Một góc nhìn thơ đương đại Việt Nam

Hà Thanh Vân thực hiện

Về “phê bình”, tôi không quan tâm đến lối phê bình được mệnh danh phê bình bắt sâu hay thưởng hoa. Điều tôi muốn làm là “lập biên bản” các sự biến văn chương đang xảy ra, những con người làm việc và sáng tác cùng thời với tôi. Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì…”- Inrasara chia sẻ với chúng tôi

Theo quan sát của ông, thơ Việt hôm nay đang đứng ở đâu? có thể phân loại thơ Việt đương đại thành mấy khuynh hướng chính? Tương lai phát triển và sự ảnh hưởng của những khuynh hướng này ra sao?
Inrasara: So với thế giới thì ta cứ lọt tọt theo đuôi. So với thế hệ trước, thời đổi mới chẳng hạn, tôi nghĩ – nối tiếp thành tựu oanh liệt của trào lưu sáng tác mang tính sử thi (1975-1985) có nhiều khuôn mặt mới tạo nên sôi động thơ ca thời đổi mới (1986 – 2000). Ở miền Bắc có những nỗ lực cách tân của Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Bình Phương… Ở miền Nam có: Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Hữu Dũng….
Về thơ hôm nay, tạm gọi bằng danh xưng “thơ hậu đổi mới”, nếu lấy thời điểm ra đời của văn chương mạng, thì có thể phân làm năm dòng chính:
Thơ “cổ truyền”. Là thơ hậu Thơ Mới và các biến thái, sáng tác quẩn quanh trong hệ mĩ học cũ, cảm quan cũ,… đang in tràn khắp mặt báo, đã tạo khủng hoảng thừa, khiến người đọc ngán ngẩm thơ.
Thơ tân hình thức: trào lưu này do Khế Iêm khai sinh ở Hoa Kì vào năm 2000 (chủ yếu đăng ở Tạp chí Thơ), truyền bá sang Việt Nam, được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn hưởng ứng. Ba năm sau kể từ ngày nhập cảng, nó chưa tạo nên dấu ấn đáng kể, sau đó đuối sức.
Thơ nữ quyền luận. Khai mào từ khá sớm qua vài tên tuổi: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư,… nhưng nó vẫn còn khá mờ nhạt và bị lẫn với thơ hậu lãng mạn. Phải đợi đến nhóm Ngựa Trời xuất hiện tại Sài Gòn bằng tập Dự báo phi thời tiết, dòng thơ này mới rộ trở lại. Hi vọng với Lynh Bacardi, Nguyễn Thúy Hằng,… văn học nữ quyền luận sẽ phát triển theo hướng mới, rõ nét và mạnh mẽ hơn.
Thơ trình diễn vừa được du nhập vào Việt Nam từ gần năm nay nên, chưa thể đánh giá nó.
Thơ hậu hiện đại: một trào lưu phát triển sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kì vọng hơn cả trong thời kì hậu đổi mới. Nó khai sinh đồng thời với văn chương mạng tiếng Việt. Hậu hiện đại chấp nhận tồn tại bên lề sinh hoạt văn chương dòng chính qua hình thức mạng internet và cả ở dạng in photocopy.

Phải chăng các nhà thơ trẻ hiện nay đang bị cám dỗ bởi lối “thơ hậu hiện đại”, “thơ tân hình thức”?
Inrasara: Cám dỗ – tốt lắm. Chứ ngồi mãi hệ mĩ học cũ, hỏi thơ Việt sẽ đi đâu về đâu? Nhưng ta mới bị “cám dỗ”, “học đòi” hậu hiện đại với tân hình thức thôi mà! Ví các bạn thơ trẻ [mà đâu chỉ có trẻ] chạy theo nhiều trào lưu hơn nữa thì đó đích thị là may mắn cho nền thơ Việt Nam hôm nay chứ không phải ngược lại. Nếu không chịu “học” thì ta cứ thử tạo ra cái mới đi. Cho thế giới chạy theo!
Việt Nam không truyền thống khai sinh tư tưởng, hệ mĩ học mới, nên chạy theo không có gì phải mặc cảm cả. Làm như ta chưa từng học Đường luật Tàu muộn mất ba trăm năm, học lãng mạn với tượng trưng Tây trễ đến gần thế kỉ. Làm như nó chưa từng làm nên truyền thống ta? Chớ nghĩ ta ngôn ngữ nhược tiểu khó tác động đến thế giới. Hãy ngó sang Kierkegaard của Đan Mạch bé tí…
Học, nhưng luôn luôn đến muộn, khổ vậy đó. Hai mươi năm qua, trong khi hậu hiện đại “tạo thành cơn sốt trên khắp thế giới”, từ Mỹ cho đến Nga, từ Trung Quốc cho đến Nhật Bản, từ châu Âu cho đến châu Mỹ Latinh,… thì mãi văn học mạng hình thành vào đầu thiên niên kỉ này, hậu hiện đại mới thập thò ngoài cửa nhà ta. Mà cửa lại he hé.
Về vụ bị hậu hiện đại, tân hình thức cám dỗ, cứ nhìn Trần Tiến Dũng cũng đủ biết. Đây có lẽ là ca độc đáo. Trần Tiến Dũng – một trong rất ít nhà thơ đặc trưng của miền Nam 20 năm qua – sau hai tập thơ đầu HiệnKhối động theo truyền thống thơ tự do-siêu thực, đột ngột bẻ ngoặt hướng mới, khác lạ, như thể một cú gẫy: sáng tác theo trào lưu tân hình thức, sau đó: hậu hiện đại. Thử nghĩ, nếu anh “hưu non” ở tự do-siêu thực, hỏi thơ anh sẽ đi tới đâu? Mà Trần Tiến Dũng đâu phải là trường hợp cá biệt.

Thơ hậu hiện đại trong nước và hải ngoại có điểm tương đồng và khác biệt nào nổi bật?
Inrasara: Đề tài “tương đồng và khác biệt” của thơ hậu hiện đại trong nước và hải ngoại quá rộng, khó bao quát. Chỉ biết rằng các nhà thơ hậu hiện đại trong nước đi sau Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Khế Iêm… ít nhất dăm ba năm. Sau đó, nhờ phương tiện internet, ranh giới này đã tự xóa nhòa. Đến hôm nay, có trên dưới 20 tác giả sáng tác hay thử nghiệm thủ pháp hậu hiện đại. Có thể kể: Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Khúc Duy, Như Huy, Đặng Thân, Lynh Bacardi, Nguyễn Thúy Hằng, Inrasara, Trần Tiến Dũng, [một phần] Lê Vĩnh Tài và Nguyễn Hữu Hồng Minh, rồi vài bạn trẻ thế hệ 9X nữa…
Dĩ nhiên, không phải tất cả tác giả nêu trên đều mang cảm thức hậu hiện đại nên, cho dù có sử dụng các thủ pháp hậu hiện đại mà họ chia sẻ được qua sáng tác của đồng nghiệp ở phương Tây, thì sáng tác này vẫn chưa thực sự là tác phẩm hậu hiện đại thập thành. Đơn giản: đa số chúng vẫn chưa mang chở đầy đủ cảm thức hậu hiện đại. Thế nhưng sự khởi động như thế vẫn cho tôi hi vọng ở các sáng tác tiếp theo của họ…

Để có sự đối mới thơ đích thực, người viết cần có những tố chất nào? Cái gốc của đổi mới thơ?
Inrasara: Người viết vừa mang cảm thức, đồng thời biết vận dụng thuần thục thủ pháp của trào lưu đó. Một, một vài hay tất cả mọi thủ pháp thích hợp. Đấy là chưa nói đến lí thuyết. Bởi nếu sáng tác mà thiếu nền tảng tư tưởng, người viết dễ rơi vào vùng cảm tính rất dễ hụt hơi. Cái gốc của đổi mới chính là cảm thức, tinh thần mới. Cảm thức nẩy sinh từ/ trong “điều kiện” lịch sử xã hội. Nếu không/ chưa mang cảm thức, tinh thần mới và suy tư nền tảng mà ta cứ dùng bừa thủ pháp sáng tác mới lạ của khuynh hướng nào đó, thì tác phẩm chỉ có xác mà không hồn. Nhạt là cái chắc.

Ông có thể nói rõ hơn về nội hàm của hai chữ “cảm thức”? Đối với nhà thơ đương đại, theo ông, họ thiếu khuyết “cảm thức” gì?
Inrasara: Thiếu – chắc chắn là cảm thức hậu hiện đại. Nghĩa là họ vẫn còn cưu mang, nhớ nhung giấc mơ lãng mạn hay hiện đại về độc sáng, về khả thể giải thích hoặc thay đổi thế giới gì đó.
Cảm thức thế giới như hỗn độn, hậu hiện đại chống lại đại tự sự (grand narratives). Chúng không gì hơn là hệ thống lí thuyết tham vọng thâu tóm thế giới đa tạp vào một số luận điểm rạch ròi cứng nhắc. Suốt chiều dài lịch sử, đã không ít lần con người đẩy nó lên cấp độ cao hơn nữa để biến chúng thành những huyền thoại! Huyền thoại này mang ở tự thân sự bạo động, chúng thao túng cuộc sống nhân loại, khiến họ ngày càng chìm sâu hơn trong nỗi vong thân. Hậu hiện đại cho rằng mọi “nỗ lực khôi phục trật tự đẳng cấp, hoặc những hệ thống ưu tiên nào đó trong cuộc sống, đều vô ích và không thể thực hiện được” (I.P. Ilin). Nhận thức thế giới của con người luôn đầy thiếu khuyết. Thiếu khuyết được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ (discourse). Nó hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân.
Bên cạnh thức tỉnh nhân loại tự thức trước những giấc mơ đại tự sự và cương quyết rời bỏ nó, hậu hiện đại còn đẩy con người trực diện với chính thời đại mình đang sống, thời đại trong đó hiện thực chỉ còn là một hiện thực ảo gồm thâu những vật thế vì giả tạo simulation, khi các ký hiệu bị cắt rời khỏi/ mất hết quy chiếu về hiện thực, ở đó ranh giới giữa thực và ảo, giữa bề mặt và bề sâu, hiện tượng và ý nghĩa hoàn toàn bị xóa nhòa.
Có thể nói, hậu hiện đại là “tinh thần thế giới” của thời đại chúng ta đang sống. Nơi đó, phi đại tự sự xem trọng yếu tố cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại, phi trung tâm hóa khẳng định vai trò ngoại vi là đặc điểm dân chủ mới của hậu hiện đại. Nó tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu, phi phương Tây, ngôn ngữ nhược tiểu, nền văn học “ngoại vi”… nên, hậu hiện đại là chủ nghĩa đa nguyên văn hóa đúng nghĩa.

Tôi nhớ Tô Đông Pha khi bàn về cách viết, có nói: “Không học là hơn”. Khi biết lời bạt cho một tập thơ của Thương Sơn, Cao Bá Quát nhắc lại câu nói thú vị ấy, rồi nhấn mạnh: ai hiểu được ý Tô Đông Pha, thì có thể cùng nói chuyện về việc làm thơ được. Ông hiểu ý Tô Đông Pha ra sao? Trên thi đàn Việt Nam hiện nay, trường hợp nào đã thấu triệt cái lẽ sáng tác đó?
Inrasara: Có lẽ ông muốn nhấn về tinh thần phá chấp của học trong sáng tạo nghệ thuật. Như Krishnamurti của giải thoát tri kiến. Hay Paul Klee: hãy học tất cả thủ pháp của mọi trường phái, rồi quăng chúng hết đi. Hoặc Gauguin: rời bỏ thành thị để sống và vẽ cô độc nơi đảo Tahiti. Vân vân… Chứ hiểu “không học là hơn” theo nghĩa đen lù thì dễ tạo cớ cho mình thôi học lắm!
Hôm nói chuyện ở Lớp Cử nhân tài năng tại Trường Đạo học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, một sinh viên tụng ca lục bát Đồng Đức Bốn, bị tôi hỏi vặn: bạn đã đọc lục bát Bùi Giáng hay Pham Thiên Thư chưa? Câu trả lời là – chưa! Tôi nói: thế thì bạn chưa thể bàn về lục bát được. Đơn giản, nếu là độc giả phổ thông, ta có thể khen chê tùy hứng, nhưng khi bạn ngồi giảng đường để trở thành người đọc chuyên nghiệp ở thì tương lai (nhà phê bình, giáo viên dạy văn,…) thì bạn cần đọc hệ thống, nghĩa là phải nhìn thơ lục bát trong tiến trình của nó. Không thể khác.
Phê bình tập thơ mới ra lò, tôi nêu cảm thức hiện sinh có mặt dày đặc trong đó, tác giả tập thơ đã cãi lại (nhà thơ ta chưa từ bỏ được tập quán này) “em không biết gì về triết học hiện sinh cả”. Tôi nói: chính điều đó giết chết bạn. Nói như Nguyễn Hưng Quốc, kẻ sáng tạo biết là để tránh, tránh tối đa; nếu không, ta giẫm đạp lên dấu chân người đi trước mà không biết, trong lúc – ở đây là cảm thức hiện sinh – khả tính của chúng đã bị người thiên hạ khai thác cạn kiệt từ năm nảo nao rồi!

“Cái tật” khó sửa của thơ đương đại là gì?
Inrasara: Cái tật – có lẽ là nỗi dị ứng với lí thuyết. Với quan niệm rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay. Đấy là phát ngôn sai lầm đầy ngộ nhận mà không tự biết. Bởi, nói quyết liệt như E. Pound: Không có bài thơ hay nào được sáng tác bằng phong cách đã hiện hữu cách nay hai mươi năm.

Phương thuốc nào có thể cải thiện được ít nhiều “tật thơ” ấy?
Inrasara: Thuốc chữa ư? Có khờ mới đi bốc thuốc cho kẻ sáng tạo!

Một người bạn của tôi nói: “kịch bản hội nhập thơ” nghe chừng rất thú vị. Song, muốn dựng thành phim truyền hình” ăn khách, thì trước tiên chúng ta cần phải sòng phẳng với nhau về “chỗ đứng”,“chỗ ngồi” của thơ đương đại đã. Vì đến giờ, có không ít độc giả nhầm lẫn về “chỗ đứng” của nhà thơ hôm nay. Ngay bản thân người viết trẻ, cũng ngộ nhận mình được “ngồi” ở những “chỗ sang” ấy. Có lẽ nên tin vừa vừa nhà thơ thôi. Bởi vì nạn “cày liều bừa ẩu” trên cánh đồng chữ vẫn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Biết bao kẻ viết đã ăn mòn hết câu chữ tự đời nảo đời nào rồi.”
Anh bạn tôi có lẽ cực đoan. Ông có nghĩ vậy không
?
Inrasara: Xếp chỗ ngồi với chiếu trên/ dưới, hãy dành phần cho nhà viết văn học sử. Chỉ xét thực trạng thơ hôm nay ở thời đại toàn cầu hóa trong “kịch bản hội nhập” thôi, cũng đã khó rồi. Bởi đơn giản: các nhà thơ sáng tác trong khí quyển của một nền văn chương nghiệp dư, như lối nói của một nhà phê bình. Cả phát biểu đầy cảm tính về thơ cũng thế. Nhận xét của người bạn về vụ “cày liều bừa ẩu” không phải không có nguyên do. Thơ, theo cái nhìn của người Việt Nam luôn đi kèm với thơ mộng, thơ ngây, nên thơ. Ở ta rất ít nhà thơ chuyên nghiệp. Nhà thơ hôm nay vẫn còn khá tùy hứng và, tùy tiện. Không hiếm người nhảy cóc từ bản năng sang lãng mạn, rồi siêu thực, tượng trưng và lắm lúc còn vô ý giẫm đạp cả hậu hiện đại nữa. Nhìn chung: thiếu ý thức nền tảng về nghệ thuật.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, “lối phê bình thù tạc” có ảnh hưởng như thế nào đối thơ trẻ. Thực trạng “văn hoá phê bình thơ” hiện nay ra sao?
Inrasara: Phê bình thù tạc, chớ lo nó ảnh hưởng tới ai.
Còn thực trạng phê bình thơ ư? Phê bình văn học Việt Nam thiếu tư tưởng tiền vệ nên mãi ăn theo sáng tác, chịu phận làm nô bộc cung cúc tận tuỵ cho sáng tác. Không ít nhà phê bình ru ngủ mình bằng luận điệu: vì ở ta chưa có sáng tác hay, nên nền phê bình giậm chân tại chỗ. Sẽ chưa rốt ráo, nếu xem phê bình chỉ ăn theo sáng tác. Phê bình vẫn có khả năng gợi mở, thậm chí – dẫn đạo sáng tác, nếu đó là phê bình lí thuyết. Tiếc là loại phê bình này chưa có mặt ở ta. Một hình thức phê bình mang tính tư tưởng sẵn sàng cho lưu kho các hệ thẩm mĩ từng thống ngự nền văn học trước đó. Một phê bình ý hướng qui phạm hóa cái đẹp mới mang ở tự thân khả tính làm thay đổi và mở rộng cách đọc và nhìn nhận của chúng ta về văn học. Phê bình như thế làm chùn bước các nhà phê bình ngoan cố bám trụ căn cứ địa thẩm mĩ lỗi thời, gây bất an cho những người viết còn ẩn núp trong túp lều quan niệm sáng tạo cũ.
Phê bình hôm nay đang thiếu và thừa. Thiếu tư thế tự do cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể. Thiếu giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng nên nó tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm. Thiếu thẩm quyền chuyên môn, do đó, các nhận xét thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập. Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật của kẻ sáng tạo cùng lòng say mê nghề nghiệp của người làm phê bình, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư (Th. Adorno).
Trước khối lượng khổng lồ tác phẩm xuất bản, không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Một nhà phê bình chỉ có thể chọn một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình. Đòi hỏi đầu tiên là thái độ công bằng đối với các sáng tác thuộc hệ mĩ học mới. Tiếp: người đọc muốn nhà phê bình “lập biên bản” trung thực các sự biến văn chương đang xảy ra, chứ không phải lê thê kể lể bao nhiêu giai thoại nhảm nhí!

*
Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt nam, tháng 11-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *