Xuân Quỳnh thực hiện.
Tập san Áo Trắng, số 38, 12-2008.
Ông có nghĩ làm thơ là tự mình mang một sứ mệnh khác người không?
Inrasara: Không có sứ mạng gì to tát cả, ngoài việc canh giữ ngôn ngữ dân tộc, nói như Heidegger. Và nói lên cái gì mình cảm nhận được về thế giới xung quanh đến với người chịu đọc mình.
Những sáng tác thi ca của ông có ảnh hưởng gì từ nền văn hóa dân tộc?
Inrasara: Nhiều. Cảm quan dân tộc và cách nghĩ, cách nói dân tộc. Mỗi dân tộc có cách nghĩ khác nhau và cách thể hiện khác nhau. Viết thơ bằng tiếng Việt, tôi có cái lợi thế: nghĩ tiếng Việt kĩ hơn, thường trực hơn cái nghĩ trơn tru của nhiều nhà thơ Kinh, có lẽ; bên cạnh mang cái nghĩ của Chăm vào tiếng Việt. Chính điều đó tạo sự khác biệt nhất định. Văn hóa dân tộc Chăm so với Kinh có nhiều bản sắc riêng, bản sắc chính là cái khác biệt. Sáng tạo thi ca rất cần đến sự khác biệt đó.
Tại sao ông lại chọn thể thơ Tự Do và gần đây nhất là Tân hình thức để ôm mang ý tưởng của mình? Tiếp đến là sự lựa chọn hình thức nào cho thơ?
Ngôn từ trong tác phẩm của ông được thay đổi theo đề tài, đó là một hướng đi đúng, nhiều thuận lợi trong việc tạo tính hiệu quả cảm nhận, nhưng có khi nào nó gây rắc rối cho ông?
Inrasara: Không gian rộng lớn của Thơ tự do diễn tả thoải mái ý tưởng của mình hơn, nhà thơ dễ tạo sự bất ngờ hơn ở nhịp điệu. Tân hình thức thích hợp với lối tự sự, kể một câu chuyện ngắn. Sau nữa là các thủ pháp hậu hiện đại được tôi vận dụng có sự tiết chế để nói lên cảm thức hậu hiện đại trong các bài thơ mới đây. Dẫu sao đi nữa, cũng tùy cơ ứng biến, không đối xử phân biệt với bất cứ hình thức biểu hiện nào. Đó chính là tinh thần hậu hiện đại.
Ngôn ngữ ư? Rất khó khăn và rắc rối. Nếu không khó khăn thì thơ dễ làm biết bao. Ai cũng có thể làm thơ, và thơ độc đáo! Mỗi đề tài là một tìm tòi cách thể hiện mới, ngôn ngữ và giọng điệu mới. Lễ tẩy trần tháng Tư thì ngôn ngữ sang trọng và cao cả, ứng với đề tài linh thánh. Còn Chuyện 40 năm… với những “Chuyện người đời thường” phải cần đến ngôn ngữ bình dị, đời thường có khi dung tục mới có thể chuyển tải nó được.
Là một nhà thơ DTTS nhưng lại được đánh giá là sử dụng tiếng Việt một cách tinh tế, điêu luyện, ông nghĩ sao về điều này? Có khi nào chính nó làm ông xa rời bản sắc ngôn ngữ dân tộc mình?
Inrasara: Tôi đâu có sáng tác mỗi tiếng Việt. Tôi vẫn thường xuyên tác thi bằng tiếng mẹ đẻ đấy chứ. Cả hai trăm bài và ba trường ca rồi. Không ít bạn đọc Chăm đã thuộc lòng thơ tiếng Chăm của Inrasara. Trà Vigia còn phàn nàn khi tôi tự dịch bài “Blauh” viết bằng tiếng mẹ đẻ ra tiếng Việt đấy.
BLAUH
Blauh kalin taung tơl
Blauh kalin tappa
Blauh harei tappa
Bilan tappa
Bơl tappa…
Blauh ia đwơc tappa tatwa
Blauh ginum pơr tappa ia
Blauh mei tappa tangin ai
Blauh mei tappa tangin urang
Blauh kalin taung tơl…
RỒI….
Rồi chiến tranh tới
Rồi chiến tranh qua
Rồi ngày qua
Tháng qua
Mùa qua…
Rồi nước chảy qua cầu
Rồi mây bay qua sông
Rồi em qua tay anh
Rồi em qua tay ai
Rồi thì chiến tranh…
Sử dụng ngôn ngữ nào đó, nhà thơ đã giữ bản sắc rồi. Tôi may mắn có được hai cái bản sắc, từ đó tạo nên bản sắc thứ ba!
Những hình tượng con đường, ngôi nhà, mặt đất, dòng sông có ý nghĩa đặc biệt gì đối với ông?
Inrasara: Nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi vài từ. Các dụng ngữ ấy trở đi trở lại trong thơ họ. Chúng làm thành hơi thơ – hơi thở họ. Chúng tràn ý nghĩa. Còn muốn giải thích nó ý nghĩa gì và hàm ngôn thế nào thì chịu.
Rất ít khi sử dụng dấu câu trong thơ, điều đó có gây sự ngộ nhận nào cho thơ không? Ông đã từng gặp trường hợp nào chưa?
Inrasara: Hơi thơ – hơi thở quan trọng hơn các dấu câu. Người đọc cảm nhận thơ theo hơi thơ – hơi thở của nhà thơ, hoặc cảm nhận nó theo hơi thơ – hơi thở họ ra sao, tùy. Cả hiểu sai hay ngộ nhận không là vấn đề với thơ. Nếu đồng thanh đồng khí, người đọc có thể khám phá nhiều cái bất ngờ mà khi tác thi nhà thơ cũng không nhận ra hết.
Ông đã có dự định gì tiếp theo trên hành trình sáng tạo thi ca sắp tới? Nếu được quay ngược thời gian thì ông sẽ làm gì để thỏa mãn niềm đam mê thi ca của mình? Có gì thay đổi so với những điều ông đã làm không?
Inrasara: Về sáng tác, tôi vừa xong tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] 32 bài, và Tự tr[ch]uyện h[ậu h]iện đại Thằng Trạm mát 132.000 chữ. Hi vọng hai tác phẩm này mới hẳn so với tôi trước đó. Mới và… hay. Tôi cũng đang hoàn thành bản thảo Tiểu thuyết của Khan khoảng 800 trang nữa.
Tôi không thể quay ngược thời gian nên không nghĩ đến nó. Còn “nếu” thì chẳng mang một ý nghĩa gì đáng kể cả.
Sài Gòn, 13-11-2008.