Phát biểu tại Càphê Sách về Thời hoàng kim của Vương Tiểu Ba, Lê Thanh Dũng dịch,
NXB Văn học, 2008.
Công ty sách Phương Nam, Sài Gòn, 28-3-2008.
Thời hoàng kim của Vương Tiểu Ba đẩy người đọc rơi vào một xã hội man khai hiện đại. Vừa giả tạo vừa phi nhân.
Chúng bắt đầu từ nhận thức “sáng suốt” của “lãnh đạo” đội trưởng.
“Ông đội trưởng hay quát chúng tôi: chúng mày là đồ súc sinh, cứ cho một chày thì mới tử tế được. Theo logic của ông, cái thứ đo đỏ dài một gang trên người tôi là hóa thân của mọi tội ác” (trang 12).
Lãnh đạo tuyên có tội ác, thế là có tội ác. Lãnh đạo bảo mầy lăng nhăng thì đích thị trong mầy tồn tại sự lăng nhăng. Bi kịch của Vương Nhị và Trần Thanh Dương xảy ra từ/ qua đó. Họ không hiểu gì cả. Không hiểu tội là gì? Chẳng hiểu thế nào là lăng nhăng? Tại sao người ta đẩy họ lên xứ Vân Nam khỉ ho cò gáy này? Bị bắt lên sân khấu đấu tố này? Tại sao họ kết án cô lăng nhăng rồi bảo cô không lăng nhăng? Ghi hồ sơ rồi rút hồ sơ? (trang 59).
“Cuộc đời là một quá trình bị đập bằng chày một cách chậm chạp” (trang 13). Đập ngay vào bản năng sống của con người.
Đập bởi “lãnh đạo” chỉ biết hành động theo cơ chế. “Lãnh đạo” đội trưởng đập và kêu gọi quần chúng cùng đập, bằng kiểm điểm và đấu tố, bằng “mở hội nghị phê phán” và cả “biện pháp chuyên chính”. Nhân phẩm con người trở thành trò hề mua vui. Chuyện riêng tư của hai người bị phơi bày trên sân khấu, cặp này rồi cặp khác, như thể một trò diễn. Và không sai: bởi sau đó là các màn biểu diễn văn nghệ.
Và kiểm điểm. Chỉ có xã hội hiện đại mới bày ra nổi trò kiểm điểm đạo đức giả man rợ này. Sinh hoạt dục tính mà chúng ra sức chống nó nhân danh đạo đức, chính chúng buộc kẻ “phạm tội” phô ra đầy đủ chi tiết trước mắt chúng trên giấy trắng mực đen. Vẫn còn chưa đủ! “Tôi đã để rất nhiều thời gian viết kiểm điểm nhưng lãnh đạo bảo kiểm điểm chưa triệt để, phải viết tiếp. Cho nên tôi nghĩ nửa cuối cuộc đời tôi sẽ sống trong kiểm điểm” (trang 62).
Có thể nói, nếu F. Kafka cười cợt sự hãnh tiến ngu ngốc của “lãnh đạo”, của “trên” đẫm tính triết lí, hay G. Orwell buông ra tiếng cười chua chát đầy cảnh tỉnh thì trong Thời hoàng kim, văn chương của Vương Tiểu Ba là thứ đùa dai. Đùa đủ kiểu, đủ hình thái:
“Đã hai lần tôi dùng từ “lãnh đạo”, nhưng tôi không biết là danh từ hay động từ. Chữ lãnh đạo làm cho tôi nghĩ đến một bộ mặt sắp sửa lên giọng quan cách, bộ mặt ấy cũng làm tôi liên tưởng đến cái mông của con trâu mộng. Bộ mặt ấy đến hội trường, nhấp một ngụm trà, dọn giọng…” (tr.249).
Với quần chúng, “lãnh đạo không muốn”, “lãnh đạo không ưng”, “lãnh đạo cấm” thì phải chịu, phải rán mà nhịn. “Còn đối với người thông minh lãnh đạo cũng phải đề phòng phạm pháp” (tr.281) bằng cánh khống chế “cho người đi đe trước”, hoặc bằng cách buộc ông phải nói trại đi tư tưởng của ông. Như lối diễn tả phương trình toán học là một cách! (tr. 283). Đó là các “vấn đề của lãnh đạo”, kẻ khôn ngoan giảo hoạt cần “nghiên cứu” tâm lí lãnh đạo để lãnh đạo còn bố trí ban ơn cho cái này cái nọ. Nhưng dù gì thì gì, nếu ông sai ý lãnh đạo, lãnh đạo bảo chết thì phải chết. Nhưng “chết thế nào là do lãnh đạo sắp xếp”, chỉ đạo nữa, chứ ông đâu có quyền “tự do” chết!
Từ sự vụ tất cả đều do “trên” quyết, nên tất cả sống trong nỗi tính toán đầy sợ hãi.
“Câu chuyện li kì ở chỗ, thời trẻ ông đã liều cả thân mình để chứng minh rằng mình là người thông minh, về già lại giả ngu ngốc, mâu thuẫn vậy đó. Nhưng đó là điều thú vị nhất để làm người Trung Quốc” (tr.271).
Vẫn chưa đủ, “một người Trung Quốc, muốn giả ngu giả dại thì không được lơi lỏng chút nào, phải giả vờ cho đến lúc chết. Tốt nhất là chết đi rồi vẫn phải tiếp tục giả vờ” (tr.272).
Tuyệt chiêu là vậy!
Đùa dai đến thế là cùng. Đùa lãnh đạo, đùa quần chúng ngu ngốc và đùa chính ông. “Tôi là thằng lưu manh” lặp đi lặp lại suốt truyện. Đây là lối viết hậu hiện đại: giải thiêng mọi sự việc mang bộ mặt nghiêm nghị, trịnh trọng. Bằng cách đùa cợt vào những đại tự sự…
Một xã hội đầy rẫy điều trớ trêu với những lố bịch phơi bày ra trước chúng ta, làm ta thương cảm cho quần chúng thấp cổ bé họng đã phải chịu đựng bao trớ trêu ấy. Ông phê phán trực diên cái bỉ ổi, nhưng văn ông không bỉ ổi; ông đả kích sâu cay cơ chế đã tạo ra tập thể đó nhưng tình ông không độc địa phi nhân. Ông làm ta cười ngất qua lối đùa nghịch của ông. Ta nhìn xung quanh và ta nhìn lại thân ta.
Đọc Thời hoàng kim, những kẻ ưa làm oai làm khí phải e dè, tinh thần khoái nhân danh này nọ phải kiêng sợ, cá nhân thích làm anh hùng dân tộc hay lãnh đạo nhân loại phải chùn bước. Nhưng những kẻ mắc mấy thứ bệnh này làm gì chịu đọc. Thế mới khổ, mới gọi là đời!
Sài Gòn, tháng 3-2008.