Trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc Champa, tượng thần Shiva chiếm số lượng và vị trí vượt trội. Sự vượt trội này thể hiện ngay cả trên bi ký.
Trong 128 bi ký được tìm thấy dọc dải đất miền Trung Việt Nam, có 92 minh văn đề cập hay tôn vinh Shiva và hóa thân của Ngài, 5 minh văn về Brahma, 3 về Vishnu, 7 về Phật và 21 chưa được xác định (theo P. Mus). Như vậy, trong Tam linh vị (Trimurti) là Brahma – Thần Sáng tạo, Vishnu – Thần Bảo dưỡng và Shiva -Thần Hủy diệt, Shiva quả là vị thần đầy uy thế trong lịch sử tôn giáo – tín ngưỡng Chăm. Từ những bức tượng đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VIII, qua những bước thăng trầm của lịch sử, dù hình tượng các vị thần khác có mờ phai hay mất đi trong tâm thức Chăm, nhưng Shiva vẫn luôn có mặt qua những nhân vật lịch sử được thần hóa, qua hàng trăm ngẫu tượng sinh thực khí (linga) đơn giản nhưng mãnh liệt và đầy sức sống.
Bảng lược đồ về Shiva, thuộc tính và dụng vật:
– Vợ và nữ căn: Sati, Uma: còn được gọi là Parvati (Sơn nữ).
– Con hay hóa thân: Skanda (Thần Chiến tranh), Ganesa (Thần Hạnh phúc và May mắn).
– Vật cưỡi: Nadin (Bò Thần), Gajasimha (Voi, Sư tử).
– Chốn cư trú: Kailâsa, một ngọn trong dãy Himalaya.
– Điệu múa: Tândava, biểu hiện sự vận hành của vũ trụ.
– Biểu tượng: Linga (bộ sinh thực khí), Mukhalinga (linga hình mặt người).
– Các thần được đồng nhất: Rudra (Thần Bão tố và Hủy diệt), Sambu (Thần Hoan lạc và Hạnh phúc), Isvara (Đấng toàn năng), Kâla (Thần Thời gian).
– Các vị vua dân tộc Chăm được đồng hóa: Ppo Klaung Garai (1150 – 1205), Ppo Rome (1627 – 1651)…
Nhìn qua bảng lược đồ, chúng ta thấy người Ấn Độ và người Chăm đã ưu ái đặc biệt đối với Shiva, qua sự hóa hiện thiên hình vạn trạng của Ngài trong cuộc sống của họ. Đặc biệt người Chăm đã đồng hóa hai vị vua vĩ đại nhất của họ với thần Shiva, để tôn vinh và thờ phụng.
Nhưng tại sao một vị thần biểu trưng cho cái chết và sự hủy diệt lại được trân trọng như thế? Theo ngữ nguyên, Shiva có nghĩa là thiện, là tốt lành. Người Chăm xem cái chết là một mặt của sự sống. Sống – chết không chỉ luân chuyển nhau tồn tại mà cùng song hành giữa dòng đời. Và phá hủy lại là tiên đề của sáng tạo. Phá hủy thúc đẩy sáng tạo và phá hủy để sáng tạo.
Trong vũ điệu Tândava biểu thị sự vận hành bất tuyệt của vũ trụ, Shiva hiện thân là Đấng toàn năng (Isvara) gieo rắc chiến tranh, bão tố và phá hủy, đồng thời mang tới cho trần gian may mắn, hạnh phúc và hoan lạc.
Bộ sinh thực khí, tượng trưng cho thần Shiva trong nghệ thuật Chăm, thường có 3 phần: phần dưới hình vuông, tượng trưng cho thần Brahma; phần giữa hình bát giác, tượng trưng cho thần Vishnu; phần trên hình tròn, tượng trưng cho thần Shiva. Như vậy, tự thân Shiva vừa là mình, vừa là bao hàm cái khác; vừa là ta, vừa cưu mang cái – không – ta. Do đó, trong ý nghĩa của sáng tạo, Shiva được coi là Đấng toàn năng lưỡng tính (ardha – nâri – Isvara) hay một hữu thể trung tính tự phân thân thành âm – dương. Âm dương giao hòa thì vũ trụ được tạo dựng, muôn vật hóa sinh.
Như Thần Thời gian (Kâla), Shiva hủy diệt tất cả và không ngưng nghỉ – một sự hủy diệt gây phản tỉnh nơi tâm thức con người. Đó là sự hủy diệt cần thiết (“Có những sự phá hoại cần thiết” – A. Rimbaud), mang ý nghĩa sáng tạo chân chính, hơn cả Brahma hầu như chỉ mang lại cho con người ý thức khái quát về sự phồn thực và dị biệt của thế giới.
Và kẻ sáng tạo chân chính bao giờ cũng là người bảo dưỡng tuyệt vời. Đó là cử chỉ của Shiva khi đưa hai bàn tay hứng lấy nọc độc của Rắn thần Vâsuki rồi nuốt đi, giải thoát cho thế gian khỏi thảm họa diệt vong. Đó cũng là hành động Shiva chịu xõa tóc cho dòng sông Hằng chảy xuôi được êm ả, nhẹ nhàng, tránh cho mặt đất chuyển rung và sụp đổ.
Đánh nhịp cùng tư tưởng Shiva, con lạc đà của F. Nietzsche, sau khi chịu chất lên lưng bao gánh nặng của thế gian, đi băng qua hàng vạn dặm sa mạc con người, đã biến thành sư tử cuồng nộ gầm thét. Để rồi tại nơi đây, cuộc hóa thân thứ ba đã xảy ra: sư tử biến thành trẻ thơ, vô tư và thanh thoát, thư thái đi vào chợ, rong chơi giữa những miền cuộc đời. Trẻ thơ biến cuộc đời thành cuộc chơi, thế giới là sân chơi, chơi chính trò chơi mà mình vừa tạo lập, một trò chơi mà M. Heidegger gọi là “trò chơi thế mệnh”!
Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 209. 1996.
Em có chút phân vân:
“Vật cưỡi: Nadin (Thần Rắn)”
Nadin, theo em biết là bò thần?
Tùng
Dung ban a. Cam on ban nhieu nhe.
Than
Sara.
chú ơi ! cháu có một câu còn thắc mắc: Vì sao thần Siva được xem là vị thần quan trọng trong tín ngưỡng Champa không ạ? Mong chú giải thích giùm cháu !