1. Ba tháng không ghé Cà phê Bông Giấy nơi các bạn văn thành phố túm tụ tán dóc với trao đổi thông tin ngoài lề, nơi mình cũng ưa túm tụ. Mấy bạn văn bảo “Sara trốn đâu kĩ thế”. Đây có lẽ là tháng mình được tặng thơ nhiều nhất: 24 tập. Nhưng 4 tháng rồi chưa viết phê bình tập nào. Viết lời giới thiệu càng không, dù vài bạn thơ gợi ý. Mình không ưa nổi chuyện viết giới thiệu khi tác phẩm chưa in, vậy mà quanh đi quẩn lại đã viết cho 5 tập, cứ bình quân 2 năm/ tập. Chán thế chứ. Viết giới thiệu, đúng là chuyện khệnh khạng và ngốc hết biết. Tác phẩm không đủ nói về nó ư? Viết cho người lớn tuổi hơn mình thì càng ngốc tệ. May nhờ trời phật độ trì, mình mới viết cho cánh trẻ, không thì chẳng biết lủi đầu vào đâu.
2. Thường thì mùa Hè là mùa sáng tạo mạnh nhất của mình. Suốt tháng 6-1996 tại Trại sáng tác Đải Lải, hoàn chỉnh tập thơ Tháp nắng. Hè 2002 xong Lễ tẩy trần tháng Tư tại Vũng Tàu. Hè năm nay – không gì cả! Khi xong Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại vào dịp Tết, sau đó là Hàng mã kí ức (Tự sự) và Akayet Cham trong hai tháng tiếp theo, thì cả tháng Năm và tháng Sáu: trống!
Mấy bài thơ lèo tèo, xóa đi viết lại. Không có tiểu luận nào đáng kể, ngoài “Thơ như là con đường 2”. Nằm ỳ nhà đọc lại vài tác phẩm Heidegger do Chế Mỹ Lan từ Mỹ gởi tặng. Và Krishnamurti do Jaka mang từ Ấn Độ sang.
Tâm hồn cứ trì nặng. Trái tim nửa muốn bay bổng, nửa lại như muốn rơi xuống đất đen. Nó lơ lửng và là là. Rất chán!
3. 5 bản thảo gửi đi, chỉ có cuốn Akayet Cham là chắc chắn ra trước Katê. Tagalau 10 vẫn chưa có giấy phép cầm tay. Văn học Chăm khái luận thì chưa có nhà nào chịu bỏ tiền in. Hàng mã kí ức (Tự sự) được vài nhà rất khoái, nhưng ai cũng đòi duyệt bỏ đến chục trang! Ban biên tập bảo có vấn đề. Mình nói, viết mà không vấn đề thì viết làm gì cơ chứ, đi cày cho khỏe thân là hơn! Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại cũng chung số phận.
Ông bạn thân ở tòa soạn phone mừng là trích đoạn Luận văn Thạc sĩ về thơ Sara đã đưa đi nhà in, gần nguyên trang to của báo chuyên, rất oách. Rồi là mừng… hụt: sáng mở mắt không thấy bài đâu! Chiều, lại một cô ở tòa soạn tờ báo khác phone: “Em đã nhận bài của anh, sẽ in tuần sau, anh đừng gởi cho báo nào khác nhé”. Tin nghe như thế và chấp hành thế, rồi cũng lại… hẫng!
Chà chà!
Cả tháng không xa Sài Gòn nói chuyện, cũng không về quê. Nhớ nhà.
4. Xã hội Chăm yên ắng, ngoài chuyện cha mẹ chuẩn bị khăn gói dắt con em vào các thành phố lớn thi Đại học. Chỉ có thầy Tỷ vừa ra cuốn sách về giáo dục. Tác phẩm được viết công phu chưa đựng nhiều đề xuất khả thi. Ông thầy phát hành đến các làng xã Chăm, không bán trong các hiệu sách lớn. Thầy cho rằng nó sẽ có dư luận. Ai mới ra tác phẩm đầu tay cũng mong và tưởng thế. Nhưng mình nghĩ nó cũng sẽ yên ắng như xã hội Chăm thôi, chỉ khi nào có cãi vã thì mọi người mới xúm vào coi. Vụ các loài thư nặc danh cáo giác nhau năm ngoái, là khá điển hình. Cả 2 tập thơ của hai tác giả trẻ Chăm nghe nói vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt năm nay cũng chưa thấy ra lò. Còn ở “ngoài kia”, Việt Nam bao nhiêu là chuyện: từ vụ bauxite đến vụ vài chục ngư dân bị bắt ở ngoài biển Trường sa – Hoàng sa, vụ luật sư Lê Công Định đến vân vân thứ.
5. Một đoạn văn rất đáng nhớ:
What is the relationship between yourself and the misery, the confusion, in and around you? Surely this confusion, this misery, did not come into being by itself. You and I have created it, not a capitalist nor a communist nor a fascist society, but you and I have created it in our relationship with each other. What you are within has been projected without, on to the world; what you are, what you think and what you feel, what you do in your everyday existence, is projected outwardly, and that constitutes the world. If we are miserable, confused, chaotic within, by projection that becomes the world, that becomes society, because the relationship between yourself and myself between myself and another is society – society is the product of our relationship – and if our relationship is confused, egocentric, narrow, limited, national, we project that and bring chaos into the world.
What you are, the world is. So your problem is the world’s problem…
(J. Krishnamuri, The First and Last Freedom, Krishnamurti Foundation India, 2008, p. 25).
Đâu là tương quan giữa bản thân bạn với nỗi khốn khổ và sự hỗn loạn trong và xung quanh ban? Chắc chắn sự hỗn loạn đó, nỗi khốn khổ đó không tự sản sinh. Bạn và tôi, chứ không phải một nhà tư bản, một người cộng sản hay tay phát xít nào, đã tạo ra chúng. Bạn và tôi đã tạo ra chúng trong tương giao của chính chúng ta, với nhau và với cái khác. Những gì chất chứa ở nội tâm bạn được phóng hiện ra bên ngoài thế giới; bạn là gì, bạn nghĩ và cảm gì, bạn làm gì trong cuộc sống thường nhật sẽ được phóng hiện ra bên ngoài; chúng làm thành thế giới. Nếu chúng ta khốn khổ, bấn loạn, hỗn loạn nội tâm, qua sự phóng hiện, chúng tạo thành thế giới, làm nên xã hội. Bởi tương giao giữa bạn và tôi, giữa tôi và người khác chính là xã hội – xã hội là sản phẩm tương giao hỗ tương của chính chúng ta – và một khi sự tương giao này rối loạn, vị kỉ, nông cạn, hẹp hòi, tinh thần quốc gia cục bộ, chúng ta sẽ phóng hiện chúng ra bên ngoài, từ đó mang hỗn loạn vào thế giới con người.
Bạn thế nào thì thế giới thế ấy. Như vậy, vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới…