn bằng tiếng Chăm hay tiếng Việt?
Inrasara: Nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ-nhạc sĩ Chế Linh, Trà Vigia,… là các nghệ sĩ tài hoa. Tiếc là sáng tác nổi bật của họ là bằng tiếng Việt chứ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
5. Ông đã trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để văn học Chăm có được chỗ đứng trong nền văn học Thế giới chứ không chỉ trong nền văn học dân tộc, ông có lạc quan quá không, trong khi ngay cả văn học Việt cũng đang chịu quá nhiều sức ép?
Inrasara: Không có lạc quan hay bi quan ở đây. Tôi suy tư ở đường biên, trong tinh thần hậu hiện đại. Hậu hiện đại quyết phá vỡ bức vách ngăn trung tâm với ngoại vi, ở mọi lãnh vực, mọi khía cạnh, mọi cấp độ. Dẫu trung tâm đó là văn học Âu Mĩ hay tiếng Anh, văn chương chính thống hay của dân tộc tộc đa số,… Ai dám nói nhà văn ở tỉnh lẻ sáng tác dở hơn nhà văn sống tại các trung tâm văn hóa lớn? Nhà thơ Chăm thì chắc chắn viết kém hơn nhà thơ Pháp?
6. Ông từng nói: “Trên cánh đồng văn chương, làm sao để bạt ngàn cây lúa đón nhận mọi phù sa mới mà không để bị bật rễ khỏi nền đất ruộng quê hương”. Vậy, trong xu thế hội nhập hôm nay, nhà thơ đã làm gì để “cây lúa” Chăm đón nhận phù sa mới mà không bị “bật rễ”?
Inrasara: Đó là qua ý thức của mỗi nghệ sĩ sáng tạo. Ý thức triệt để về sự khác biệt làm nên cái độc đáo và bản sắc. Không nên nhìn bản sắc như cái gì tĩnh-chết, mà là một sự thể biến động thường trực. Bản sắc Chăm cũng thế, nhà thơ Chăm nỗ lực làm ra cái mới: đề tài, ý tưởng, tâm cảm và ngôn từ, để làm nên bản sắc Chăm ở ngày mai.
Tại sao không sáng tạo? Nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ biết để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Bởi nếu nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là cái gì bất di bất dịch thì vẫn chưa đủ. Vì ngay cái gọi là bản sắc hay truyền thống cũng là một sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau cũng sẽ gọi là bản sắc cái chúng ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc và truyền thống không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua những gì cha ông để lại mà phải dám sáng tạo cái mới, có những đóng góp mới.
7. “Thi sĩ là kẻ có bổn phận canh giữ ngôn ngữ dân tộc, phủi bụi, tắm gội và làm mới ngôn ngữ dân tộc”. Tự mang trong mình trách nhiệm phải giữ gìn và phát triển văn học dân tộc, có khi nào nhà thơ cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi?
Inrasara: Không. Như thế thà chết đi còn hơn.
Tôi còn buồn là tôi còn sống
Tôi còn viết là tôi còn yêu
Tôi hết yêu là tôi đã chết
(Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
8. Chúng ta sáng tác bằng tiếng Việt không phải để người Kinh thỉnh thoảng ghé mắt tò mò nhìn, mà phải như một tác giả ngang bằng – sòng phẳng và sạch sẽ. Đó có phải là lối đi mà ông nghĩ là khả dĩ, với văn nghệ sỹ Chăm hiện nay?
Inrasara: Đúng. Nghệ sĩ mà đánh mất đi sự hiêu hãnh thì anh chị ta nghỉ hưu là vừa. Khi đã phá vỡ vách ngăn trung tâm/ ngoại vi chĩu nặng trong tâm thức, thi sĩ không sợ một thế lực nào bất kì, không ngán ngại một trở lực nào bất kì. Hắn tin tưởng vào con đường hắn vạch ra, một con đường còn mù mờ đang chìm khuất dưới màn sương của cõi phiêu lưu sáng tạo. Tin tưởng và đi đến cùng.
9. Những nhiệm vụ nào, theo ông, đang đặt lên vai thế hệ văn nghệ sỹ Chăm trẻ tuổi?
Inrasara: Tôi không dại dột gì phân công phân nhiệm cho một ai cả. Nhất là với một nghệ sĩ sáng tạo. Hắn phải khám phá ra con đường của chính hắn, tạo ra nhiệm vụ của/ cho chính hắn và, gánh lấy trách nhiệm đó. Một mình. Như vị thiền sư kia: Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng.
Sài Gòn, 4-12-2008.