Ghi chép tháng 5-2009

Ngày thứ nhất.
Tháng 5, mưa. Mưa to và muốn làm dầm.
Sáng 30-4-2009, sẽ lên xe đò ra Phan Rang lễ Rija Nưgar. Ỷ y nên không mua vé trước. Ai ngờ, Rija Nưgar năm nay trùng với 30-4 và 1-5, suốt 40 cây số xe nối đuôi nhau lết từng nửa bánh một để thoát khỏi ngột ngạt của Sài Gòn. May mà có xe con thằng cháu vào rước, không thì chịu mắc kẹt, bởi vé hết từ mấy ngày trước rồi. Vậy mà phải mất 4 giờ đồng hồ, xe mới đến địa phận Xuân Lộc. Qua Lương Sơn thì mưa đổ ập xuống. Như trút. Như thể bù lỗ cho chịu đựng oi bức vừa trải qua. Mưa mù trời đất, anh tài phải cho xe đời mới bò rù rì như cua. Padra đã vào lễ, Rija Nưgar năm nay tổ chức khá rềnh rang. Yut Đảo réo qua điện thoại rè:
– Quý thầy cũng đang rất mong Sara. Cố gắng trước 5 giờ nhé.
4 giờ rồi 5 giờ… và cuối cùng mãi 8,20 giờ mới về tới nhà. Lỡ cuộc rồi. Để hôm sau vậy.
Phan Rang mấy ngày nay ông bà Trời tưới nước tẩy trần nên đất trời mát mẻ, cây cối xanh tươi, mặt người rạng rỡ. Không dưng Rija Nưgar rộ lên khắp mọi làng Chăm. Thi thoảng vài khuôn mặt méo xệch do lúa đang mùa thu hoạch không có nắng để phơi phóng. Bà con đổ bừa thóc ướt ra ngoài lộ, mặc cho bánh xe người đi lễ cán qua, nát bấy. Thương!

Ngày thứ hai.
Trưa, cùng Xoài, Phăng, Trà Vigia qua nhà bác sĩ Truyền ở Bauh Dana. Thêm bạn thơ Dư Thị Hoàn từ Hải Phòng vào. Đây là công dân Việt Nam gốc Hoa xịn, làm thơ tiếng Việt cực hay. Một nữ sĩ danh tiếng ghé vùng tỉnh lẻ chưa có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là điều rất ghê. Lại ở trọ làng Chăm ba ngày đêm chơi Rija Nưagar nữa, mới chì. Nhà thơ này yêu Chăm, muốn tìm hiểu cuộc sống Chăm. Không ý đồ nghiên cứu hay khai thác gì gì đó, vô tư và vô vị lợi. Hiểu để yêu hơn. Quý là vậy. Nên câu chuyện nổ quá bắp rang. Về đủ thứ trên trần đời. Không câu nệ chủ với khách, thân hay sơ.

Ngày thứ ba.
Bù khú bằng hữu tới đâu cũng không quên Rija Nưgar của làng. Như ma, mình xuất hiện đột ngột, khiến chú bác không kịp trở tay đón “khách quý”. Nhưng thôi, thằng Trạm con cháu trong nhà mà. Câu chuyện tiếp tục râm ran thâm tình. Xung quanh bảo tồn văn hóa dân tộc, tôn tạo vài di tích, vấn đề làng nghề thổ cẩm đang thi công ngày đêm. Nhà nước đổ tiền của bao nhiêu mà kể, còn hiệu quả thế nào thì có trời mà biết. Anh Đ. chìa ra tấm giấy mời họp, nhờ mình góp ý để anh góp ý lại với trên. Mình nói:
– Không góp ý gì cả đâu, anh cứ nói như cảnh báo quý quan: “Hãy đừng làm như Bal Caung hay như Hamu Crauk, có mỗi ông già trực Nhà Trưng bày, khách vào hời hợt, còn thì họ tìm mua sản phẩm tại các gia đình”.

Đám hỏi Japrăng.
Mọi người bàn lên Danauk Ppo Sông Pha cúng vái cầu phước lộc, nghe nói linh lắm. Hani tin, mình thì không, nhưng do chưa có dịp đi, nên OK. Đồn rằng một chị người Hoa ăn nên làm ra đã xây cho Bà cái đền. Chưa thể bảo là đường hoàng nhưng cũng tạm. Danauk cách đường lộ lên Đà Lạt non cây số về hướng Bắc. Ở đâu cũng vậy, tin thì đến hòn đá cũng linh. Và thành thiêng. Để người kẻ khắp nơi đến cầu khẩn. Mưa, không cầu trời cũng mưa. Chớ xem thường tâm hồn con người. Dù không tin, nhưng việc học biết trân trọng niềm kính tín của kẻ xung quanh, là không bao giờ thừa. Bởi chỉ như vậy thôi, xung đột giữa các niềm tin mới mong tháo gỡ.
Tối, nhà gái qua hỏi Japrăng. Từ lúc bọn trẻ Chăm quen biết nhau cho đến khi cưới, 3 bước cần thiết phải đi qua: Ppalwak panwơc (Dọ hỏi), Ppaklauh panwơc (Dứt lời) và Đam bbơng mưnhum (Đám cưới). Đó là đã rút gọn, cho kịp với tốc độ hiện đại, chứ ở thời chưa xa, bao nhiêu là rối rắm.
Do sơ suất nhỏ, bên đàng gái đã đốt cháy một và nhảy thẳng vào giai đoạn hai: Ppaklauh panwơc. Một vị bên đàng trai tính bắt bẻ, không nhận lễ. Mình nói: “Thôi cho qua đi, bọn trẻ thương nhau là được rồi. Sai lầm của người lớn chớ có để con cháu gánh chịu. Còn chuyện Chăm mình, cứ ngồi đó mà ppajauh ppakhain bắt bẻ nhau đúng sai thì có đến năm con Voi cũng chưa xong. Trong nhà cũng vậy, mà ngoài xã hội cũng thế. Lấy tình cảm ứng xử với nhau là chính”. Thế là anh em bên đằng gái rối rít cảm ơn chú Trạm nó. Còn khen mình nói hay nữa chớ!

FAN thơ.
Phone của anh bạn Việt kiều:
– Người yêu thơ Sara vừa về Việt Nam đây. Khỏe không? Xuống Mũi Né nhé.
– OK. Vậy là dong xuống. 5 ngày tắm biển, nhậu nhẹt lai lai với tán dóc và đọc thơ.
Anh lớn hơn mình 2 tuổi, chưa hề quen biết nhau. Hai năm trước anh về, nhờ người quen tìm mình: – Đến Sài Gòn, người tôi cần gặp nhất là Sara. Vậy thôi. Thế là kéo nhau rong ruỗi các nơi, đọc và bình thơ thâu đêm. Anh có ý định làm điều gì đó cho Chăm. Một ý hướng tốt và khả thi, mình nói.

Huy chương.
Sáng nay: 10-6-2009, Kỉ niệm 55 năm Báo Thiếu niên Tiền phong, mình được trao Huy chương “VÌ THẾ HỆ TRẺ”. Đây là huy chương lần thứ hai. Lần đầu: Huy chương “VÌ SỰ NGHIỆP VĂN HỌC – NGHỆ THUẬT” vào năm 2005, cùng 10 vị nữa, tuổi U70, có mỗi Sara U50 chen chân vào! Hôm nay, suốt cả các tỉnh thành phía Nam, chỉ có 5 người được.
Mình đã góp gì, cho thế hệ trẻ Chăm trong đất nước Việt Nam thời gian qua?
Sưu tầm và dịch văn học dân tộc phục vụ đồng bào, trong đó có thiếu niên chăng? Hay góp phần soạn sách giáo khoa, dạy tiếng và chữ? Soạn từ điển và sách tự học? Viết báo Thiếu niên dân tộc? Và gì nữa? Ai biết…
Trưa, nhận ngay cú phone báo sẽ có người mang tiền tài trợ Tagalau về đến nhà…

Tình quê hương.
Những ngày Rija Nưgar, anh chị em yêu Tagalau bàn nhau thế nào cũng phải kỉ niệm Tagalau 10 cho rềnh rang vào. 10 số chứ ít ỏi gì cho cam, đáng đồng tiền hạt gạo lắm chứ. Nhưng tiền đâu? Lo đẻ còn chưa xong nói chi đến sinh nhật! Bao nhiêu là cái lo ập tới, mà mình thì không muốn xin chút nào cả, nhất là với người yêu Tagalau từng giúp Tagalau. Rồi như thần! Tuần trước cô bạn gởi 500 USD thì mươi hôm sau đọc được email anh bạn nhắn sẽ chuyển cho Sara 1.000 USD chẵn. Chẳng ấm lòng con cuốc cuốc là gì?! Tình người và tình quê hương luôn có mặt những lúc bất ngờ nhất. Tagalau sắp khô héo thì có ngay một bàn tay thò ra tưới cho gàu nước. Không cần tuổi tên. Hai gàu này lại kha khá. 1.000 USD chia nửa cho Tagalau, nửa còn lại: Điếu tang thầy Quạ, người có chục ca khúc làm xúc động bao thế hệ Chăm; và thầy Tỷ – đang in cuốn sách về giáo dục. Số tiền không bao nhiêu mà tiền bạc thì không là gì cả, nhưng chính hơi ấm từ bàn tay đưa nó ra kia đủ sức nâng đỡ và vực dậy tinh thần con người trong giây phút yếu đuối dễ buông xuôi nhất giữa cuộc trần gian quá ư nhiêu khê và phiền muộn này.

Có đôi mắt xanh xao rất gầy
như không thể qua nửa ngày băng giá
vẫn vực tôi trăm lần chực ngã
bờ hệ lụy chông chênh
.
(Thơ Inrasara)

Nhiêu khê và phiền muộn ư? Không, đúng hơn – quá đẹp và đáng yêu này.
Tagalau và gia đình thầy Quạ, thầy Tỷ xin nói lời cám ơn thâm hậu đến hai người bạn.

Và anh Dorohiem
Anh vừa từ Mỹ về, phone cho Sara gặp nhau tán chuyện vui. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn. Quán phở nhà anh chưa có khách, hai anh em tha hồ tán chuyện trên trời dưới đất. Thâm tình. Chuyện văn chương lẫn chuyện nỗi người. Tặng anh vài cuốn sách mới in. Còn bao cuốn nữa thông tin qua Quà tặng nhưng chưa có giấy phép in, dù các nhà sách đang sẵn sàng, đành khất anh vậy.
Anh Dohamide bệnh không về được. Thương anh. Mấy năm trước anh có ghé mình ở quận 4, có cả thầy Tỷ. Anh em Chăm gặp nhau là gì hết chuyện, anh cho biết sắp ra Phan Rang thăm bà con và xem lại vài chi tiết cho công trình sắp tới. Tôi hiến anh vài kế nhỏ. Hôm nay anh Dorohiem cũng ý định ra miền Trung, nhưng anh ngại. Tôi nói: không vấn đề gì đâu. Bao nhiêu sinh viên và các vị nước ngoài về Phan rang còn ngủ lại nhà Sara mà. Việt kiều lẫn nhà văn tự do nữa.
Từ Rija Nưgar về, Hani vừa xong Phòng trưng bày Thổ cẩm ý định mời anh chị ghé thăm. Anh bận, mời ngược lại nhà Sara đến anh ở Nancy dự lễ. Mình cho Hani và Jaka đi. Jaka còn chưa gặp bác nó mà.
Ấn tượng ban đầu luôn là điều gì đó sẽ không bao giờ mất đi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *