Trần Quỳnh: Inrasara và những câu chuyện đời

Inrasara đã từng cho rằng: “Thơ dân tộc thiểu số nước ta vừa đi vừa ngủ”, nhưng có lẽ khi người ta đọc thơ anh thì họ sẽ không đồng ý với anh về nhận định này. Người ta gọi anh là huyền thoại, là một hiện tượng đa dạng, là kì nhân, là thi sỹ tài hoa… nhưng tôi muốn gọi anh là: “người lấp đầy những khoảng rỗng”. Tại sao vậy? Bởi đến với thơ anh tôi mới thấy trong mình còn đầy những khoảng rỗng và anh là người lấp đầy. Đến với thơ anh tôi hiểu con người anh hơn, một người luôn đặt mình vào khoảng rỗng để tự lấp đầy.
Đặc biệt, khi đọc tập thơ mà tôi cho là chân thật nhất, gần gũi và đời thường nhất của anh từ trước đến nay, tôi càng tin vào điều đó. Tập thơ ấy giống như những sợi tơ được rút ruột sau nửa đời người bươn trải, tha hương rồi lại hành hương.
Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức là một lời tâm tình rất đỗi thành thật của Inrasara.
Đã có rất nhiều nhận định về thơ anh và con người anh như Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Quang Định, Nguyễn Đăng, Lê Hoàng, Ngô Thị Kim Cúc… đặc biệt về tập thơ mới nhất này Ngô Thị Hạnh đã cho rằng: “Sự ra đời của tập thơ có tứ và ngôn từ rất lạ. Không phải đánh đố chữ nghĩa mà là sự kết hợp ngôn từ có ẩn ý do bàn tay phù thủy của tác giả tạo nên. Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức của nhà thơ Inrasara cho người đọc một ấn tượng khác về thơ. Thơ dung chứa tất cả những chật chội của trần gian. Thơ là trúc trắc và thơ rất mượt mà. Tác giả viết như không viết gì mà lại viết về tất cả”
Lê Đình Nhất-Lang thì cho rằng Inrasara đang viết về một nền văn minh đang chết bằng tất cả những gì tâm can nhất.

Tập thơ gồm 47 bài được chia làm ba phần: “Chuyện người đời thường” với 28 bài, “Chuyện 40 năm mới kể” với 17 bài, phần cuối là bài “Tặng phẩm của dòng sông”. Toàn bộ tập thơ là những gì chân thật và gần gũi, là những hơi thở của cuộc sống đang từng ngày, từng giờ đổi thay, biến chuyển.
Đó là câu chuyện về những người bạn của Inrasara tài hoa cũng có, khác người cũng có, nổi tiếng cũng có mà đời thường cũng có. Đó là Trà Vigia chưa khi nào biết gục ngã trước số phận. Dẫu gặp bao vấp váp nơi cuộc đời vẫn thấy “Phanrang đẹp, cuộc đời và tình yêu đẹp hát vào những đỉnh trời”. Con người ấy:

Không bình thường chút nào kẻ khả năng ngày đẻ 3 bài thơ dẫu không xu dính túi vẫn từ chối gửi đăng báo, kẻ vĩnh viễn lãng phí tài năng, sức khỏe & cuộc đời thực của mình cho mục tiêu mơ hồ nào đó.

Rất khó hiểu nhưng với tác giả “cũng rất là bình thường”. Điều bình thường mà không phải ai cũng thấy bình thường thì Inrasara đã nhận ra được, bởi đơn giản rằng những câu thơ ấy là nét phác họa chân dung người bạn vốn đã rất quen thuộc của anh.
Những người bạn giống như những mảnh ghép làm nên cuộc sống của Inrasara. Anh làm thơ nhưng giống như đang tâm sự đang trò chuyện với những người bạn đã bao năm gắn bó của mình:

Phăng mầy ạ
Thiên tài thì mày ăn đứt rồi
Khi tụi tao còn viết sai chính tả tiếng Việt
Thơ mày đã rao bán khắp xóm cùng thôn

Người bạn ấy tài năng là thế, tuyệt vời là thế nhưng đã tự cho tài năng của mình nghỉ phép dài hạn rồi trở về làm thầy giáo trường làng. Không cần làm người nổi tiếng, không cần cuộc sống giàu sang, anh về làm bạn với làng mạc với thôn xóm với đồng cỏ với đám học trò nhỏ phía quê hương. Nhiều lúc tác giả thấy tiếc nuối đến mức hờn giận: “Chán mầy lắm rồi Phăng ạ”. Tất cả rồi lắng dần vào chuỗi ngày dài cứ qua đi, qua đi nhưng cuộc sống ấy không hề vô nghĩa bởi niềm vui đã được ánh lên từ cuối bài thơ:

mỗi cái được: đám học trò tao tốt nghiệp 100%.

Dù tiếc nuối cho một tài năng, dù mong bạn sẽ mãi cùng đi chung con đường với mình trên mỗi hành trình nhưng Inrasara tôn trong sự lựa chọn của bạn, anh trân trọng những gì bạn yêu, vui cùng niềm vui của bạn dẫu nó thật giản đơn.
Những vần thơ cứ hồn nhiên trải ra những mảnh đời như muôn vạn mảnh đời song lại đầy yêu thương, đầy tha thiết. Giọng thơ của Inrasara như khơi khơi vậy thôi nhưng kì thực lại chứa chất đầy những suy tư. Tưởng như một ngày trong đời của người bạn chẳng có gì đáng bận tâm được tác giả trần thuật lại nhưng không, nếu chỉ là những lời kể vô hồn thì Inrasara đã chẳng phải băn khoăn trước nỗi niềm “trăn trở nỗi đẩy bánh xe thi ca Việt”.
Chẳng phải ngày xưa người ta thường quan niệm thơ ca là những gì cao siêu lắm sao? Nhưng một người gắn mình với đồng cỏ, đàn bò giờ đây cũng mang một nỗi ưu tư về số phận của thi ca nước nhà. Nếu không gần gũi, nếu không hiểu, không cảm thông và chia sẻ thì ta chẳng thể thấu được nỗi muộn phiền trong đáy mắt người có “một ngày như mọi ngày”.
Inrasara đã đi từ hết cuộc đời này đến cuộc đời khác để nhận ra rằng dẫu là người bình thường nhất cũng mang trong mình những điều không bình thường chút nào. Anh đã tìm ra điểm sáng trong tâm hồn họ, những người cả cuộc đời miệt mài vì những điều chưa hẳn là của mình. Đó là:

Những người chị Chakleng
Trói lưng ngồi hết ngày đời
Ngồi lấn cả đêm
Những người chị lưng phản
Ngồi quên lấy chồng
Vòm vú teo không biết

Đó là những người mẹ mài mình cùng nắng gió với gánh hàng rong cùng lời rao suốt thôn cùng ngõ hẻm. Đó là:

Những chàng trai Pabblap
Chân trần lang bạt
kì hồ ciet gha harơk lên vai
gánh dọc thế kỉ hai mươi
hiên ngang gánh sang hai mốt
không lần ngưng nghỉ
.

Anh tự hào bởi đó là những người thân thuộc nhất của mình, là mẹ, là anh, là chị. Chính họ đã làm nên quê hương trong anh để mỗi lần ra đi là một lần anh trở lại, dẫu “anh là đứa con của gió”, kẻ dành cả đời phiêu bạt để tìm lại ánh sáng của văn hóa quê hương.
Trong tập thơ Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức Inrasara còn dành cho kí ức của mình một chút đam mê mà chàng trai nào cũng có. Anh đắm say cùng nguồn cảm hứng thơ chưa khi nào dứt của riêng mình:

Em cháy bỏng tôi & em nguội lạnh tôi, em vẫy gọi & xô đẩy, quyết liệt và rũ mệt, em lễ hội của tiệc tùng shiva dionysos tôi, hi vọng và tuyệt vọng của tôi, tủi hổ và kiêu hãnh của tôi từ đáy đời em ngoi lên ngóc lên đứng lên là em của tôi mãi mãi là của và cho tôi.

Đôi khi lại là những cuộc hẹn hò tình tứ đầy hứa hẹn rằng sẽ nói với nhau thật nhiều, rằng sẽ đắm mình trong nắng vàng, biển xanh và bờ cát lấp lánh, rằng sẽ dìu nhau trong cõi hoang đường, hư ảo phía tháp ngà để rồi cuối cùng lại:

Chúng mình hát vào đêm tối
như hai kẻ điên
chúng mình hát vào nhau
như hai kẻ điên vừa đánh rơi tiếng nói
.

Không cần nói bằng những lời sáo rỗng, họ giao cảm với nhau bằng những lời hát của quê hương, dân tộc. Chỉ có tiếng hát mới làm người ta thực sự tràn vào trong nhau với tình yêu, với sự đồng cảm đến tận cùng.
Đôi khi đọc thơ Inrasara ta ứa nước mắt trước những khoảnh khắc đời thường mà không ít lần ta tự cho mình cái quyền được thờ ơ. Đó là hình ảnh mâm cơm sinh viên với “canh rau muống lỏng bỏng” được chắt chiu từ những ngày “mẹ già bì bõm đám rau muống”
Cuộc sống mới, thời đại mới cùng nhưng xe hơi, nhà lầu đã biến ta thành người có đầy những thói hư tật xấu, để rồi một ngày kỉ niệm chợt ùa về trong khóe mắt cay mới thấy mình tội lỗi. Những tháng ngày trôi đi chưa khi nào ngừng nghỉ những bài thơ giống như lời năn nỉ cuộc đời chờ nhau một chút thôi để cho ta hàn gắn vết thương lòng cho dù không trọn vẹn.
Thời gian đã lấy đi quá nhiều nhưng còn xót xa hơn khi ta không hình dung ra sự mất mát đó, mang trong mình tình yêu vô bờ đối với dân tộc, Inrasara đang khóc cho những nét đẹp văn hóa đang ngày một tàn phai. Anh đã từng nuôi trong mình ngọn lửa đầy nhiệt huyết quyết tâm làm sống lại những vốn quý đó nhưng giờ đây lại phải nghẹn ngào tước sự vô tình của thời cuộc. Sự tàn nhẫn của người đời đã làm cho:

116 câu ariya lầm lụi về
bì bõm biển sóng
dắt díu đi
xin cứu xin cứu
đường cong chữ bám nhau chặt hơn
âm tiết run rẩy hơn
.

Những câu thơ ấy gợi cho ta sự hình dung rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhưng câu thơ mang cả sức nặng văn hóa ngàn năm đang dần dần chìm vào những lớp sóng của thời đại. Dù câu còn câu mất, dù nghẹn ngào dù run rẩy nhưng chúng vẫn cố gắng bám vào nhau, nương tựa nhau bởi niềm hi vọng được cứu vớt. Những âm tiết nghẹn ngào hay chính nỗi lòng người con của plây đang thổn thức. Những con chữ ấy chứa đựng cả số phận, cuộc đời biết bao người – những người đã làm nên và đang ngày ngày gắng gìn giữ văn hóa Chăm.
Đọc những câu thơ của Inrasara ta thấy có gì đó nghèn nghẹn. Nghèn nghẹn khi nhìn dáng đi run rẩy của những con chữ, nghèn nghẹn khi nhìn vào hốc mắt người chép sách già vẫn còn sống mà đang phải tiễn đưa những âm tiết đã gắn bó với cả đời mình. Những điều mất mát, những đau đớn, xót xa hay sự vô nghĩa đang làm nên những “khoảng rỗng vô cùng” trong anh? Ta chẳng biết, chỉ biết rằng có một Inrasara đang đau đáu một nỗi niềm tưởng chừng như vô vọng. Liệu có còn không niềm hi vọng được lấp đầy khoảng rỗng bằng những gì ta yêu quý hay những nét đẹp ấy cứ dần bỏ ta đi mà lấp đầy vào huyệt mộ thời gian cùng sự vô tình?
Sự vô tình ấy đã làm cho “thế giới thật buồn”. Sao không buồn cho được khi linh hồn của plây bị đánh cắp, khi người ta đi tìm lại thì chỉ còn:

ngọn lửa cháy thiếu nhiệt tình ở đó
chai rượu lễ tẩy trần không ai rót
Rồi:
Bọn trẻ hết tin vào lễ thánh
giàn nước bỏ hoang
bài tụng ca vọng không vào nắng
.

Lại thêm một khoảng rỗng trong lòng người con yêu quê hương tha thiết khi những gì anh yêu mến giờ đây đã vọng vào chốn xa xăm, đã gửi mình cho nắng và cát, cho đất bạo động và gió vô tình. Có lẽ nó đang tự tìm về nguồn cội của mình và vĩnh viễn lặng im trong đó khi không được người đời trân trọng nữa. Quả là “không gì buồn hơn” khi biết mình đã hết thời, người cũng thế và thói quen, tập tục cũng vậy. Nhưng vẫn có người nhận ra và thảng thốt, dù chẳng thể tránh, chẳng thể trách song ta nghe mênh mang một nỗi buồn đang ngập dần trong tâm hồn.
Những đổi thay đến chóng mặt làm cả thượng đế cũng phải sửng sốt và nghiệm ra rằng: mình đã hết thời. Có chút hài hước nhưng sao ta thấy còn có cả chút cay cay nơi sống mũi khi cuộc đời bắt ta phải coi những sự bất thường như bình thường. Đó là chiến tranh với máu xương, đó là sự ơ hờ với những nỗi đau, sự được mất của cuộc đời, sự lỗi thời của tập quán… Tưởng là thượng đế chết nhưng không, “thượng đế đang rớt lại phía sau”. Nghe mà cảm thương cho thượng đế bởi chính con người cùng sống với nhau, cùng ăn ở, tiếp xúc mà còn chẳng theo kịp nhau thì thượng để ở mãi tận nơi xa kia rớt lại là phải rồi.
Nói lên điều này chắc Inrasara đã phải ngậm ngùi thở dài trước những kí ức đang dần thành tro bụi hay những nét đẹp đang dần thành cổ tích.
Và lúc này đây chợt thấy may bởi những Glơng Anak, ariya “chưa bị đóng khung trong công trình hàn lâm. Và may chưa nhập kho thư viện” để: “ẩn ngữ còn cám dỗ bước chân hoang”. Cuộc đời vẫn còn những người biết “lưỡng lự tới lui”, biết “khép mình sau trang sách” để “học làm quen đời chữ”.
Những sự đổi thay làm cuộc sống của bao người dần trở nên vô nghĩa không chỉ trong mắt bản thân mình mà những người khác cũng nhìn thấy sự vô nghĩa đó. Nó làm ta “sống như là tự tử”. Những điều diệu kỳ, linh thiêng trở nên mỏng manh, mơ hồ, người lớn không tin vào những điều đó nữa và ngay cả trẻ con cũng chỉ coi đó là món đồ chơi đã cũ, đã lỗi thời như hạt thóc dẫu có ích nhưng nhỏ nhoi bị đánh rơi ngoài nắng, vô tình lẫn vào sắc nắng mơ hồ.
Song tất cả cũng “chẳng có gì trầm trọng cả” bởi sâu thẳm trong tâm hồn vẫn còn lại chút niềm tin vào cuộc sống để:

ngày tháng vẫn trôi mây vẫn bay qua rẫy khan và cuộc
đời vẫn
vui
ví có buồn ít/ nhiều cũng không sao cả
Chăm H’ri vẫn huýt sáo mỗi nửa khuya
Mưdwơn Tìm vẫn chơi đủ 72 điệu trống

Từng cuộc đời nhỏ bé cứ dần hiện lên qua từng trang thơ, những cuộc đời của người, của vật dẫu giản đơn hay phức tạp cũng được bộc lộ rất tự nhiên. Inrasara cũng dành một góc cho cuộc đời mình lên tiếng. Không có gì lớn lao, chỉ là chuyện đời thường song lại không hề giống những câu chuyện tầm phào:

Như bao ngày sáng dậy
Ly tách bình trà rỗng sạch
Đứng nghiêm đợi sợ hãi tôi làm
Đầy
Tuần tự một
Và trang giấy rỗng sạch
Run rẩy ngòi bút sợ hãi tôi
Nguệch ngoạc đầy

Những thói quen cứ lặp laị hàng ngày trở nên nhàm chán đến mức sợ hãi. Không điều gì có thể làm đầy những khoảng rỗng trong tâm hồn chỉ có nỗi sợ hãi làm được điều đó bởi nó luôn ngự trị khắp nơi. Còn lại những dự án, ý tưởng đều nhỏ bé và dần trở thành phù phiếm. Cuộc sống, nơi mà ước mơ không thắng nổi sự thất bại, niềm tin không thắng nổi sự sợ hãi thì ngày nào đó ta cũng chẳng hiểu nổi mình:

Tôi đang làm gì là gì
Nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh
doanh hay miếng giẻ rách.
(…) Tôi đang ở đâu có gì
lang bạt chiều Hội An Hà Nội
lạnh run đêm Kumamoto
chết đói đường phố Kandahar
tôi bay sương mù Đà Lạt

Tuy nhiên, anh vẫn gắng vượt qua những phù phiếm của cuộc đời để tự tìm lại mình và nhận ra rằng:

Tôi không bay nữa tôi không
còn phải kêu ồm ộp nữa. Tôi
bước đi
.

Vâng, đặt ra cho mình những giả thuyết, những câu hỏi để tự mình chiêm nghiệm bản thân mình và hiểu rằng cuộc đời này phải vươn lên bằng chính đôi chân của mình, dẫu những bước đi còn dò dẫm hay đã vững vàng thì cũng vẫn tự hào là bước đi của loài người.
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để độc thoại với chính lòng mình và càng không dễ dàng để trải những nỗi lòng đó ra cùng trang viết, nhưng Inrasara đã làm được, anh tự kể “chuyện tôi” như muôn vàn những tiểu tự sự khác trong tâp thơ để mọi người cùng thấy, cùng cảm thông, chia sẻ. Biết đâu đó cũng là những nỗi lòng của bao người chưa kịp nói – những người tự nhận mình vận cái nghiệp cầm bút vào thân.
Nhà thơ đã nhận ra rằng cuộc sống sẽ trở nên phức tạp nếu ta nhìn nó bằng con mắt hẹp hòi và sẽ đẹp hơn khi ta thành thật với cuộc đời mà trước hết là với chính mình. Ta đừng để tâm hồn bị ánh hào quang trong chốc lát choán ngợp mà quên đi một điều đích thực rằng ta là ai:

Tôi đã ngáp đến bốn lần
nhất là
khi nghe các nhà thơ đọc thơ mình và hơn nữa
nhìn các nhà thơ trẻ đọc thơ mình, tán
nỗi niềm chào đời o oe của thư mình
trên sân khấu
trước màn hình
nhảm, nhàm
đến năm bận tôi ngủ gật

Có lẽ anh cho rằng, mỗi bài thơ được thoát thai từ ý tưởng của nhà thơ khi ra đời nó là là một linh hồn sống. Nó đẹp, xấu, hay, dở tự thân nó quyết định và theo cách hiểu của từng người. Nó giống như bông hoa khoe sắc hết mình để làm đẹp cho đời mặc kệ ai có để ý đến hay không.
Toàn bộ phần đầu của tập thơ là những câu chuyện tác giả kể về những người bình thường và bản thân anh cũng không là ngoại lệ. Mỗi người có một cuộc sống, một tâm hồn, một ý hướng, họ là những mảnh đời xung quanh anh và chính anh cũng là một mảnh đời tự nhận thấy trong mình bao khoảng rỗng đợi lấp đầy.

*
Sang phần hai của tập thơ mang tên: “Chuyện 40 năm mới kể”, ta hiểu hơn về người con của xứ sở Champa. Ta biết nhiều hơn về những kí ức tuổi thơ ngọt ngào có, đắng cay có, buồn vui đều có và ta cũng hiểu vì sao tác giả nhận ra rằng cuộc đời này sao có nhiều khoảng rỗng đến thế là bởi vì những ngày nay khác nhiều quá so với những ngày xưa.
Thời thơ ấu vọng về là cái nhìn của cậu bé những năm mẹ dắt đi chạy dịch với niềm nuối tiếc cho một nét đẹp văn hóa giờ đây đã bị lãng quên:

chị tay ôm cứng cái áo dhai cũ
nát ông Ngô tổng thống cấm Cham mạc
tay dắt thằng út đứng khóc nước mắt
hai hàng. Hôm nay thằng út con lớp
sáu, áo dhai chẳng ai cấm mấy đứa
cháu chị vứt đi lâu rồi
.

Quê hương có niềm tin, sự chờ đợi được truyền tổ tiên rằng có những con tàu sẽ đưa cuộc đời họ đến bờ bến yên bình như ông Kadhar – nghệ nhân kéo đàn kanhi, hát lễ trong ngày “Mở cửa Tháp” đã hứa:

họ chờ
như thế, dáng đứng ấy trên mô
đất ấy – về phía biển, những con
tàu chắc chắn sẽ đến
.

Nhưng sự chờ đợi mỏi mòn ấy trở thành vô vọng trong suốt bao năm dài và rồi họ đành tự nhủ:

những con tàu đã đến và
bỏ đi từ lâu rồi, có lẽ
.

Có một hình ảnh cứ trở đi trở lại trong thơ Inrasara, đó là hình ảnh một dòng sông Lu đã gắn bó cùng anh trên mọi nẻo đường đời:

Sông Lu sinh ra cùng tôi năm đinh
dậu. Hai mươi tháng hạn sông Lu nằm
phơi thân trầm dòng vào lòng đất. Sông
Lu chảy quyết liệt lúc tôi vỡ tiếng
nói đầu đời, sông Lu ẩn mình trong
tôi khi tôi bỏ làng đi lang bạt,
lần nữa sông Lu lại ra đời với
tôi ngày trở về

Sinh ra, lớn lên, ra đi, trở về sông Lu đều đi theo anh hay trong anh hình ảnh con sông quê ấy chưa khi nào phai mờ. Là sông thôi nhưng cũng lớn dần lên theo ngày tháng, cũng biết nhớ thương hờn giận và có ai nhận ra rằng:

Cả khi sông Lu bị
con người biến thành thứ mương tháo vô
dụng, sông Lu vẫn cần cù mang phù
sa đổ vào biển
.

Dòng sông ấy đã dạy cho ta bài học đáng quý vô ngần: “Sống như mang phù sa đổ vào biển”. Dẫu đôi lúc bị người đời quên lãng, thờ ơ nhưng chưa khi nào con sông ấy hết khát khao, hết cống hiến. Và ta cũng vậy, dẫu biết biển đời là vô cùng song đã sống hãy hết mình với từng khoảnh khắc thời gian.
Ký ức tuổi thơ Inrasara ngập tràn hình ảnh con sông, cánh đồng và những đàn trâu. Anh tìm thấy trong những con vật gần gũi ấy những linh hồn sống. Những điều nhỏ nhặt thôi rằng cái chết của chú trâu đầu đàn dũng cảm, rằng nỗi buồn của Cu Pác bị cưa sừng, rằng nỗi khổ đau, tủi phận của nàng Pateh không được làm đúng chức phận của mình. Cậu bé Klu thấu hiểu tất cả và thấy trâu khóc. Có ai nhìn thấy những giọt nước mắt ấy đâu nhưng bằng tất cả tình yêu của mình Inrasara biết rằng những chú trâu ấy đang khóc tiếng khóc của tâm hồn bởi chúng cũng là những sinh linh sống rất đời như mỗi chúng ta.
Thời gian dần qua, tuổi thơ dại qua đi còn để lại trong tâm hồn bé Klu thuở nào biết bao điều ân hận về lời “chửi tệ bà nhà quê đáng tuổi mẹ”, về trò chơi ác: “bóp cổ chú chó con nhà hàng xóm” về những trò nghịch ngợm và cả chút lầm lỗi khi làm khổ cô bé láng giềng trong nỗi niềm chờ đợi. Inrasara đã tâm sự thật thà:

Tôi đã trịnh
trọng thử học làm thiền sư rũ bỏ
sau lưng sự đã rồi đã rồi
nhưng không thể
.

Đúng thôi, bởi chẳng điều gì giúp ta có thể xóa nhòa kí ức dẫu nó đớn đau hay đẹp đẽ. Chẳng điều gì giúp ta có thể quên đi nguồn cội, tuổi thơ ta khi trong tâm hồn ta chúng luôn ngự trị ở một nơi đẹp nhất.
Tuổi thơ của Inrasara lớn lên còn có cả nỗi lo đau đáu của người thân hướng về cuộc đời mình. Nỗi lo của người mẹ luôn lo lắng cho con ngay từ lúc còn mang trong mình đến ngay cả khi đã trưởng thành, khôn lớn.
Cậu bé Inrasara còn nhớ cả nhưng lời cha dặn khi đọc những con chữ, là vốn quý của dân làng. Vậy nhưng vốn quý ấy đang bị mai một dần sau biết bao lần bị truy đuổi, chôn giấu, treo mòn rồi bỏ quên. Sách quý giá đã trở thành sách hoang, sách bị phủ bụi. Những lớp bụi thời gian và sự thờ ơ của người đọc đã làm nét đẹp vốn có của nó bị nhạt nhòa dần.
Trong kí ức của Inrasara còn có cả những giấc mơ rất người về cuộc sống đang hiện hữu nơi plây của mình. Đó là giấc mơ rất kì quặc song lại làm ta không thể không suy nghĩ rằng biết đâu một ngày nào đó nó sẽ thành sự thực. Trong giấc mơ ấy tất cả mọi người xung quanh Inrasara từ bố, mẹ, chú, bác, anh, em, làng xóm từ người già đến trẻ, người bình thường đến uyên bác đều trở nên thấp bé do bị lùn xuống và cả anh cũng vậy:

Soi lại trăm lẻ lần mới đốn ngộ
ra rằng làng nước quỷ thần ơi cả
xóm đang sống bằng đầu gối
.

Và rồi: “từ đó tôi bỏ làng đi lang thang, bằng đầu gối”. Song may mắn thay, ngày trở về ta nhận ra đó chỉ là điều:

hiện đến đột ngột trong
giấc mơ nào đó trong
xứ sở nào đó

cho dù nỗi kinh hãi chưa khi nào dứt.
Đó phải chăng chính là một lời cảnh tỉnh cho bạn, cho tôi, cho mỗi người nơi cuộc đời này chợt lúc nào đó không muốn đứng thẳng làm người.
Có những hình ảnh cứ níu mãi lấy Inrasara từ lúc tuổi còn thơ cho đến lúc trưởng thành đó là hình ảnh những tập thơ cổ Pauh Catwai, Glơng Anak cùng nét đẹp rạng ngời của những nàng Apsara với những điệu múa đẹp như bình minh thắp nắng.
Nhưng giờ đây “tất cả đã đổ vỡ”, Glơng Anak trở nên cô độc:

khi không thể cứu vãn nữa rồi – ông bước đi, Glơng Anak
không tuổi tên danh dự quá khứ tương
lai hi vọng tuyệt vọng
.

Sự thần thánh trở nên mơ hồ trong sự hoang tàn của chính mình. Vẻ đẹp đã tồn tại từ bao thế kỉ, thiên niên kỉ giờ đây buồn bã ngoảnh đi:

Em ngoảnh đi. Không
thể níu. Tôi không thể gọi. Em
sụp đổ. Em mong về với đá
quyết trở lại kiếp đá
.

Được tung hô, khen ngợi nhưng mau chóng lãng quên, điều Apsara cần là sự thương yêu và trân trọng, gìn giữ và nâng niu chứ không phải chút hào nhoáng bên ngoài. Em lặng lẽ trở về kiếp đá để được đẹp mãi trong măt người đời. Song những nét đẹp văn hoá ấy sẽ còn mãi hay dần trở thành một nỗi niềm trong kí ức thì ta vẫn chưa có câu trả lời.
Trong phần hai của tập thơ này, bài thơ gây ấn tượng mạnh không chỉ đối với tôi có lẽ chính là “Ma Hời”. Đó là lời tự bạch của tâm hồn thi sĩ. Anh ví mình như bóng ma hời đã hết làm người nhưng chưa thành ma cứ lấp lửng, bơ vơ, lang thang không chốn thiên đường cũng không nơi địa ngục. Đó là cuộc sống nơi đường biên cuộc đời như ở những câu thơ giới thiệu tập thơ này anh đã viết.
Không sống, không chết, không đi, không ở, không sự thật, không huyền thoai, không quá khứ, không tương lai, không quen, không lạ, những linh hồn mấp mé bên đường ranh của sự sống và cái chết, ý nghĩa và vô nghĩa, giữa thế kỉ mới và cũ. Anh tự đặt ra cho mình một đường biên, một giới hạn để không lùi lại và cũng không vượt qua.

*
Thường thì thơ Inrasara được nhiều người cho rằng khó hiểu và trừu tượng, nhưng khi đọc tâp thơ này ta thấy không hoàn toàn như vậy. Tập thơ là những câu chuyện đời thường được kể bằng ngôn ngữ đời thường với những hình ảnh gần gũi, thân thương, những nét đẹp đã tồn tại từ ngàn đời, những con vật đã cùng gắn bó suốt tuổi ấu thơ, và một lần nữa hình ảnh dòng sông lại trở về trong thơ anh. Sự hiện diện hoàn hảo hơn, ý nghĩa hơn song vẫn không mất đi vẻ đẹp mộc mạc, chân thành:

Hay dù là bãi cỏ hoang nuôi béo đàn trâu sau vất vả buổi cày. Hay dù là lùm gai li ti làm sướt tay lũ trẻ con trốn nhà nghịch ngợm, dòng sông vẫn ban phát nguồn nước giàu sang mình mang chứa làm nhịp bao nhựa sống cho đời cây dàn trải.

Ta còn tìm thấy nơi dòng sông hình ảnh anh nông dân trong buổi trưa hè, chú dế mèn bên bờ sông mỗi đêm thường hát, cánh cò trắng in trên tấm gương sông xanh biếc, hay ánh trăng non lấp ló những đêm khuya… Dòng sông như ôm vào lòng tất cả con người và vạn vật để yêu thương và chia sẻ. Sông không bao giờ biết mình thiệt thòi mà cả đời chỉ biết cho đi những gì mình có. “Tặng phẩm của dòng sông” là cả một thước phim dài quay về chiều dài của dòng sông gắn với chiều dài lịch sử, độ sâu của dòng sông gắn với những bao dung, vỗ về và vun đắp. Dòng sông mãi như người mẹ hiền vắt cạn bầu sữa ngọt ngào nuôi từng đứa con yêu khôn lớn. Sông gắn bó với tất thảy những gì xung quanh nó và sông cũng trở thành một phần máu thịt trong họ. Suốt đời chỉ biết cho đi, nhưng với sông đó là điều hạnh phúc. Sông gửi lại lời cảm tạ cho đời khi xuôi dòng về mẹ biển hay đó chính là lời cảm tạ của những đứa con ra đi về miền đất hứa mà chưa khi nào quên hình bóng quê hương.
Sara đã để dòng sông nói lên những điều thầm kín tự đáy lòng mình – một kẻ tha hương mong đời mình được một lần được sống “như dòng sông cho và đi”.

Cả tập thơ Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức là những câu chuyện đời rất giản dị nhưng không hề vụn vặt. Có thể người ta chưa tìm ra nguyên nhân của sự kết dính nơi tháp Chàm nhưng ta biết rằng kết nối những mảnh đời của bao con người, bao sự vật, những giá trị văn hoá mà nhà thơ nhắc đến chính là tình yêu mà anh dành cho họ. Giọng thơ hồn nhiên như lời tâm sự có lúc buồn bã có lúc sôi nổi, có lúc hờn giận có lúc vui vẻ, có lúc thẳng thắn có lúc trầm tư, có khi nuối tiếc nhưng có khi lại nhen nhóm niềm tin, hi vọng. Anh gửi vào tập thơ cả một nỗi niềm trĩu nặng về con người, vạn vật, những giá trị văn hoá lâu đời. Tất cả những điều đó đều cần được quan tâm, gìn giữ bởi chúng làm nên một cuộc sống muôn vẻ, muôn màu.
Inrasara đã thổi vào thơ mình một cơn gió lạ mang tâm thức hậu hiện đại. Cơn gió đi đến đâu ta thấy yêu thương, gắn bó đến đó bởi chúng không phải là những gì xa vời đối với cuộc sống chúng ta. Đó là những điều mà trong mỗi chúng ta bất chợt lúc nào đó ai cũng có thể có. Đó là nỗi nhớ thương, niềm nuối tiếc, sự hoài vọng đôi khi là niềm tin hay lời cầu xin thời gian đừng làm người ta vô tình thêm nữa.
Một Inrasara trầm lặng trong cái vở bọc đơn giản, một Inrasara day dứt trong vỏ bọc thờ ơ muốn nói nhiều lắm mà dường như lại chưa hề nói gì. Vậy nhưng, những con chữ của anh không chết, nó sống trong lòng bạn đọc và ta hiểu những lời anh muốn nói.

One thought on “Trần Quỳnh: Inrasara và những câu chuyện đời

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *