Bạn thân mến!
Bạn nhắc đến vài hiện tượng tiêu cực ngày tháng qua. Về cáo giác nhau này nọ, cả về bản thân Sara nữa. Bạn cũng thắc mắc về lôi cuốn sự chú ý của quần chúng đến nó. Và bạn lấy làm lạ.
Đúng lắm. Bao nhiêu chuyện tốt, bao nhiêu điều hay khắp xung quanh ít ai chú ý, nhưng khi có vài sự rối, mọi người ùa vào, bàn tán. Tâm lí chung của nhân loại, ở đâu cũng thế. Mình đã một lần đề cập đến thứ tâm lí này trong Chân dung Cát:
“Có lẽ chỉ cần đo mức độ hấp lực của huyền thoại đối với một dân tộc cũng phần nào hiểu được dân tộc tính của dân tộc đó. Công chúng Đức khá thờ ơ với văn hóa dòm khe cửa nên vụ vợ chồng Beckham hay các bức ảnh chộp bắt hoàng gia Anh không đủ lôi cuốn họ, nhanh chóng gây thất nghiệp cho nhà báo lá cải. Dư luận Pháp cũng dễ bỏ qua xì căng đan như Monicagate từng là điểm nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ thời gian dài.”
Không vấn đề gì cả! Đó cũng là lí do tại sao báo lá cải bán chạy.
Vài tháng qua, ở Việt Nam rộ lên phong trào viết hồi kí và tìm đọc hồi kí. Hồi kí càng đưa nhiều chuyện xấu càng thu hút người đọc. Chuyện trong làng văn thôi, vậy mà vài trí thức Chăm ở quê “nghe tiếng” cũng hỏi Sara tìm cho mà đọc. Mình nói: tôi cũng được tặng vài cuốn, Website rộ lên bàn tán, báo giấy cũng vào cuộc, dân chữ nghĩa vỉa hè xôn xao, nhưng Sara chỉ nhìn lướt qua. Rồi thôi.
Vài bạn không tin, nghĩ mình chảnh. Mình bảo đó là thật: mình chưa đọc, không đọc, không muốn đọc. Mỗi ngày nghe chúng đi qua lỗ tai thôi cũng phờ người rồi. Vậy mà cũng có vị đọc đến ba lần.
Không vấn đề gì cả! Ở quê các bà chửi nhau cũng có khối người xem mà.
Rộng ra, xã hội cũng thế. Ví dụ dễ thấy nhất: Bài Nguyễn Văn Tỷ viết tốt về xã hội Chăm năm 1998 hầu như không có chút phản hồi, nhưng 5 năm sau khi ông viết “xấu”, bao nhiêu là thư trong đó có không ít người dùng lời lẽ nặng nề. Bài viết tốt vào năm 2008 của ông nữa, cũng không lấy một âm vọng.
Nhưng nếu nhìn thuần như thế thì tiêu cực và dễ chán đời lắm. Ví dụ nhé, trong làng bao nhiêu chuyện tốt xảy ra hàng ngày có ai quan tâm đâu; nhưng khi nghe tiếng các bà to tiếng cãi vã hay có mấy đám thanh niên ẩu đả thì mọi người xúm lại đông đen; nhưng nếu lúc đó có đoàn văn nghệ nổi tiếng đến trình diễn hoặc có thông báo trận bóng đá hay, quý bà và mấy nhóc “mất khách” là cái chắc.
Kết: Chỉ khi nào ta làm được cái tốt đẹp hơn nữa, mấy thứ hư xấu sẽ tiêu vong ngay tức thời. Cứ lấy báo Tuổi trẻ ra so đọ cũng đủ thấy. Đây là báo thuộc dạng đáng tin cậy nhất ở Việt Nam, đưa nhiều chuyện tốt và bài viết đáng học hỏi, nó vẫn cứ chiếm lượng độc giả hàng đầu.
Chuyện Sara cũng thế thôi. Về quê, vài anh em bè bạn hỏi về ít bài viết tiêu cực về mình, Sara bảo có nghe nhưng chưa đọc, không đọc, không muốn đọc. Vài bạn ngạc nhiên có vẻ không tin. Tôi hỏi: hồi nhỏ bạn có bao giờ thấy mình chạy đi xem các bà chửi nhau không? Tôi thêm, Tuân Tử nói rồi: Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta là kẻ thù của ta vậy”. Nhưng kẻ chê ta mà chê bậy bạ là gì, ông đã quên đi vế đó. Ông quên hay ông cho kẻ đó không đáng bàn. Riêng Sara: “nó không là gì cả!”.
Thôi vậy bạn nhé. Thư ngắn nhưng cũng giải tỏa được một điều. Cho Sara: mình tập trung viết tác phẩm hay hơn, giá trị hơn để lôi kéo sự chú ý của trí tuệ, tâm hồn con người hôm nay và ngày mai. Cho bạn: bạn hãy dành thì giờ quý báu của cuộc đời đọc tác phẩm xuất sắc nhất, suy nghĩ các tư tưởng cao thẳm nhất, trân quý những con người nói và làm được điều tốt đẹp nhất.
Năm mới, mong mấy xấu xa chóng qua đi, mọi tốt lành sớm về lại.
Thân mến
SARA.