Bài đã đăng trên báo Dân tộc và Phát triển trang nhất ngày 3-7-2009.
Làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận, tiếng Chăm Chakleng hay Chakling hoặc Caklaing, người Việt gọi trại đi thành Nha Tranh hay Nha Trinh. Tên Mỹ Nghiệp (nghề đẹp) mới có từ thời Bảo Đại. Làng nằm trên mô đất khá cao, cách thị xã Phan Rang 9 cây số về hướng Nam, cách đường số Một hơn cây số về phía Đông.
Cơk mưraung kraung birak
Núi hướng nam, sông hướng bắc.
Nghĩa là đủ yếu tố địa linh sinh nhân kiệt. Hơn nữa đây là làng Chăm duy nhất có tên trên bia kí cổ Champa. Như vậy, nó có mặt đã hơn ngàn năm. Có đến 15 cái Kut – nghĩa trang tộc mẹ vừa sống vừa “hoang” nằm khắp địa phân trong và quanh làng. Đây còn là nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà nuôi vua Ppo Klaung Girai (thế kỉ XII) nữa, vị vua được xem là anh minh nhất của Chăm.
Vậy đó, chúng tôi có đủ điều kiện để tự hào.
Bởi có thể nói đây là làng khá cá biệt của Chăm. Tỉ lệ ruộng đất trên đầu người rất thấp, nhưng Chakleng có truyền thống hiếu học: nhiều người học cao và giỏi nổi tiếng của Chăm. Cho dù khi tiếp thu “văn minh”, theo cái học mới thì dễ rời xa nguồn cội, Chakleng lại là làng “bảo thủ” nhất: tỉ lệ người biết tiếng Chăm cao, bản sắc văn hóa truyền thống còn đậm đặc. Chakleng là làng xuất khẩu chú rể (Chăm theo chế độ mẫu hệ) rất chất lượng của Chăm. Ở nguyên quán, con trai Chakleng chỉ biết có học, gần như phó mặc việc kiếm tiền cho cha mẹ và cánh nữ, nhưng khi được xuất làng, chính họ lại cống hiến trí tuệ, công sức xây dựng làng vợ, nổi bật.
Palei jih dalah, gauk glah palei Hamu Crauk
Mỹ Nghiệp thổ cẩm, Vĩnh Thuận đồ gốm
Thêm câu tục ngữ khác nói lên đặc trưng văn hóa Chakleng: thổ cẩm. Đây là nghề mẹ truyền con nối có từ xa xưa. Có vài thời điểm thổ cẩm Chakleng ngưng đọng phập phù, rồi từ đầu năm 90 của thế kỉ XX, nó sáng giá trở lại. Hàng thổ cẩm Chakleng với cả trăm chủng loại đi vào thị trường trong và ngoài nước. Tên tuổi nghệ nhân thuộc các thế hệ khác nhau như: Dương Thị Mến, Phú Thị Mở, Thị Đợ, Thị Thạng, Thị Tình,… Bàn tay vàng Thuận Thị Trụ có mặt thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm nên niềm tự hào chung của dân Chakleng, con dân của vị vua Rồng – Ppo Klaung Girai.
Phụ nữ Chakleng không ai là không biết dệt. Ngay từ thuở mới biết chơi đồ đạc hay chơi ô, thấy mẹ dệt, em phá chơi; sự phá này có khi phải chịu mấy đòn yêu, nhưng rồi em biết dệt. Hay đôi lúc, khi dệt hoa văn khó, mẹ bắt ngồi phụ, riết rồi dần dần em thành thợ chính từ lúc nào không biết. Chúng tôi lứa con trai, không phải là được mẹ miễn công chuyện. Nên đã không có ít đàn ông Chakleng thành thợ dệt, mà dệt khéo nữa. Katê năm 2002 thôi, trong cuộc thi thợ dệt giỏi, đoạt giải nhất không phải cánh chân yếu tay mềm mà là một nam thanh niên!
Cả người viết bài này nữa – Inrasara đứa con Chakleng – cũng đã từng là một thợ dệt phụ! Tôi đã tơk (xách) phụ mẹ và chị Hám, ppok bauh bingu (lên hoa văn) dệt. Rồi đến khi tôi và Hani mở Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm tại Chakleng vào năm 1994 và 6 năm sau mở Công ty dệt thổ cẩm Inrahani – công ty thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam, chúng tôi đã là kẻ tiên phong trong phong trào thổ cẩm.
Vào Sài Gòn năm 1992, chúng tôi có shop bán thổ cẩm nhỏ ở Thương xá TAX. Sự kiện được coi như hiện tượng này xảy ra ở thế buộc khá buồn cười. Một cửa hàng ở Sài Gòn đặt chúng tôi chục ngàn mét dây 15cm, 800 tấm aban 1,6 X 0,8m hàng thô. Trúng to rồi! Thế là cứ vô tư làm. Bà con Chakleng lâu nay mẹ truyền con nối cứ người mỗi cách mà làm, thì làm sao được đều đặn cơ chứ. Rồi đến 70% số hàng bị loại thẳng tay. Phải ôm đi đâu? Trong khi tất cả vốn liếng đều dồn vào đó. Sập tiệm đến nơi – Hani than thở. Tôi thử đặt câu hỏi: Họ chế tác làm ra các sản phẩm nhỏ được, tại sao mình thì không?
Ngay tức thì, hai dân quê chân ướt chân ráo vào thành phố, ra tay copy hay tự nghĩ ra mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường. Rồi từ mươi hoa văn phổ thông đang lưu hành, Hani nhờ người bạn Pháp photocopy từ Viện bảo tàng Pháp về 20 hoa văn nữa, sau đó cách điệu thành hơn 50 hoa văn khác. Việc chuyển từ hàng thô thành hàng chế biến, là một bước đi mang tính quyết định cho thổ cẩm Chakleng. Trong khi trước đó bà con chỉ mới sản xuất ra sản phẩm thô, thì từ năm 1993 Hani đã chế biến các tấm và dây thổ cẩm thành nhiều mẫu mã hàng độc đáo. Đến nay Công ty đã sở hữu hơn 300 chủng loại thổ cẩm từ ví, túi, balô cho đến drap, mền,…
Hơn thế nữa, khi biết đặt câu hỏi đúng, ta vẫn có thể tiến một bước đáng kể trong cải tạo kĩ thuật. Tại sao cứ mãi rù rì với kĩ thuật dệt cũ? Lần đầu tiên, Hani và Phúc (nhân viên Cơ sở) nghiên cứu chuyển hệ hoa văn từ khung dài để dệt khung ngắn, và đã thành công. Không dừng lại ở đó, ý hướng bán công nghiệp nghệ thuật dệt thổ cẩm nữa được manh nha từ đầu năm 1998. Ra Hà Nội nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tập thơ Tháp nắng, sáng hôm sau tôi và Hani lên xe của Viện Đông Nam Á lên tận Cơ sở dệt lụa Hà Đông đặt vấn đề thiết kế máy. Sau 3 năm thử nghiệm, việc bán công nghiệp hóa dệt thổ cẩm mang lại kết quả khả quan. Sự thể này ban đầu có gây phản ứng, bà con nghĩ rằng như vậy sẽ giết chết nghề dệt truyền thống. Nhưng không! 7 năm sau, Công ty vẫn giữ các nhân công dệt tay tại quê, đều đặn, chứ có mất đâu. Mỹ Nghiệp vào thời điểm hiện tại (6-2009) cũng đã có mươi cái máy như thế hoạt động. Bán công nghiệp chỉ phục vụ cho khách lớn. Và đâu phải người Kinh không biết làm: Một Cơ sở ở Vạn Phúc bắt chước chúng tôi, vừa lên tivi quảng cáo vừa tung hàng thổ cẩm loại này ra thị trường, nhưng bởi không tìm ra đường tiêu thụ lớn, nên họ nghỉ.
Ngoài ra, sau thành công với Chăm, sau khi kết hợp với nhà tạo mẫu Minh Hạnh trình diễn thời trang thổ cẩm các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hani còn khai mào cho hàng thổ cẩm dân tộc thiểu số phía Bắc: Thái, Mông,… đi vào thị trường miền Nam từ năm 1994. Đến hôm nay, công cuộc này vẫn tiếp diễn.
Dấu chân Hani in khắp Bắc Trung Nam dự hội chợ triển lãm, cả chục đại lí mọc lên khắp tỉnh thành, mọc để rồi đổ. Ba Huy chương vàng và Huy hiệu Bàn tay vàng của Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Thổ cẩm Chăm và các dân tộc thiểu số Việt Nam theo chân Hani phiêu giạt Nhật, Ý, Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia,… Ngắn hay dài hạn. Lãi to, huề vốn và cả lỗ nặng. Không vấn đề gì cả! Cả trăm bài báo viết về thổ cẩm Chakleng, về Thuận Thị Trụ và Inrahani, báo giấy và báo mạng, đài tiếng hay đài hình.
Cạnh Công ty Inrahani, hơn chục năm qua, bao nhiêu cơ sở tư nhân khác mọc lên, cùng tồn tại công bằng và cạnh tranh lành mạnh. Và sắp tới, trong thời gian gần thôi, Chakleng còn có cả Làng nghề thổ cẩm được xây dựng trang trọng và khang trang nữa. Tất cả đều góp sức làm cho mặt hàng thổ cẩm Chăm thêm nhiều nét đặc sắc mới, giàu sang và phong phú hơn lên, tôn tạo vẻ đẹp Chakleng ngày càng quyến rũ.
Sài Gòn, 24-6-2009.