Văn học hai khu vực Chăm Nam Trung bộ và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có sự tương đồng về nhiều mặt.
1.1 Trong quá khứ, các dân tộc ở hai khu vực này là chủ nhân của nền văn hóa phát triển khá sớm, trong đó thành tựu về văn học thật đáng kể.
Nếu Tây Nguyên có sử thi Đam Sam, Xinh Nhã… thì Chăm có các sử thi, trường ca nổi tiếng Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Ariya Glơng Anak…
Tiếc thay, các dân tộc ở hai khu vực văn hóa trên đến lúc này vẫn chưa có nhà folklore là người bản địa đủ tầm vóc trước di sản văn học to lớn của cha ông. Trước 1975, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, Pháp là ngươi đi đầu trong công cuộc sưu tầm, nghiên cứu. Và họ đã có những thành tựu nhất định.
Nhưng có lẽ vì hạn chế ở tính mục đích, nên ở tự thân việc làm của họ đã mang không ít thiếu khuyết.
1.2 Hiện nay, kho tàng văn học ở hai khu vực văn hóa này đang có nguy cơ thất truyền. Các cụ già biết khan, hmon ở Tây Nguyên giờ đã luống tuổi. Các akayet, ariya Chăm cất trong ciet của gia đình đang bị thất lạc dần dần. Và hàng ngàn tục ngữ, ca dao, truyện cổ… đang bị lãng quên.
Nếu lúc này chúng ta không chuẩn bị đội ngũ trí thức trẻ đủ trình độ chuyên môn, lòng nhiệt tình với các phương tiện tối thiểu để đi xuống tận làng, buôn, plây sưu tầm, ghi chép thì chúng ta sẽ sớm đánh mất di sản văn học dân tộc quý giá không dễ gì tìm lại được.
1.3 Nhưng không phải tất cả những gì từ di sản này đều tốt và hay. Tri thức chuyên môn có trách nhiệm sàng lọc loại bỏ những “văn bản” lạc hậu, suy đồi, không có lợi. Tri thức chuyên môn cũng phải hội đủ lương tâm và sự sâu sắc để không đưa ra các bản sai, bản dối (khác với dị bản) với suy đoán tùy tiện (riêng mảng văn học Chăm được ấn hành trong thời gian qua đã xảy ra không ít tình trạng đau lòng).
1.4 Như một cây muốn vươn lên khoảng cao xanh thì rễ phải được đâm sâu vào lòng đất. Cũng vậy, văn nghệ sĩ dân tộc muốn có tác phẩm lớn và đứng vững trước thời cuộc thì phải biết vươn tay hái những hoa trái văn chương thế giới, đồng lúc lặn xuống thật sâu vào nền đất văn học dân tộc mình. Chúng ta biết khiêm cung học ở người và dám kiêu hãnh đóng góp lại cho người.
2.1 Hiện tại, lực lượng sáng tác là người dân tộc ở hai khu vực này còn quá mỏng. Hãy so sánh với đội ngũ nhà văn nhà thơ người thiểu số ở các tỉnh phía Bắc, và hãy so sánh với anh em nghệ sĩ thuộc bộ môn khác như ca – múa – nhạc trong cùng khu vực cũng đủ nhận thấy độ chênh là quá lớn. Một Linh Nga, Kim Nhất ở Tây Nguyên hay một Inrasara ở Nam Trung bộ chưa là gì cả!
2.2 Đâu là nguyên nhân? Có truyền thống quá khứ nên chúng ta hy vọng vẫn còn tiềm năng. Như vậy thì phải đánh thức nó. Ai sẽ là người đánh thức? Và đánh thức như thế nào? Tôi không nghĩ tiền đóng vai trò quan trọng bằng sự gợi, chất kích thích hay môi trường cho tài năng nẩy mầm. Dù sáng tác văn học là một hoạt động riêng tư và sâu nặng tâm thức cá nhân, nhưng chất xúc tác là vô cùng quan trọng – nhất là ở bước đầu. Và Hội nhà văn với các lớp tập huấn hay trại sáng tác là rất cần thiết.
2.3 Riêng cá nhân tôi, thành thực mà nói, nếu không có Hội Nhà văn mở Trại sáng tác Đại Lải 1996 thì Tháp nắng của Inrasara sẽ không bao giờ được ra đời, hoặc nếu có thì nó sẽ khác đi rất nhiều. Trại sáng tác vừa tạo điều kiện về thời gian tập trung, cơ hội trao đổi học hỏi, vừa là chất kích thích sáng tác thiết thực.
3.1 Muốn văn học và văn học tiếng dân tộc có cơ hội nẩy mầm và phát triển đủ sâu và rộng thì việc dạy học tiếng dân tộc đóng một vai trò quyết định.
Ở đây, chúng tôi xin cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc đã vượt khó khăn để cho ra đời các tác phẩm in song ngữ. Chúng ta cũng rất hoan nghênh chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Nhà nước ta. Mặc dù khi đi vào thực tế cụ thể thì việc thực hiện nó vẫn còn nhiều hạn chế chưa có biện pháp khắc phục toàn diện.
Lấy trường hợp Chăm làm ví dụ. Từ năm 1978, chữ Chăm được dạy rộng khắp trong các trường tiểu học có con em Chăm học, lực lượng giáo viên vừa có chuyên môn cao vừa nhiệt tâm, sách giáo khoa đầy đủ, chất lượng học tập khá… Nhưng sau đó, vì các em chưa có sách đọc thêm để nâng cao hay mở rộng vốn từ hay kiến thức văn học dân tộc nên không ít trường hợp các tài năng không cơ hội phát triển, hoặc thậm chí chữ thầy trả lại cho thầy.
Tóm lại, đây là ba vấn đề cốt yếu tác động trực tiếp đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ sáng tác văn học cho các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Chăm và các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng. Ba vấn đề mà chúng tôi với tư cách người nghiên cứu và sáng tác đã va chạm, suy tư và kiểm nghiệm bằng chính kinh nghiệm của mình.
*
Tham luận tại Hội thảo Văn học Tây Nguyên, Đak Lak, tháng 6-1998
In trong cuốn Hội nghị Văn học Tây Nguyên, NXB Văn hóa Dân tộc, H. 1998
Một tri thức rất hữu ích, cảm ơn BQT trang web và tác giả bài viết nhé.
Cảm ơn anh rất nhiều vì luôn nhớ đến Tây Nguyên chúng em.
Xin được mạn phép thông báo là em vừa tìm được một bia đá của người Chăm tại Gia Lai:
http://pleikucafe.com/news/trang-chu/202-bi-n-nhng-ky-t-c-tren-a#JOSC_TOP
Kính mời anh và bà con cùng xem và góp ý cho em ạ. (Ai biết chữ này thì đọc giúp em luôn càng hay).
Em xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Quang Tuệ – Pleiku – 0913 418 144