Lối Nhỏ bước qua lối hẹp của thơ ca

Ngây thơ ngày trong kể chuyện của đời thường, của sinh hoạt thường nhật. Nhỏ bé, vụn vặt, như là không đáng kể.
Chuyện ngày hôm qua ngoại cắt tóc trong “Mùa thu của lá”; biển thiết thân trong “Bầu trời xanh bao la”; hay khi “Băng qua năm tháng” để dạo qua quán cà phê cũ để nhìn thành phố bận rộn chuyển động, nhìn con người lạ mà quen, nhìn thời gian trầm tích, để nhận ra hương vị kỉ niệm nguyên vẹn đến không ngờ; hoặc khi bất ngờ khám phá ra mình ba mươi tuổi mà không biết khoai tây nó ra làm sao ở “Dặm đường xanh”. Vân vân…

Mắc cười thiệt!

Người thơ kêu lên một tiếng. Tiếng kêu của người đời thường bằng ngôn ngữ nói ngày thường. Lại là điểm nhấn khác của thơ Lối Nhỏ. Chúng đầy nhóc trong tập Ngây thơ ngày trong: “Nè, tình yêu nè”, “giao kèo rồi đó nhen”, “đặng tui còn có cơ hội”, “là như thế này”,… tạo cảm giác thân mật, gần gũi của lối kể, làm nhòe ranh giới phân cách người viết và người đọc, tác giả và kẻ tiếp nhận.

Ngôn từ, câu chuyện và lối thơ ấy không cao giọng trịnh trọng với đạo mạo nghiêm trọng. Nó biết nó không hoàn chỉnh, bất toàn. Và lạ là, nó không mang ý định hướng về cái hoàn chỉnh. Luôn luôn bất toàn:

Tôi nhìn thấy một người đàn ông thông minh
Sắp xếp cuộc đời mình hoàn chỉnh

Một người đàn ông hoàn chỉnh đến chán phèo! Hay một người bạn mới tí tuổi đầu bên cạnh cũng thế, trang bị chỉn chu và hoàn hảo – rất chán:

Cậu trang bị cho cậu từ trong ra ngoài gần như hoàn hảo cái gì cậu muốn
Đáng kiếp là cậu biết rõ cái mình muốn
.

Họ là những kẻ vạch một lối đi, tự tin, vững chãi và dứt khoát. Đời người như đã được lập trình, bất biến, không thay đổi. Họ có một lí tưởng sống, là thứ lí tưởng tự chọn hay bị áp đặt, không quan trọng; đáng nói là họ chỉ là thứ hình nộm chết được thiết kế cho một tương lai chết. Sáng rỡ, chắc nịch và cứng ngắc.
Trong khi cuộc sống là chuỗi biến động không lường, thay đổi không ngưng nghỉ. Sống là sống lưỡng lự, ngập ngừng, tiến một bước và lui hai bước rồi tiến và lui nữa. Hụt hẫng, sa sẩy, thất thố. Cuộc viết cũng không khác gì. Khi ta đã rõ ràng “chân lí” thì ta chấm hết sáng tạo. Ta mất đi nỗi say sưa của tinh thần thám hiểm. Mất đi nỗi hoang mang tìm đường và lạc đường. Ta viết khi ta còn mơ hồ, còn chập chờn, lơ mơ giữa ánh sáng và bóng tối, còn lang thang vô định trên đường biên đêm và ngày, được và mất, đau khổ và khoái lạc, tội lỗi và thánh thiện. Bế tắc, liên tục chịu sự cựa quậy vùng thoát khỏi bế tắc.

Thế nên bạn phải viết về cái bạn chưa chắc đã rõ ràng, rõ rệt và còn lơ mơ say

Không phải ánh sáng nuôi dưỡng ánh sáng, mà chính bóng tối cưu mang ánh sáng và làm cho ánh sáng được là ánh sáng. Người thơ hỏi: Có ai can đảm đi một con đường tối chưa? Bởi kẻ sáng tạo là kẻ ôm mang bóng tối để nuôi hoài vọng khai sinh ánh sáng. Là kẻ sẵn sàng đi vào con đường tối để lần về đường sáng, ngày mai.
Đi con đường tối là công việc khó nhọc. Các sự kiện buộc bạn trải nghiệm không nhất thiết phải to tát, lớn lao mà là mấy sự thể nhỏ bé, rất thường nhật. Chính đó là điều khó khăn. Yêu hay ghét chẳng hạn. Đôi khi yêu được ai là một điều khó nhọc. Tha thứ, đó là điều khó khăn. Làm thơ là chọn con đường khó khăn, con đường tối mù mờ và mơ hồ. Rất dễ vỡ.

Có lúc tôi lắng nghe tiếng vỡ trong tôi

Nhưng đó là con đường chọn của một thi sĩ chân tính. Con đường tìm lại nguyên tính của sống và yêu, như muốn yêu một người như đứa trẻ chạy ra biển, tìm lại nụ hôn đầu tiên thanh khiết, tình yêu trong lành,…

Đề tài và thi ảnh của đời thường hay ngôn từ ngày thường là chuyện không mới trong thơ hôm nay. Cả lối thơ như thơ-nói nữa. Có nhiều người làm rồi. Lạ là, Ngây thơ ngày trong khiến ta có cảm giác tác giả “không biết” làm thơ. Nghĩa là thơ như thói thường quen gọi đó là thơ. Lối Nhỏ đã thử tìm đến thơ bằng cửa hẹp (La porte étroite) – một con đường khó nhọc. Phúc thay! Đó chính là con đường của thơ ca.

Sài Gòn, 16-7-2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *