Một sáng thức giấc
Tôi bỗng nghe kinh hoàng khi cảm thấy mình không thể viết được dễ dàng một câu thơ tiếng Chăm nữa
Và tôi đã khóc
(Inrasara)
Tôi chợt nhớ mẩu thơ của Sara khi đọc R.Gamzatov. Và liên tưởng số phận, cuộc đời giữa hai nhà thơ này. Ai hạnh phúc hơn? Rasul Gamzatov chỉ viết thuần bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Avar, thuộc Daghestan- một nước Cộng hoà Trung Á thuộc Liên Xô cũ) Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng ông là nhà thơ Nga. Thực ra thơ của ông được dịch sang tiếng Nga, và từ tiếng Nga, nó được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Nổi tiếng nhất là tập Daghestan của tôi được chuyển tiếng Việt khoảng đầu thập niên 1980 bởi Phan Hồng Giang và Bằng Việt. Đó là một tác phẩm nửa văn nửa thơ được viết hết sức thơ mộng lồng trong những câu chuyện tưởng chừng vụn vặt mà lại toát lên những bài học nhân ái, những triết lí ngộ nghĩnh rất đời về tình bạn, tình yêu và lẽ sống…
Thử đọc lại một mẩu ngắn:
Abutalíp có lần đến Maxcơva chơi. Một lần ngoài phố ông có việc cần
hỏi người qua đường. Chắc là ông cần biết chợ ở đâu. Chẳng dè Abutalíp
hỏi phải một người Anh. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên- trên
đường phố Maxcơva chẳng thiếu người nước ngoài.
Người Anh nọ không hiểu Abutalíp và hỏi lại ông mới đầu bằng tiếng
Anh, sau đó bằng tiếng Pháp, rồi tiếng Tây Ban Nha, và có thể bằng
nhiều thứ tiếng khác nữa.
Còn Abutalíp thì cố nói cho người kia hiểu mới đầu thì bằng tiếng Nga,
sau đó bằng tiếng Lắc, rồi tiếng Avar, tiếng Lêzghin, tiếng Đarghin,
tiếng Kumức.
Hai bên không hiểu nhau và đành phải bỏ đi. Một vị người Đaghextan quá ư
có học, biết đôi ba chữ tiếng Anh, sau này đã nói với Abutalíp
rằng:
-Đấy, anh đã thấy thế nào là học vấn chưa. Nếu anh có học hơn một
chút, anh đã có thể nói chuyện với người Anh, anh hiểu chưa?
-Tôi hiểu rồi- Abutalíp trả lời- Chỉ có điều là tại sao anh chàng
người Anh kia lại được coi là có học hơn tôi, vì anh ta cũng không hề
biết một thứ tiếng nào mà tôi đã dùng để nói với anh ta!
Đối với tôi, ngôn ngữ của các dân tộc như các vì sao trên nền trời.
Tôi không muốn nhiều vì sao hợp lại thành một vì sao chiếm nửa bầu
trời. Đã có mặt trời rồi. Hãy để cho các vì sao lấp lánh. Hãy để cho
mỗi người đều có một vì sao riêng…
Tôi yêu vì sao của tôi- tiếng Avar thân yêu của tôi. Tôi tin vào các
nhà địa chất nói rằng, trong quả núi nhỏ có thể chứa nhiều vàng.
(trích: Daghestan của tôi)
Trên trái đất này có bao nhiêu thứ tiếng? Có lẽ chẳng ai biết. Tra cứu trên Google cho kết quả 6.500 đến 7.000. Người ta còn cảnh báo có nhiều thứ tiếng đang mất đi. Tiếng Chăm có mất đi không? tất nhiên là không thể, vì cũng như mọi dân tộc trên trái đất, người Chăm cũng rất yêu tiếng và chữ của mình. Như nhà thơ Sara đã khóc vì kinh hoàng khi thấy mình không thể viết câu thơ tiếng Chăm.
Tại sao lại gọi tiếng mẹ đẻ? Tiếng đã mang hình bóng của quê hương. Là máu thịt của quê hương. Không thể khác. Bài thơ ” Tiếng mẹ đẻ” của Rasul Gamzatov (có hơi hướng bài Người ngủ trong thung của A. Rimbaud nhưng phát triển hoàn toàn khác) :
Tiếng mẹ đẻ, Raxun Gamzatov
Thật vô lý lạ lùng, tất cả ở trong mơ
Tôi chiêm bao thấy mình đã chết
Trong thung lũng Đaghextan, giữa ban trưa nóng bức
Tôi nằm yên. Ngực xuyên vết đạn chì.
Sông réo trôi, không một chướng ngại gì
Còn tôi bị lãng quên, không ai cần đến nữa
Tôi nằm duỗi trên quê hương xứ sở
Trước lúc hoà chung vào đất mà thôi.
Không ai biết hôm nay tôi chết
Không ai phút này có mặt bên tôi
Chỉ cao tít là tiếng bầy chim ó
Con nai kêu từ đâu đó xa xôi.
Sẽ không một ai khóc trước mồ tôi
Thương tôi mất lúc đang còn tuổi trẻ
Không bè bạn, không người yêu, không cả hình bóng mẹ
Cho đến mọt người khóc mướn cũng không!
Tôi cứ thế thiếp dần trong bất lực
Thì đột nhiên, nghe thấy, cũng không xa
Tiếng hai người vừa đi vừa trò chuyện
Bằng tiếng mẹ yêu thương- thứ ngôn ngữ Avar.
Trong thung lũng Đaghextan, giữa ban trưa nóng bức
Tôi chết giữa bao chuyện gần kề
Chuyện nói đến chàng Gaxan ranh mãnh
Chuyện kể về hành động của Ali.
Mơ hồ thấm từng âm thanh tiếng mẹ
Tôi bỗng tỉnh ra. Tới giây phút lạ lùng
Tôi chợt hiểu, người chữa tôi khỏi bệnh
Chẳng thể là ai, ngoài tiếng mẹ đẻ thân thương.
Những tiếng khác dành cho dân tộc khác
Cũng sẽ khiến cho lành bệnh bao người!
Tôi chỉ biết nếu tiếng tôi biến mất
Thì tôi sẵn sàng nhắm mắt, buông xuôi.
Tôi luôn mê say với cả tâm hồn
Dù ai bảo tiếng tôi nghèo đến mấy!
Thứ tiếng không được dùng giữa diễn đàn trọng đại
Vẫn thân thuộc cùng tôi, trọng đại với hồn tôi.
Thế hệ tiếp sau tôi, để hiểu Makhơmút
Chẳng lẽ lại cần bản dịch hay sao?
Và chẳng lẽ tôi là nhà văn sau chót
Được viết, được ca bằng tiếng mẹ đẻ tự hào?
Tôi yêu cuộc đời, yêu hành tinh tôi ở
Yêu đến từng góc nhỏ khắp gần xa
Mà trên hết là quê hương Xôviết
Tôi muốn ngợi ca bằng chính tiếng Avar.
Cả đất nước tự do đang nở rộ
Từ Bantích đến Xakhalin- tôi thân quý vô vàn
Tôi có thể hy sinh vì nơi nào cũng vậy
Nhưng hãy chôn tôi vào lòng đất Đaghextan.
Có thể ngay đầu làng, đã gần kề mộ chí,
Để những người Avar, bằng tiếng mẹ đẻ Avar,
Thỉnh thoảng nhắc: Raxun, chàng đồng hương thuở trước
Họ nhà Gamzat đây, người gốc Xađa.
(Trích từ Đaghextan của tôi, Bằng Việt dịch)
Đọc bài thơ để thấy tiếng mẹ đẻ linh thiêng thế nào, đối với bất cứ dân tộc nào. Dù nhiều hay ít người, tiếng và chữ ấy phải được trân trọng, yêu quý. Lịch sử loài người toàn chuyện… cá lớn nuốt cá bé. Ngay nước Mỹ, Giáo Sư Hilton nói rằng những ngôn ngữ gốc của Hoa Kỳ (Native American languages) từng bị cấm sử dụng cho đến thập niên 1960. Những đứa trẻ da đỏ được gởi đến trường học sẽ bị trừng phạt nếu dùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hiện nay đang có phong trào trong cộng đồng người Mỹ da đỏ ở California học tiếng mẹ đẻ trước khi quá muộn. So ra để thấy nhà nước ta còn tốt chán.
Đôi khi tôi thấy Sara như rơi vào nghịch lý. Nói chuyện bảo tồn chữ và tiếng Chăm bằng… tiếng Việt. Làm thơ, viết văn, phê bình tất tần tật tiếng Việt. Ít người biết chữ và tiếng Chăm, do đâu? Chữ Chăm khó học? chưa thống nhất cách viết? có quá nhiều cách viết nên dễ làm nản lòng ? v.v..và v..v.
Tôi có thể làm các bạn Chăm giật mình khi nói vụ chữ Chăm của Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm, các bạn cãi nhau khá là nhiều trong khi việc chính yếu và cần thiết nhất thì lại không làm. Tại sao nhỉ? tiếng và chữ Chăm sẽ về đâu? Trích Phutra Noroya:
… các cơ quan như Trung Tâm Văn Hóa Chàm ở Ninh Thuận trước 1975, hay Ban Biên Soạn Sách Chữ Chăm hoạt động từ hơn 20 năm qua, hay Tagalau qua 8 tập, nhằm góp phần khôi phục ngôn ngữ chữ viết Chăm. Nhưng rất đau lòng là đóng góp này rất ít tác dụng làm biến đổi tư duy về ngôn ngữ dân tộc trong xã hội Chăm hiện nay!
Theo tôi, xã hội Chăm từ bé chăn trâu cho cụ cao niên, từ anh nông dân tay lấm chân bùn đến một ông trí thức khoa bảng, chắc chắn ai ai cũng yêu quý tiếng mẹ, yêu quý ngôn ngữ dân tộc và không ai muốn tiếng mẹ bị biến mất. Nhưng muốn là một chuyện còn thực hiện thì ít có ai quan tâm đến việc làm thế nào, cần có biện pháp gì, để nó khỏi biến mất, thì chưa ai đầu tư suy nghĩ!
Đó mới là điều “kỳ lạ”.
Người Chăm nói tiếng Chăm độn đến 50-60% trong sinh hoạt đời thường.
Một con số đáng báo động. Theo đà này nếu những người hiểu biết không có biện pháp hay đối sách kịp thời nhằm ngăn chặn, thì nguy cơ tiếng Chăm biến mất là điều khó tránh. (Inrasara.com 14-10-2007)
Đọc Rasul Gamzatov để thương Sara hơn, khi hai nhà thơ cùng nói về tiếng mẹ đẻ:
Không ít bạn trách tôi mất thì giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lắm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớnhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!
Tôi viết bài này theo cái nhìn của một người yêu mến Chăm, qua những bể dâu lịch sử, nước Việt phải tự hào vì có Chăm. Phải biết trân trọng và quý những gì người Chăm để lại.Trong đó có cả tiếng nói và chữ viết Chăm. Đó là một tài sản vô giá của cả nhân loại mà không ai được phép coi thường.
Để kết thúc bài viết một cách có hậu, tôi xin trích một câu chuyện vui về R.Gamzatov.
Quê hương ông là Daghestan thuộc Kavkaz, một vùng đất nóng bỏng vì thường xuyên xung đột sắc tộc, tôn giáo.
Khi được phỏng vấn : “Chính quyền hiện nay làm ông hài lòng hay thất vọng?”
Ông đã trả lời :” Buổi sáng hài lòng, buổi chiều thất vọng”
Đúng là thái độ của kẻ biết… cười!