1.
Con đường vô tận là tên tiểu thuyết sử thi theo lối cổ điển tôi ý định bao quát xã hội Chăm từ 1832-1990, khởi viết từ năm 1988, dự định kéo dài 9 tập khoảng 1500 trang. Nhưng sau 2 tập, bận quán tạp hóa, tôi đã bỏ dở. Tôi có đưa bản thảo cho mươi người Chăm đọc và rất được các bác/ bạn khuyến khích. Đến năm 2000, trong thời gian xây nhà làm Công ty Inrahani, tôi mang bản thảo cũ ra đọc lại, thấy ẹ quá. Thế là tôi xáo đi xáo lại nó trong vòng 24 ngày để thành Chân dung Cát. Tôi thử đưa bản thảo cho 2 ông thầy dạy tôi ở cấp 3 đọc, một ông thì cười tủm tỉm suốt, một thì “mầy viết gì tùm lum hết”! Vui, tôi nghĩ – thế là được rồi. 2 năm sau khi xuất bản, đọc lại, tôi vẫn nghe khoái. Nếu hôm nay bảo chọn cái gì “để đời” trong nghiệp viết của mình, tôi không ngần ngại chọn duy nhất bài “Hành hương về bên kia đêm tối” trong Lễ tẩy trần tháng Tư và… Chân dung Cát! – Tôi đã đùa một nhà báo như thế.
2.
Có ông anh từ nước ngoài về tìm mua Chân dung Cát, tôi cho biết tiểu thuyết hết lâu rồi. Anh bảo nghe nói nó bị một Chăm chửi ghê quá, nên muốn đọc thử.
– Sara đọc bài kia thấy sao? Anh hỏi.
– Tôi cũng nghe nói nhưng chưa đọc.
– Chưa đọc à? Anh rất ngạc nhiên, hỏi.
– Có cần thiết đọc đâu! Thấy anh ngờ ngợ, tôi tiếp:
– Mất thì giờ lắm, bởi nếu đọc thấy trật quá thì phải mất công viết. Kéo dài nhì nhằng.
Chân dung Cát hết đã lâu, ngay 2 bản dành trưng bày trong tủ ở quê cũng bị một độc giả người Kinh lột dấu niêm phong tủ, mua cho kì được. Tưởng đây là một FAN mới, sau đó gặp anh, tôi mới hỏi:
– Bồ làm sao vậy chớ, mình đâu còn cuốn nào để làm cảnh!
– Thấy có bài báo mạng ở nước ngoài chửi, mới tìm đọc cho biết.
– Chính lí do đó nên mới bán chạy thế, có lẽ – tôi đùa ông. Có gì vui ở đó không?
– Đọc xong tiểu thuyết mình mới thấy tay này có vấn đề rất bự cồ về tri thức và tâm sinh lí.
3.
Một nhà phê bình trong thời gian Hội thảo phê bình văn học của Hội Nhà văn ở Đồ Sơn, gặp tôi, nói: Sara có tên tiểu luận rất siêu: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” trong đó anh phê bình đại đa số nhà văn Việt Nam ít ai nhịn được một khi tác phẩm của mình bị phê bình, anh gọi đó là “cô đơn khi tác phẩm đã ra đời”. Hay lắm! Vậy nếu hôm nay tôi phê bình Chân dung Cát, anh có cãi lại không?
– Không bao giờ, với tư cách là nhà văn đẻ ra nó!
Thế là anh chàng phê luôn:
– Rất nhiều chân dung trong Chân dung Cát, dù đa dạng, nhưng lại có một đặc điểm chung, đó là sự ổn định ngay từ đầu, không diễn tiến, không biến đổi…
– Chính xác! Nhưng bạn cho phép mình nói lại với tư cách là nhà phê bình đồng nghiệp, nhé. Bạn đang sử dụng chuẩn tắc tiểu thuyết của Kundera (và nhiều nhà phê bình) để đánh giá Chân dung Cát, ngược lại nếu có kẻ dùng đặc tính khác của R. Chandler (và không ít nhà lí thuyết khác) chẳng hạn: “Người đọc nên đọc tiểu thuyết tôi để thưởng thức ngôn ngữ chứ không phải là những cốt truyện rời rạc không đâu vào đâu của tôi”, bạn nghĩ sao? Anh bạn im re. Tôi tiếp:
– Đừng cãi đúng/ sai, là chuyện vô cùng. Hãy đứng vào trong quan niệm của tác giả để bàn về tác phẩm. Chớ phê phán cái điều tác phẩm không hề dùng đến. Ví dụ cô bạn làm thơ tự do bị một nhà phê bình chê sao vần điệu kém thế!
Vì Chân dung Cát được viết “theo cách của một bài thơ” nên, nó không chủ ở hấp dẫn của biến cố, tình tiết hay tiến trình câu chuyện mà nhấn ở biến động qua đơn vị câu, ngôn từ, phân đoạn, sự đột biến của lối nghĩ ngẫu hứng. Nó không giả vờ không biết chuyện gì sẽ hay sắp xảy ra, bởi ngay chương đầu tiên, nó đã cho lộ hết trọi kết cục thân phận của đa số nhân vật. OK?
4.
Đối thoại bên lề.
– Nhà thơ ngoài đời hiền lành, ít lời, như thể sao cũng được, nhưng trong văn chương lại khác…
– Khác thế nào?
– Bạo trong trang viết với quyết liệt trên diễn đàn.
– Vậy à? Có nhầm không đấy! Chuyện đời ứng xử với nhau lấy tình làm chính, không hạp nhau hay hết thích nhau thì thôi chơi, vậy thôi. Sai đúng biết đâu mà lần, mà cãi cọ to tiếng. Ví có thắng, thì ta có thêm gờ ram mỡ nào không chớ? Nhân loại bận bịu, có nhớ là nhớ các tác phẩm lớn của Sartre với Camus, ai đâu thừa giờ nhớ hai ông này đã từng cãi nhau, dù là cãi nhau trên mấy tạp chí to đùng. Còn bảo Sara “bạo” trên trang viết thì có oan đấy nhé. Người đọc lẫn lộn nhân vật với tác giả rồi.
Trưng dẫn Chân dung Cát nhé: Hơn 1 giờ trưa, đang bụng đói cồn cào, mâm lễ đã sẵn, cả nhà cùng cụ già phải chờ đoàn làm phim ngoại quốc; thế mà tay nghiên cứu sinh chẳng hiểu tập tục mô tê gì cả, mới thò đầu vào lại hết sửa chỗ này đến xoay nơi khác, không bị ăn cái tát là may. Hoàn cảnh trớ trêu đó, đến 90% ông già nông dân (Kinh hay Chăm) văng tục! Nhưng nhớ là: nhân vật ông già văng tục chớ phải Sara đâu! Sara tui cả đời chưa hề văng tục bao giờ.
Chỗ khác: Ngài giáo sư Trần Hùng sau cuộc vờn cô nghiên cứu sinh thất bại, đã “đứng dậy, lượm cái quần lót đi vào toilet” là chi tiết rất đắc. Chuyện dung dăng dung dẻ giữa giáo sư với nghiên cứu sinh ở Việt Nam đầy ra: nó là hiện thực cuộc sống. Nhưng ở đây sự thể không khiêu dâm ai cả. Đọc đến đó, hết 99% người đọc kêu lên: “ông già mất nết”, là cùng. Riêng tôi, tôi nghe buồn và cảm thương cho ông. Một vị giáo sư lão thành đầy thiện tâm với văn hóa Chăm ấy. Người tốt nhưng đâu phải không có vài hành vi “đồi bại” (nếu có độc giả nào đó còn xem hành vi làm tình là đồi bại). So với con người mang hoài bão nhân bản nhưng rốt cùng đi đến hành động sát nhân của nhân vật tuổi trẻ trong Tội ác và hình phạt của Dos, thì nó còn quá nhẹ. Còn nếu coi chuyện đó là tục, khiêu dâm thì văn chương của Márques đích thị khiêu dâm trầm trọng.
Đời sống có tốt xấu, có kẻ thiện tâm có người lưu manh,… đủ cả. Tiểu thuyết dung chứa tất! Điều cốt yếu là tư tưởng và ý hướng tính của nhà văn: kể nó ra để làm gì? Bổn phận của nhà phê bình là khám phá ra, và nói điều nó đến độc giả.
5.
Thế nhưng Chân dung Cát là tiểu thuyết chớ đâu là sử kí! Dẫu vậy, tác giả phải biết chấp nhận nhiều cách nhìn khác nhau về một chi tiết hay phát ngôn nào đó trong tác phẩm của mình. Đó là tinh thần dân chủ đúng nghĩa. Còn việc gán ghép hành vi/ ngôn từ của nhân vật cho tác giả, là điều thô thiển nhất trong thẩm định văn chương.
Một sự kiện lịch sử cũ hay mới, xa hay gần vẫn bị nhìn bằng nhiều cách khác nhau. Vụ Thiên An Môn mới 20 năm là rất điển hình. Thử xem BBC Vietnamese, 2-6-2009 bình luận:
“… hình ảnh nổi tiếng về thanh niên áo trắng ở Bắc Kinh ngày đó không chỉ bị cấm tại Trung Quốc mà còn cho thấy khác biệt lớn trong cách đánh giá sự việc… Nhiều người cũng không biết bao nhiêu về vụ Thiên An Môn hoặc chỉ biết mơ hồ và theo những gì chính quyền nói. Theo Human Rights Watch, ngay mới ngày 31/03 năm nay, một cây bút từng tham gia Thiên An Môn, ông Giang Kỳ Sinh, phó chủ tịch Văn bút Trung Quốc (PEN Club) bị tạm giam ngắn vì nêu lại đề tài này.
Bởi thế, không có gì lạ khi cách nhìn của rất nhiều người trẻ tại Trung Quốc hiện nay về Thiên An Môn và ‘Người chặn xe tăng’ năm 1989 khác hẳn cách nhìn bên ngoài. Với thời gian trôi qua, cho dù Trung Quốc mở cửa, hội nhập và có nhiều sinh viên du học nước ngoài, sự khác biệt quan điểm thậm chí không giảm đi và có thể sẽ còn tăng lên.”
6.
Chăm đang sở hữu mênh mông chuyện kể. Tiểu thuyết Chân dung Cát đã thử kể câu chuyện khác về Chăm. Cũng như khi giới thiệu tập truyện ngắn Chăm H’ri của Trà Vigia trên BBC Vietnamese, 20-2-2009, tôi viết: “Trà Vigia cũng ý định kể lại câu chuyện Chăm theo kiểu của mình: chuyện hiện tại”. Lịch sử history là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay một số người đại diện cho cộng đồng nào đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một cộng đồng hay một cá nhân. Nó chỉ là hi[s-]story, như cách chơi chữ của một tác giả phương Tây.
Quá khứ xa của dân tộc Chăm và quá khứ gần của đời sống Chăm là một thực thể đã và đang được kể lại, qua truyền thuyết lịch sử, huyền sử hay bởi vài nhà sử học “khách quan” hoặc nhà văn đầy chủ quan tính. Qua chuyện kể này, Chăm và văn hóa văn minh Champa hiển lộ và “sống” giữa cộng đồng nhân loại.
Xin nhắc lại: Chân dung Cát là tiểu thuyết hư cấu. Tôi đang in Hàng mã Kí ức, là cuốn tự sự hậu hiện đại, kể chuyện thật về Chăm và văn hóa Chăm. Độc giả hãy đọc mà đối sánh với cuộc sống Chăm, khi đó tác giả của nó chấp nhận mọi phán xét.
7.
W. Faulkner là một “thi sĩ hụt” a poet failed. Ông nghĩ thi sĩ là kẻ truyền đạt thông điệp qua hình thức nhỏ nhưng hiệu quả. Chẳng may, trời đã không ban cho ông năng khiếu thơ. Sau tập thơ đầu tay thất bại, ông chuyển qua viết văn xuôi và trở thành một trong ít tiểu thuyết gia xuất sắc nhất của thế giới. Nhưng ở Mỹ, “nhiều người chỉ trích dưới ngòi bút của ông là cả một xã hội đọa lạc với những tâm hồn dâm loạn quay cuồng trong tội ác” (Doãn Quốc Sỹ, 1973). Cả khi ông đoạt Giải Nobel, “vài người trong giới văn nghệ Hoa Kì bất bình”, trong lúc “với thanh niên Pháp thì Faulkner đã là một thần tượng” (M. Cowley).
Nhưng có phải ông viết về dâm loạn để chỉ nói về dục lạc và nhầy nhụa, hoặc khi ông phơi bày xã hội đọa lạc để chỉ và duy chỉ có đọa lạc với tội ác? “Hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim. Hắn nói về trái cật để bổ túc cho trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay vì tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để hỗ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đọa thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đọa như một cám dỗ của thánh thiện và như một bước đầu của trưởng thành” (Nguyễn Hữu Hiệu, 1973). Trong diễn từ khi nhận giải Nobel, ông nói: “Đặc quyền của nhà văn là nhắc con người nhớ tới lòng can đảm và danh dự và hi vọng và kiêu hãnh và từ bi và thương xót và hi sinh là những điều đã làm nên quá khứ vinh quang của con người”.
Faulkner đã phản ứng gì trước phê phán đó? – Tuyệt không! Ông ít giao du với văn giới và sống tách rời sự nhộn nhịp đời sống phố thị. Ông cũng không cần người đời hiểu mình nữa. Sara thì khác. Sự gắn bó với cộng đồng nhỏ hẹp đòi hỏi tôi lên tiếng giải mình hay đính chính. Nói là nói vì, nói cho, nói giúp. Dù Inrasara không phải là… Faulkner!
Sài Gòn, 3-6-2009.
Sara viết truyện rất có duyên ( trừ…truyện ngắn ). Mình thấy thú vị vì luôn tìm ẩn ngữ sau câu chữ, chứ không nhìn hiện tượng hay hình thức. Chân Dung Cát cũng giúp mình hiểu nhiều về Chăm, về một dân tộc mình quá đỗi yêu thương…