Sài Gòn, 30-5-2009.
Bạn trẻ thân mến!
Nhận định, không thể không so sánh. Khi ta nói anh kia tốt hay giỏi hơn thì dứt khoát ở đó có sự so đo với một/ một vài đối tượng khác: chị kia xấu hay kém hơn.
Các cuộc thi tài, thi sắc đẹp thì miễn bàn rồi. Bạn dự cuộc có thắng thua thì bạn chịu chấp nhận sự phán xét của ban giám khảo và khán giả. Trách chăng, nếu Ban giám khảo thiếu công tâm gây lệch kết quả cuộc đua. Trong nhà trường, lối chấm điểm học sinh hôm nay ít nhiều cũng mang tính so sánh. Qua đó vô tình ta nhen nhóm tính đố kị hay ghen ghét nơi trí não, tâm hồn ngây thơ của các em nhỏ.
Giữa bạt ngàn thuốc cùng loại, nhãn hiệu này thì trị bệnh kia hiệu quả hơn. Lối so sánh này rất hữu dụng trong cuộc sống thường ngày. Lĩnh vực khác, ta không thể nhận định một tác phẩm văn chương nếu không đặt nó trong dòng chảy chung của nền văn học trong một vùng, trong nước hay thế giới. Không đặt nó trong dòng chảy, nó sẽ đứng trơ trơ, vô nghĩa.
So sánh là hình thái hoạt động trí năng bình thường của con người. Không vấn đề gì cả. So sánh để ta biết mình biết người. So sánh thúc đấy sự phấn đấu vươn vượt. So sánh để nhận biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của lịch sử nhân loại. Ta có thể khiêm cung hơn hoặc kiêu ngạo vô lối hơn, dễ thương hơn hay bạo động nguy hiểm hơn,…
Nhưng có không ít so sánh không cần thiết. Hoàn toàn không cần phải có, nhưng bởi vô tình hay ý đồ riêng, kẻ phát ngôn đã làm mờ đục không khí tương giao, thậm chí gây thù chuốc oán vô ích.
Kì trước tôi có nhắc đến sự so sánh của một nhà phê bình về ý kiến của tôi với vài nhà phê bình khác ở Đại học (“Inrasara không tham dự Rija Nưgar…, tại sao?”, phần chú thích), một so sánh vô tình và ít nhiều cần thiết nhưng có khả năng làm gợn mặt sóng lòng đối tượng bị mang ra so sánh.
Trong sinh hoạt văn chương đương thời, bản thân tôi cũng thường được mang ra so sánh, hay chính tôi cũng vận dụng thao tác này. Và ít nhiều gây ra tai nạn. Khi tôi được gán cho các hạn từ nhà thơ hàng đầu, một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay, lỗi lạc, thiên tài,… thì không vấn đề gì cả; nhưng nếu mang tôi so sánh cụ thể với nhà thơ hay nhà phê bình khác, thì vấn đề mới cộm lên.
Chăm dân số ít hơn, sống trong không gian chật hẹp hơn thì sự so sánh này nọ càng thêm phiền toái. Mấy từ ca tụng: Đóng góp to lớn nhất, trí thức hàng đầu, nhà thơ đại biểu, số một,… gây cho tôi không ít rắc rối. Vài người cảm thấy lép vế so với Sara. Hoặc khi bà con phát biểu (vô ý thôi): “Sara không học hành gì cả mà đã xuất bản bao nhiêu công trình, trong khi mấy ông khoa bảng Chăm chẳng làm được gì”. Nói thế vừa phiền lòng tôi, vừa gây khó chịu với vài người mà bà con muốn ám chỉ. Vô tình tạo thế khó xử giữa chúng tôi. Mà tôi có thích thế đâu cơ chứ? Tôi đã từng nói và viết là: ngay khởi sự, tôi nhắm đến thế giới, chứ không đóng khung trong phạm vi của một làng, một tỉnh, một nước hay một dân tộc.
Một chuyện khá tệ nữa đã xảy ra: Tại Trại sáng tác Đải Lai mùa Đông năm 2005, một nhà văn gặp tôi đã nói oang oang lên rằng: “Tôi từng tuyên bố trước ô T. và vài nhà văn rằng giải ASEAN dành cho Inrasara năm nay mới là giải đích thực, còn lại mấy kì trước đều là hữu nghị hết”. Nhà văn này nói thế để thể hiện sự quý mến tôi, nhưng kì thực đã làm hại tôi không ít.
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau, là vậy.
Thân mến
SARA.