Vĩnh Nguyên: Đồng vọng Saranai

Đây là bài viết có nhiều cái nhìn lạ về một khía cạnh văn hóa Chăm, chúng tôi xin đăng lại ở inrasara.com để bạn đọc thưởng lãm.
Inrasara.
*
Saranai. Nghe nói tiếng kèn ấy chỉ cất lên trong những đám đông mùa hội; rất kiêng khi nó được thổi trong nhà. Vì kiến trúc thanh âm của nó dẫn dụ linh hồn người ta “thoát xác” quên về…
1 – Người ta mơ hồ lo sợ nếu một ngày trong những lễ hội đất Chăm sẽ vắng tiếng saranai thân quen.
Thanh âm bùa mê của tiếng kèn ấy như vẽ trước mắt những nẻo làng Chăm nghèo xơ xác, vẽ trong hình dung những ngọn đồi tháp trơ trọi trước nhật nguyệt, vẽ vào những ngõ rừng, đồi cát quê hương từng vết chân sờ soạng bóng ma Hời quá khứ, khảm vào không gian những vệt hằn rát buốt của tâm thức…
Đám nhiếp ảnh miền Trung vẫn kể với nhau rằng, có một lần nằm lại giữa đền tháp Mỹ Sơn để săn cảnh tháp trăng về khuya, lúc rượu vào, những tay máy “mất vía” khi nghe tiếng kèn saranai cô độc cất lên trong cánh rừng, phía sau những đền đài phế tích hoang vắng. Họ quờ quạng tìm kiếm nơi phát tích của dòng thanh âm ma mị ấy và phát hiện ra giữa một trảng cỏ bên rừng, một bóng người đàn ông mỏng manh gầy gò cô độc trong trang phục truyền thống, trắng toát, đang ngước lên phía con trăng già và réo rắt nối trời với đất bằng dòng thanh âm u huyền, khắc khoải… Tiếng kèn hoà trong gió rừng đêm xào xạc.
Cuộc hành hương đơn độc của người đàn ông bí ẩn kia trong dòng thanh âm luân chuyển diệu vợi kia đã kịp khoác lên màu áo huyền thoại, như một sự đồng vọng trước hư vô hay vô thuỷ vô chung của thời gian. Để rồi nó neo lại ở hồn người một ám tượng đẹp đến bạo tàn. Đêm đó, tiếng Saranai ngẫu hứng đêm ấy đã phong kín mọi ngõ rừng, khiến những kẻ bạo gan kia không còn đường trở về thực tại…
2 – Sinh hoạt xã hội Chăm chi phối bởi tính âm, tính mẫu hệ rất rõ. Một người bạn nghệ sĩ Chăm đã bảo rằng, tiếng saranai là tiếng của Chăm, tiếng của âm tính. Làm liên tưởng đến điều đó, chính là, trong những lễ hội, tiếng kèn ấy thường đi đôi với một nhạc cụ khác khá mạnh mẽ, tượng trưng cho dương tính: trống ginăng.
Người ta thấy được trong thanh âm hoà điệu kia là những gởi gắm của tín ngưỡng phồn thực, sinh sôi tưng bừng, hài hoà âm dương. Thấy được cả sự giao hoà nối kết giữa cha trời và mẹ đất và cuộc vần xoay theo quy luật hoá sinh trong mỗi satna đời người.
Trong cái chung chiêng của điệu múa Rija quen thuộc thường thấy trên những đền tháp vào những dịp lễ hội, ba thanh âm chính (tăk, tăm, tầm) làm nhịp chính của trống vỗ baranưng, trong sự phụ hoạ khoẻ khoắn của nhịp trống đôi ginăng (tơk, ting, tik, cleng, glèng…) là tiếng kèn saranai réo rắt lả lơi và khai thông những mạch nguồn giao cảm khi xúc cảm trào dâng, thăng hoa. Tiếng kèn ấy vẽ ra sắc màu không gian, vẽ ra những điệu xập xoè của quạt tím sắc tagalau (bằng lăng), vẽ lên nền trời những đường cong tràn đầy trên áo xiêm Chiêm nữ… hứa hẹn mùa phồn sinh!
3 – Những nhạc cụ của người Chăm có một đặc tính chung, nó được tiếp cận trực tiếp ở những bộ phận thần kinh nhạy cảm, gần trái tim bậc nhất của con người: khi vỗ trống (chứ không phải đánh trống) thì gan bàn tay chạm mặt trống, tiếng trống vỗ đo bằng nhịp tim thổn thức của nghệ nhân; khi thổi kèn Saranai, đầu kèn nhỏ, dẹp chạm vào lưỡi của nghệ nhân để tiếng kèn léo lắt, rắt réo và đôi khi buồn hoang như tiếng đồng vọng của những linh hồn ký ức còn chu du trong tâm tưởng. Là một khí nhạc dân gian, nên tinh thần của nó cũng khác cách người ta “phác hoạ biểu đồ âm” bằng kèn Tây như phùng má đưa một xúc cảm cất thành tiếng qua cây saxophone trên sân khấu hiện đại…
Saranai có mặt trong những hội làng nhiều hơn trên đền tháp, nó khác những nhạc cụ được “thánh hoá” như đàn Kanhi (hay Rabap, như một loại đàn cò của người Việt).
4 – Trong làng Chăm Hữu Đức, nơi đầu nguồn của những nghi lễ cúng Katê, nơi có ngôi đền cất giấu y trang của vị vua Po Klong Giarai, chỉ còn sót mỗi ông Mã Thành Trung (65 tuổi) là nghệ nhân thổi Saranai. Ba mươi năm chính thức chu du qua những mùa hội hè trên quê hương gió và cát, tiếng kèn người đàn ông ấy khắc khoải và chất chứa, thăng hoa và day dứt. Cây kèn Saranai bé nhỏ, ba khớp trên thân kèn có thể tháo ra lắp vào để khi diễn tấu xong, nghệ nhân thận trọng cho vào túi gấm đeo lúc lỉu trên ngực, lặng lẽ bước về nhà, đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Cây kèn của nghệ nhân Mã Thành Trung là bảo vật gia truyền, đã được truyền qua ba đời.
Trong ký ức của nghệ nhân già, vẫn còn lung linh hình ảnh ông nội, người cha mình năm xưa say lả trong những chiều gió bụi mù trời của những mùa lễ hội đề huề. Mỗi lần ông đưa hơi thở mình vút lên theo thanh âm mê hoặc là cứ như giao cảm cả với những linh thể của người đã khuất. Đốt giữa cây kèn Saranai của ông Trung được làm từ một lõi rút trong xương ống quyển của con voi, đầu kèn làm bằng sừng trâu. Ông quý cây Saranai hơn bất cứ thứ gì, vì “nó mang nhiều hồn vía!”.
“Bình thường mà mang Saranai đi thổi trước cổng nhà người ta là bị đuổi. Vì Saranai là tiếng kèn buồn đến bứt tóc bứt tai. Nó chỉ thực sự vui khi thổi trong những lễ cúng tế hay trong nhịp trống mùa hội cùng với “những người bạn đời của mình” (là những nhạc cụ khác)!” – nghệ nhân già cho biết.
5 – Việc truyền lại cây Saranai này cho ai để tránh nguy cơ thất truyền vẫn là một nỗi băn khoăn.
Thỉnh thoảng lại có người Chăm trẻ trong làng đến gõ cửa xin học thổi Saranai, nghệ nhân già tận tình truyền nghề. Nhưng lần lượt từng người, từng người… ra đi không trở lại vì: “Tiếng kèn càng lâu năm, càng hay và càng buồn da diết! Mỗi khi trút hết tâm tư cho tiếng kèn, sẽ mất hơi sức như người đàn bà qua chín lần sinh nở vậy…”.

Cập nhật: 20.10.2008
Nguồn: http://tintuc.duyxuyen.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=354

(Chú thích: Lối phiên âm chữ Chăm chúng tôi giữ nguyên bản của tác giả)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *