Nhưng gì thì gì, một thái độ quá khích bất kì đến lúc nào đó, cũng cần tự đặt giới hạn cho mình, nếu không muốn đi vào ngõ cụt mới và, tắc tị! Trong sáng tác thơ, từ chối ngôn ngữ chợ búa đời thường, thô thiển hay “dơ dáy”, “tục tĩu”, chúng ta chỉ biểu lộ thái độ trịch thượng với ngôn ngữ, thậm phi lí và vô ích. Ngôn ngữ văn học không cần thiết phải đóng cứng trong một số quy ước quẩn đi quanh lại với mớ chữ nghĩa cao quý, phân biệt đối xử với ngôn từ bị coi là húy kị. Càng không nên xẻ ranh giữa ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ phi văn chương, bởi sự vụ này chẳng giá trị gì cả. Không thể tưởng tượng được trong văn chương lại thiếu khuyết ngôn ngữ đời thường. Mỗi thời đại, thậm chí mỗi thế hệ đòi hỏi một số hạn từ khác cho văn thơ. Có thể hôm nay ước lệ hay ẩn dụ trong thơ bị vứt bỏ, thế nhưng, nếu cứ mỗi trang đều đầy rẫy ngôn từ “tục tĩu” thì chúng thành bão hòa. Phản kháng tốt lành phần đầu của thi sĩ thành phản tác dụng nơi khúc đuôi. Chúng gây phản cảm nơi thẩm mĩ người đọc. Và, dù Mở Miệng đóng góp vào kho tàng văn chương Việt lượng ngôn từ mới, húy kị đáng kể nhưng, nếu chúng ta từ chối các từ cao sang, ngôn ngữ thơ của thi sĩ trẻ sẽ nghèo nàn biết bao. Vô hình trung chúng ta tự buộc tay chân mình, chặt gẫy đôi cánh chưa có gì là khỏe khoắn của mình, cuối cùng tự rơi vào một thế bí hệt thế hệ hôm qua, nhưng ở chiều ngược lại: đối xử phân biệt với ngôn ngữ quý phái!
Hoặc nếu có cắt dán thì chơi vài “Thời hoa đỏ lè”, hay “Mùa thu hu hu hu” thì được, còn chúng ta cứ thoải mái Hu hu hu thì còn đâu sáng tác cổ điển cho chúng đỏ lè hay đỏ hoe nữa! Trống trơn cái kho rồi còn gì?
Và, điều cốt tủy là, khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng, vì nếu mãi ở lại với giải quyết ức chế xã hội, tuổi trẻ phản ứng và chỉ biết phản ứng, sức sáng tạo sẽ trì trệ, từ đó thơ mất khả năng khai phá và thăng hoa. Khủng hoảng lẩn quẩn mãi trong vòng bế tắc nghề nghiệp với phản kháng mang tính cục bộ, nhất thời, chưa một lần được chúng ta đẩy tới cấp độ cao hơn. Thì làm thế nào tư tưởng chúng ta có thể lớn? Nền thơ tiếng Việt có thể lớn?