Tuyết Lan – Thu Hương: Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara

Đề tài khoa học này gồm 32.000 chữ, nhiều tư liệu phong phú về thơ Inrasara. Nay tôi tạm trích phần đầu phục vụ độc giả inrasara.com.

*
MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài:
Nghệ thuật là yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng luôn đòi hỏi tính sáng tạo, mới mẻ. Và thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật này. Độc giả không chấp nhận những cái sáo mòn, cũ kĩ. Tuy nhiên sự sáng tạo và mới mẻ ấy phải đi đôi với sự hấp dẫn, lí thú, nếu không thì tác phẩm cũng chỉ như một bông hoa có sắc mà không có hương. Hành trình đi tìm cái mới, cái hay, cái lạ là một hành trình đòi hỏi nhà thơ phải nỗ lực và đem hết tinh thần, tâm huyết của mình để đi tới chặng cuối con đường. Trên con đường đó, đôi khi cần cả sự dũng cảm thể nghiệm, dũng cảm chấp nhận những thử thách mới.
Ơ Việt Nam, trong khoảng mười năm trở lại đây (1996 – 2007) đã xuất hiện một số cây bút với những thể nghiệm mới mẻ. Trong đó có một nhà thơ được đánh giá là có sự tìm tòi, bứt phá và hầu hết các tập thơ của ông đều được nhận giải thưởng văn học. Đó chính là nhà thơ dân tộc Chăm: Phú Trạm – Inrasara. Điều đặc biệt ông là nhà thơ dân tộc thiểu số đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng văn học ASEAN, một giải thưởng danh giá, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.
Với sức viết dồi dào, thơ Inrasara ngày càng vươn tới độ “chín” trong nghệ thuật. Ông được coi là một hiện tượng trong giới sáng tác suốt một thời gian dài với sự xuất hiện trên nhiều bài báo khác nhau, với nhiều cuộc tranh luận khác nhau. Tuy nhiên các bài viết về Inrasara nói riêng và thơ Inrasara nói chung chủ yếu là các bài viết nhỏ, các bài phỏng vấn đăng rải rác trên một số báo và tạp chí. Số lượng bài nhiều nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính tổng hợp, đi sâu vào thế giới nghệ thuật thơ Inrasara.
Nếu cách đây không lâu ở miền Bắc có hiện tượng Nguyễn Quang Thiều, thì vài năm sau ở miền Nam có hiện tượng Inrasara, một cây bút cá tính, sắc sảo, nổi bật. Thơ Inrasara là đề tài có nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, vì vậy khi phân tích sẽ cho ta cái nhìn sâu hơn, bao quát hơn về mọi phương diện trong sáng tác của nhà thơ này. Qua đó cũng thấy được đóng góp của các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam cho nền văn học nước nhà trong thời gian hiện nay.
Vì vậy chúng tôi chọn đề tài “Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara” qua các tập thơ đã xuất bản với hi vọng có thể đưa ra cái nhìn toàn diện cũng như ý kiến của cá nhân về thế giới thơ Inrasara, một thế giới cần khám phá và tìm hiểu.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
(Phần này gồm 4.500 chữ, Tuyết Lan và Thu Hương lược qua hàng trăm bài viết của nhà văn, nhà báo, nhà phê bình với những đánh giá khác nhau về Thơ Inrasara, để chuẩn bị vào phân tích và nhận định của riêng mình).

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài:
Mục đích:
Trong đề tài này chúng tôi đưa ra những mục đích cần phải đạt:
– Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara trên tất cả các mặt nội dung và nghệ thuật.
– Đánh giá tiến trình sáng tác trong thơ Inrasara qua các tập thơ.
– Đối chiếu thơ Inrasara với các sáng tác của các nhà thơ dân tộc thiểu số khác.
Nhiệm vụ:
– Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ tài năng Inrasara. Qua các tập thơ đã xuất bản làm rõ được tất cả những khía cạnh về thơ Inrasara. Trên cơ sở đó rút ra được sự phát triển về tư tưởng nghệ thuật, sáng tạo mới về nội dung và sự thay đổi về hình thức thể hiện.
– Đưa ra những đánh giá về thơ Inrasara đồng thời tham khảo các ý kiến đánh giá của một số nhà thơ, nhà phê bình về thơ Inrasara. Từ đó làm nổi bật các phương diện về nội dung và nghệ thuật thơ Inrasara.
– Tìm hiểu sáng tác của một số nhà thơ dân tộc thiểu số cùng thời với nhà thơ Inrasara như: Lò Ngân Sủn, Đinh Linh, Lương Định, Mai Liễu… để tìm ra nét khác biệt giữa Inrasara với các nhà thơ đó.

4. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu:
Trong đề tài này chúng tôi đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu:
– Phương pháp phân tích: Phân tích về nội dung và nghệ thuật thơ Inrasara với các mảng về đề tài, cảm xúc thơ, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và hình thức thể hiện.
– Phương pháp tổng hợp: Từ các phân tích ở trên, đưa ra cái nhìn khái quát về tiến trình phát triển trong thơ Inrasara.
– Phương pháp so sánh – đối chiếu: Sự so sánh về nội dung thể hiện cũng như hình thức thể hiện trong thơ Inrasara với các nhà thơ dân tộc thiểu số cùng thời.
– Phương pháp thi pháp học: khảo sát cả 5 tập thơ để đưa ra cái nhìn tổng quát về nội dung, nghệ thuật… trong thơ Inrasara.

5. Giới hạn phạm vi đề tài:
Trong thời gian gần đây đã có nhiều ý kiến đánh giá về thơ Inrasara. Tựu chung chủ yếu trên hai bình diện nội dung và nghệ thuật. Thực hiện đề tài này chúng tôi mong muốn có thể đưa ra một cái nhìn thống nhất và toàn diện về thơ Inrasara. Đó cũng là căn cứ để chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu trong đề tài của mình: Phân tích, đánh giá thơ Inrasara theo bề rộng trên hai phương diện chính là nội dung và nghệ thuật.
Là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về thơ Inrasara nên chúng tôi giới hạn đề tài theo hướng khái quát bề rộng. Từ đó lấy đây làm cơ sở, nền tảng để nếu có điều kiện nghiên cứu tiếp đề tài này chúng tôi sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh khác trong thơ Inrasara.

6. Ý nghĩa lí luận và ý nghĩa thực tiễn:
Ý nghĩa lí luận: Công trình nghiên cứu này đã khái quát được thơ Inrasara trên bình diện nội dung và nghệ thuật. Từ đó đưa ra tiến trình thay đổi về phong cách qua 5 tập thơ của Inrasara: Tháp nắng (1996), Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999), Lễ tẩy trần tháng tư (2002), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ Tân hình thức (2006). Ngoài ra, để có cái nhìn đầy đủ hơn về sáng tác của Inrasara, chúng tôi có sự đối chiếu với một số nhà thơ dân tộc thiểu số cùng thời với Inrasara.
Ý nghĩa thực tiễn:
Tìm hiểu về thơ Inrasara, nhất là thế giới nghệ thuật trong thơ ông, chúng tôi muốn đưa đến một cái nhìn khái quát về văn học nước nhà trên tiến trình phát triển và kiếm tìm cái mới. Trong đó sự cách tân về nghệ thuật, đặc biệt là sự thể nghiệm mới mẻ về hình thức thơ, nội dung trong thơ là đề tài chủ yếu trong thơ ca hiện đại.
Trên hành trình này, chúng tôi cũng mong muốn đưa ra ý kiến của mình về văn học trẻ hiện nay. Một nền văn học đang có sự tìm tòi và bứt phá, một nền văn học đang có xu hướng đi gần lại với cuộc sống đời thường, kiếm tìm vẻ đẹp trong cuộc sống đời thường. Qua đó cũng là sự kiếm tìm cái tôi, kiếm tìm về bản thể của chính mình trong những con người trẻ. Sự phá vỡ những quy ước về hình thức thể hiện thơ cũng được đề cập.
Mặt khác, công trình có sự đối chiếu về thế giới nghệ thuật thơ Inrasara với các nhà thơ dân tộc thiểu số cùng thời.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về thơ Inrasara, có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên, những người muốn quan tâm, tìm hiểu về thơ của Inrasara.

7. Kết cấu của đề tài:
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục thì đề tài nghiên cứu gồm 4 chương. Trong đó:
Chương 1: Nêu khái quát về tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Inrasara với các tác phẩm nghiên cứu, phê bình, sáng tác. Đồng thời đưa ra cái nhìn khái quát về thế giới nghệ thuật trong thơ Inrasara.
Chương 2: Thơ Inrasara trên cái nhìn về phương diện nội dung với việc đi sâu vào đề tài trong thơ ông cũng như cảm xúc thơ được thể hiện trong bài viết.
Chương 3: Thơ Inrasara trên cái nhìn về phương diện nghệ thuật với việc sử dụng ngôn từ một cách đặc biệt, cùng với đó là việc sử dụng hình thức thơ mang nhiều thể nghiệm mới mẻ.
Chương 4: Đánh giá tiến trình thơ Inrasara qua từng giai đoạn cũng như có sự so sánh, đối chiếu với các nhà thơ dân tộc thiểu số khác trong tiến trình phát triển của dòng thơ dân tộc thiểu số.

One thought on “Tuyết Lan – Thu Hương: Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Inrasara

  1. Nhận thấy các ông các bà Chăm ở Mỹ ở Pháp ở Mã Lai cứ chửi bới tố cáo nhau om xòm cho người ngoài cười, tôi mới nghĩ ra là cứ làm cái gì đó cho thật giá trị đi. Để cho cộng đồng mình đọc và hãnh diện. Họ tố cáo nhau đã đời rồi lại đi tố cáo xuyên tạc rất ẩu tả người Chăm trong nước nữa, nghe mà thúi ruột.
    Hãy làm những việc tốt có lợi ích nhiều cho dân tộc đi, dân tộc sẽ mang ơn các ông các bà. Chớ mà chửi người ta nghe mãi rồi chán và người ta KHINH cho. Tội lắm.
    Tôi có đọc câu đó nói: Đừng hãnh diện về Chăm nữa mà hãy làm gì cho người Chăm hãnh diện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *