INRASARA CÓ TÊN TRONG ĐỘI NGŨ NHÀ THƠ DÂN TỘC THIỂU SỐ
“Bạt”, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, H.,1997.
Tôi muốn nói điều tôi vui mừng nhất là đội ngũ nhà thơ, nhà văn các dân tộc Việt Nam có thêm nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara – Phú Trạm.
Inrasara tâm sự: “Dân tộc Chăm có truyền thống văn học lâu đời… nhưng đến nay chưa có một sáng tác của người Chăm nào được công bố cả… Thơ tôi, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, được anh em truyền tay nhau đọc từ nhiều năm nay. Anh em khuyên tôi nên đưa xuất bản, mọi người sẽ ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất…”
Người sáng tác được người đọc cổ vũ từ khi tác phẩm còn là bản thảo, thật sung sướng biết bao!
Những năm qua, tác giả chưa vội công bố những bài thơ của mình. Có lẽ anh dành thời giờ ưu tiên cho công việc nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm. Đọc danh mục các công trình của Phú Trạm xuất bản từ năm1994, chúng ta thấy anh rất coi trọng di sản dân tộc.
Bộ óc của mỗi người có thể tư duy về nhiều lĩnh vực học thuật. Có lĩnh vực gần nhau, bổ sung cho nhau. Ví dụ: kết quả của các công trình nghiên cứu để giúp ích cho việc sáng tác. Có lĩnh vực xa nhau, thường gây trở ngại cho nhau.Ví dụ: một nhà lý luận cũng có thể là một nhà thơ nhưng khi chuyển tư duy, tác giả thường xác định tính đặc thù của mỗi thể loại để tránh sự lẫn lộn trong ngôn từ. Nhà thơ Xuân Diệu khi còn sống, đã từng trao đổi ý kiến với bạn trẻ về sự tỉnh táo của một người viết một lúc vừa lý luận phê bình, vừa làm thơ. Ngòi bút dễ sa đà về một phía, hoặc khi viết lý luận, nhà thơ lại thiên về miêu tả niềm vui, nỗi buồn.
Đọc Inrasara, tôi thấy tác giả thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lý luận. Anh vạch đường biên và cố gắng không “vượt biên”.
Về đây rừng núi bao dong
Tháp trong nét cổ, em trong dáng hiền
Nắng chiều đổ bóng em nghiêng
Quàng vai với bóng ánh lên đỉnh đồi.
Quê hương, hai từ này được tác giả tập trung tình cảm suy nghĩ trên nhiều bài, nhiều vần thơ hay nhiều ý nghĩa trong ngôn từ.
Quê hương có mẹ, có cha, có hàng xóm, bạn bè….
Và:
Hôm nay trở về, em vui lên với niềm vui thầm kín…
Tiếng nói câu cười quen thuộc quá.
Quê hương gắn liền với anh và em. Vì vậy:
Và, thơ tôi ơi!
Đã hai mười năm rồi thơ yêu tôi.
Thơ đong cho tôi nghìn giọt mật…
Con đường – cũng là một trong các đề tài mà tác giả rất tâm đắc.
Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới lớp sóng phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới…
Và con đường vẫn mãi trầm vọng gọi
Trong những năm sáu mươi, nhân dân các dân tộc Việt Nam kháng chiến đã giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhà thơ Nga Eptusenko đến thăm đất nước ta, ông đã viết một bài nổi tiếng về Con đường số Một.
Trên đất nước ta, có nhiều con đường, nhưng đường xuyên suốt từ Bắc xuống Nam là đường số Một.
Trên đất nước ta, có nhiều dòng suối, nhiều dòng sông, nhưng nước suối, sông đều dồn về biển cả.
Trên đất nước ta có nhiều xóm, làng, bản, chòm, plây, buôn, sroc, phum… Mỗi vùng mang một bản sắc văn hóa riêng đều gắn hài hòa trong một bức tranh hoành tráng: ruộng đồng, thành phố, núi rừng, suối sông, biển cả với những con người cùng làm chủ trên bán đảo hình chữ S này.