Nguyễn Văn Học: Nhà thơ Inrasara – dòng sông lặng lẽ

Ấn tượng ban đầu của tôi về nhà thơ Inrasara là cái đầu hói và đôi mắt sáng, khi ông vào gặp bạn bè ở Khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình văn học (Trường ĐH Văn hóa). Và tôi nhận thấy ông là người dễ mến, nhiệt tình, thân thiện với những người viết trẻ.

*
Inrasara được coi là nhà thơ đại diện cho dân tộc Chăm. Một người làm việc chăm chỉ, dường như không biết mệt mỏi. Ông đã làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, từ làm ruộng, bác sĩ thú y, trồng rau, nuôi cá… đến dịch thuật và nghiên cứu văn hóa, sáng tác thơ…
Sinh ra trong gia đình có sáu người con, ông được ưu tiên học hành nhiều nhất. Ông lại có một người cha rất đỗi hiền từ, yêu sách vở và thích ngâm thơ vào những đêm trăng. Tình yêu văn chương đã truyền vào tâm hồn cậu bé Phú Trạm, vì thế mà ngay từ khi chưa đến trường học, cậu đã thuộc lòng trường ca cổ của người Chăm là ARIYA GLANG ANAK.
Inrasara nhớ lại: “Vào năm 1969, tôi rời làng quê, xa những con sông nhỏ để lên Phan Rang học. Mấy năm sau, những con sông nhỏ “chết”, con sông Lu lớn hơn cũng biến thành dòng cạn. Nhưng ký ức của tôi về làng, về sông vẫn còn mãi. Tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư của tôi lấy cảm hứng từ những ký ức không bao giờ tàn đó: Trăm con sông nuôi nấng tuổi dại mình/ Chảy đầy trí nhớ…
Ông giải thích: “Lễ tẩy trần tháng tư là lễ linh thiêng của người Chăm vào đầu năm Chăm lịch. Người Chăm loại bỏ những cái xấu ra khỏi tâm hồn, làng bản, đón cái mới vào. Trong lễ tẩy trần, người Chăm tắm cho thân xác, cho linh hồn mình”.

Inrasara là một nhà thơ, nhà nghiên cứu, và có thiên hướng tự do. Ông luôn tạo cho mình một trạng thái tinh thần tốt nhất, vì thế mà khả năng lao động lúc nào cũng dồi dào. Inrasara viết một loạt tiểu luận về thơ ca, để kéo người đọc về với thơ. Vì là người tâm huyết với thơ, ông muốn thơ ca đương đại khẳng định được mình. Nhà thơ cần chia sẻ, cần sự hiểu biết để làm mới, cách tân thơ. Trong mỗi tập thơ, ông đều cố gắng làm khác. Phong cách khác, đề tài khác. Tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư ra đời sau Tháp nắng 6 năm, khác quá nhiều so với tác phẩm trước. Còn 18 bài trong tập Chuyện 40 năm sau mới kể là thơ tân hình thức. Ông nói: “Theo tôi, hậu hiện đại hay tân hình thức là một thể thơ mới, là những quan niệm thẩm mỹ mới. Nó cũng thể hiện thái độ của thơ ca”.

Inrasara còn viết phê bình với quan niệm còn là để phục vụ sáng tác. “Tôi muốn chẩn bệnh cho thơ, mặc dù có thể sai. Ông thổ lộ – Thơ ngày nay phát triển bùng nổ, rất khó nắm bắt. Người sáng tác thơ luôn mang trong mình dòng máu phiêu lưu, nên họ sẽ đi tìm những vùng đất mới lạ cho thơ. Nhịp sống nhanh ngày nay cũng thúc giục thơ nhanh hơn. Muốn hay không thơ vẫn phải thay đổi, nếu không nó sẽ mắc bệnh. Xã hội Việt Nam đang có nhiều đổi thay. Cùng với thế giới, thơ Việt cũng phải chuyển động, không nên ngưng nghỉ. Cho nên trước một hiện tượng văn chương mới, chúng ta không vùi dập hay vứt bỏ nó, mà phải bày nó ra. Phải tìm hiểu xem thơ đó định nói gì. Thơ đổi mới rất hay nhưng không phải ai làm thơ đổi mới cũng hay”.

Inrasara chỉ nhận mình là con sông nhỏ. Hoài vọng về sông Lu vẫn chảy trong tâm tưởng ông, một người ủng hộ cho những cách tân thơ. Nhưng điều đó thật khó. Nó đòi hỏi người làm thơ phải có tài năng và dám dấn thân. Bản thân Inrasara cũng đang tự vận động, như một con sông nhỏ chảy mãi. Rồi có lúc lên phố, giữa cuộc sống đô hội, ông lại ngồi một mình trong phòng, nghĩ về quê, về dòng sông lớn nghệ thuật. Và lại làm thơ: “Em bị nhổ khỏi plây/ Bị văng vào phố/ Em không có dây chuyền/ Không quần jean/ Mang linh hồn ngọn đồi/ Em lạc vào phố lạ/ Em giặt giũ trong căn gác lạ/ Em thợ phụ trong xưởng may lạ/ Em hoảng hốt trong con hẻm lạ/ Mang linh hồn ruộng đồng/ Em rụng vào đêm lạ… (Chân dung nàng) để chứng tỏ mình còn chảy miết.

*
Phuyenonline, 1-1-2009

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *