Văn chương tiếng Việt năm 2008 – 10 tác phẩm tôi chọn

Kì 01.
THƠ

Bài đăng trên BBB.co.uk.vietnamese
(Sau kì này, Inrasara ra Hanoi va các tỉnh 12 ngày, nên inrasara.com tạm ngưng đưa bài – Hẹn gặp lại bà con, anh chị em và bạn đọc)

Lâu nay đa số chúng ta cứ nghĩ thưởng thức văn chương tùy thuộc gu, mĩ cảm riêng mỗi người, nên việc chọn và đánh giá tác phẩm không tránh khỏi chủ quan. Điều đó đúng, nhưng chưa rốt ráo. Đặt tác phẩm văn chương trong tiến trình phát triển của một nền văn học, vấn đề sẽ rất khác. Bởi, nếu sáng tác thơ văn cứ mãi ở lại với hệ mĩ học cũ, lối viết cũ, thì văn học sẽ đi đến đâu? Giậm chân tại chỗ là cái chắc.
Văn học như là tiến trình – ít ra là với văn chương tiếng Việt trong thời đại toàn cầu hóa -, câu hỏi đặt ra là: tác phẩm đó góp gì vào khai vỡ hiện thực cuộc sống hay bề tối lịch sử xã hội không? Có khai phá lối nghĩ hay thủ pháp mới lạ nào không? Nhìn từ góc độ đó, các tác phẩm năm 2008 được nêu dưới đây đã gây cho tôi sự thích thú nhất định. Về cách nghĩ, lối tiếp cận hiện thực, hay thuần túy chỉ là lối viết. Phần nào đó, chúng đáp ứng được một/ một vài tiêu chí trên.

THƠ
1. Đêm và những khúc rời của Vũ (NXB Hội Nhà văn và Cty Sách Bách Việt)
Đêm và những khúc rời của Vũ vẫn còn đó vài vướng kẹt lối kể cũ, nhưng chủ yếu tự sự ở đây thôi còn theo trật tự thời gian hay sự kiện mà, qua chộp bắt sự thể được kí ức lưu giữ và chắt lọc bằng kết nối những gợi mở của con âm và ý nghĩa của từ, làm bằng những chú thích khiến câu thơ lởm chởm ổ gà. Địa danh và buổi chiều có thể là thơ mộng, nhưng đó chỉ là cớ cho chương hồi trường ca bện níu nhau, chồng lắp nội dung và hình thức, phá lằn ranh giữa câu chuyện và người nghe chuyện. Qua đó, thơ từ bỏ sự dàn trải nỗi lòng, tính thời sự được đẩy lên cao hơn, đậm đặc hơn. Câu hỏi được đặt ra quyết liệt hơn, nhịp thơ chông chênh gẫy gập hơn:

tại sao không liên tưởng
hạnh phúc dửng dưng nỗi đau phá
giá oằn vai người nuôi cá basa
mắt người nuôi gà
nỗi kinh hoàng hố chôn dịch cúm
dường như chiều nay
chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa
cùng đóng lại ước mơ
với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn
khuyến mãi máy lạnh
quên mất ở Tây Nguyên bảy năm rồi cà phê bốn ngàn một ký
khuyến mãi mồ hôi

Tôi gọi đó là loại thơ trữ tình thế sự. Trong Đêm và khúc rời của Vũ, nhân vật thứ hai được thêm vào để trữ tình về thời cuộc “qua những lỗ thủng trên mặt đường PMU 18” không bị rơi vào độc thoại kêu cứu sáo mòn. Giáp mặt đêm, nhà thơ cảm nhận chúng, đặt câu hỏi về và với chúng. Là những câu hỏi của và cho hôm nay. Kết hợp hai mặt đối lập: trách nhiệm công dân và ý hướng tự do của thi sĩ, thế sự và trữ tình riêng tư, là điều khó. Bởi không cao tay, nó trở thành một chắp vá gượng gạo. Trên lằn ranh này, Lê Vĩnh Tài đã tạo nên một hiệu quả thơ khá bất ngờ.

2. Đồng hồ một kim (NXB Hội Nhà văn)
Với Đồng hồ một kim, Phan Trung Thành động cập trực tiếp chuyện xã hội, không cần qua phát ngôn của nhân vật. Con sông phố với bạt ngàn “cuộc vui thừa mứa những quầy bar vỏ chai nấm mồ” vẫn còn đó, nhưng anh đã bỏ lại sau lưng, để tìm đối mặt vấn đề thời sự của hôm nay. Thách thức hơn, gây đau lòng hơn. Thời sự Việt Nam với những con số biết nói, hàng vạn cô dâu Việt bị chà đạp nơi xứ người, với xứ sở rên xiết vì nghèo hèn, mấy bờ Thanh Đa sụt lở, cùng muôn ngàn hệ lụy khác.
“Thành phố đón bao điều nhạy cảm” đòi hỏi tiếng nói quyết liệt của văn nghệ sĩ. Nhưng các nhà văn, nhà thơ lâu nay được cho là đại biểu của lương tâm thời đại, đang ở đâu? Hay họ mãi lo làm thứ văn nghệ hám tiền, văn chương bám váy báo chí, mãi im lặng lếu láo, á khẩu trước nỗi bất hạnh của bao kẻ “thấp cổ” bị “ông to, bà lớn” đè đầu khắp nơi. Và cả miền Trung của những ngày bão xa, bão gần nữa. Nó có mặt ở đâu trong trang thơ văn hôm nay?
Một thứ thơ dấn thân đựng chứa bao nhiêu đề tài nóng như thế hết chịu chấp nhận giọng điệu khề khà rù rì như thuở Mang (2004) nữa! Nhịp thơ trúc trắc và chông chênh hơn, ngôn ngữ thơ góc cạnh và trực diện hơn, hơi thơ khỏe khoắn và dứt khoát hơn.
Đồng hồ một kim ghi nhận Phan Trung Thành trong nỗ lực khám phá hiện thực ở một góc độ khác.

3. Ngực cỏ (NXB Hội Nhà văn)
Ngực cỏ của Lam Hạnh phồn thực cuộc tình thôi làm màu mè phấn son, “không còn ngọng nghịu giả vờ” tán tỉnh với những thề non hẹn biển sáo mòn. Kẻ tình nhân quẳng hết mọi trang nghiêm trí tuệ [rởm], đạo đức [giả] ở lại phía sau, để nhập cuộc. Như cặp tình [nhân] bò trong bình minh Mornington phóng dật kia:

… quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói
bên đường
không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và
làm tình
khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát
… bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân
.

Nỗi khát yêu và kêu đòi giải phóng tình dục như kiểu này, không mới. Đã xảy ra mươi năm qua, ở thơ nữ. Đậm đặc nữa là khác. Khác chăng, Lam Hạnh dám cắt đứt hình tượng “ngựa” để quay về với hình ảnh “bò” lạ mà quen. Với lối nhìn cận cảnh, khá độc đáo. Tại điểm này, người đọc bắt gặp giọng thơ Lam Hạnh – một giọng thơ “không quê mùa, không hiện đại” nhưng không vì thế mà nó không có sức hút riêng.
Thơ trẻ [nhất là nữ] lâu nay hay bị than phiền là ưa lặp lại nhau, quá chủ quan, quá hướng về cái Tôi cảm tính mà ít mở ra bên ngoài. Lam Hạnh cũng không thoát khỏi quỹ đạo đó. Ngực cỏ vẫn làm dáng với những “lưỡi bí mật”, “bâng khuâng tiên cảm phồn sinh”, “hoang tưởng đen”, “khát cơn tội lỗi”, “nhiễm độc tinh khiết thơm”, “đường bay vọng động”, “cơn mưa huyễn hoặc”, “khối u mãn tính”,… Rất nhảm nhí! Chúng ta cứ tưởng Lam Hạnh sẽ chết chìm giữa đống nhàm cũ kia! Nhưng không, người thơ nữ của đất nắng Cam Ranh vẫn có thể trỗi dậy, mở ra với vấn đề thế sự, bằng cách nhìn riêng, sắc lẹm.

Lĩnh Đinh Chích Khoái của Đinh Linh và 40km/ h của Vũ Thành Sơn do Nhà xuất bản Giấy vụn (một nhà xuất bản vỉa hè đầy uy tín) in vào giao điểm năm 2007 và 2008, gây cho tôi sự thú vị đặc biệt.
4. Lĩnh Đinh Chích Khoái
Hơn thế kỉ qua, qua biến động lịch sử và giao lưu văn hóa, tiếng Việt không ngừng chuyển động. Nhất là tiếng Việt của đời thường, chúng được đẻ ra bừa bộn, tạp nham và lí thú. Nhưng lạ, chúng ít khi có mặt trong tác phẩm văn chương. Có, nhưng hiếm hoi và thường bị giới làm thơ nhìn bằng con mắt trịch thượng. Mãi khi thế hệ thi sĩ hậu đổi mới xuất hiện, sự phân biệt đối xử này mới bị giải tán.
Đinh Linh, “một người Mĩ ngược chiều”, đã mổ xẻ và khai thác chúng, với sự hào hứng khác lạ: “Những từ chính”, “39 động từ”, “Từ túng”, “Ngôn ngữ và thịt”, “Bún và phở”, “Cơm và cháo” để, làm ra “Những từ điển mới”. Từ điển dùng cho tra cứu Lĩnh đinh chích khoái và các tập thơ tương cận.
Là “kẻ lạ trong ngôn ngữ Việt” nên viết thơ, anh thường trực cảnh giác về ngôn từ. Về mỗi từ, mỗi âm tiết, thậm chí về mỗi dấu câu. Một dấu câu, một từ, một cụm từ là một văn bản. Một văn bản lại là môt liên văn bản. Nó luôn kéo lê sau mình một/ một vài chuỗi liên tưởng. Nhiều hay ít, nông hay sâu, giản đơn hay phức tạp, tùy kinh nghiệm cá nhân của người đọc, người nghe qua “tập khí”, nền văn hóa hay giáo dục mà cá nhân đó nhận được và bị quy định.
Hiếm nhà thơ Việt nào ý thức về mỗi từ sử dụng một cách thường trực, cảnh giác với mỗi từ đầy chăm chú như Đinh Linh. Càng hiếm hơn nữa nhà thơ xử sự vô phân biệt với ngôn từ như thế, vú là là, vú chỉ là, vú là… Anh vô ngại trong đề tài, thể thơ, thi ảnh, tiếng hay con âm; anh còn vô phân biệt cả trong thể loại. Người đọc từng biết đến các bài thơ Đinh Linh có thể được đọc như một truyện rất ngắn, nhưng đến “La đi man o li din” thì Đinh Linh xóa bỏ luôn ranh giới tiểu luận ngôn ngữ học, tạp bút, truyện ngắn và thơ. “Thơ cũng vậy, chú em/ Phải chôn ngàn năm mới tạm nhai được”.
Với Lĩnh Đinh Chích Khoái, Đinh Linh đã góp một nhát cuốc đáo để để đào chôn nỗi ngàn năm ấy, khai mở một thế giới khác cho thơ Việt và, khai sinh một hướng đi khác cho thơ.

5. 40 km/ h
Tôi rất thú vị với diễn ngôn về bài thơ “Giấc mơ giữa ban ngày”, rộng hơn – tập thơ 40 km/ h của Vũ Thành Sơn. Tập thơ nhiều hoán dụ gợi tưởng tượng, không phải tưởng tượng đẹp và thơ về một nơi chốn thanh tao, yên ả xa lơ xa lắc của mĩ học nông nghiệp đã lạc thời mà là giữa lòng ngột ngạt đô thị trong một thế giới quá nhiều ruồi, những vỏ chai bia, băng vệ sinh, xác gián, xác chuột chết, rác, phân, mùi hôi thối, bão phun nước bọt, cô gái mặc váy đỏ bất ngờ trượt ngã, giấc mơ quái đản, dãi nhớt, máu me, sex…
Tập thơ đậm nổi cơ man hình ảnh phi thực và siêu thực, nhưng nó không chủ ý làm siêu thực, thậm chí không cần đến thủ pháp siêu thực như lối làm dáng của không ít nhà thơ cách tân hôm nay. Bởi cuộc sống 40 km/ h này đã quá siêu thực rồi. Anh chỉ việc cúi xuống nhặt và ghi chúng ra giấy.
Vũ Thành Sơn từ chối làm những “bài thơ lớn” nói lên những vấn đề to tát của dân tộc và nhân loại, như âm mưu của các nhà thơ hiện đại; anh cũng không ý định chế tạo những “bài thơ hoàn toàn tiệt trùng” giống bạt ngàn bài thơ xuất hiện nhan nhản trên khắp mặt báo, 40 km/ h đẩy tư duy thơ đi vào những ngóc ngách nhỏ lẻ của cuộc sống thực ngồn ngộn sự việc và sự vật với bao rắc rối, vấn đề tiểu tự sự của nó. Bằng thứ ngôn ngữ thẳng, gần, đậm đặc nghĩa đen của thời hậu hiện đại.

Khác
Ngoài 5 tập thơ trên, có thể kể thêm Mắt giấy (NXB Thanh niên), Ma thuật ngón (NXB Hội Nhà văn và Cty Sách Bách Việt) và Phía bên kia cây cầu (NXB Phụ nữ).
Suốt Phía bên kia cây cầu, tuyệt đối không có bài “dở”. Nó chứng tỏ tay nghề của nhà thơ đất Tây Nguyên này. Đó là ưu điểm đồng thời là điểm yếu của Đinh Thị Như Thúy. Chưa có một sáng tạo mang tính đột phá để có thể tạo bất ngờ lớn, gây sự hứng thú lớn. Mắt giấy của Nguyệt Phạm ngược lại. Sartre thấy địa ngục là tha nhân. Nguyệt Phạm: Tha nhân mang hình mắt giấy cắt đứt mọi cảm thông sót lại. Một hình ảnh không phải là không độc đáo, dù rằng ở đó tràn ngập cảm thức hiện sinh và ngôn từ thuở hiện sinh, đã xa lơ xa lắc. Thì đa số nhà thơ chúng ta luôn tụt hậu với người thiên hạ, chớ có riêng gì Nguyệt Phạm đâu! Trần Tuấn cũng vậy.
“Trầm tích nắng” trong Ma thuật ngón không chút điệu đà của ngôn ngữ thơ. Nhịp thơ chắc nịch, dứt khoát. Thi ảnh gần gụi tưởng nặng trần thế nhưng vẫn phiêu lãng. Đứa con Việt đắm chìm vào linh hồn văn minh Chăm, lâu ngày hoát ngộ. Anh bật ra tiếng thơ. “Trầm tích nắng”, chùm thơ nhiều khám phá với lối viết tài hoa. Tài hoa này còn thể hiện cả ở bài cuối cùng của tập: “Kẻ trú ngụ”.
Tiếc rằng người thơ tài năng đó, ngay phần đầu tập thơ, đã tỏ rõ sự tâm đắc đầy ngộ nhận. Những “tay nhớ trắng”, “nụ hoa khẽ trắng” là hay, nhưng đó là cái hay của tượng trưng xưa cũ. Thủ pháp tượng trưng không phải vĩnh viễn lưu kho, nó vẫn còn được dùng, nhưng khi người làm thơ mãi vô tư lặp lại, nó trở thành nhàm, nhảm. Còn gặp những “lông tơ tôi tôi” hay “đỉnh muối/ ướp sáng/ rịn/ ràn/ giọt giọt thanh tân” ta không thể không nhớ đến “trò chơi” của Dương Tường ngày nào. Trò chơi vô tăm tích, nhưng cần thiết, một cần thiết đã làm cổ tích. Riêng nỗi “lau một tiếng nói”, Nguyễn Quang Thiều từng giặt giũ, phơi phóng lá phổi khá độc đáo từ non hai chục năm trước rồi.
Bao ngộ nhận ấy đâu chỉ riêng Trần Tuấn ôm mang. Nó có mặt ở không ít sáng tác của thế hệ thơ hôm nay. Nhà thơ và người đọc đinh ninh chúng mới. Và cả hai vuốt ve nhau về nỗi mơi mới nhấp nháy đó. Âu cũng là định mệnh của thơ Việt trong hành trình tìm đường hội nhập. Hi vọng sau mấy ngộ nhận này, Trần Tuấn và nhà thơ Việt sẽ ngộ ra và vượt thoát khỏi định mệnh nhọc nhằn đó.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2009/02/090218_inrasara_literature.shtml

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *