Văn chương 9
Talawas, 3-9-2007
Carlos Fuentes, Ca ngợi tiểu thuyết
Nguyễn Tiến Văn dịch
Trong Faulkner, biết rằng chúng ta có khả năng đề kháng có nghĩa là chúng ta có thể chiến thắng, trong những khoảnh khắc nhất định. Tôi chiếu rọi chân lí bi đát và đề kháng thời gian này trong Faulkner bởi tôi thấy rằng nó là thiết yếu cho chính tim mạch của tiểu thuyết. Tự do là bi đát bởi nó ý thức luôn cả tính tất yếu và ranh giới của tự do.
Kafka viết: “Tôi không hi vọng về chiến thắng. Tranh đấu trong tự thân không là hoan lạc, trừ ra trong mức độ rằng nó là điều duy nhất tôi có thể làm… Có lẽ sau rốt tôi sẽ đầu hàng, không phải trước cuộc tranh đấu, mà là trước niềm vui của cuộc tranh đấu”.
Faulkner nói một câu lẫy lừng: “Giữa khổ đau và hư vô tôi chọn khổ đau”, và ông thêm: “Con người sẽ ưu thắng”. Đây chẳng phải, biết đâu, là chân lí của tiểu thuyết sao? Loài người sẽ ưu thắng và họ sẽ ưu thắng bởi vì, dù cho có những sự cố của lịch sử, tiều thuyết bảo chúng ta rằng nghệ thuật phục hồi đời sống trong chúng ta vốn đã bị làm ngơ vì sự hối hả của lịch sử. Văn học làm hoá thật những gì lịch sử đã bỏ quên. Và bởi lịch sử là cái gì đã là, văn học sẽ cung hiến cái gì lịch sử đã không luôn từng là. Đó là lí do chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến – trừ tai biến đại đồng – sự kết liễu của lịch sử.