Văn hóa Champa, sau hai trăm năm không được vun xới, bồi đắp đã lụi tàn rất nhanh, bởi sự vô tình của thời gian và cả vô tâm của con người. Dù từ hơn trăm năm nay, nhận thấy nguy cơ tiêu vong của nền văn hóa ấy, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đã đổ công sức, trí tuệ vào việc phục dựng khuôn mặt của nó, nhưng các thành tựu đạt được vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế yêu cầu. Vẫn còn rất nhiều lĩnh vực đang thả nổi, nhất là văn hóa phi vật thể.
Thử đề cập vài vấn đề nổi bật hơn cả.
Về văn chương và ngôn ngữ. Sau những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu, độc giả phần nào nhận biết nền nền văn học cổ Chăm, cả văn học dân gian lẫn văn học viết. Nhưng nền văn học của một dân tộc có chữ viết sớm nhất Đông Nam Á được trình bày như thế đã đủ chưa? Tại sao mãi hôm nay, văn học sử Việt Nam vẫn chưa có chương nào về nó? Văn học dân tộc không chỉ ở các tác phẩm bác học chép tay sót lại, mà hệ trọng hơn là các sáng tác dân gian. Các loại sáng tác này đang chết trong lòng quần chúng Chăm. Thế hệ trẻ không còn thiết nghe kể câu chuyện cổ. Cụ già thất thập kể truyện cổ Pháp mà cứ đinh ninh nó là của dân tộc mình, là chuyện thường tình. Rồi hàng mấy trăm damnưy tụng ca – cư trú giữa sáng tác bình dân lẫn bác học – được hát trong các lễ hội nữa, ai quan tâm tới chúng?
Và đâu là sáng tác mới bằng tiếng dân tộc? Đâu là đất cho các cây bút mới mọc lên? Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm mang tên Tagalau qua 9 số, phần tiếng Chăm chiếm số lượng rất ít. Tuyển tập này còn sống lây lắt cũng nhờ thiện chí của vài trí thức Chăm. Cơ quan chức năng hoàn toàn bàng quan với sự có mặt của nó.
Phía tập thể, ba cuốn Từ điển song ngữ Chăm – Việt ra đời, đã góp phần thiết thực vào nghiên cứu và bảo tồn ngôn ngữ Chăm. Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận đã làm được nhiều việc: soạn sách Ngữ văn Chăm cấp I, sách giáo viên. Quan trọng hơn, họ đã đào tạo được trên năm trăm giáo sinh, non mươi ngàn em học sinh Chăm biết đọc và viết chữ Chăm. Tuy nhiên, vốn kiến thức chữ Chăm các em được trang bị đã không còn phát huy tác dụng sau đó, bởi không có sách đọc thêm. Thế hệ Chăm hôm nay nói tiếng mẹ đẻ độn tiếng phổ thông đến hơn phân nửa.
Nói chuyện nhân Kỉ niệm 30 năm Ban biên soạn, tôi nhấn việc thầy dạy học sinh tiếng cauh bilaung, nhưng vừa bước khỏi lớp học, cả thấy lẫn trò đều đi xem bóng đá! Nghiên cứu ngôn ngữ mang tính hàn lâm hay sách vở nhà trường mà chi, nếu ngôn ngữ sống của dân tộc đó đang bị lai tạp và lụi tàn. Vậy, đâu là lối thoát?
Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm – Ninh Thuận thành lập từ năm 1993, mang chức năng to lớn đúng như tên gọi của nó. Tiếc rằng sau mười lăm năm, Trung tâm chưa trình ra các công trình nghiên cứu đáng kể và nhất là, chưa có hành động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Câu hỏi đơn giản: tại sao mãi đến hôm nay, Trung tâm vẫn chưa có tạp chí của riêng mình?
Về kiến trúc và điêu khắc. Dù các khám phá và công bố về mảng này là thành tựu sớm và quan trọng nhất về nghiên cứu văn hóa Champa, nhưng đến hôm nay bức màn bí ẩn về xây dựng tháp vẫn còn là nằm trong nỗi bí ẩn chưa được khai vỡ. Từ đó các phương thức phục chế hay trùng tu chưa thể đáp ứng đúng thực tế yêu cầu. Nó tạo dị ứng cho không ít nhà nghiên cứu lẫn kẻ thưởng ngọan. Bên cạnh không ít khu di tích còn bỏ mặc cho hoang phế, trong đó khu di tích Đồng Dương là rất điển hình. Vài chục năm qua, các họa sĩ và điêu khắc gia Chăm vẫn chưa đóng góp gì nhiều vào bảo tồn và giới thiệu nền mĩ thuật dân tộc ra thế giới.
Về ca – múa – nhạc. Đây là mảng đề tài thu hút lực lượng hoạt động đông đảo nhất, thời gian qua. Từ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Amư Nhân cho đến các nghệ nhân Chăm lớn tuổi như Thạch Tìm, Trượng Tốn, họ đã có đóng góp không nhỏ vào việc biểu diễn cũng như truyền dạy kĩ năng cho thế hệ sau. Từ Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm – Ninh thuận thành lập năm 1993, với hai mươi lăm diễn viên trong đó nổi bật qua nhiều thời điểm khác nhau đến Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, thành lập năm 1989 gồm hai mươi diễn viên không chuyên, tất cả đã có đóng góp nhất định vào việc giới thiệu ca – múa – nhạc Chăm đến với quần chúng Chăm lẫn thế giới bên ngoài.
Có thể nói hoạt động ca – múa – nhạc mang tính thực tiễn cao hơn cả trong các lãnh vực văn hóa Chăm. Các điệu múa dân gian thể hiện bằng tên gọi các điệu trống Ginơng, từ điệu Biyen, Tiaung, Wah Gaiy,… cho đến điệu Ppo Tang Ahauk, từ việc sử dụng đạo cụ gồm quạt, khăn, lu, roi, kiếm… tất cả đều được các nghệ nhân Chăm rút tỉa từ hàng trăm lễ hội rồi đưa lên sân khấu trình diễn, rất thành công. Cạnh đó, các điệu do Đặng Hùng lấy cảm hứng từ các thao tác của những tác phẩm điêu khắc Champa xưa, “giải mã” chúng, rút tỉa và tổng hợp được tám thế tay và bốn thế chân, tạo thành “Múa cung đình”, dù gặp phải vài phản ứng, nhưng sau đó chúng đã chinh phục đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Thế nhưng, ngoài nghệ sĩ chuyên nghiệp Đặng Hùng, hầu hết các nghệ nhân không chuyên Chăm sau vài thành công cấp thời ấy, đang biểu hiện không ít sự bắt chước gượng gạo, tiếp nhận sai lệch hay sáng tạo tùy tiện. Mươi năm qua, nét độc đáo cũ đang mang nguy cơ của sự lặp lại. Đâu là đặc trưng ca – múa – nhạc Chăm như là Chăm? Do tác động của thông tin hiện đại, chuyện không ít bà mẹ Chăm hát “dân ca” theo Đoàn bán chuyên không phải là hiếm. Vậy làm thế nào để hiện đại mà vẫn truyền thống? Tại sao mãi đến hôm nay chưa có tác phẩm nghiên cứu để giúp người đọc nhận diện toàn cảnh nền ca – múa – nhạc Chăm lâu nay người ta cứ nghĩ nó lớn lắm! Còn nó lớn ra sao, đâu là nguồn gốc của nó, và nó có ảnh hưởng thế nào đến âm nhạc Việt? Các cơ quan và những người có trách nhiệm đã khi nào đặt ra cho mình câu hỏi này chưa?
Về ngành nghề truyền thống. Hiện nay người Chăm có hai nghề được biết đến: thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc. Bên cạnh vài công trình và bài nghiên cứu nghiêm túc về làng nghề Chăm, gốm Bàu Trúc tưởng thất truyền cũng đã khởi sắc từ vài năm qua. Người ta nhìn thấy tại làng đó cả lối làm theo cổ truyền lẫn sự “học hỏi” vài thao tác và kiểu dáng mới. Cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm Chăm ở Ninh Thuận cũng tạo sự chú ý đặc biệt. Công ty dệt Inrahani ra đời, vừa sưu tầm lưu giữ hàng trăm hoa văn và sản phẩm cổ truyền, đồng thời cũng đã sáng tạo nhiều mẫu mã mới, mang lại sự nhộn nhịp cho thị trường thổ cẩm. Ở một mức độ nào đó, thổ cẩm Chăm đã trở thành một mặt hàng. Nhưng chính các “mặt hàng thị trường” này đang làm hại tay nghề cổ truyền. Tại nhà trưng bày Làng nghề gốm Bàu Trúc được Nhà nước đầu tư tiền tỉ, gốm truyền thống nằm một góc rất khuất, còn số lượng của chúng chiếm tỉ lệ chưa tới năm phần trăm! Dăm mươi năm nữa, gốm Bàu Trúc sẽ ra sao, ai biết được.
Nhưng một nền văn hóa có bề dày truyền thống như Chăm chỉ có thế thôi sao? Đâu là y học và dược học cổ truyền Chăm? Thiên văn học và tổ chức hành chính ngày xưa? Các tên tuổi đã có nỗ lực lớn, nhưng toàn cảnh nền văn hóa Chăm mãi hôm nay vẫn có mặt như những mảnh vụn chắp vá. Hơn nữa, các chắp vá này lại không đến được tay chủ nhân đã tạo dựng và đang lưu trì nó. Các công trình nghiên cứu hiếm khi đến tay đồng bào, chúng càng không được dạy trong các trường Trung học có con em Chăm. Ngay Bảo tàng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, bà con Chăm cũng hiếm có cơ hội tiếp cận, nói chi Bảo tàng dân tộc trong đó có mảnh đất dành trưng bày sản phẩm văn hóa Chăm ở tít Hà Nội, Chăm hoàn toàn không có điều kiện đến thưởng ngoạn, “nghiên cứu”. Trong tình hình chung đó, Nhà trưng bày văn hóa Chăm INRA của nhà thơ Inrasara tại làng Mỹ Nghiệp tỉnh Ninh Thuận chỉ là một cựa quậy vô vọng.
Chúng ta đã nói quá nhiều về tiềm lực, – tiềm lực còn ngủ yên (ý thơ Nguyễn Duy). Văn hóa Chăm là một nền văn hóa độc đáo làm giàu thêm sắc thái của văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Nhưng nền văn hóa ấy đang bị thất tán, mai một. Chủ nhân khi xưa của nó phần thì thiếu điều kiện bảo tồn phần lại không còn mặn mà với di sản cha ông. Như vậy, phục dựng văn hóa Chăm được đặt ra với chúng ta hôm nay, không chỉ là một thái độ ứng xử văn hóa để làm phong phú nền văn hóa dân tộc mà còn là một khả năng đánh thức tiềm lực – tiềm lực kinh tế to lớn!
Sài Gòn, 9-11-2008.
*
Tạp chí Tia sáng, 20-11-2008.