[Mến tặng anh Sara, người, vô phước thay, mấy lần hẹn mà em nhỏ [N.T] chưa dịp gặp
Để cổ vũ thêm lòng hân hoan của anh với Hậu hiện đại made in Vietnam
Và bày tỏ lòng hân hoan của một người trẻ Việt Nam, chuyên viết văn, làm thơ tiệm cận hậu hiện đại
Bài viết này là sản phẩm mang tính ứng tác, có lẽ nó có cảm thức hậu hiện đại, nhưng chưa kịp sinh thành thủ pháp, hehe]
Thầy Sara chưa bước vào lớp học. Sinh viên ngồi nín thở với những câu hỏi tức ngực trong đầu. Inrasara ư? Thầy đến từ nước nào? Liệu thầy có nói tiếng Việt được không? À, mà có thể sẽ có phiên dịch tiếng Anh. Không, thầy là người Chăm. Thầy nổi tiếng với bao nhiêu bài tiểu luận gần đây về hậu hiện đại và nỗi cô đơn. Thật là chán cậu quá đi. Nhà thơ sẽ nói tiếng Kinh. Không, nhưng hãy cảnh giác với người dân tộc. Họ có nhiều âm mưu chưa biết chừng. Bùa ngải thì sao? Này thôi đi, tớ cũng là người dân tộc. Mà chúng ta, 54 dân tộc, hơn 54 dân tộc, không có dân tộc nào là dân tộc trung tâm. Tớ người Thái, cậu kia người H’mong, bọn tớ coi người Kinh các cậu kinh bỏ mẹ.
Một đoạn bài “Oops! I did it again” vang lên rồi lập tức bị ngắt bằng giọng hội thoại “Alo…”.. Chà, lại một cái di động. Thật là phá vỡ náo động học thuật. Rất trái luật. Chỗ này có vẻ bắt chước Đặng Thân thật.
Người dẫn đường:
– Các em, chúng ta hãy trao đổi cởi mở. Và các em sẽ nhận được nhiều kiến thức quý báu từ một người tiên phong và tâm huyết hết sức với nền thơ ca Việt Nam đương đại. Với một phương pháp phê bình riêng. Đó là nhà thơ, nhà văn xuôi, nhà phê bình, nhà lập thuyết Inrasara!
(Quay ra) Xin mời thầy vào.
Inrasara bước vào lớp học. Hơn 60 sinh viên đứng lên chào. Có những ánh mắt tò mò chờ đợi, đôi ba gương mặt nhìn lên, tỏ ý kiêu ngạo (hãy để xem đã). Đôi ba cặp mắt nhìn tít ra phía xa.
Chậc, – Inrasara nghĩ thầm – rất có nguy cơ. Hai dãy bàn kê bàn ghế ngay ngắn kiểu lớp học, không phải kiểu hội thảo, trò chuyện, không xô lệch, và trung tâm quyền lực lại thuộc về người thuyết giảng. Nhưng thôi, kê lại bây giờ ư? Hẵng lấy đó làm đề tài mở đầu, rất thú.
(Những ý nghĩ đến rất nhanh, việc kể lại hóa rườm rà loanh quanh)
***
Inrasara cất giọng, giọng nói hân hoan khó trộn lẫn của anh lập tức gây chú ý. Gương mặt anh phút bừng sáng. Mái tóc bay bay để lộ vầng trán rộng. Đôi ba nếp nhăn bộc lộ sự suy tư và nỗi cô đơn lai rai của tuổi.
“Chúng ta không có tự do, chưa sẵn sàng cho tự do, sợ tự do, thậm chí nói như E. Fromm – chúng ta chạy trốn tự do (escape from freedom). Không tự do, bởi ta muôn đời lệ thuộc vào quyền lực đủ loại, đủ dạng. Từ ý thức hệ tôn giáo hay chính trị đến nền giáo dục ta thụ hưởng, từ truyền thống văn hóa đến nề nếp gia đình nơi ta sinh và lớn lên, từ uy tín của đạo sư hay lãnh tụ đến cuốn sách ta đọc, vân vân. Khi còn lệ thuộc vào bất kì một quyền lực nào là ta còn quy thuộc vào trung tâm. Còn trung tâm là ta còn chưa thể sẵn sàng cho hậu hiện đại.
Như ngay cách bố trí chỗ ngồi cho cuộc trò chuyện hôm nay cũng mang đầy “chất quyền lực”. Khi tri thức là một thứ quyền lực thì kẻ truyền đạt trí thực cũng dễ tạo cho mình một quyền lực: quyền lực của kẻ biết! Trong khi tôi đến đây không có ý định mang cái biết đến với các bạn, và các bạn chỉ là người tiếp nhận thụ động. Mà cùng ngồi lại như là những sinh thể độc lập sẵn sàng cho tự do, cho tiếp cận một trào lưu văn chương mang ở tự thân yếu tính tự do. Chỉ khi bạn tự do bạn mới giải trung tâm. Giải trung tâm là căn cốt của tinh thần hậu hiện đại. Giải trung tâm ở mọi lãnh vực, mọi khía cạnh, cấp độ. Hậu hiện đại liên quan mật thiết với tự do.”
Bằng lối mở như thế, chúng ta có thể thảo luận về hậu hiện đại được rồi. – Một ý nghĩ vui mừng lướt qua trong óc. Chắc chắn, anh sẽ đưa đoạn mở đầu này lên Tiền Vệ, website thân tín của anh, và của nhiều bạn văn chương tiền vệ Việt Nam xưa nay từ hồi thành lập đến giờ.”
Những câu hỏi giấu tên một cách được đưa lên. Ồ là những câu hỏi. Cám ơn tất cả các bạn. Những câu hỏi cho thấy bạn vẫn đang đứng ngoài nó. Những câu hỏi đầy hoài nghi. Nhưng không sao, rồi đây, văn chương hậu hiện đại sẽ tràn lan khắp các nẻo báo chí và website Việt Nam. Chúng ta có thể mơ ước điều đó. Mà cái ngày đó sẽ tới, đang tới, rất gần các bạn thôi. Xin lưu lại đây những câu hỏi, để đọc lại và suy ngẫm. Mỗi lần bạn đọc lại câu hỏi, bạn sẽ nảy ra một điều mới. Đó chính là ý nghĩa của các câu hỏi. Bởi vấn đề của các câu hỏi, không phải là nội dung của nó, tức không phải nó hỏi gì, mà LÀ nó là câu hòi, vậy thôi. Và vấn đề của người trả lời, các bạn hãy nhớ rằng, không phải là nội dung câu trả lời, tức không phải trả lời cái gì, có trúng vấn đề không, thậm chí cũng không phải là cách trả lời, như các bạn đang suy diễn, tôi biết, mà chỉ đơn giản là, nó LÀ câu trả lời. Vậy thôi. Hãy nhìn sự vật như nó tồn tại, ĐANG LÀ. Với cách nghĩ đó, chúng ta sẽ thoải mái hỏi và trả lời về hậu hiện đại, chẳng mắc mớ, rất đơn giản và rất suy tư.
1. Chúng ta đang nói về hậu hiện đại. Nhưng chưa thấy nói rằng nó hay hay dở, đẹp, hay chưa đẹp. Hơn thế, hậu hiện đại là sản phẩm của văn hóa phương Tây. Việt Nam là một nước Á Đông, việc chấp nhận nó hay không có thể quy kết là lạc hậu hay là sự bảo vệ an toàn cho văn hóa. Khi mọi thứ tồn tại đều có lý, nhưng có lý chắc đã là hợp lý? Người ta yêu cái đẹp. Hậu hiện đại đã đẹp chưa?
2. Thơ hậu hiện đại, có nhiều hình thức thể hiện lạ, ngôn ngữ mới, thậm chí lập dị, có gì đó đột phá quá mới, quá lạ. Có lúc đọc nó, chính những người có tri thức, thông tuệ cũng bất ngờ, hoảng hốt trước cái quá mới, quá lạ của nó. Nhà thơ có nghĩ rằng, với cái quá mới, quá lạ, đôi khi quá xa với cảm thức thơ ca truyền thống ấy sẽ khiến cho thi đàn thiếu vắng đi phần lớn độc giả chưa đủ “trình độ” tiếp cận. Liệu rồi thơ cứ đi theo chiều hướng ấy? Rồi những người của thế hệ trước, những người ít học của thế hệ này, có thể hiểu được chúng? Như trước đây họ hiểu ngôn ngữ giản đơn của thơ ca dân gian, truyền thống?
3. Bên cạnh đó, ngôn ngữ hậu hiện đại của một số nhà thơ quá mạnh, đôi khi là thô tục. Nhà thơ có ngại sự “phô bày” đến “bóc trần”, “bóc trụi” như thế sẽ khiến cho nhiều người “phản cảm” với thẩm mỹ của thơ ca hậu hiện đại? Và hơn nữa, như vậy có thể bị coi là “thô thiển” hay không?
4. Nói như nhà thơ: Hậu hiện đại là “giải trung tâm”. Trong thiền định là quan sát tất cả sự biến đổi của tâm trạng. Vậy thì cái quan sát tâm trạng có phải là trung tâm hay không? Hậu hiện đại chủ trương “giải tán” sự chi phối đối với tự do sáng tạo. Vậy cái tự do sáng tạo ấy có thành trung tâm hay không? Và thâm chí khi đã giải được trung tâm thì cái “rỗng” có trở thành trung tâm hay không? Và như vậy các mâu thuẫn trên có thể thành phản hậu hiện đại hay không?
5. Việt Nam có trên 54 dân tộc, không có dân tộc trung tâm. Đây là một trong những tâm thế, không khí chuẩn bị cho hậu hiện đại. Nhưng thực ra: dân tộc Kinh giữ vị trí chủ đạo trong nền văn học ở Việt Nam. Ngôn ngữ của dân tộc này được xem là ngôn ngữ chuẩn. Thậm chí các sáng tác của những tác giả hậu hiện đại cũng viết bằng thức ngôn ngữ chuẩn ấy. Vậy điều nhà thơ nói ở trên có mâu thuẫn không?
6. Nói đến hậu hiện đại nhà thơ cũng như nhiều người nói đến cảm thức hậu hiện đại. Vậy nhà thơ có thể nói rõ hơn về cảm thức hậu hiện đại (một cách dễ hiểu nhất)
7. Nhà thơ nói hậu hiện đại là giải trung tâm —> sự tự do trong sáng tạo (thoát khỏi khỏi ràng buộc của quan niệm đạo đức, truyền thống…) —> có bao giờ con người có thể hoàn toàn thoát khỏi những ràng buộc đó? Nếu ko thoát khỏi được thì làm sao có thể nói là chúng ta có hậu hiện đại? Nếu có được sự tự do ấy thì liệu văn chương có “loạn” khi ai muốn viết gì thì viết.
8. Hiện nay tất cả đều đồng ý với lý thuyết “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ” mà ngôn từ thuộc về ngôn ngữ. Trong khi người ta khẳng định ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất, không thể thay thế được trong giao tiếp và tư duy (kể cả tư duy nghệ thuật). Vậy các hình thức thơ hậu hiện đại như thị giác, hành động… có phải là sự tìm tòi mà biết trước đích đến là số không (chúng không thay thế được ngôn ngữ trong sáng tạo văn chương).
(Tư liệu đã công bố của Inrasara)
Nỗ lực của chúng ta, cuối cùng, là nỗ lực chứng minh: chúng ta không cổ xúy cho cái gì cả. Chúng ta lập biên bản cái đã có. Chúng ta là kẻ đứng trong nó để bình luận.
Inrasara cảm thấy cần phải nói to lên với cả không gian này, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nghệ An, Sài Gòn, everywhere, bất cứ nơi nào.
“Không, các bạn hiểu lầm tôi rồi. Tôi không cổ xúy cho hậu hiện đại. Tôi lập biên bản cho nó. Các bạn hãy tin rằng, tôi là một người viết hậu hiện đại, tôi đứng trong nó để phê bình. Đó là một việc cần kíp lúc này.”
***
Sau những buổi thuyết giảng say mê, lúc trà dư tửu hậu hiện đại, chủ đề này đã trở thành một bài phỏng vấn [theo tư liệu đã công bố của Inrasara] rất sống động.
***
Nghe nói, vẫn có nhiều người chưa thỏa mãn. Nhưng vấn đề của đối thoại không phải là thỏa mãn, mà là nó đích thực LÀ một đối thoại.
Nghe nói, để chào mừng hậu hiện đại đến rộn ràng ở Việt Nam nay mới được biết rõ mặt phi thường, cuối buổi, sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du biểu diễn một đoạn rap ngẫu hứng, theo phong cách nhại Kim JoJo để minh họa cho tính hậu hiện đại của bài giảng (Sự ngẫu hứng này đã được tập dượt trước):
Hoan hô thầy Sara!
Hoan hô hậu hiện đại!
À há. Nhưng hậu hiện đại là gì?
Ở Việt Nam thật sẵn hậu hiện đại để mà xài…
À Há! Dzê!
Thầy Inrasara vẫy tay từ biệt sinh viên, lên đường. Inrasara sẽ đi một hành trình dài qua 12 tỉnh thành của cả nước, trong thời gian này, Inrasara xin phép không update website.
MÀN HẠ
12h 44 AM, 5/03/09
(Ghi nhớ về hoàn cảnh sáng tác: Download sách quá lâu, tinh thần mệt mỏi, ngồi chờ Tiền Vệ cập nhật bài vở, đọc bài của Inrasara thấy vui vui trong lòng và tỉnh ngủ mà viết. Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong bài của Inrasara đăng trên Tienve.org. Cả buổi giảng và buổi cafe giao lưu, rất tiếc, em nhỏ đều không biết để nhận diện kiến kì hình. Bởi trước khi lên đường, trước 8 h tàu xuất phát đi Đà Nẵng, Sara mới có thời gian. Nhưng đã văn kì thanh bao lâu nay, cũng là một sự hạnh ngộ. Hẹn ngày tao ngộ! hihi)