Ghi chép tháng 2-2009

Tết, không đi đâu, nên không sự kiện gì quan trong để ghi chép cả.
NHưng phản ứng từ sách, ý tưởng cũng quan trọng không kém. Sau đây là 3 đoạn văn quan trọng.

1.
Đoạn văn đọc được trong tác phẩm của Martin Heidegger, Introduction à la Métaphysique, Epiméthé, traduit par G. Kahn, NXB Epiméthé 1958, p. 47, sáng nay:

La décadance spirituelle de la terre est déjà si avancé que les peuples sont menacés de perdre la dernière force spirituelle,… car l’obscurcissement du monde, la fuite des dieux, la destruction du monde, la grégarisation de l’homme, la suspicion haineuse envers tout ce qui est createur et libre, tout cela a déjà atteint, sur toute la terre, de telles proportions que, des catégories aussi enfantines que pessimisme et optimisme sont depuis longtemps dévenues ridicules.
Sự suy đồi tinh thần trên trái đất đã tiến xa đến nỗi các dân tộc bị đe doạ đánh mất cả sức mạnh tâm linh cuối cùng… bởi sự tăm tối của thế giới, sự bỏ đi của thần linh, sự tàn phá của thế giới, sự chia bè nhóm của con người, sự ngờ vực đầy hận thù đối với những gì là sáng tạo và tự do, tất cả những thứ đó trên khắp mặt đất này, đã đạt mức tương xứng đến nỗi các phạm trù ấu trĩ như bi quan hoặc lạc quan từ lâu đều trở nên lố bịch.

Ghi chú của Sara:
Chính trị hiện đại đang tàn phá thế giới. Từ đại thể chính trị cho đến tiểu thể chính trị (tôi không muốn nhắc đến sự vụ phe phái của vài Chăm hôm nay, nó thuộc về cái gì thì chỉ có ma mới biết). Không thể cứu chuộc thế giới bằng tâm hận thù, mà chỉ có thể bằng sự hiểu biết và tình yêu thương.
Thần linh (dieux) của Heidegger không phải là thần linh tôn giáo mà là cái gì còn trên cả tôn giáo. Nó làm cho tôn giáo, tư tưởng, thi ca được là tôn giáo, tư tưởng, thi ca.

2.
Carlos Fuentes, “Ca ngợi tiểu thuyết”, Nguyễn Tiến Văn dịch (Talawas, 3-9.-007):

“Faulkner nói một câu lẫy lừng: “Giữa khổ đau và hư vô tôi chọn khổ đau”, và ông thêm: “Con người sẽ ưu thắng”. Đây chẳng phải, biết đâu, là chân lí của tiểu thuyết sao? Loài người sẽ ưu thắng và họ sẽ ưu thắng bởi vì, dù cho có những sự cố của lịch sử, tiều thuyết bảo chúng ta rằng nghệ thuật phục hồi đời sống trong chúng ta vốn đã bị làm ngơ vì sự hối hả của lịch sử. Văn học làm hoá thật những gì lịch sử đã bỏ quên. Và bởi lịch sử là cái gì đã là, văn học sẽ cung hiến cái gì lịch sử đã không luôn từng là. Đó là lí do chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến – trừ tai biến đại đồng – sự kết liễu của lịch sử”.

Ghi chú của Sara:
– Chỗ nào lịch sử bỏ quên, nơi đó tiểu thuyết bổ sung. Có rất nhiều sự kiện (đời sống tinh thần, tâm lí thời đại,…) trong Chiến tranh và hòa bình không có trong lịch sử chính thống Nga. Cái vĩ đại của Tolstoi là ở đó.
Chiến tranh biên giới Tây Nam đã qua 30 năm, lịch sử bỏ quên đã đành, nhưng chính nhà văn Việt Nam cũng bỏ quên nó!

3.
Nguyễn Hưng Quốc, “Chủ nghĩa hậu hiện đại – Những mảnh nghĩ rời” (Tienve.org, 4-1-2009):
“Nhà cầm quyền phi dân chủ nào cũng muốn độc quyền viết lại lịch sử để, thứ nhất, tạo nên một thứ đại tự sự hầu hợp thức hoá quyền lực và cách hành xử quyền lực bất chính của họ; và thứ hai, để thực dân hoá trí tưởng tượng của các thế hệ mai sau. Chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ trương tương đối hoá lịch sử, truất bỏ chức năng đại tự sự của lịch sử, xem lịch sử như một loại hình tự sự, một câu chuyện của hắn (his-story) hay của ả (her-story), lúc nào cũng bị điều kiện hoá bởi tính văn bản, tự nhiên trở thành một thứ đối-tự sự (counter-narrative) và đối-văn hoá (counter-culture) của các loại chủ nghĩa toàn trị.
Bản chất của chủ nghĩa hiện đại có tính toàn trị; chủ nghĩa hậu hiện đại có tính đa nguyên. Chủ nghĩa hiện đại tin vào sử tính của các biến cố, chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ tin vào ký ức. Tin vào sử tính cũng có nghĩa là tin vào sự tiến hoá và sự tiến bộ; tin vào ký ức, người ta chỉ tin vào chủ quan tính. Niềm tin vào tính chủ quan đồng nghĩa với niềm tin vào tính tương đối. Tin vào sự tương đối, thật ra, là không thực sự tin vào cái gì cả, hay nói cách khác, chỉ tin vào chính mình và những sự thật có tính điều kiện, chủ yếu là gắn liền với một chu cảnh về lịch sử và văn hoá nhất định”.

Ghi chú của Sara:
Đó là tinh thần độc quyền viết lịch sử. Độc quyền để nhồi nhét tư tưởng một chiều, hiểu biết một chiều về lịch sử. Nó vừa ngu xuẩn vừa tai hại. Ngu dân hóa nên rất tai hại. Bởi lịch sử không là chính quá khứ mà là quá khứ được/ bị kể lại bởi ông/ bà/ tập thể nào đó. Họ nhân danh dân tộc, tổ quốc, để viết lịch sử. Hậu hiện đại quyết phá tan tinh thần độc quyền mị dân kia.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *