Trần Can: Văn 13 – Ma Hời …

Ngôn ngữ được dùng như thói quen, và đôi khi lạ lùng vì cách diễn tả trở nên phong phú mà thói quen ấy mang lại. Ta gọi đất nước Champa, nhưng lại gọi tháp Chàm, xây lên những tháp Chàm kì vĩ lại là người Chăm, và người Chăm xưa khi chết đi lại biến thành ma Hời.
“Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (Chế Lan Viên)
Không biết từ ma Hời xuất hiện từ bao giờ, nhưng rõ ràng nó mang một âm hưởng rất huyền bí. Có lẽ trong đó hàm chứa cả sự oan khuất tủi hờn, không siêu thoát được của những vong linh xưa xa khuất.

Di tích đền tháp Chăm thì nhiều, nhưng chỉ riêng vùng Qui Nhơn – Bình Định là còn lưu truyền khá nhiều những huyền thoại thực- hư về ma Hời và vàng Hời. Chẳng ai thấy cả, nhưng người ta vẫn thêu dệt những chuyện huyền hoặc quanh nó, khiến từ Ma Hời càng thêm huyền bí.
Thật bất ngờ, ma Hời sống lại trong bài thơ Tân hình thức của Sara. Mang theo hơi thở mới, ma Hời đi xuyên suốt từ quá khứ mù mịt đến thẳng hiện tại chẳng sáng sủa gì hơn. Ta thử ngắt lại một đoạn câu chữ trong bài thơ:

MA HỜI

vất vưởng ở đường biên đêm và
ngày những con ma hời giữa sống
và chết sự thật và huyền thoại mù
mờ lồ lộ trên lằn ranh vắng

mặt và có mặt những con ma
hời tưởng đã mất hôm qua
vẫn còn hôm nay lầm lụi giữa
quen và lạ xa lánh hay gọi
mời…

và sắp xếp theo một trật tự khác:

MA HỜI
vất vưởng trên đường biên
đêm và ngày
những con ma Hời
giữa sống và chết
sự thật và huyền thoại
mù mờ lồ lộ trên lằn ranh
vắng mặt và có mặt
những con ma Hời tưởng đã mất hôm qua
vẫn còn hôm nay
lầm lụi giữa quen và lạ
xa lánh hay gọi mời

Bài thơ rất hay dù trình bày dưới thủ pháp nghệ thuật tân hình thức hay viết lại theo lối thơ tự do, ý tưởng ẩn dụ của bài thơ đã được thủ pháp nghệ thuật nâng lên, ma vừa là ma vừa không còn là ma, ma cũng là người và người cũng chẳng khác chi ma. Vẫn vật vờ giữa lằn ranh giữa thực và mộng. Giữa quá khứ với hiện tại. Giữa khổ đau và chua xót. Giữa phận người với phận ma dường như ranh giới đã xóa nhoà, không còn vết dấu.Ta là ma, ta đã chết từ tiền kiếp xa xăm, hồn phách trôi vật vờ theo lịch sử và hôm nay ta vẫn chết, ta chưa thành người và ta chưa thành ma, ta không lên thiên đường và không xuống địa ngục, ta không sống và không chết. Ta là Ma Hời!
Trở lại những câu chuyện ma Hời còn lưu truyền ở xứ Qui Nhơn, nào là Tháp Bình Lâm có tiếng là nhiều ma, dân địa phương gọi là ma vàng Hời, vì ma hiện lên đa phần tỏa ánh sáng vàng lóng lánh, nào là bầy gà vàng chuyên đi quanh Tháp vào những đêm trăng cô tịch, nào là người nào đào được vàng Hời sẽ tán gia bại sản hoặc chết bất đắc kì tử. Chỉ là huyền thoại…
Nhưng những người nông dân ở xứ sở có nhiều huyền thoại ma Hời ấy lại có một câu ca rất thực:

Lên thăm hòn Phốc Lốc
Non cao đường dốc
Em nghĩ thương dân tộc Chiêm
Gặp cơn biển nổi dâu chìm
Đã không tài vá khuyết, lại không chim lấp thù
Tháp đành ôm hận ngàn thu
Nấu nung vàng đã, mịt mù khói mây
Nhưng trời còn đấy, đất cũng còn đây
Lẽ đâu trục đất lại không vần xoay cơ trời
?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *