1. Sơ lược về Dân tộc Chăm
Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc thiểu số tại Việt Nam ngày nay, với dân số thống kê được ghi là 142.000 người, phân chia ra ở vùng đất Chăm cổ truyền Panduranga nay thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, 120.000 người, còn lại khoảng 32.000 người thì ở vùng đất mới định cư Châu Đốc nay thuộc tỉnh An Giang, ở tỉnh Tây Ninh giáp giới với Campuchia và TP Hồ Chí Minh cũng như dọc theo quốc lộ thuộc tỉnh Đồng Nai, v,v… Con số này được đánh giá chính xác ở mức tương đối do tình trạng cư trú phân tán nơi nào người Chăm ngày nay cũng sống lẫn lộn xen kẻ với cư dân Việt. Việc nhận diện là cả một vấn đề nêu lên trong công tác thống kê.
Trước năm 1975, dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà, người Chăm được chánh thức xếp vào thành phần gọi là “sắc tộc thiểu số”; sau năm 1975, thì đổi lại là “dân tộc thiểu số”, còn người Việt thì được gọi là “dân tộc Kinh”.
Trong quá khứ dân tộc Chăm nguyên là thần dân của vương quốc Champa còn được quen gọi trong dân gian và cả trong sử liệu Việt và Trung quốc là “Chiêm Thành” do địa danh của một thành phố ở phía Bắc Vương quốc Champa tên gọi là Champapura, (pura, tiếng Phạn có nghĩa là thành phố) phản ảnh một tầm nhìn phiến diện cố hữu do sự giao tiếp buổi đầu nhứt là qua đầu mối giao thương từ bên ngoài, chỉ biết có riêng địa phương đó.
Ngay chữ “Chăm”, trong dân gian Việt, trước đây, vẫn quen nói là “Chiêm”, “Chàm”; ngoài ra, ở miền Trung Việt Nam, người dân cũng quen gọi là Hời, một tên gọi gây mặc cảm nơi người Chăm, cho rằng mang tính miệt thị, và cố thi sĩ Chế Lan Viên trong tập thơ bất hủ “Điêu Tàn” khóc cho thân phận người Chăm cũng đã dùng chữ Hời. Những năm gần đây, trên tinh thần tương kính thích hợp, người Chăm mới được trang trọng chánh thức gọi lại là “Chăm”, thống nhứt với đúng chữ chính người Chăm tự gọi mình trong ngôn ngữ Chăm thông dụng.
Sau các biến cố lịch sử, với nhiều giai đoạn xung đột đẫm máu với Đại Việt ở phía Bắc, vương quốc Champa đã tan biến và ngay từ bước đầu, đã bị triều đình nước Đại Việt trên đường Nam tiến, phân chia thành ba nước Hoa Anh, Nam Phan và Đại Chiêm. Ở giai đoạn sau cùng, phần đất mà cư dân là các sắc tộc Thượng ngày nay trên phần đất Cao nguyên Trung Phần chỉ được bên ngoài nghe biết qua huyền thoại các Vua lửa (gọi là Hoả Xá), Vua nước (gọi là Thuỷ Xá)… với nhiều huyền thoại bao quanh, thích hợp với nền nếp sinh hoạt phần lớn còn ở trình độ bộ lạc, đã được cho quan hệ riêng, trực tiếp triều cống triều đình Việt. Vùng đất còn lại ở phía Nam tên Chăm là Panduranga cư dân là người dân tộc Chăm vốn đã nắm giữ vị thế trung tâm của dòng chính lưu của vương quốc Champa ngày xưa. Theo thời gian, đến ngày nay, tại vùng đất này, cư dân Việt cùng sống xen kẽ với cư dân Chăm, nhìn tổng thể, một số làng mạc Chăm có hàng rào bao quanh, xem tựa hồ như các ốc đảo.
Các sử liệu thành văn Champa ghi trên các văn bản vốn là những thẻ lá buông, mảnh vải hoặc giấy bản còn được lưu giữ và tồn tại ở vùng đất người Chăm ở Panduranga; nhưng ở phần đất phía Bắc thì đã bị thiêu hủy hoàn toàn kể từ khi kinh đô Đồ Bàn gần như bị san bằng; các công trình điêu khắc được lưu lại tại các đền tháp cổ xưa còn sót lại là những công trình sáng tạo nghệ thuật độc đáo thời xưa của dân tộc Champa còn tồn tại đến ngày nay là nhờ ghi khắc, chạm trổ trên đá hoặc gạch nung, hoặc trên chính những tượng đá, qua thời gian, nhiều nơi đã bị thời tiết làm xói mòn nhưng cũng còn có dấu tích mở ngõ cho các công trình nghiên cứu khoa học nhiều thập niên sau này, góp công làm sáng tỏ những gì đã bị che khuất quên lãng do thiếu hiểu biết. Các tượng đá, các hình chạm khắc nghệ thuật này, bên cạnh các hình ảnh thần linh theo Ấn độ giáo, nổi bật nhứt về mặt nghệ thuật điêu khắc, có hình ảnh của người phụ nữ Chăm, với những mẫu búi tóc cổ truyền bới trông rất lạ mắt; bên cạnh, lại còn có các điệu múa uyển chuyển của các vũ nữ cung đình vô cùng tuyệt diệu của dân tộc Chăm. Đặc biệt là vũ điệu Apsara kích động mãnh liệt tính hiếu kỳ trong những tầm nhìn từ bên ngoài xã hội Chăm, những năm gần đây, còn được mang ra khai thác trong ngành du lịch, bày ra một số khía cạnh lố lăng nhằm khai thác lợi nhuận, đã bị dư luận người Chăm lên tiếng bài bác sau đó mới được chấn chỉnh lại.
Câu chuyện người phụ nữ Chăm, xưa và nay, qua bối cảnh văn hoá xã hội dân tộc kể trên, cần phải một hay nhiều quyển sách dày mới phân tích chuyên sâu đến nơi đến chốn được. Nay trong khuôn khổ bài viết này, trong mục tiêu đóng góp gây hiểu biết trung thực và cân bằng về dân tộc Chăm trong xã hội Việt nam đuơng thời, người viết chỉ ghi lại câu chuyện về người cung nữ Mỵ Ê, chuyện bà Tổ mẫu Chăm, nhắc lướt qua mô hình phân tích còn dang dở về ngưòi phụ nữ Chăm, và sau cùng một đôi hàng về hướng vọng tương lai.
2. Câu chuyện Nàng Mỵ Ê, người cung nữ Champa
Trong lịch sử Champa, không thấy ghi có những nhân vật phụ nữ anh hùng lãnh đạo người dân chống ngoại xâm, tương tợ như hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị trong lịch sử Việt. Nhưng một gương hy sinh đầy nghĩa khí, tiêu biểu một giá trị văn hoá truyền thống cao đẹp, nói lên bản chất trung trinh trong sáng quyết liệt của một cung nữ Chăm đã được lưu dấu vết để hậu thế nhắc nhở và thán phục. Nàng cung nữ thường được nêu danh kèm theo cụm từ “xấu số” hoặc “bạc phước” này được sử liệu Việt ghi là “nàng Mỵ Ê” nguyên đã bị quan quân Đại Cồ Việt dưới quyền lãnh đạo của vua Lý Thái Tông vào năm 1044 bắt giữ cùng với đông đảo cung nhân nhạc nữ Chăm mang về nước với tính cách chiến lợi phẩm, sau khi quân binh Việt đánh chiếm và phá huỷ kinh thành Vijaya tức Đồ Bàn, thủ đô Champa. Không chịu tuân lệnh sang chầu bên thuyền vua Đại Cồ Việt, nàng Mỵ Ê đã can đảm cắn răng nhảy xuống nước trầm mình tự kết thúc cuộc đời. Xúc động trước thái độ can trường này, vua Việt đã truy tặng người cung nữ Chăm xấu số tước vị “Hiệp Chánh Hộ Thiên”, cho đến nay, vẫn còn có đền thờ ở Phủ Lý, Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.
Nhắc lại như là một kỷ niệm tường nhớ đến một vài bậc đàn anh trong giới nghiên cứu Việt quan tâm đến dân tộc Chăm là gốc nguồn của người viết bài này, trong quá trình biên soạn quyển “Dân Tộc Chàm lược sử”, xuất bản năm 1965 tại Sài Gòn, một tập sách thứ 2 sau tập sách của bà Vương khả Lâm nội dung 38 trang, còn rất khái quát, xuất bản năm 1936 tại Hà nội. Cố Giáo sư Nghiêm Thẩm, lúc đó đảm trách Giám đốc Viện Khảo cổ, Giáo sư Trường Đại học Văn khoa, là người đã giúp đỡ biên soạn và đề tựa tập sách kể trên cho người viết, một hôm, không biết đã tìm đâu ra và mang đến với rất nhiều thích thú một miếng giấy chép tay bài từ khúc tựa đề “Tâm sự Nàng Mỵ Ê” của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, sau đó, tạo thành một đề tài trao đổi rất hấp dẫn và hữu ích tại toà soạn tạp chí Bách khoa, Sài Gòn, với sự tham gia của những bậc đàn anh nay đã thành người thiên cổ mà bản thân người viết nhớ mãi. Cụ thể là Nguyễn Hiến Lê, Bình nguyên Lộc, Nguyễn Ngu Í,… hẳn nhiên là không thể quên cố Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm tạp chí Bách khoa hầu như bao giờ cũng tận tay pha chén trà mời các thân hữu bạn bè. Vấn đề được mang ra bàn xoay quanh điểm, không biết thực sự người cung nữ này mang tên Chăm là gì, vì sử sách cung đình Champa đã bị đốt sạch, không còn lưu lại dấu vết nào cả, sử liệu Việt thì chỉ ghi là “nàng Mỵ Ê” và nghi vấn được nêu lên bao gồm cả việc Mỵ Ê là tên riêng của nàng hoặc chỉ là một danh từ chung chỉ định một người xuất phát từ cách gọi của dân tộc Chăm. Qua các buổi trao đổi dồi dào ý kiến giả thiết soi sáng, các bậc đàn anh chưa bao giờ kết luận dứt khoát.
Hôm nay, sau 43 năm, ngồi nhớ và đọc lại, cũng lại mang ra đăng tải ở đây, cùng độc giả Phụ Nữ Diễn Đàn chia xẻ như là một kỷ niệm đậm đà ý nghĩa liên hệ đến người phụ nữ Chăm, một hình ảnh sáng chói, trong dòng lịch sử dân tộc Chăm nay đã hầu như xoá mờ dưới lớp bụi thời gian.
Theo cảm hứng, thi sĩ Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu đã dệt nên những vần thơ đã trở thành bất hủ, đọc lên nghe tựa hồ như một niềm đau cho dân tộc Chăm ở một thời điểm không may trong lịch sử, khóc nàng cung nữ Chăm bạc phước, dưới tựa đề “Tâm sự nàng Mỵ Ê” như sau:
Châu Giang một giải sông dài
Thuyền ai than thở một người cung phi!
Đồ Bàn thành phá hủy.
Ngoạ Phật tháp thiên di,
Thành tan, tháp đổ,
Chàng tử biệt, thiếp sinh ly.
Sinh ký đau lòng kẻ tử quy!
Sóng bạc ngàn trùng,
Âm dương cách trở,
Chiên hồng một tấm,
Phu thê xướng tùy.
Ôi mây! Ôi nước! Ôi trời!
Đũa ngọc, mâm vàng, giọt luỵ rơi.
Nước sông trong đục,
Lệ thiếp đầy vơi,
Bể bể, dâu dâu, khóc nổi đời!
Trời ơi! Nước hởi! Mây trời!
Nước chảy, mây bay, trời ở lại,
Để thiếp theo chàng mấy dậm khơi!
Năm 1979, bản thân người viết đã một đôi lần đi ra ngoài lao động trong khu đất lân cận, được dịp dừng chân ở một ngôi miếu nhỏ tên gọi là “miếu ba Cô”. Vì ngôi miếu nhỏ này cùng ở vùng Nam Hà, và liên quan đến phụ nữ, câu chuyện “nàng Mỵ Ê” đã được liên tưởng, nhắc nhở và sau đó, đã tạo thành một đầu đề bàn tán hấp dẫn.
3. Pô Inư Nagar, Tổ mẫu Xứ Chăm
Những ai từng đến đất Nha Trang, nương theo quốc lộ đi về phía Bắc, vừa bắt đầu băng qua cây cầu dài vượt con sông Nha Trang trổ ra biển, nhìn về ngọn đồi thấp bên tay trái thì nhận ra ngay một quấn thể bao gồm sáu ngôi tháp cổ xây bằng gạch nung màu đỏ xẩm, kiểu dáng kiến trúc tương tợ như các ngọn tháp Chăm khác mà du khách thường thỉnh thoảng nhận thấy nằm trên các ngọn đồi dọc theo quốc lộ song song với dảy núi Trường sơn thăm thẳm trên nền trời.
Quần thể tháp ở Nha Trang kể trên, theo ghi nhận, đã được vua Champa là Satyavarman xây dựng từ năm 784 nắm giữ một vai trò rất quan trọng nếu không nói là cốt lõi trong đời sống tâm linh của người dân Chăm mà phương thức tôn thờ thần linh chịu ảnh hưởng rất đậm nét Ấn độ giáo nguyên là tôn giáo đã du nhập vào vương quốc Champa từ buổi đầu. Trong quần thể tháp Nha Trang, người ta tìm thấy những hình tượng linga và yoni (bộ phận sinh dục nam và nữ) biểu tượng thuyết âm dương, những biểu tượng ba ngôi thần linh Brahma, Vishnu và Siva của Ấn độ giáo được tôn thờ. Riêng ở ngôi tháp chính giữa, có một bức tượng bằng đá, chính là tượng thờ Pô Inư Nagar được diễn dịch trong dân gian người Việt là Bà tổ mẫu Chăm. Bức tượng này chỉ được y mặc y trang để thực hiện cúng lễ vào những ngày quy định trong năm, và được giới nghiên cứu là biểu tượng hoá thân thần Baghavati của Ấn độ giáo.
Theo bài tụng ca do các chức sắc ngâm đọc trong lể cúng, đưọc nhà biên khảo lão thành Pháp Antoine Cabaton vốn là nhà biên khảo đương thời với Etienne Aymonier, Louis Finot, Georges Maspero, v v…tiên phong xúc tiến nghiên cứu về dân tộc Chăm từ đầu thập niên 1900, ghi lại và dịch ra tiếng Pháp, đăng tải trong trong tập chuyên khảo “Những cuộc nghiên cứu mới” . Jeanne Leuba, nhà biên khảo lão thành người Pháp, lại là nhà biên khảo nữ v v… Sau đó, cũng đã đã ghi lại trong tập sách “Một vương quốc đã biến mất: Người Chăm và nghệ thuật của họ” bài tụng ca nội dung như sau:
“Nữ thần mẹ của vương quốc là đấng sáng tạo ra đất, cây cối và các gỗ quý. Bà đã làm ra hột lúa và dạy cho con người cấy trồng. Trời đã thích thú ngửi được hương thơm của bông lúa trộn lẫn với hương trầm. Để tỏ lòng tôn sùng, Po Yang Inư Nagar đã dâng lên trời một hột lúa có cánh, trắng tinh như một áng mây. Trời đã cho gieo trồng hột lúa này, làm sản sanh ra nhiều giống lúa. Khác biệt do màu sắc bề ngoài, tất cả đều giống nhau bên trong.
“Po Yang Inư Nagar thù ghét kẻ hung dữ và thuận với kẻ tốt lành. Người ta dâng lên nữ thần miếng trầu bằng cánh tay giơ lên.
“Nữ thần mẹ của vương quốc” còn được gọi là Muk Juk tức Bà đen.
“Ngày xưa, đã sanh ra nữ thần Po Nagar. Bà đã tạo ra quả đất, cây trầm và cây lúa.
“Cây trầm hương và cây linan xuất xứ từ Bà. Không khí bao quanh nó có hương thơm như lúa; chính bà đã tạo sức sống của cây thiêng liêng.
“Người đảm trách bấm ngón trỏ vào lá trầu hoặc
“Po yang Inư Nagar” hoặc Po Yang Inư Nagar Taha là vị nữ thần linh “Mẹ của Vương quốc”, một nữ thần oai quyền nhứt của người Chăm, thường đựợc ghi trên các bia ký Champa. Bà đã sanh ra từ áng mây và bọt biển. Bà có 97 người chồng, nổi danh nhứt là Po Yang Amư, vị thần linh Cha, sanh ra 38 người con gái, được Champa thời cổ tôn thờ.
Trực tiếp khai thác bài kinh được các chức sắc Chăm ngâm đọc trong lễ cúng, gần đây còn được gọi là “tụng ca”, nhà biên khảo Antoine Cabaton còn ghi thêm:
Với những người chồng đầu tiên, Po Yang Inư Nagar Taha sanh ra nhiều con gái:
– Po Nagar Dara, được tôn thờ tại một lăng miếu ở Mong Đức, phía Nam vùng thung lũng Phan Rang, trong thửa ruộng gọi là Hamu Tanran;
– Po Bja Tikuh, Bà Hoàng Chuột có lăng miếu tôn thờ ở Pajai, gần Phan Thiết;
– Po Dara Nai Aneh, Bà hoàng nhỏ bé, được tôn thờ trong lăng miếu bên bờ sông Krong Biyuh (sông Cá sấu), Mong Đức.
Với người chồng thứ 38 là Po Yang Mưh, Po Inư Nagar đã sanh ra Po Sah Aneh và Po Nagar Gahla. Theo ghi nhận của Antoine Cabaton, các Po con gái kể trên đều còn trinh và chỉ gây hại chớ không làm điều tốt lành; người dân Chăm phải dâng cúng các thần này để vượt qua bệnh hoạn hoặc những điều không tốt lành xảy đến trong cuộc sống.
Riêng Po Inư Nagar Taha tức Bà Tổ mẫu luôn luôn là thần che chở người dân Chăm, nên được người dân Chăm tôn kính tôn sùng như là một Tỗ Mẫu của vương quốc thể hiện qua các lễ cúng truyền thống hàng năm hoặc theo nhu cầu van vái cá biệt.
Sau khi quân binh triều đình Đại Việt tiến chiếm vùng đất Kâuthara trong đó, có quần tháp cổ Po Inư Nagar, người Chăm rút về vùng Ninh Thuận Bình Thuận, việc quản trị và điều hành quần thể tháp này, trong dân gian Việt gọi là Tháp Bà Nha Trang, trở thành hoàn toàn thuộc người Việt đảm trách. Một tấm bia đặt phía sau quần thể khắc ghi bằng chữ nôm một văn bản của Phan Thanh Giản về thân thế Po Inư Nagar nay được Việt hoá, gọi là Thiên Y Ana, nội dung có nhiều chi tiết khác biệt thân thế theo truyền thuyết của người Chăm. Chỉ xin ghi nhận qua ở đây việc nhà Nguyễn đã phong cho Bà Thiên Yana là Hồng nhân Phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần. Và từ đó, tục thờ mẫu đã được loan truyền ra khắp dân gian người Việt ra đến đất Bắc như tại đền thờ Hòn Chén (Huế) và phía Nam đến Núi Sam vùng Châu Đốc, núi Bà Đen ở Tây Ninh.
Riêng người Chăm thì vẫn tiếp nối truyền thống tôn thờ bà Tổ Mẫu Po Inư Nagar, chuyển về xây dựng một ngôi lăng miếu ở làng Hửu Đức, trong tỉnh Ninh Thuận, cho đến ngày nay. Qua Thông báo được đăng tải trên tờ đặc san Bingu Champa, vừa rồi ca sĩ Chế Linh, trong một chuyến về thăm quê mẹ trở về Canada, đã lên tiếng kêu gọi các đồng tộc Chăm các nơi quyên góp để trung tu tái thiết ngôi lăng miếu cổ kính này.
Trong khung các thôn ấp cổ truyền tại Ninh Thuận và Bình Thuận, ngoài lễ cúng hàng năm gọi là Rija Nagar, bao gồm các lễ thức nhảy múa cổ truyền của bà bóng chuyên nghiệp kéo dài thâu đêm và có thể nhiều ngày quy tụ các hàng chức sắc cả bên Bà-la-môn gần đây được gọi là Ahier lẫn Chăm Bani tức Awal, cùng dân chúng Chăm các nơi đổ xô về địa phương. Ngoài ra, để làm đúng theo lời van vái khi hữu sự, các cá nhân hoặc gia đình có liên quan cũng tổ chức lễ Rija riêng biệt ở những quy mô hạn hẹp hơn nhưng vẫn với ý nghĩa tôn kính Bà.
Các lễ cúng nhiều màu sắc theo tập tục truyền thống Chăm kể trên, xét về khía cạnh phát triển và duy trì sự hiện tồn trong sinh hoạt dân gian, có tác dụng củng cố uy quyền hệ thống các chức sắc tôn giáo vốn có chức năng thực hiện các lễ cúng này, không người dân thường có thể tự mình đảm trách được.
Vị thế trung tâm tôn thờ Po Inư Nagar trong sinh hoạt tâm linh của nguời dân Chăm theo truyền thống dân tộc, đã tạo dấu ấn của vai trò trung tâm các bà mẹ Chăm trong dòng tiếp nối dòng tộc qua cơ chế các Kut vốn là nơi tập trung các tro xương đựng trong các bình sau khi qua các giai đoạn lễ thức theo tập tục quy định. Sau lễ thiêu xác theo nghi thức Bà-la-môn, các bình chứa tro và xuơng được kín đáo chôn tạm ở một nơi nào đó, để chờ một thời gian mới làm lễ nhập Kut bao gồm tro xương của những người cùng một mẹ. Tro xương người chồng được mang về chôn chung Kut của họ mẹ.
Từ thực trạng văn hoá xã hội truyền thống Chăm, phó thác cho cô con gái út thủ giữ tài sản của cải và tài sản của dòng họ trong khi con trai lập gia đình về sống bên nhà vợ và khi vợ chết thì lại quay về với cha mẹ, dư luận đại chúng bên ngoài có ấn tượng ngay là cấu trúc văn hoá xã hội Chăm là cấu trúc mẫu hệ.
Đóng góp nghiên cứu nghiêm túc tìm hiểu buổi đầu về văn hoá người Chăm vào năm 1967, hai năm sau thời điểm người viết có cơ hội dấn thân vào lãnh vực lịch sử với quyển Dân tộc Chàm lược sử, cố giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ thuộc Nhóm nghiên cứu sử địa đã công bố công trình nghiên cứu của mình với quyển Mẫu hệ Chàm, càng củng cố thêm ấn tượng của đại chúng gắn chặt cụm từ “mẫu hệ Chàm” vào nền nếp văn hoá xã hội truyền thống dân tộc Chàm. Nổi bật và tạo niềm tin chung về giá trị công trình nghiên cứu này là cố giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ đã được sự hợp tác tích và giúp đở tận tình của cố Bố Thuận nguyên là một bậc tiền bối lão thành nổi danh về hiểu biết phong tục tập quán truyền thống dân tộc Chăm ở Ninh Thuận. Riêng bản thân người viết ngay khi được đọc tập sách, cũng rất lấy làm thích thú về những điều mình không được biết để triển khai khi viết loạt bài “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng tải trên tạp chí Bách khoa vào năm 1964 trước đó 3 năm.
Càng thích thú hơn khi đọc những đoạn phân tích trên khung lý luận đưỡc lồng vào của giảng văn “Dân luật khái luận” của cố giáo sư Vũ Văn Mẫu nặng về mặt pháp lý lúc đó đang tác động ảnh hưởng mạnh mẽ vào ngành hành chánh công quyền học mà bản thân người viết tiếp thu ở Học Viện quốc gia Hành chánh. Nay trải qua các giai đoạn thời cuộc bể dâu, mấy thập niên nhìn lại, được trang bị thêm một số hiểu biết trong nghiên cứu, người viết mới có điều kiện nhận ra nhược điểm của phương thức tiếp cận thực trạng của cấu trúc văn hoá xã hội Chăm qua khung cửa sổ, hay đúng hơn ở trường hợp này, là qua lăng kính pháp lý của mô hình “mẫu hệ Chàm” mà cố giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ đã có công khai thác soi sáng nền văn hoá truyền thống dân tộc Chăm. Từ đó, tiến vào thêm bước nữa, người đọc mới nhận thấy là công trình nghiên cứu này đã không vận dụng kỹ thuật “quan sát trực tiếp” của các khoa học xã hội để làm cơ sở phân tích, mà chủ yếu lại dựa xét và phân tích một dư thảo luật phong tục do cố Dương Tấn Phát. Cố Dương Tấn Phát nguyên là một nhân sĩ Chăm có nhiều uy tín và thanh thế ở Ninh Thuận, đã giữ chức quan Huyện là chức vụ cao nhất mà nguời Chăm được bổ nhiệm trong hệ thống quan lại thuộc triều đình Huế trong bối cảnh vùng đất Ninh Thuận-Bình Thuận vào thuở đó là phần đất còn do thực dân Pháp đô hộ. Nhu cầu đặt ra thời đó là cần ban hành luật phong tục Chăm để quan huyện vận dụng trong các buổi xử án, chủ yếu phải căn cứ vào Hoàng Việt hộ luật của triều đình Huế. Do đó, đánh giá chung, nội dung công trình nghiên cứu Mẫu hệ Chăm thể hiện một mặt dung hoà và những mặt mang tính quy định, nên không phản ánh hoàn toàn thực trạng cấu trúc văn hoá xã hội liên hệ đến người phụ nữ Chăm.
Ngay từ những trang đầu, tác giả đã bận tâm với định nghĩa “Mẫu hệ là gì?” nên công trình nghiên cứu mang tính thu thập dữ kiện để nhận diện một mô hình văn hoá xã hội đã được học giới xây dựng như là một khung nghiên cứu. Do đó, riêng đối với dân tộc Chăm thì mô hình “mẫu hệ Chăm” là một mô hình dang dở, không thể bao trùm thực trạng liên hệ đến người phụ nữ Chăm.
Trong những năm gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu liên hệ đến người phụ nữ Chăm, nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện công trình nào có thể đánh giá là “đi đến nơi đến chốn”, nguyên nhân thường là thiếu phương tiện để thực hiện giai đoạn nghiên cứu thực địa, đòi hỏi nhiều thời giờ và tổn phí, vượt quá tầm tay của cá nhân người nghiên cứu có thiện chí. Chỉ có các cuộc quan sát trực tiếp với thực địa mới giảm thiểu được tác động của các định kiến, các luận thuyết qua khung cửa sổ, các mô hình đã được xây dựng sẵn trong các khoa học văn hoá xã hội.
Trở về với đời thường, vào thời đại mà sinh hoạt nặng về nông nghiệp cổ truyền không còn khả năng nuôi sống con người Chăm vốn sống co cụm trong các thôn ấp cổ truyền, các phụ nữ Chăm có điều kiện theo chân nam giới, vì lý do sống còn, đều phải dấn thân ra ngoài xã hội Việt Nam để kiếm sống, để lập nghiệp trong bối cảnh mà nhu cầu hội nhập phải là ưu tiên hàng đầu. Và quan trọng nhứt phải kể đến lớp trẻ, thế hệ kế thừa, cũng lại phải đi ra ngoài vòng rào thôn ấp để nâng cao trình độ giáo dục theo hệ thống trường lớp của dòng chính lưu nữa.
Vượt thoát ra ngoài vòng rào thôn ấp cổ truyền với những ràng buộc về nhiều mặt trong nếp sống văn hoá truyền thống, bước vào bối cảnh sinh hoạt mới, không kể một số mặt tiêu cực có tánh cách giai đoạn không thể né tránh được theo quy luật phát triển, giao lưu chung đụng với các nền văn hoá khác, người phụ nữ Chăm ngày nay vẫn duy trì mầm sống gia đình thân tộc, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hoá xã hội của cha ông. Phân tán đi muôn phương do nhu cầu sanh sống, có thể phải nín thở tự nép mình trước các làn sóng đồng hoá, hội nhập, thích nghi văn hoá, không dành ưu tiên cho một ai của xã hội bao la bên ngoài, nhưng khi trở về với cấu trúc văn hoá cổ truyền ở quê nhà vẫn phải tôn trọng nền nếp truyền thống Chăm.
Nhìn về mặt tích cực, người ta đã nhận ra tại Việt Nam ngày nay cũng như tại các nước tạm dung, bóng hình những kỹ sư người Chăm chen vai với các đồng nghiệp người Kinh trong nghiệp vụ chuyên môn các ngành, nhứt là các bác sĩ y khoa, một ngành rất được xã hội Chăm trân quý, có điều kiện thiết thực đóng góp cải thiện các tệ trạng y tế vệ sinh địa phương để đưa người Chăm đi lên.
Hoà mình trong làn sóng hướng thượng đó, những năm gần đây, người ta còn thấy xuất hiện gương thành công của một lớp trẻ đang nỗ lực vươn lên trên thương trường, trong sự nghiệp kỹ thuật chuyên môn của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể như tại Sài Gòn, không kể các cá nhân giới khoa bảng, trường hợp người viết lưu ý nhứt, là trường hợp của Phú Trạm bút danh Inrasara, qua nhiều năm hoạt động trong nước, đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học Chăm được nhiều giải thưởng trong nước lẫn quốc tế, từ Pháp, ASEAN, đem lại danh dự cho dân tộc Chăm. Trên thực tế, riêng hoạt động văn học, không bao giờ có khả năng tiến xa lâu dài phát triển bền vững được. Triển khai đúng hướng tinh thần thực dụng, Inrasara đã nối gót nhà văn hoá kỳ cựu Chăm tại Ninh Thuận là nhà giáo Lâm Gia Tịnh, đã mày mò, đồng thời với sinh hoạt văn học, lăn xả vào khai thác ngành dệt thổ cẩm theo kỹ năng và nghệ thuật truyền thống Chăm. Trải qua những khó khăn và còn có thất bại chua cay buổi đầu, Inrasara ngày nay đã thiết lập nên một cở sở sản xuất thổ cẩm quy mô ở làng Mỹ Nghiệp, được tổ chức hỗ trợ bằng một mạng lưới tiếp thị tân tiến từ Sài Gòn, chen vai giữa các doanh nghiệp khác của người Việt và doanh gia nước ngoài.
Theo đánh giá của nhiều thân hữu bao gồm cả bản thân người viết, phải thành thật công nhận, thành công rạng rỡ của sự nghiệp kinh doanh của Inrasara không thể đạt được như ngày nay nếu không có bóng hình ẩn hiện bên trong của người vợ đảm đang tức Thuận Thị Trụ, một phụ nữ Chăm nguyên đã thoát ly gia đình từng tham gia vào phong trào đấu tranh dân tộc cực đoan và một thời gian đã phải chịu cảnh tù tội về sau, mới thức tỉnh, và nay đang nép mình góp công xây dựng với chồng, nêu gương cho tầng lớp trẻ Chăm tiếp nối, chấm dứt theo đuổi những gì không nằm trong tầm tay của mình.
Trong dân gian người Chăm ngày nay, có không biết bao nhiêu các gương hy sinh khác của các bà mẹ, của các bà vợ ngày đêm lo toan cho chồng, cho con, không kể vai trò duy trì nền nếp sinh hoạt văn hoá xã hội Chăm đã được truyền đạt từ nhiều đời qua chiếc áo dài tầm vông không xẻ vạt, những cái chăn mặc phết gót, (người Việt miền Bắc gọi là váy, vốn đã bị vua Minh Mạng cấm chỉ, đến thời vua Thiệu Trị mới giải toả), những món ăn Chăm như món m’nhút, ở Phan Rang-Phan Rí, món canh thính, món gỏi sầu đâu ở Châu Đốc, và món canh dân tộc đặc sắc còn được nhận ra cả ở Phan Rang-Phan Rí và Châu Đốc là món canh măng tre, nước canh sền sệt do có trộn lẫn chút gạo vào, đặc sắc Chăm, không có trong các gia đình người Việt.
Inrasara cũng đã xoay sở thiết lập được một tập san chuyên nghiên cứu về văn hoá Chăm lấy tên là Tagalau (có nghĩa là cây bằng lăng, một loại gỗ quý chắc bền mà người Chăm thường dùng trong xây cất nhà cửa) tạo môi trường quy tụ tiếp đón, các cây viết người Chăm trong sang tác và nghiên cứu. Trong số các cây viết có hình ảnh được phổ biến ở trang bìa Tagalau số 8 vừa được đọc, người viết cảm thấy rất xúc động và phấn khởi có hình một số cây viết phụ nữ như Hồng Loan, Chế Kim Trung, Thạch Giáng Hạ, và tươi vui nhứt là một nữ thi sĩ trẻ Chăm đã sang định cư tại Hoa Kỳ mà nhiều người biết với bút danh Chế Mỹ Lan, không phải qua vần thơ viết bằng chữ Chăm mẹ đẻ mà là bằng tiếng Việt, tiếng của dòng chính lưu của xã hội Việt Nam đương thời.
Ta hãy thưởng thức bài thơ sau đây của Chế Mỹ Lan mang tựa đề “Mẹ cho con” sau đây để thấm hiểu thêm về người phụ nữ Chăm trong vai trò người mẹ, vai trò người con theo truyền thống cao đẹp Chăm cũng như các bà mẹ Việt, đứa con Việt:
Mẹ cho em nhịp tim đầy sức sống
Rạng nắng mai rực sáng ngàn phương
Để cho em yêu người, yêu nhân loại
Yêu lối mòn quê, yêu thân phận cùng đường
Mẹ cho em vòm ngực căng nhựa sống
Ban bờ môi xinh để ban phát nụ cười
Và để cho em nói tiếng yêu thương
Mẹ tặng cho em đôi mắt thơ ngời sáng
Cho em nhìn đâu sự thật, đâu dối lường
Dẫn em đến chân trời đầy tin tưởng.
Được đăng tải trong tập thơ Em & Màu mây qua tháp (NXB Văn học, H., 2008), bài thơ “Mẹ cho con” có thể được xem như là tiếng nói tiêu biểu một bước đường phát triển và hội nhâp của người phụ nữ Chăm trong thời đại phát triển toàn cầu hoá thế giới hôm nay. Trong một chừng hạn nào đó, tiếng nói này có giá trị như là một âm vang phản hồi cao đẹp và tích cực đối với những lời răn dạy, nhứt là những lời răn dạy truyền thống ghi trong Bản gia huấn ca quen thuộc được truyền tụng từ ngàn xưa trong dân gian cả các thôn ấp người Chăm miền Trung Việt Nam và người Chăm Islam ở Châu Đốc vùng châu thổ song Cửu Long, bài “Muk Sruh Plây”, nội dung chứa đựng nhiều sắc nét cổ kính thân thương quen thuộc theo truyền thống một chiều từ người mẹ Chăm.
_________
1. Antoine Cabaton, Nouvelles Rechercherches sur les Chams,
Paris: Ernest Leroux, Editeur, 1901, trang 109-110.
2. Jeanne Leuba, Un Royaume Disparu: Les Chams et leur art”, Paris et Bruxelles: Librairie Nationale d’art et d’histoire, G. Van Oest et Cie, Editeurs, 1923, trang 151.
3. Nguyễn khắc Ngữ, Mẫu hệ Chàm, Saigon: Nhà Xuất bản Trình bày.
4. Chế Mỹ Lan, Em & Màu mây qua tháp, Saigon: Nhà Xuất bản Văn học, 2008, 54 trang.
Bài viết của anh tương đối hay và tôi thừa nhận điều đó nhưng đừng dùng người Chăm để nói lên “riêng tư” mình thì hay hơn, hãy để người đọc giả hiểu ngầm bài sẽ có giá trị hơn…