Văn học bảo vệ cái cá thể, cái đặc thù, sự vật, sắc màu, giác quan và cảm tính; văn học chống lại cái tính phổ quát giả tạo vốn tập hợp và cào bằng con người, chống lại cái quy trình trừu tượng khiến con người trở nên khô cằn. Trước Lịch sử, vốn mang kì vọng hóa thân và thực hiện cái phổ quát, văn học đề xuất những gì bị bỏ rơi bên lề dòng diễn biến lịch sử, trao tiếng nói và kí ức cho những gì bị chối từ, bị bốc dỡ, bị hủy diệt hoặc bị xóa bỏ khỏi hành trình của sự tiến bộ. Trước tính quy phạm và tính thủ tục, văn học bảo vệ cái ngoại lệ và cái bị vất bỏ. Nó nhắc nhớ rằng tính toàn diện của thế giới đã bị phá vỡ và không có sự phục chế nào có thể ngụy tạo thiết lập lại một hình ảnh hài hòa và thống nhất về thực tại, vốn sẽ giả tạo.
… văn học chối từ mọi hình thái tuyên xưng sự cao xa khoa trương hoa mĩ và mọi hình thái nhân bản dễ dãi.
… văn học đến để gieo nỗi bất an, rắc mầm ngờ vực trong bất kì một tôn ti trật tự xã hội-chính trị nào.
… Có một tinh thần ngoài-trách-nhiệm mà văn học đòi hỏi như là cái quyền bất khả xâm phạm của nó, che chở nó trước cái tính cách nghiêm trọng không thể chịu thấu của cuộc đời, trước những nghĩa vụ đối với cuộc đời và trước sự gây hấn của cuộc đời… Văn học dạy ta cười cái ta tôn trọng và dạy ta tôn trọng cái ta cười, như cái tính hài hước và tự trào khả ái, chứ không phải cái tính giễu cợt ngạo mạn và cay độc.
… Từ thời Ulysees, quyển sách vĩ đại nhất trong các quyển sách, văn học là chuyến viễn du vào cuộc sống. Văn học hiện đại không phải là chuyến viễn du trên biển mà là chuyến viễn du băng qua bụi mù và hoang vắng như chuyến đi của Don Quixote; vượt qua sa mạc hướng về một Đất hứa, và như Moses, chúng ta sẽ không đặt chân tới đó. Văn học không thể bị mộ binh bởi bất kì một tôn giáo nào, bởi bất kì một triết lí nào, hoặc bởi bất kì một quan điểm chính trị nào mà tôn xưng rằng nó đã, hoặc không bao lâu nữa, đặt chân tới Đất hứa trong lúc dắt theo các môn đồ của nó. Nhưng văn học và nghệ thuật chỉ ra ngả đường hướng tới Đất hứa, cái phía chính xác. Như tình trạng của những người di dân bị lừa gạt và sống không giấy tờ, có thể hiểu tại sao các nhà thơ bị trục xuất ra khỏi Nhà nước Cộng hòa. Thế nhưng, những kẻ bôn ba nay đây mai đó này, như những người dân du mục, chính là những hướng dẫn viên chỉ ra các nẻo đường băng qua sa mạc.
Trích: Claudio Magris, “Tống cổ các nhà thơ ra khỏi Nhà nước Cộng hòa?”
Vũ Ngọc Thăng dịch, Talawas, 12.12.2005