Vị trí của Trường ca trong văn học Chăm

Đài VTV, Nguyên Linh thực hiện vào ngày 19-3-2009.
Đây là bài chuẩn bị phát biểu cho phim tư liệu dài 15 phút, sẽ được phát một ngày gần đầy.

*
Thưa nhà thơ – nhà nghiên cứu Inrasara, để bắt đầu câu chuyện của chúng ta hôm nay, ông có thể cho biết: tại sao, với cơ duyên nào mà ông lại trở thành một nhà Chăm học, hay nói cho cụ thể hơn, một người Chăm nghiên cứu về những giá trị trong di sản văn hóa nghệ thuật của chính người Chăm?
Inrasara: Tôi yêu ngôn ngữ Chăm từ bé. Ngay khi còn chứ cắp sách đến trường, tôi đã thuộc lòng tác phẩm nổi tiếng là Ariya Glơng Anak, qua lời ngâm của cha. Ông ngoại tôi lại là một tác giả tập thơ thời danh là Ariya Rideh Apwei. Có lẽ tôi được truyền gien yêu văn chương này từ người. Đến tuổi mười lăm, những năm Trung học vào các dịp Hè, lang thang qua các làng, tôi có nhiều khám phá thú vị về ngôn ngữ và văn chương dân tộc. Chúng ngày càng cuốn hút tâm hồn ngây thơ của tôi. Nhưng phải vài năm sau đó, tôi mới thực sự có ý hướng sưu tầm tục ngữ ca dao và chép các tác phẩm cổ điển dân tộc. Sau đó là đắm mình vào công việc.

Về di sản văn hóa nghệ thuật của người Chăm, của dân tộc Chiêm Thành từng tồn tại trong lịch sử, có thể nói rằng từ lâu, đó là đối tượng thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả lớn trên thế giới. Là một nhà Chăm học người Chăm, theo ông, có thuận lợi và khó khăn gì trong công việc so với những nhà Chăm học Âu Mỹ, kể cả so với những nhà Chăm học người Việt? Và liệu còn có thể đi tiếp không khi mà việc nghiên cứu Chăm của các học giả tiền bối đã đạt được rất nhiều thành tựu?
Inrasara: Văn hóa – văn minh Champa đã là nguồn cảm hứng nghiên cứu của rất nhiều học giả trong lẫn ngoài nước, ngay từ đầu thế kỉ XX. Và họ cũng đã đạt được vài thành tựu nhất định. Về lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ – chữ viết, kiến trúc và điêu khắc, có người sưu tầm được vài truyện cổ hay trường ca, vân vân. Nhưng vẫn còn đó các lổ hổng to lớn chưa được san lấp, hay nói khác đi, vẫn còn nhiều thành tố trong tổng thể nền văn hóa – văn minh ấy chưa được khai phá. Đâu là nền âm nhạc Chăm, đi kèm với nó là ca và múa? Rồi nền y học cổ truyền, thiên văn học,…? Chưa gì cả!
Khó khăn ư? Đương nhiên nó có đầy ra. Tôi khởi đầu từ một gia đình nghèo nơi một làng quê nghèo. Vả lại nếu một sinh viên Kinh nghiên cứu về văn học Việt Nam thì họ đã có sẵn tư liệu với bao nhiêu giáo sư hướng dẫn, vân vân. Tôi – không gì cả! Trước tôi, chỉ có vài văn bản cổ được in ở Trung tâm văn hóa Chàm – Phan Rang, vài thi phẩm cổ điển được Thiên Sanh Cảnh dịch in trong Panrang. Hoàn toàn chưa có một nghiên cứu hệ thống nào về văn học Chăm. Tôi khởi đầu từ bàn tay trắng, bước chân trắng và túi rỗng. Nhưng tôi có muôn vàn thuận lợi: đó là tâm hồn đầy chất ngất, nói như thi sĩ thần đồng Rimbaud.
Ngôn ngữ dân tộc nữa, là điều không nhà nghiên cứu nào ngoài Chăm có. Không học giả nào có khả năng đi vào làng Chăm sưu tầm ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Làm sao họ có thể nghe các bà nhà quê cãi vã nhau mà phân biệt được đâu là thành ngữ chớ?! Rồi chữ Chăm cổ nữa. Người Chăm có chữ viết bản địa sớm nhất Đông Nam Á: ngay cuối thế kỉ thứ IV sau Công nguyên. Sở hữu các văn bản chép tay thì không khó, nhưng để đọc và hiểu thấu đáo chúng thì phải là chuyện thiên nan vạn nan. Sau 25 năm sưu tầm nghiên cứu, tôi đã hoàn thành bộ sách Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển ngàn trang. Bộ sách mà giáo sư Lafont cho là “một công trình có giá trị lớn về mặt khoa học” và cho nó Giải thưởng của Trung tâm nghiên cứu lịch sử và văn minh Đông Dương (CHCPI – Đại học Sorbonne, Pháp) vào năm 1995.

Nhìn nhận một cách khách quan, theo ông, cái đặc sắc trong di sản văn hóa nghệ thuật Chăm là gì nếu đặt trên nền cảnh của văn hóa Việt Nam, và rộng hơn, của văn hóa khu vực và văn hóa thế giới? Có phải nó chỉ là những công trình kiến trúc, tức là những ngọn tháp Chăm hay câu chuyện truyền thuyết mà ai nấy đều đã biết?
Inrasara: Nói đến Chăm, người ta hay nhắc đến Thánh địa Mĩ Sơn, nhắc đến các ngọn tháp Chàm rêu phong trải dọc suốt dải đất miền Trung Việt Nam, hay cùng lắm là một nền điêu khắc với vài kiệt tác hàng đầu Đông Nam Á, như Tượng Vũ nữ Chàm Trà Kiệu hay Tượng Phật Đồng Dương, Tượng Shiva ở tháp Ppo Klaung Girai. Nhưng theo tôi, Chăm có một nền ca – múa – nhạc rất độc đáo, điều mà vài năm qua, các nghệ nhân Chăm cũng đã cống hiến phần nào cái đặc sắc của nó đến với công chúng. Cạnh đó không thể không kể đến văn học. Đó là một nền văn học – cả văn học dân gian lẫn văn học viết – phát triển lâu đời, đa dạng và đặc sắc. Tôi đã và đang cố gắng trình bày nó đến với độc giả cả nước, hi vọng nó góp phần không nhỏ vào nền văn học chung của đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Nhiều năm qua, việc nghiên cứu di sản văn hóa nghệ thuật Chăm của ông chủ yếu nằm trong lĩnh vực ngôn ngữ. Gần đây nhất, năm 2006, ông đã cho công bố công trình sưu tầm – biên khảo mang tên “Trường ca Chăm”. Ông có thể cho biết, trong kho tàng văn học dân gian Chăm, trường ca giữ một vị trí như thế nào?
Inrasara: Kho tàng văn học viết Chăm, có thể kể:
5 akayet – sử thi.
Trường ca trữ tình: Ariya Bini – Cam, Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Mưyut
Trường ca thế sự: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Adauh Tơy Lơy, Ariya Ppo Parơng, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Twơn Phauw
Thơ triết lí: Ariya Nau Ikak, Ariya Jadar.
Gia huấn ca: Ariya Patauw Adat Likei, Ariya Patauw Adat Kamei, Kabbon Muk Thruh Palei.
Hơn một trăm bài ca lịch sử hay tụng ca – damnưy do các Ong Kadhar hay Ong Mưdwơn hát trong các lễ rija, pơh pabbơng yang, tamư kut…. Dù các bài tụng ca này đã được ghi thành văn bản nhưng trong lúc diễn ngâm, nghệ nhân vẫn có thể tái tạo linh hoạt. Mỗi bài dài từ 20 đến 150 câu ariya Chăm.
Trong đó trường ca chiếm vai trò và vị trí rất đặc biệt. Đề tài trường ca không xa lạ với cuộc sống dân tộc như các sử thi trước đó, ngôn từ không cao siêu và khó hiểu như thơ triết lí, văn phong cũng không khô khan như gia huấn ca. Trường ca nó gần gũi, hấp dẫn và thực sự là những áng văn hay.

Và việc nghiên cứu trường ca Chăm có thể đem lại những nhận thức gì về một giai đoạn văn hóa – xã hội Chăm đã chìm vào quá khứ?
Inrasara: Từ các trường ca Chăm, chúng ta có thể nhận ra phần nào cuộc sống xã hội và tinh thần Chăm từ hơn ba thế kỉ qua; những bận rộn thường nhật và ưu tư của họ; những cuộc tình ngang trái qua va chạm tôn giáo để phần nào nói lên cái khắc nghiệt của sự phân biệt đối xử giữa hai tôn giáo chính của dân tộc là Bà-la-môn và Bàni; những nét độc đáo của phong tục tập quán; những cảnh đẹp thiên nhiên, vân vân. Qua các trường ca, chúng ta vẫn có thể học được từ các thế hệ cha ông những bài học về tình yêu quê hương, lòng chung thủy vợ chồng, tình cảm anh em, bằng hữu thắm thiết, sự hi sinh cao cả. Trường ca Chăm còn cung cấp cho nhà ngữ học một khối lượng từ vựng phong phú mà không văn bản nào có được.

Ông có thể cho biết trường ca Chăm xuất hiện từ khi nào? Trường ca Chăm có bao nhiêu bộ phận, ông có thể nói sơ lược cho khán giả truyền hình biết được không? Thường thì các trường ca là truyền khẩu và thường đọc trong không gian văn hóa tâm linh, vậy thì trường ca Chăm sẽ được thể hiện trong không gian văn hóa nào?
Inrasara: Khác với các dân tộc Tây nguyên anh em, sử thi và trường ca Chăm được lưu truyền bằng văn bản chứ không truyền khẩu qua kể. Có lẽ trước đó, Chăm cũng đã kể sử thi như nhiều dân tộc khác, nhưng từ thế kỉ thứ XVI, họ đã chép chúng thành văn bản. Sử thi được cho là xuất hiện sớm nhất là Akayet Dewa Mưno có mặt vào cuối thế kỉ XVI.
Riêng trường ca, Chăm có 2 bộ phận chính: trường ca trữ tình và trường ca thế sự. Ngoài 3 trường ca trữ tình nổi tiếng là: Ariya Bini – Cam, Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei còn có Ariya Mưyut, Ariya Kei Oy… Trường ca thế sự có: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Adauh Tơy Lơy, Ariya Ppo Parơng, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Twơn Phauw

Và giá trị nổi bật về nội dung và nghệ thuật của trường ca Chăm này là gi?
Inrasara: Trường ca Chăm được viết theo thể ariya (như thể thơ lục bát Việt) theo 2 lối: lục bát đếm âm tiết và lục bát chỉ tính lượng trọng âm của từ. Trường ca Chăm ngắn (từ 120 cặp đến 300 cặp lục bát), cô đọng và súc tích. Tất cả dành cho các biến cố, nên tác giả Chăm bỏ qua diễn tả tâm lí nhân vật hay kể các lệ tục rườm rà, như ta thường thấy ở văn bản văn chương cùng thể loại của vài dân tộc khác.
Nhưng đóng góp quan trọng nhất của Chăm vào nền văn học Việt Nam chính là cái đặc trưng của nó. Đó là 5 sử thi – akayet có xuất xứ từ/ mang âm hưởng của Mã Lai hoặc Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI-XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Ba trường ca – ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa hai tông giáo Hồi – Bàlamôn dẫn đến đổ vỡ tình yêu, chia li hay cái chết của ba cặp tình nhân, cũng là một dị biệt khác. 7 trường ca thế sự mô tả chi tiết cuộc sống Chăm trong thời kì đen tối nhất của lịch sử dân tộc (thế kỉ XVIII-XIX) qua cách nhìn Chăm cũng là điều chưa hề có trong tác phẩm tiếng Việt.

Khá nhiều lần, nhà thơ – nhà nghiên cứu Inrasara đã lên tiếng lo ngại về chuyện ngôn ngữ Chăm bị thu hẹp ảnh hưởng ngay trong cộng đồng người Chăm: nhiều người Chăm không biết chữ Chăm, và đa phần người sáng tác văn chương (người Chăm) chỉ viết tác phẩm bằng chữ phổ thông (quốc ngữ). Nếu chúng ta công nhận với nhau rằng ngôn ngữ – chữ viết là một di sản văn hóa, phải chăng ở đây cũng đặt ra vấn đề về việc phải bảo tồn di sản văn hóa? Và nhìn rộng ra, tổng thể di sản văn hóa Chăm phải được bảo tồn như thế nào, ông và các đồng sự của ông có thể làm gì trong những điều kiện thực tế của mình?
Inrasara: Đúng, đó là thực tế đáng buồn. Nghiên cứu ngôn ngữ mang tính hàn lâm mà chi nếu chúng không được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Các luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ về ngôn ngữ để làm gì, một khi chúng chỉ được cho vào thư viện để những người đến sau làm nghiên cứu rồi cho lưu kho tiếp. Rất ít người Chăm sáng tác bằng tiếng dân tộc (Inrasara có 200 bài, nhưng chỉ mới trình làng được 1/4 trong số ấy), trong sinh hoạt hàng ngày thì ngay cả gia đình học thức Chăm cũng xài độn đến 50% tiếng Việt. Trong khi, chính “ngôn ngữ sống” mới là phương tiện hữu hiệu nhất bảo vệ văn hóa một dân tộc.
Gần 20 năm qua, ngoài việc góp phần chính vào việc biên soạn Từ điển song ngữ Chăm – Việt, biên soạn Tự học tiếng Chăm và dạy các khóa chữ Chăm, nói chuyện về ngôn ngữ Chăm, tôi nghĩ bộ sách Văn học Chăm 10 tập do tôi chủ biên đang tuần tự cho ra mắt công chúng (2005-2012) cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu cứu vãn tình thế. Ngoài ra đặc san Tagalau – tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm ( Inrasara chủ biên) ra được 9 số, đã có những đóng góp tích cực trong bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc.
Qua Tagalau, 5 trường ca cổ đã được trình làng, vài chục bài nghiên cứu giá trị được đăng, và nhất là: đã có hơn mươi tác giả trẻ Chăm sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Đó là niềm hi vọng. Dẫu thế nào đi nữa cũng vẫn phải sống và hi vọng.

Sài Gòn, 9-3-2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *