Tôi còn buồn là tôi còn sống
Tôi còn viết là tôi còn yêu
Tôi hết yêu là tôi đã chết…
(Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
A.
Khủng hoảng kinh tế
22-11-2008, về quê Patrip mẹ, bao nhiêu là câu chuyện của xã hội ta. Kể để anh em bà con cùng suy gẫm…
Người thì đông mà ruộng đất thì teo…
Một câu thơ viết cách nay 20 năm đã ứng nghiệm. Cứ tạm lấy Caklaing làm mẫu phân tích. Ông anh ruột cho biết, ruộng Caklaing chưa tới trăm mẫu, sau khi giải thể hợp tác xã, 30 mẫu đã và sắp trở thành đất thổ cư, dân làm nhà ở. Trong đó không ít mảnh bà con túng thiếu bán cho người Kinh làng khác.
60% phần còn lại dân làng lại bán tiếp cho người trong làng. Nên chỉ còn 40% người cày có ruộng. Đất rẫy hoàn toàn không có. Bà con trắng tay.
Ngay các hộ còn sở hữu ruộng, làm ăn cũng cực khó khăn. Giá phân, xăng dầu tăng vọt trong khi giá lúa thì sáng nắng chiều mưa như thời tiết Phan Rang.
Khủng hoảng kinh tế hiện ra mồn một.
Bà con quay ra chăn nuôi. Tạm lấy con heo ra mà làm toán đố.
Ở thời điểm này, giá lúa 2.000đ/ kí; cám 5.000đ/ kí trong khi heo con chưa tới 200.000đ/ con. Một lứa heo cần đầu tư 6 tháng, ở đó mẹ nái mỗi ngày nhịn lắm cũng tiêu mất 3 kí cám chưa kể rau các loại, và tạm lấy con số bình quân 8 con/ lứa. Trẻ con làm toán cũng thấy lỗ cầm chắc trong tay.
Thổ cẩm thì mười năm trước lúc gạo 2.000 đ/ kí, công dệt khăn bàn là 300.000đ/ nuh (25 ngày làm cật lực chỉ được 1 nuh); nay gạo lên 8.000 đ, nó vẫn cứ vậy. Em họ tôi hỏi lấy gì mà ăn đây anh Trạm ơi?
Thế buộc, bà con phải đi xa, vào Sài Gòn, Đồng Nai,… làm thuê. Làm thuê lao động tay chân và nghề đơn giản là chính, thu nhập có bao lăm!
Xa hơn nữa: lao động Mã Lai. Đi 10 người, hết 4 người bỏ về, số còn lại một nửa thì tạm ổn một nửa làm cầm chừng. Chính quyền ta ít quan tâm (hay có can thiệp nhưng không hiệu quả?) tới công dân mình. Chưa quyết liệt tranh đấu cho người mình. Bên công ty Mã Lai làm sai hợp đồng (ví dụ trả lương thấp, thất nghiệp không việc làm, mất an ninh,…) không ai phạt nó, còn ta bỏ về thì vừa bị nó phạt vừa phải nai lưng ra làm trả nợ vay ngân hàng.
Ai chịu trách nhiệm?
*
Chiều lên xe vào Sài Gòn, thật bất ngờ, tôi gặp anh D, bạn học thuở Pô-Klong. Năm 1972, sau một sự cố, anh bỏ lên Tây Nguyên học. 36 năm gặp lại, hai chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau. Bạn, róc tai bờm xờm, má hóp; tôi đầu láng bóng như con dế cái, râu ria đủ đầy. Tôi kêu lên: – Phải a D không đây? Anh hỏi: chú nó tên gì nhỉ? – Trạm đây mà. Thế là chúng tôi ôm nhau như cặp tình nhân kiếp trước mới gặp lại, bất kể trời trăng mây nước, trước mắt mấy chục cặp mắt khách đi đường.
Anh kể thường xuyên bỏ quê vào Phan Thiết thu hoạch, làm cỏ và chăm sóc giàn cây thanh long. Ai thuê gì làm nấy. 60.000đ/ ngày, cơm nước mình. 2-3 tháng mới về một lần. Nghĩa là mỗi tháng nhịn ăn nhịn tiêu mới gởi về cho vợ con được triệu đồng! Thương bạn quá chừng, tôi lục túi cũng chỉ thừa vài chục bạc, vội mua cho bạn và ông via buổi ăn sáng với chai nước. Thảm vậy đó. Tôi thấy mình bất lực.
Làm gì?
Khủng hoảng kinh tế kéo theo nó là khủng hoảng tinh thần là không thể tránh.
Môi trường văn hóa nông thôn Chăm hoàn toàn bị phá vỡ, từ đó nẩy ra bao nhiêu vấn đề nhức nhói, với bao tâm tư đau buồn…
B.
Tâm tư
1. Ông bạn có cô con gái vào Sài Gòn làm ôsin. Bà chủ cho mượn chục triệu, con gái thì bị ông chủ lắm lét gùn ghè. Buồn quá chú nó ơi. Bắt về có được không?
2. Trong họ không tìm ra người làm Muk Rija; người đáng ra phải mang trách vụ đó thì bị ông chồng “nhân dân tiến bộ Chàm” cho là mê tín; chị khác tình nguyện làm thì ông bà không ưng, làm sao đây! Lẽ nào ciet prauk không ai cúng kiếng?
3. Nó (Mã Lai) kí hợp đồng với con gái tôi 5 triệu một tháng, vậy mà nó trả có một triệu không đủ ăn, việc làm thì tháng có tháng không. Mấy tháng con gái rượu tôi nai lưng ra làm không công. Không biết nó tính sao lúc con tôi về thì còn mắc nợ nó 5 triệu, nợ Nhà nước (ngân hàng) 7 triệu nữa. Lấy gì mà trả đây hở trời? Không trả thì bị phạt, còn họ làm sai thì có trời nào đứng ra kiện đây?
4. Mình có mỗi nó con trai, đi Sài Gòn học về nó cứ tiếng Việt mà nói, không khéo vài chục năm nữa bọn trẻ không còn biết nói tiếng mẹ đẻ của chúng nữa. Ông chú than thở.
5. Bà chị có đứa con gái lấy chồng Kinh sống hạnh phúc ở thành phố, tháng tháng gởi tiền về, bao nhiêu khó khăn gia đình đều một tay con gái giúp. Nhưng, nhưng… rồi mấy đứa con nó có vào Kut được không, hả chú nó? Chị mấy năm nay mất ăn mất ngủ vì nỗi chuyện đó.
6. Một vị có học và biết phong tục tập quán hơn thì lo lắng chuyện không ai chịu đung akauk làm paxeh. Có, nhưng không ai có trình độ cao để có thể giải quyết ổn thỏa chuyện đạo giáo nẩy ra từ sinh hoạt cộng đồng. Bao nhiêu là vấn đề bức xúc.
7. Người bạn bác sĩ thì em nghĩ mấy trí thức Chăm mà buồn. Quanh đi quẩn lại không có chuyện gì làm suốt ngày gởi thư điện tử tố và chửi nhau. Chỉ kẻ ngu xuẩn và phi nhân tính mới viết để làm tổn thương người khác. Mình phê người khác thì được, chứ ai nói động đến mình là giẩy lên.
Anh cần phải khác, anh Sara à.
8. Ông chú lấy vợ Việt, chết biệt tăm tích. Họ hàng nghe tin, lặn lội qua bà vợ nói ý định cải mã về ngap đam. Bên đàng vợ đòi tiền chuộc: có đưa tiền ra tui mới chịu cho biết mả ông! Một chuyện động trời với Chăm!!! Asar bha urang talang bha drei mà! Ông đã hiến da thịt sức lực cho bà nó rồi, ông mất đi bà phải lo cho ông yên ổn trong Kut chứ; đã không lo mà bà còn đòi tiền chuộc talang xương nữa. Bà con xem dzậy có được không?
9. Bà chị ở xa về, đã tin tưởng người bà con nên mới nhờ đứng tên mua đất, làm nhà,… Ai ngờ giờ chót, người bà con ấy trở giọng bảo đây chính là đất ông ta, là nhà ông ta. Chuyện rồi sẽ đưa đến tỉnh tòa thôi. Ai đời trong xã hội Chàm mình lại có chuyện tày đình kia chứ???
Nhiều, còn rất nhiều chuyện nữa. Rất nhiều tâm tư nữa, tôi sẽ kể tiếp khi có dịp. Tinh thần câu chuyện là thế, dù chi tiết chưa thật chính xác như toán học. Nhưng rất buồn và gây đau lòng. Tôi không muốn gây tổn thương người có liên quan nên không nêu tên cụ thể.
C.
Một bài thơ – hai cách hiểu: Vấn đề là ở trình độ đọc
Đó là tít một bài báo. Chuyện đang xôn xao trong giới chữ nghĩa Việt Nam. Một xôn xao đáng có. Và rất… buồn cười. Nó cũng là bài học cho giới chữ nghĩa Chàm mình.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời báo Thể thao – Văn hóa, 25-11-2008, dù chưa rốt ráo, nhưng có thể trích ra đây để Chàm mình nghĩ.
Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?
– Do trình độ của người đọc khác nhau đưa tới những cách đọc khác nhau. Một bài thơ bài văn khi in ra là một văn bản nghệ thuật. Mỗi người đọc văn bản đó theo trình độ của mình, và như thế văn bản chỉ có một, nhưng tùy người đọc mà có những tác phẩm khác nhau.
Trong trường hợp bài thơ của Trần Quang Đạo, ông Việt Thành đã đọc theo lối “thực tế hóa” và “chính trị hóa”, coi bài thơ là một văn bản tư liệu, còn nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã đọc theo lối nghệ thuật, nhìn bài thơ là một văn bản thơ với những điểm đặc thù của nó. Cứ theo lối ông Việt Thành thì câu thơ sâu sắc thế sự nhân tình của thi hào Nguyễn Du “Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong / Ca vũ không di nhất nhân tại” (Sự nghiệp nhà Tây Sơn tan tành hết, chỉ còn lại một nàng đánh đàn tàn tạ) phải bị coi là… “phản động”. Hoặc Lý Bạch cũng sẽ bị “chịu đòn” vì bắt tất cả thánh hiền xưa nay chịu thua anh uống rượu: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” (Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh/ Chỉ phường bợm rượu lưu danh muôn đời).
… Trình độ đọc quyết định cách đọc, cách đọc quyết định tư cách đọc của độc giả. “Có đồng đẳng mới bình đẳng”, câu châm ngôn này có thể ứng vào đây được.