theo báo Lao Động số 84, ngày 16 & 17-4-2009
Bài viết rất hay, xin cám ơn tác giả.
(LĐ) – Cần phải công bằng mà nói: Với một số tháp Chăm ở miền Trung, do chưa thể giải mã được những bí ẩn vật liệu và công nghệ xây dựng của người xưa, nên các nhà trùng tu đôi khi sử dụng vật liệu mới và “ngụy biện” đây là điều bất khả kháng để chống sập.
Tuy nhiên, cũng không thể vin vào cái cớ chống sập để làm mới tháp cổ, để cải tạo không gian tháp cổ thành cái công viên xanh – đỏ – tím – vàng như ở Bánh ẹt.
Người thiếu hiểu biết, có “tín tâm” mù quáng phá di tích đã đành; gần đây, khi mà dư luận bắt đầu thật sự thể hiện rõ vai trò giám sát của mình, thì mới vỡ lẽ ra điều cốt lõi hơn: Sai phạm ở quá nhiều công trình trùng tu tôn tạo “chính quy”.
Từ khoảng chục năm nay, phong trào trùng tu tôn tạo, “dỡ trắng” xây mới di tích ở nước ta đã diễn ra đặc biệt rầm rộ, tiêu tốn của “ngân khố” hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Bài 1: Trở lại các ngọn tháp Chăm ở miền Trung và Tây Nguyên:
Đằng sau những “sóng gió” mang tên Bánh Ít.
“Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian”, đi dọc các đền tháp của người Chăm ở miền Trung Việt Nam, dẫu không muốn mượn chữ của người khác cho cảm xúc của mình, nhưng tôi vẫn cứ bị thơ ông Chế Lan Viên ám ngự.
Chữ của thơ kia “đắt” quá. Tháp Chăm ưỡn ngực đỏ au, trùm xoà cây dại trên nền trời, thời gian dữ dội bảy – tám trăm đến cả nghìn năm qua đúng là đã gặm mòn các khối gạch nung nhẹ bẫng của tháp Chăm.
Song (nói mãi rồi vẫn cứ phải nói lại): Dù ngàn năm khắc nghiệt, dù chiến tranh loạn lạc, dù một thời, cơn ba đào nhận thức ấu trĩ coi đền tháp là nơi mê tín dị đoan cần bài trừ đi nữa… – thì, tất cả những điều đó, chưa bao giờ có thể làm hư khuyết đến mức giết chết nhiều các giá trị của các đền tháp Chăm như “đại nạn” trùng tu di tích gần đây.
Nhìn tháp Bánh Ít, tháp Dương Long… tuyệt kỹ bị tống vật liệu mới vào, bị làm biến dạng quá phản cảm, bất giác, tôi lại ao ước: Giá mà người ta sớm hiểu ra cái chân lý sơ đẳng của trùng tu! Khi anh chưa hiểu tháp Chăm, thì đừng có hồ đồ “động thủ”. Giá mà cứ chống đổ sập rồi để mặc tháp Chăm “lở lói rỉ rên than” với thân hình gầy mòn tuổi tác, thì quyến rũ xiết bao. Thì đỡ buốt lòng xiết bao.
Tháp Chăm ở dải đất miền Trung của chúng ta, vẫn gầy mòn trông đợi một thái độ ứng xử có “văn hoá” hơn.
Nếu mà nói để chiêm ngưỡng, có lẽ tháp Bánh Ít sẽ nằm trong top dẫn đầu vài ba cụm tháp Chăm đẹp nhất miền Trung. Nằm ven quốc lộ 1, lại án ngữ ở một cái vùng sơn thuỷ hữu tình (cả phong thuỷ) hết sức độc đáo của đồi cao và hai nhánh sông Côn (thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), các cây tháp có hình dáng rất lạ, rất gợi cảm.
Nhiều người bảo nó giống những chiếc bánh ít, thế là di sản văn hoá Chăm này chết danh với tên gọi của một loại bánh ngon nghẻ (nó cũng có tên gọi khác là Tháp Bạc). Bốn cây tháp cứ đứng đó, như những cánh hoa vẫy vẫy trên đỉnh đồi xa, kỳ ảo, cho đến khi kế hoạch trùng tu tôn tạo tháp được vạch ra.
Người ta vẫn”giết chết” nhiều giá trị của tháp Bánh Ít thông qua trùng tu, bằng một cách giống như thảm cảnh mà rất nhiều di tích ở Việt Nam đã và đang gánh chịu. Rằng là: Cả nước ta, cả rất nhiều chuyên gia lừng danh của thế giới, đến năm 2009 này, vẫn không ai dám chắc bí quyết xây tháp, nung gạch, chất kết dính trong quá trình tạo tác tháp Chăm là những gì.
Có lẽ, vĩnh viễn đó là một bí ẩn, một chiếc kho báu đã bị thất truyền mất câu thần chú mở cửa. Cây tháp biết thở, gạch và mạch gạch nhẹ bẫng, nhưng biết giữ nước và thoát nước như một cơ thể sống. Sống nghìn năm vẫn không rêu mốc.
Nhiều chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đã bỏ cả đời ra để “phải lòng” tháp Chăm, họ sống và nghiên cứu các cây tháp đến hơi thở cuối cùng, mà dường như tháp vẫn chưa bao giờ “mở cửa”. Nhà văn Nguyên Ngọc từng cảm khái viết: Cây tháp Chăm, đó là thứ do thần linh xây dựng, hay đó là thứ do con người sáng tạo ra ở cái thời kỳ mà con người vẫn còn là thần linh…?
Khu đền tháp Mỹ Sơn chỉ là một phế tích cỏn con của thung lũng thần linh cổ kính của Vương quốc Chăm xưa, song ngần ấy cũng đủ để loài người tiến bộ của thế kỷ 21 này nghiêng mình công nhận là di sản văn hoá thế giới. Lạ chưa, với các giá trị cổ kính bí ẩn như thế, mà người ta cứ thẳng tay “hành xử” quá hồ đồ, nhẫn tâm. Họ sửa tháp cổ như sửa ngôi nhà bêtông cốt thép của mình ư?
Bước vào cổng Khu di tích quốc gia tháp Bánh Ít, tôi bị một người ra dò hỏi, rồi tặc lưỡi thở đánh thượt một cái: Lại nhà báo. Khu cổng khổng lồ, gồm ba cái trụ thô kệch, tròn tròn khía khía nhại theo phong cách Chăm, cái cổng to đến mức, tôi có cảm giác khu cổng mới toe đó là hạng mục chính của “khu tháp Bánh Ít”, còn 4 cây tháp cổ chỉ là thứ “điểm xuyết”, hoang phế, góc sân sau (!).
Con đường dẫn lên tháp được xây bằng đá hộc cong vút để ôtô tải cũng có thể leo lên ngọn đồi đang cõng các cây tháp cổ. Xin mở ngoặc: Cụm tháp Bánh Ít được dựng vào thế kỷ 12, nó mang phong cách Bình Định, việc đưa tháp lên đồi cao là một dụng ý đầy nghệ thuật, nhằm khẳng định quyền uy lẫy lừng của Vương quốc Chăm xưa, thậm chí cổ nhân đã gọt đẽo, lựa thế núi sông như những kiến trúc sư thực thụ, nay “anh” làm đường cho xe cộ ào lên, thì còn ra thể thống gì nữa!
Dọc đường lên tháp, lại còn có các “chiếu nghỉ”, với bậc thang đá nguy nga. Nhìn thoáng qua đã thấy cảnh người ta nghĩ ra việc để tăng thêm khối lượng được quyết toán (nhiều tiền), kiểu vẽ rắn thêm chân.
Sau khi kết thúc 5 năm trùng tu đầy tranh cãi, bỗng dưng Sở Du lịch Bình Định vẽ dự án làm cổng, làm tường, làm đường, làm đủ thứ dịch vụ để “giải ngân” khác. Dự án to lắm, cuối cùng được “cấp có thẩm quyền” duyệt với mức khiêm tốn là: 2 tỉ đồng. Họ đã làm biến dạng di tích đến… hết cỡ.
Tình cờ, nghe kể, hôm đó, bà Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND tỉnh Bình Định tình cờ đi ôtô từ sân bay Phù Cát về qua khu đồi có tháp Bánh Ít, bà thấy chướng tai gai mắt vì việc bỏ tiền tỉ ra biến tháp Bánh Ít thành cái bánh… chẳng thuộc loại nào. Bà lãnh đạo mới đề nghị thanh – kiểm tra, dự án “cải tạo” không gian cụm tháp Bánh Ít phản văn hoá kia mới “vỡ tổ con chuồn chuồn”. Kiểm tra, kiến nghị, rồi dừng dự án.
Con đường hổng hoác bêtông và đá hộc bị ngừng dở chừng, như con rắn bị chặt đứt đôi. Các hạng mục nguy nga (gồm cả phom cổng đồ sộ) bị cỏ hoang bít lối, không quyết toán, không nghiệm thu, không có cơ hội sử dụng đúng công năng của các hạng mục mới toe mà người ta vẽ ra.
Dụng ý nghệ thuật và dụng ý thể hiện sự uy nghi bề thế của quyền lực thần bí đã được người Chăm gửi gắm vào tháp Bánh Ít từ hơn 800 năm trước. Muốn chiêm ngưỡng giá trị đó, bạn phải đứng dưới chân đồi cao, đi bộ dần lên, ngắm các cây tháp vòi vọi, bí ẩn, vững chãi giữa thiên nhiên khoáng đạt.
Ai cho làm con đường cuộn như mãng xà để phóng xe rèo rèo lên chân tháp? Con đường quá lớn, nó ôm bồng lấy ngọn đồi xanh mướt có 4 cây tháp Chăm, như một vành khăn tang! Ai cho xây tường bao, xây cổng thật to để dễ bề “bán vé” (vì đơn vị đề nghị “sửa” khu vực tháp là Sở Du lịch, đơn vị duyệt là Sở Kế hoạch – Đầu tư mà!).
Có nên dùng đá trắng toát, kê đệm, thay thế, cắm chi chít như “hoa giấy trắng” trang trí cho cây tháp tuyệt đẹp và tối cổ kia? (ở vị trí “miếng đá trắng đó”, vốn là nơi có những hoa văn trang trí góc tháp mang hình ngọn lửa tuyệt đẹp – một biểu trưng quý của tháp Chăm mang phong cách Bình Định có niên đại sớm).
Dự án trùng tu trong 5 năm, tiêu tốn ngân sách quốc gia, để rồi tống ximăng và vật liệu mới (làm sai so với nguyên gốc) vào tháp cổ, vật liệu mới mốc thếch đi, chướng tai gai mắt thế, ai sẽ chịu trách nhiệm đây?
Dự án tồi tệ, Sở Du lịch và mấy ban ngành liên quan, nghe đâu gánh trách nhiệm nặng. Cuộc họp xử lý do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì, có anh bị kỷ luật khiển trách (gồm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư và một phó giám đốc Sở Xây dựng), có anh nghỉ hẳn cả chức vụ thuộc dạng “đầu ngành” (Phó Giám đốc Sở Du lịch)…
Sóng gió ù ập đến với nhiều cá nhân dám xâm phạm di sản văn hoá. Nhưng thử hỏi: Ngành văn hoá (kể cả Cục Di sản văn hoá), UBND tỉnh Bình Định có trách nhiệm đến mức nào trong vụ này? Họ có duyệt rồi đồng ý cho thực thi dự án không? Từ năm 1982, tháp Bánh Ít đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, Luật Di sản có phải đã không được “thấm nhuần” đến di tích này?
Một lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định nói với chúng tôi: Bình Định xa trung tâm (thủ đô), nên họ làm sai như thế, bị “tội” rất nhẹ, chứ còn… Bình Định là quê hương của 14 ngọn (và cụm) tháp Chăm và quá nhiều di tích lịch sử văn hoá, nếu không xử làm gương như thế, nhiều người cho rằng, tai hoạ sẽ còn ập đến với các di sản…
Phân tích như thế để thấy: Lỗ hổng quản lý di tích văn hoá ở địa phương quá lớn. Các sai phạm ở cụm tháp Bánh Ít còn đứng đó đến bao giờ? – khi mà đã mấy năm trôi qua, thời gian đủ “lâu la” để có người “dính” vụ sóng gió này đã nghỉ hẳn công việc. Đôi tình nhân ngoại tứ tuần hình như đã quá quen với việc khênh cả két bia lon và đồ nhậu leo lên đỉnh núi có cụm tháp, chui vào lòng tháp để nhậu và… tự tình. Họ ngại ngùng đi qua chúng tôi. Thề có các vị vua Chăm thời cũ, tôi lên đó, gió lộng, mát rợn người. Các vị chọn thế phong thuỷ, thế sơn kỳ thuỷ tú miễn chê!
Bài 2. Các “công nghệ” làm mới di tích!
Ta cần nhớ tới ông Kazik (chuyên gia người Ba Lan, đã được dựng phù điêu ở Hội An vì những đóng góp của ông trong việc bảo vệ và tôn vinh tháp Chăm). Ông Kazik chủ động đưa vật liệu mới, phương pháp xây dựng mới vào để gia cố các đoạn tường tháp, các hạng mục hỏng, nhưng ông dụng ý phân biệt rõ phần “thêm vào” đó với di tích nguyên gốc, cho người đời sau không nhầm lẫn với di tích gốc, đồng thời lại có thể tiếp tục nghiên cứu, hoặc có thể dỡ bỏ phần thêm vào đó đi mà tiếp tục làm điều có lợi về mặt khoa học và thẩm mỹ cho di sản.
Có thể tận mục phương pháp này ở di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) với cùng một cây tháp, có hai màu sắc, hai chất liệu, hai cung cách thể hiện mới – cũ rõ ràng.
Dường như ít ai tuân thủ nguyên tắc của ông Kazik, nên ngay tại Quảng Nam, có cụm tháp Khương Mỹ lại đang vướng phải bi kịch quá lớn của sự… thận trọng. Khi chúng tôi đến, các hiệp thợ đang vắt vẻo trên hệ thống giàn giáo khổng lồ, mốc thếch. Ngọn tháp phủ xanh rì, tốt um tùm toàn cây dại, một vẻ cổ kính hoang dại tuyệt mỹ, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Các hiệp thợ đang hò nhau dỡ giàn giáo xuống.
Hỏi: Các anh không sửa tháp nữa à? Trả lời: Đơn vị chúng tôi “cãi nhau” thế nào với bên thuê làm, giờ rút quân thôi, có lẽ công ty khác sẽ làm. Làm, rồi tranh luận chưa ngã ngũ, rồi dừng lại, rồi lại làm, lại khai quật khảo cổ ở chân tháp, lại nhận ra sai lầm mình đang làm. Đã gầy mòn muốn đổ sụp, lòng tháp lại biến thành một cái kho toàn sắt thép và tre gỗ (của các hiệp thợ), người ta dùng cửa nan tre cọc gỗ đóng cửa tháp lại, biến lòng tháp thành cái nhà kho.
Trong khi ấy thì ở rất nhiều di tích tháp Chăm khác, người ta lại đổ vật liệu mới vào để “làm mới di tích”. Ba ngọn tháp Dương Long sừng sững, vòi vọi, được mệnh danh là những cây tháp gạch lớn nhất Đông Nam Á (cây cao nhất 39m), còn hầu như nguyên vẹn nhất so với hệ thống tháp Chăm ở miền Trung và Tây Nguyên. Hơn 800 năm, tháp vẫn hiên ngang giữa đất trời, song, chỉ ít năm qua, người ta đã gọt giũa đi nhiều giá trị muôn một của các cây tháp này.
Qua nhiều đợt trùng tu, gạch xây nhà của người địa phương được tống vào thân tháp, ximăng, vôi vữa công nghệ tây – Tàu được ních chặt, các toà gần đỉnh tháp cao mấy chục mét cũng bị đá xẻ trắng toát đan kín, trông ngôi tháp cổ như bị ai đó quét vôi loang lổ. Nếu bạn “zoom” tầm mắt mình lên đỉnh tháp, sẽ thấy giữa bời bời lau cỏ bám lên các khối đá sa thạch chạm khắc tuyệt kỹ, cùng gạch Chăm đỏ au nước thời gian, là các khối đá mới to lớn, rất phản cảm.
Tháp thì vẫn cổ kính uy nghi đứng đó, nhưng người trùng tu chưa hiểu được tháp Chăm, nên ở mỗi giai đoạn tu bổ, họ lại làm bằng một công nghệ khác nhau. Tháp cổ luôn đúng, hai phương pháp trùng tu khác nhau của hậu thế “đổ” lên một cây tháp, kiểu gì cũng có một “anh” không chuẩn. Họ cũng biết họ sai, nên lần sau họ đem bóc cái của lần trước đi, rất thành khẩn.
Trước năm 2004, Công ty thiết kế và tu bổ di tích trung ương họ dùng ximăng với kỹ thuật phối màu (800 năm trước dĩ nhiên là chưa có ximăng!); từ năm 2004 đến nay, việc trùng tu hai tháp cùng lúc (cả 4 “cụ” gồm cụm 3 tháp Dương Long và 1 tháp Cánh Tiên) với chất kết dính là nhựa cây bời lời, đã khiến cho việc sửa tháp giống như “đẽo cày giữa đường”.
Là bởi vì 4 cây tháp cổ, cực kỳ nguyên vẹn và giữ nhiều kỷ lục cùng bị đem ra làm thí nghiệm. Có chỗ dùng phương pháp mài phẳng bốn mặt gạch và dùng nhựa cây bời lời để làm chất kết dính, có chỗ lại dùng nhựa cây ô đước, có chỗ lại biến thành cây dầu rái. Tháp cổ ơi, ai dám chắc 8 – 12 thế kỷ trước, người Chăm dùng những thứ nhựa cây kia nhỉ? Nếu nó là nhựa… thông, nhựa mít thì sao nhỉ?
Điều oái oăm lớn nhất đang diễn ra ở tháp Dương Long là: Người ta tiến hành trùng tu tháp trước khi khai quật khảo cổ học. Một sai lầm có tính chiến lược ở nhiều di tích khác nữa, một sự ấu trĩ khổng lồ. Thực tế đã chỉ ra sự dấm dớ này: Sau khi đắp điếm đá trắng, gạch mộc, ximăng lên các cây tháp cổ, khu vực nền móng mới phát lộ, kèm theo đó là 1.000 hiện vật nguyên gốc của 3 cây tháp trên diện tích 1.500m2 diện tích khai quật chữa cháy.
Hiện vật cổ nguyên gốc của tháp thì đem xếp thành núi đá, núi gạch ở dưới đất, ở các bảo tàng; trong khi tháp cổ thì đỏ au, trắng toát, xanh lè ximăng gỉ mốc bởi vật liệu tân kỳ, lạ hoắc. Tiền mất, tật mang.
Vừa đá bóng, vừa thổi còi
Tình trạng phổ biến trong việc “đập bỏ xây mới”, trùng tu lệch lạc mà rất nhiều trong di tích ở Việt Nam đang phải đối mặt là: Nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý, nhiều đơn vị giám sát, thi công các công trình “trùng tu tôn tạo” “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Tức là họ lập đề án, duyệt đề án, tư vấn, giám sát cho đề án trùng tu di tích, khi bị công luận phản đối, họ lại đứng ra lấy danh nghĩa “nhà khoa học, nhà quản lý” thanh minh cho việc làm của dự án. Thành ra, dư luận cứ bất bình, còn di tích cứ ùn ùn được dỡ ra xây mới, hoặc sửa sang tuỳ tiện làm mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hoá, lịch sử đã ngưng đọng hàng trăm, hàng nghìn năm.
Nhiều hoạ sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá cổ như các ông Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương bức xúc đề nghị cần có một đơn vị giám sát độc lập, đủ mạnh và đủ khách quan để “chấn chỉnh” việc trùng tu di tích kiểu làm mới. Ông Cương bảo: Xây một toà nhà cao tầng, cứ theo bản vẽ, cứ bêtông cốt thép mà làm yxìphoóc, thế mà ở Việt Nam và trên thế giới người ta còn giám sát vô cùng ngặt nghèo.
Trong khi đó, sửa cả những di tích ngàn năm tuổi, những giá trị mong manh, vụng tay đã đủ tan biến như thế, mà loanh quanh có mấy “anh” giám sát nhau, mà ban bệ người ta chọn theo “cái cách của người ta”. Khi người viết bài này “chuyển” kiến nghị tâm huyết kia lên Cục Di sản, đồng chí cục trưởng – mới đây, cho biết: Đã kiến nghị bộ về vấn đề thành lập tổ giám sát đủ “mạnh” như đã nói.
Nhiều nhà khoa học đã rất có lý khi cho rằng: Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, hoặc sự thiếu “trung ngôn” vì một lý do nào đó, nếu muốn nghe sự thật về “trùng tu tôn tạo” hiện nay, thì nhất định phải hỏi những chuyên gia mỹ thuật cổ không dính dáng lợi ích gì đến công việc trùng tu tiêu tốn cả trăm tỉ đồng/năm của Nhà nước và nhân dân.
Khi chúng tôi “tham vấn” ý kiến của các hoạ sĩ, nhà nghiên cứu với các công trình, tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới… thì họ đều cực lực công kích “công nghệ làm mới di tích” hiện nay. Họ ví: Trùng tu kiểu “dỡ trắng” dựng lại di tích, đó là việc đập vỡ cái bình cổ nghìn năm để nung lại cái bình khác, vặt bông hoa thật đi để thửa bông hoa sắt thép chơi cho vĩnh cửu.
Đúng là những phép toán đơn giản, nhưng người ta không chịu hiểu và kết quả là hàng loạt di sản vô giá bị làm mới. Làm mới tức là giết chết di tích một cách “toàn diện và vững chắc” – lời hoạ sĩ Thành Chương.
Một “chiêu thức” mà các đơn vị tổ chức trùng tu tôn tạo di tích theo kiểu chưa hỏng cũng dỡ ra, tìm mọi thủ thuật để thay mới các vật liệu, các hạng mục cổ xưa của di tích là: Đình (đền, chùa, miếu) này hỏng hết rồi, chúng tôi buộc phải thay. Dỡ ra rất bài bản, có hội đồng “hạ giải” (dỡ toàn bộ) hẳn hoi, cái gì hỏng mới thay chứ, nhưng nó hỏng hết rồi.
Thay tất và thay tất. Sau trùng tu, các ngôi chùa, đình, đền tuyệt kỹ, mới năm ngoái còn vững chãi uy nghi, năm sau đã trang hoàng vật liệu mới tinh tươm. Khi báo chí hay dân thôn đến chất vấn thì vẫn giọng điệu cũ của người quản lý và thực thi công việc trùng tu: Chúng tôi làm đúng quy trình, được duyệt, được cấp tiền và có ban bệ chứng kiến đúng như phép nước.
Đền Và (Sơn Tây) bị dỡ trắng, đình Mông Phụ (di tích quốc gia làng Việt cổ Đường Lâm) bị dỡ toàn bộ để dựng lại, đình Thụy Phiêu – ngôi đình cổ nhất Việt Nam được “thay” mới 99%, báo chí lại đang rầm rộ vụ “phá tan nát” đền thờ Lý Chiêu Hoàng; trước đó, chùa Dâu – ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, cũng bị “tố” vì sơn phết vẽ vời tượng cổ, tống ximăng vào tháp cổ, đặc biệt, “dựng” tam quan sai toét…
Vấn đề đặt ra là: Cái ban bệ “thẩm định” việc “trùng tu” di tích đó gồm những ai? Họ làm việc vì tinh thần gì? Họ được tuyển chọn vào ban bệ giám sát và thi công có vì tinh thần khoa học, vì di sản ông bà tổ tiên để lại thật sự hay không?
Bí ẩn đến mức nào thì không biết. Song, họa sĩ Thành Chương tiết lộ một chi tiết ví dụ mà những người nhiều năm quan tâm đến “công nghệ làm mới di tích” ở Việt Nam phải buốt lòng: Họ cứ rêu rao là các cột đình, chùa, miếu mạo khi dỡ ra bị “rỗng ruột” (thông tâm) hết.
Là người lập cả một “biệt phủ Thành Chương” để tôn vinh di sản văn hoá cổ, hơn ai hết, họa sĩ Thành Chương biết rõ: Cây cột lim nào, sau một thời gian sử dụng cũng bị rỗng ruột cả, rỗng ruột mà vỏ nó vẫn chắc, vẫn tròn nhẵn thì có làm sao? Cứ để nguyên, nó vẫn cứ vững chãi như thế cả trăm năm nữa!
Nếu cứ “thông tâm” là dỡ bỏ, vứt bỏ, thay cột mới, thì người ta có thể dỡ ra mà thay gần hết số cột đình, chùa, miếu mạo trên đất nước này. Chợt nhớ, vụ nào, khi chúng tôi (nhà báo) có mặt kịp thời chất vấn, thì đơn vị thi công cũng đắc chí: Thay tất, rỗng ruột tất, thay tất. Nghe xong, tôi thấy lạnh sống lưng.
Ong nha bao nay cha hieu gi ve tu bo di tich
Cac ong hoa sy ma ong dan ra cung vay
Letrung phê phán mà chẳng dẫn chứng ra cái gì cả, sao web lại chấp nhận nhỉ? Như vậy là không công bằng. Chê nhà báo không hiểu gì, chê các họa sĩ nhà báo dẫn ra nữa. Letrung hãy chỉ ra chỗ CHẢ HIỂU đó cho bà con nhờ đi.
Thân
Cám ơn bạn đọc Giang! Bài viết của Đỗ Doãn Hoàng rất hay, trúng vấn đề. Có lẽ BBT web sơ ý hoặc muốn bạn đọc tham gia thảo luận vấn đề bức thiết này, nên đã “chấp nhận” phản hồi của Letrung. Vì lâu nay web nhà thơ Inrasara chỉ chấp nhận khi chê ai phải có chứng minh cụ thể. Riêng tôi đồng ý hoàn toàn với ĐDH rằng ông Kazik đã xử lí vừa thông minh vừa tỉnh táo khi phục chế di tích tháp Chăm. Tôi thấy nhà thơ Inrasara cũng đã nhất trí với việc làm này. Lần nữa cám ơn anh Đỗ Doãn Hoàng.
@letrung, Giang:
Ý của bạn Letrung về nghĩa “Tu Bổ” như thế này. Tu: cạo trọc, giống như các thầy Tu ở các nhà chùa, tức bỏ gần hết tất cả những gì của quá khứ, dĩ vãng. Bổ: bồi bổ, bổ dưỡng, tức cho các di tích ăn nhưng món ngon, mới rẻ cho bồi bổ, nhìn sẽ múp máp thêm ra.
==>Tu bổ: Cạo hết ra, cho vào mấy cây bê tông cốt thép cho chắc, cho nhìn đẹp ra phết hơn.
Phải không bạn?
Một bài báo mang tính phản biện rất sắc. Không biết boa giờ VN mới hết tình trạng xây dựng, trùng tu di tích theo kiểu chắp vá nhuôm nhoam, làm đau và phá nát di sản văn hóa.
Pingback: Bí quyết trùng tu tháp Po Rome | Inrasara.com