KINH NGHIỆM VIẾT – KINH NGHIỆM SỐNG hay
Nghĩ từ tình bạn đổ vỡ giữa Sartre – Camus.
Lúc này ở Việt Nam đang mở các hội thảo bàn luận về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học. Trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, kinh nghiệm của Faulkner với Sartre, của cá nhân tôi về vài phê bình thiếu thiện chí cũng có thể xem là phần của một cách thế nâng cao tính chuyên nghiệp.
Đó là châm ngôn của tôi:
Con đường bạn đi còn xa,
hãy đừng để vài hạt bụi làm nặng gánh bạn.
Có vài nhà viết chống tôi, tôi đã dại dột viết bài để giải minh hoặc bác lại. Nhưng khi hiểu ra lí do, các lí do rất buồn cười, tôi nghĩ mình đã làm một việc vô ích.
Có vị chống tôi vì thành kiến, vì bảo thủ truyền thống hay quan điểm nào đó, thì miễn bàn. Một nhà phê bình chống tôi, đơn giản vì tôi là nhà thơ lại được bầu làm Trưởng Ban lí luận phê bình của Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Mới nghe, tôi không tin nổi! Bởi tôi đã từ chối mọi chức vụ ngay trong Kì Đại hội trước tất cả đại biểu hội viên mà. Tôi có bao giờ tranh chức vị nào đâu mô! Nhưng mọi người cho đó là bổn phân công dân, tôi không quyền lẩn trốn. Chuyện vậy đó.
Tháng 8 vừa qua, nhân có ba vị phản bác Tuyển thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, tôi có thư than thở với bạn thơ vong niên ở Pháp, anh trả lời email rất tỉnh bơ: “Họ còn lịch sự với ông đấy. Bởi ông có đủ thứ: giải thưởng, uy tín, tiếng tăm,… còn họ không gì cả. Chớ dại mà kêu than!”. Bức thư ngắn làm tôi hoát ngộ. Ông đúng!
Vô số cụm từ như: “phản động”, “văn chương khiêu dâm đồi trụy”, “vô ơn với quá khứ”, “phá bỏ bản thể dân tộc Việt Nam”, “bôi nhọ và tẩy chay các hội đoàn Chăm”, “hàm ý sâu xa, kích động”, “cùng trường phái với thế lực công an”, “tôn vinh đảng và nhà nước”, “dân tộc thiểu số viết tiếng Việt chưa nên thân”, “ngạo mạn”, “tưởng mình là nhà thơ hàng đầu”,… vân vân. Hãy xem chúng như mấy hạt bụi trên hành lí mi. Không vì thế mà hành lí mi nặng thêm nên, chớ mất thời giờ phủi chúng – vô ích.
Nietzsche:
Đừng cất tay chống lại bọn chúng.
Bọn chúng nhiều vô số kể và vận mệnh của mi không phải làm kẻ đuổi ruồi.
Vài tháng trước, tôi nghĩ đó là châm ngôn khả dĩ nhất, nhưng không. Tôi đã nhầm. Từ thẳm sâu, có tiếng thì thầm khác rót vào tai tôi: kẻ xuyên tạc mi không nhiều như mi nghĩ đâu. Ví dụ làm Tuyển hậu hiện đại, chỉ có 2 người bác, 1 thì bỏ phiếu trắng, có đến 29 vị ủng hộ mà! Hãy suy tư tích cực, câu chuyện hoàn toàn chuyển sang hướng khác.
Đúng, quanh tôi có bao nhiêu là bằng hữu. Bằng hữu đúng nghĩa. Chứ không là đồ đệ, không là FAN hâm mộ, càng không là kẻ theo hùa.
Định mệnh của kẻ sáng tạo là cô đơn. Hắn không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không sợ cô lập. Hắn yêu nỗi cô đơn như là yêu quê hương mình, ngôi nhà vĩnh cửu mà định mệnh dành cho hắn.
*
Một nhà thơ dân tộc thiểu số trả lời báo mạng, với cái sapô của phóng viên cho anh là “nhà thơ dân tộc nổi tiếng nhất”. Anh im lặng, như thể nhận vơ cái nỗi “nổi tiếng nhất ấy”. Không biết nên cười hay khóc, vui hay buồn nữa. Tại sao phải phân nhất nhì ở đây? Và làm thế nào để biết là nhất hay nhì, hoặc ba?
Trong cộng đồng Chăm, ai cho tôi có công nhất hay trí thức hàng đầu, tôi gạt phăng. Nhà báo thì ưa làm thế để câu khách. Nhưng là nhà văn, anh phải vượt lên chúng. Không ít phóng viên cho tôi “nhà thơ đại biểu dân tộc Chăm”, tôi chỉnh ngay: sai. Nhà thơ không đại biểu cho ai cả đâu!
Khi ta còn để tâm mấy cái ngoài rìa, ta chưa thể “lớn” được. Ta càng không thể chuyên nghiệp được. Tôi rất khoái được như Faulkner: ông thoát khỏi khí quyển sinh hoạt văn chương của New York, Washington. Sống miền quê yên tĩnh, ông sáng tạo. Phiêu bồng, nhẹ nhõm. Không cần biết nơi kinh đô ánh sáng Paris, Sartre đã viết về ông thế nào. Không như Camus sống chung thành phố với Sartre, để tự vệ, ông đã phải viết bác lại. Từ đó tình bạn hai người bị đổ vỡ, cho đến khi ông chết do tai nạn xe hơi vài năm sau đó. Thương!
Sartre phê bình The sound and the Fury đầy lệch lạc, Faulkner không trả lời. Nửa thế kỉ sau, thế giới đọc và học Âm thanh và cuồng nộ, chứ có ma nào nhớ bài phê bình kia của Sartre đâu! Hai nhà văn lớn này tự bao giờ mãi mãi là người dưng nước lã.
Ngược lại, Sartre và Camus từng là chiến hữu, cũng lớn. Khi bị Sartre xuyên tạc, Camus đã lời qua tiếng lại, qua đó hai ông từ bạn biến thành thù.
Có ba người quen biết (gọi là bạn cũng được) viết rất tiêu cực về tôi, qua kinh nghiệm học được từ Camus, tôi không trả lời. Que sera, sera Biết ra sao ngày sau? Ngày mai, họ có còn thân mật với tôi nữa hay không, ai hiểu được? Nhưng tôi chọn lựa IM LẶNG.
Học biết nói đã khó. Học biết im lặng thì khó ngàn lần hơn.
*
Xưa, tôi rất thành kiến với mấy bài/ tập phê bình. Đọc Dos, Camus, Char,… tôi đọc hệ thống. Nghĩa là tìm đọc trọn vẹn tác phẩm của chính họ, và tự tìm nhận định cho riêng mình. Sau khi bất ngờ đọc Thời của kẻ giết người, Miller phê bình và giải mã Rimbaud (Nguyễn Hữu Hiệu dịch), tôi mới vỡ ra nhiều điều về phê bình. Hay Gide viết về Dos. Đó là những cuốn sách của thiên tài viết về thiên tài.
Ở bề khác, tôi rất khoái nhà phê bình Hoài Nam, khi anh hiểu lầm tôi. Anh từ quan điểm tiểu thuyết của Kundera phê bình Chân dung Cát thiếu tính phiêu lưu, qua đó thiếu tính bất khả đoán. Khoái Hà văn Thùy (từ quan niệm văn học hiện thực), khi anh đặt câu hỏi với tôi về cụm từ “loài rắn hổ mang biển” trong Lễ tẩy trần tháng Tư: tại sao một sinh vật không có thực lại dám viết? Khoái, bởi họ có thể sai nhưng họ rõ ràng, sòng phẳng và nhất là, từ chính văn chương chứ không có cái gì ngoài văn chương.
Thuở nhỏ, khi nghe karen karang các bà nhà quê chửi nhau, bạn bè tôi hãy réo nhau chạy đi xem. Tôi, không bao giờ. Tôi không nhu cầu đọc chuyện các nhà văn cãi nhau, nói chi đến mấy trò tố cáo nhau vụn vặt, bậy bạ. Hãy dành nó cho những kẻ tò mò tọc mạch.
Tôi nói với cánh trẻ: Hãy nâng hồn mình lên cao. Hãy đọc những cuốn sách hay, tư tưởng lớn. Tinh lọc và thu nhiếp tinh hoa của trời đất. Một tâm hồn nhơ bẩn thì nhìn thấy cái gì cũng nhơ bẩn. Một con người không nâng hồn lên khỏi những vụn vặt thì không bao giờ lớn. Một nhà văn vẫn còn vướng bận vào cãi cọ vụn vặt, anh/ chị ta mãi mãi ở lại với tâm thế nghiệp dư.
Xalam Sara,
Bạn rất chí lý và xữ sự đúng cách. Ko nên phí thì giờ cho những chuyện nhãm nhí, ganh tị nhỏ mọn. Hãy dành thời giờ cho việc sáng tác thơ bằng tiếng Chăm vì các thế hệ con cháu Chăm sau nầy có thể học tiếng Chăm qua các bài thơ đó.
Mình rất thích thú khi đọc cuốn tiểu thuyết Chân Dung Cát của bạn. Nó giúp mình thêm tài liệu và dử kiện để chứng minh với những người Chăm ở những miền khác rằng chúng ta cùng 1 ông cha mà ra cả. Bởi vì những từ ngữ Chăm, điển tích, chuyện xưa mà bạn dùng cũng đang được xử dụng bởi Chăm Châu Đốc và Tây Ninh, chỉ khác nhau ở chổ phát âm mà thôi. Sau cuốn tiểu thuyết này, hy vong sẽ có thêm 1 ít người Chăm biết tìm về cội nguồn cách xa.
Hãy quên đi những lời phê bình ác nghiệt bởi vì chính bạn đã tạo ra môi trường cho những bài phê bình ko nương tay đó. Tại bạn suy nghĩ quá cao và cứ tưởng đọc giả hiểu hết ý nghĩ của bạn. Lấy thí vụ, có người phê bình là lời văn của bạn đầy những ý nghĩ dâm đảng và bịnh hoạn. Theo mình nghĩ bạn muốn cho người đọc biết bạn là người có ý chí rất cứng rắn ko bị dục vọng lôi kéo. Cửa nhà đã mở và trước lời mời chào mà bạn vẫn nhất quyết ko vào. Trên đời nầy khó mấy ai tránh được cám dổ của nhục dục, cho nên khi bạn ko bị vấp ngã bởi nó, bạn cãm thấy là mình đã bước qua đựơc sự giới hạn mãnh liệt của 1 con người đời thừơng. Đọc giả của bạn nếu họ chưa bị thử thách bởi dục vọng thì khó mà họ hiểu bạn muốn nói cái gì, và bảo đãm là 99% sẽ phạn ngay 1 câu “thằng cha viết văn tục tiểu.” Thôi ko phai quan tâm đến nó nữa. Bạn hãy còn có vô số những sáng tác khác để đời kia mà. Vã lại bạn hãy còn đang sống xờ xờ và đó có nghĩa là bạn sẽ còn đang tiếp tục viết nữa phải ko?
Thôi phải dừng bút ở đây. Thú thật mình muốn viết 1 bài nhận xét về Chân Dung Cát nhưng cứ lần lừa mãi mà chưa lấy được 1 dòng nào cả. Vã lại cũng do bản thân ko được khoẽ lắm. Tuổi chưa cao mà đầu óc đã mau quên. Đọc trước quên sau và ngồi lâu cũng ko ổn. Thôi lại hẹn khi khác vậy.
Likau kajap kro!
RTE
T.B. Mình it khi viet lắm. Nếu bạn thấy mình viết vớ vẫn buồn cười thì xin đừng đăng lên để tránh bị thiên hạ cười chê là làm trò hề.