hay Inrasara nhà văn, nhà văn hoá Chăm đương đại.
kịch bản phim – VTV3
1. Mười năm trước trên thi đàn Việt nổi lên một cái tên lạ, lúc đầu còn khiêm tốn, càng về sau càng sáng, rồi rực rỡ hẳn lên, và bây giờ phóng chiếu hẳn ra ngoài biên cương, rạng ngời trên tao đàn Đông Nam Á. Đó là Inrasara. Biên độ hoạt động của ông rất rộng không chỉ trong lĩnh vực thơ mà còn lan toả sang việc viết tiểu thuyết, truyện ngắn, lý luận phê bình, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ chăm, và cả dịch thuật nữa.
Nhà thơ Inrasrara tên khai sinh là Phú Trạm, ra đời tại làng Chăm Chakleng – Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Trước và trong khi làm thơ, ông đã làm đủ nghề để kiếm sống và quan trọng hơn là để trải nghiệm cuộc sống. Ông làm ruộng, trồng nho, đứng quán càphê, đi buôn lẻ, thú y, dạy học, chào hàng thổ cẩm… xen kẽ đó là những chuyến đi điền dã, lần mò tiếp cận, xục xạo và gom góp sưu tầm tài liệu văn học Chăm cổ, khai quật những “nghĩa trang chôn xác chữ” với một khát vọng mãnh liệt là tái sinh lại nền văn hoá Chăm, một hữu thể đã sinh thành, nuôi dưỡng tâm hồn của một nhà thơ quá nhạy cảm.
Trong chuỗi bài thơ có tên Những ngày rỗng Inrasara tự sự:
… Sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần.
Như trước đó cha tôi sinh hay trước nữa
ông tôi sinh, lớn và chết
như Phan Rang nắng ngàn năm xưa sang triệu kiếp sau
đứa con tôi sẽ nơi đâu?
Gục ngã ở Phan Rang 7 lần, gượng đứng dậy hơn 7 lần.
Sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần.
Sao không 600 năm trước hay 700 năm sau ôi Phan Rang?
Sống chỉ 1 lần.
Dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần.
Sinh ra và chết ôi Phan Rang chỉ 1 lần.
Lời kể đã nói rất rõ một điều là Inrasara da diết vô cùng với vùng đất Chăm sinh thành, và tất cả những gì anh đã nghĩ, đã làm, đã cống hiến cả đời là chỉ nhằm vào một mục tiêu duy nhất: phục hưng lại nền văn hoá Chăm. Cuống rốn nối liền giữa anh với vùng quê cha đất tổ, với cõi tâm linh của cả một dân tộc đang đứng trước bờ vực của sự lãng quên của thời gian và của ký ức nhân loại. Cuống rốn ấy đến giờ khắc này là vẫn chưa thể đứt lìa.
2. Inrasara – nhà thơ
Không ít bạn trách tôi mất thì giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lắm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người.
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!
Hành trình đi tìm cội nguồn dân tộc của Inrasara cũng là hành trình sinh thành thơ của anh. Làm thơ từ lâu nhưng đến năm 40 tuổi, anh mới có được đứa con thơ đầu tiên là tập thơ Tháp nắng (thơ và trường ca,1996) và ngay liền đó nó đã được dư luận chú ý, và khoác vòng nguyệt quế dành cho thơ với Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1997.
Với tập thơ đầu tay mà đã đoạt ngay giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam là một điều hiếm thấy, ngay cả những nhà văn Việt. Nó báo hiệu một tài năng thơ đích thực, có sức bật rất lớn mà vừa chín rộ đã thấy thấp thoáng bóng ở tương lai.Toàn bộ chủ đề của tập Tháp nắng toát lên cái khao khát được tìm thấy một bản sắc Chăm giàu sức tái sinh. Đó có lẽ là sự khao khát của Inrasara trong suốt 40 năm, ngay từ lúc anh mới sinh ra.
Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và tháp bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày.
… Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang
(Tháp nắng)
Các tập thơ tiếp theo vẫn luôn là điều ám ảnh, dáng vẻ quê hương đậm nét hồn Chăm luôn theo đuổi ngòi bút của nhà thơ thường trực một nỗi ưu tư trong tâm khảm. Với nhà thơ Chế Lan Viên cùng tập thơ Điêu tàn, nỗi buồn vẫn có một sự gián cách về tâm thế, thì với Inrasara, nỗi đau tàn lịm của một nền văn hoá là một nổi đau máu thịt:
Tổ tiên góp sức gì vào xuống cấp hôm nay?
Tâm hồn đám hậu duệ khô gạch nung
âm tắc đọng vòm họng dân Quảng 500 năm không chịu mất vết
vẫn đậm mắt buồn tháp hoang
vẫn môi dày, mày rậm, tóc gợn, da ngâm, bắp tay săn chắc.
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)
Nỗi buồn ấy mênh mang, vô định, không thể xác định được đâu là ranh giới của không gian và thời gian:
Gió bay hồn em trầm đáy mắt
Nắng trôi mùa em chìm đất khô
Mỏng mảnh bóng em đi dài trên cát
Chưa hết xuân, đời đã hẹn phía sau đồi
Tôi mang buồn mất em lang bạt phương trời
(“Dáng quê hương”)
Có thể nói trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của mình, Inrasara luôn đau đáu tìm về cội nguồn văn hoá Chăm để khám phá, tìm chất liệu đích thực đã tạo nên giá trị vật thể huy hoàng của văn hoá Chăm quá khứ, để từ đó phục sinh và tạo dựng nên một nền văn hoá Chăm đương đại. Với tập thơ trường ca Lễ tẩy trần tháng Tư (2002, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và Giải ASEAN 2005), có lẽ Inrasara đã đạt đến đỉnh cảm xúc và đến được gần cái đích ý tưởng đời mình:
Nắng đã khởi động trên đồi tháng tư
Khởi động sớm hơn nhiều thế kỉ trước
Khi biển còn chưa thức giấc
Sớm hơn cả kí ức của người thầy chủ lễ già
Sớm hơn. Nắng đã khởi động
Nắng cưỡi trên chiếc roi mây vũ sư Ka-ing
Đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên xà nhà
lay dậy tiếng gà gáy cặp gà trống đêm cuối cùng chờ hiến tế.
(“Lễ trẫy trời tháng tư”)
3. Inrasara – nhà văn
Với Inrasara, hoạt động chữ nghĩa trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thì đấy được xem như là một khoảng nghỉ ngơi tích cực bằng thay đổi công việc. Ông xem đó cũng là cách làm giàu vốn sống và là một phương thức làm đa dạng ngôn ngữ. Với ông có một vài vấn đề, như thơ không thể nói hết trong hình thức cô đọng của mình, thì đến lượt tiểu thuyết sẽ giải quyết. Tất nhiên, việc chuyển thể loại biểu đạt bao giờ cũng là một thử thách đáng kể.
Inrasara quan niệm rằng, tiểu thuyết là kho lưu trữ sinh hoạt một dân tộc trong thời đại nhất định, vừa đứng biệt lập, vừa bổ sung cho thiếu hụt của lịch sử. Với tư cách là một thể loại nghệ thuật đương đại, tiểu thuyết đang chuyển mình một cách mạnh mẽ, đặc biệt là ở hình thức thể hiện. Ở đó, cá nhân, cộng đồng kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động đầy riêng tư trước vấn đề cụ mà thế giới đặt ra cho mình, cộng đồng mình. Việc tự thể hiện một cách chính xác và mạnh mẽ, thì cá nhân và cộng đồng đó đã tích cực góp phần cho nhân loại.
Mang ý thức như thế, Inrasara đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Chân dung Cát ròng rã 15 năm trời qua nhiều lần sửa đổi. Với cấu trúc hậu hiện đại (postmodernism), rõ ràng Inrasara đang cố gắng “nói bằng giọng khác đi những vấn đề đã cũ”.
Đọc Chân dung Cát, có thể bắt gặp sắc thái mới mẻ của ngôn từ, hình ảnh, và những khái quát đời sống. Không còn cái lối kể chuyện đơn tuyến theo tiến trình thời gian: tính cách, thân phận… Tính khoảnh khắc bằng thủ pháp cắt dán đã tạo ra cấu trúc độc đáo của tác phẩm.
Chân dung Cát hay có thể gọi là chân dung Chăm, đã dựng lên khuôn mặt tinh thần Chăm đương đại, mà qua đó người ta có thể hình dung một đời sống Chăm hiện tại khắc nghiệt, phôi pha, nơi xó kẹt thế giới bỏ quên, con người Chăm mạnh mẽ đầy bản tính văn hoá, nhưng buồn đến muốn tìm gò mối lùi đầu vào. Đó là sự tiên nghiệm về một cộng đồng chỉ có thể đứng dậy và tới trước nguỡng cửa tồn vong bằng chính sức sống nội tại của bản thân. Đó cũng chính là bước đi của Chăm hoà nhập với xã hội hiện tại.
4. Inrasara – nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ
Trước khi nổi tiếng với tư cách là nhà thơ qua các tập thơ như Tháp nắng và Lễ tẩy trần tháng Tư, là nhà văn của Chân dung Cát, thì giới nghiên cứu văn học cũng đã biết đến Inrasara với tư cách là tác giả của một bộ sách Văn học Chăm I – khái luận được xuất bản vào năm 1994, và một năm sau nó đã được tặng giải thưởng của Trung tâm nghiên cứu lịch sử và văn minh Đông Dương (CHCPI) thuộc Đại học Sorbonne. Một năm sau, 1996, khi tác phẩm Văn học Chăm II, Trường ca được ông cho xuất bản, thì gần như lập tức, nó được tặng giải thưởng của Hội đồng Dân tộc (Quốc hội khóa IX) dành cho tác phẩm xuất sắc nhất của năm.
Inrasara viết rất khoẻ, kể từ 1995 đến nay, hàng loạt tác phẩm thuộc lĩnh vực nghiên cứu văn học Chăm đã ra đời, có một số còn gắn liền với giải thưởng. Có thể kể như: Văn học dân gian Chăm – tục ngữ, thành ngữ, câu đố (1995), Từ điển Chăm – Việt (viết chung – 1995), Từ điển Việt – Chăm (viết chung – 1996), Các vấn đề văn hoá – xã hội Chăm (tiểu luận, 1999), Văn hoá xã hội Chăm – nghiên cứu và đối thoại (tiểu luận, 2003 – đoạt Giải thưởng của Hội văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003), Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (2005, Giải thưởng sách Việt Nam năm 2005). Ông còn là chủ biên Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm mang tên Tagalau (Bằng lăng) đã xuất bản 7 tập.
Với những gì làm được trong lĩnh vực này, Inrasara đã thể hiện khát vọng khám phá, sáng tạo của mình trong việc nghiên cứu về dân tộc Chăm và văn hoá – văn minh Chăm. Trong bất kỳ tác phẩm nghiên cứu nào, Inrasara cũng tỏ rõ quan điểm: nền văn hoá Việt Nam có thể ví như một vườn hoa muôn sắc hương của 54 dân tộc anh em. Người Chăm muốn góp phần tô thắm vườn hoa chung đó thì trước hết, phải giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng của chính mình, phải đứng vững trên ba chân kiềng bình đẳng đoàn kết giữa dân tộc – bảo tồn bản sắc dân tộc – hội nhập vào cuộc sống mới.
Trong trường ca “Quê hương”, Inrasara từng tha thiết mong muốn:
Ta đi suốt bề dọc, chiều ngang đất nước
Góp tượng nhà mồ, góp sử thi Khan
Vào Mỹ Sơn góp trăm ngọn Tháp Chàm
Ta góp trống đồng, góp thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi
Góp ngàn dòng ca dao, vạn câu tục ngữ
Góp niềm kiêu hãnh chung, góp cả nổi đau riêng
Với Inrasara, việc nghiên cứu nền văn hoá nghệ thuật Chăm cổ, giúp cho anh tự tin hơn trong sáng tác. Anh đã nhiều lần khẳng định rằng văn học Chăm là một nền văn học lớn có nhiều trường ca, sử thi, bi ký, và vô cùng phong phú tục ngữ, ca dao, dân ca… Nền văn học ấy đã bị đứt quãng mất hai thế kỷ và chính ông đã ra sức để tiếp nối. Ông rất mừng là con đường ông đi không đơn độc. Đang có một thế hệ Chăm mới tập trung chú ý nhiều hơn đến nền văn học dân tộc nhiều bản sắc này.
5. Inrasara – nhà lí luận phê bình văn học
Ông là một nhà thơ Chăm nhưng hầu hết những tác phẩm của ông đều thể hiện bằng tiếng Việt. Dẫu đó là một sự không hay:
Một sáng thức giấc
Tôi bỗng nghe kinh hoàng khi cảm thấy mình không thể viết được dễ dàng một câu thơ tiếng Chăm nữa
Và tôi đã khóc
nhưng Inrasara đã cố công vượt qua sự tiếc nuối để tôi luyện tiếng Việt, và xem đây là một công cụ chủ yếu phục vụ cho sáng tạo và phổ biến văn hoá – văn học Chăm. Nếu Champa đối với Inrasara không chỉ gợi cảm hứng thi ca, mà còn thôi thúc ông đi tìm hiểu nghiên cứu nền văn hoá ấy đến tận cùng .Với thi ca Việt cũng thế, ông đọc tìm hiểu và nghiên cứu, sáng tác đến độ có thể nói rằng ông đã trở thành một nhà thơ Việt kiệt xuất. Trong quá trình sáng tác, ông đã phát hiện ra một nhiều vấn đề đã kiềm hãm sự phát triển một nền thơ ca đương đại. Tự mổ xẻ chính mình, ông cũng thấy tự thể thơ ca của mình cần phải đổi mới. Vì nó, thơ ông và dòng thơ đương đại đang đầy dẫy những cái nhạt nhẽo, sáo mòn. Việc đổi mới là cần thiết và cần thiết vô cùng là sự dũng cảm của nhà văn. Inrasara trở thành người viết tiểu luận và phê bình, và các bài viết của ông ngày càng gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Chủ đề trọng tâm hầu hết ở các bài tiểu luận đều muốm nói lên một điều: Thơ Việt Nam ngày nay đang phát triển, đã có những hiện tượng thơ, những dòng thơ muốn vượt phá hoặc đang loay hoay tìm đường, cần phải có những nhà phê bình thơ giúp cho người đọc chuẩn bị những tâm thế, kiến thức thẩm mĩ hiện đại để thưởng thức thơ hôm nay một cách trọn vẹn nhất, có thể mới tránh được hiện tượng độc giả quay lưng với thơ đang phổ biến hiện nay.
Những tập tiểu luận – phê bình mới xuất bản Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006), các bài như “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, “Bế tắc trong sáng tạo”,… không chỉ giữ niềm lạc quan về tương lai của thơ mà còn gióng lên hồi chuông mạnh mẽ về trách nhiệm nặng nề của nhà thơ và của xã hội đối với thơ.
Buổi sáng rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
Gánh theo đầu kia 41 inư akhar Chăm KCT,
Đầu này nhúm chữ cái latinh ACB
Nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
Và tôi vui vẻ tắm với chúng.
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)
Phỏng vấn
1. Với trường ca Lễ Tẩy trần tháng Tư nhà thơ muốn nói lên điều gì?
Inrasara: Lễ tẩy trần rất linh thánh với mỗi người Chăm, mỗi làng và cả cộng đồng Chăm: tống khứ cái xấu xa nhơ nhớp ra khỏi plây, tẩy rửa cái cũ cho nó ở lại, đón cái mới vào làng. Tất cả sinh thể lẫn vật thể, tự tác hay được tạo tác. Cả những con chữ, thứ được loài người đẻ ra nhưng lại bị chính họ làm ô uế nhiều nhất. Lễ tẩy trần, chúng ta tắm cho thân xác, linh hồn chúng ta và cả cho ngôi nhà ngôn ngữ của chúng ta nữa! Một lễ linh thánh và đầy tràn hân hoan.
Tuổi nhỏ tôi đã nhiều lần chen lấn xem điệu cuồng vũ (múa đạp lửa) của Ong Ka-ing trước cửa Kajang, được mẹ dẫn qua sông Lu tham gia cuộc tẩy rửa tập thể.
Ở trường ca này, tôi muốn đấy ý nghĩa cuộc lễ lên giai độ mới, cao hơn: tắm rửa cho ý tưởng và nhất là, tắm rửa cho chính con chữ. Bởi nhiệm vụ hàng đầu của nhà thơ là làm mới chữ, gột rửa bụi bặm thời gian của chữ.
2. Với loạt bài “Những ngày rỗng” qua những dòng tự sự chúng ta thấy nhà thơ gắn bó với quê hương máu thịt như thế nào, vậy điều gì đã lôi cuốn nhà thơ xuất thần ra những vần thơ máu thịt như vậy, ví dụ như dòng thơ sau: “Gục ngã ở Phan Rang 7 lần / gượng đứng dậy hơn 7 lần…/ ..sống chỉ một lần / Sống chỉ một lần / Dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần / Sinh ra và chết ôi Phan Rang chỉ một lần”.
Inrasara: Tôi là kẻ say mê ngôn ngữ, cả Chăm lẫn Việt; say mê dân tộc mình. Có thể nói tôi thuộc từng tên con mương nhỏ, ngọn đồi, mô đất, đám ruộng,… Chúng ở trong máu thịt tôi. Tôi chỉ cần lấy hơi thơ-hơi thở là chúng bật ra. Còn chúng có xuất thần hay không thì còn tùy… trời nữa!
3. Với tiểu thuyết đầu tay Chân dung Cát, nhà thơ đã viết ròng rã 15 năm trời có nhiều sửa đổi, nhà thơ cho biết khi chuyển từ viết thơ sang viết tiểu thuyết nhà thơ có gặp phải khó khăn nào không? Với những nhân vật mà nhà thơ khắc họa lên trong cuốn tiểu thuyết Chân dung Cát, phải chăng là những chân dung thực trong đời sống Chăm hiện đại?
Inrasara: Xin nói qua hành trình Chân dung cát. Ban đầu tôi dự định sẽ là bộ tiểu thuyết sử thi 1.500 trang, 9 tập, với cái tít: Con đường vô tận. Tôi viết nó vào buổi tối sau những ngày ngoài ruộng. Xong 2 tập vào năm 1989, rồi ngưng. Năm năm sau, viết lại, tôi thay đổi truyện thành một tiểu thuyết kí sự xã hội, mỗi chương là một mảnh văn hóa Chăm, lấy tên là: Đi tìm chân dung Chăm. Thế rồi, năm 2001, tôi viết nó lần thứ ba, ở hình dạng như chúng ta đang có. Nghĩa là tôi xào xáo cả 2 cách viết hoàn toàn khác hẳn nhau. Các nhân vật và sự kiện lao động và suy nghĩ như tiểu thuyết hư cấu đồng thời như chúng có mặt trong công trình nghiên cứu xã hội học.
Rất nhiều chi tiết thực ngoài đời tôi đưa vào tiểu thuyết, dĩ nhiên qua lò chế biến của thi pháp hậu hiện đại. Những con người hành xử và suy nghĩ như thế, tôi gọi là tín đồ của triết lí hổng chân. Các nhân vật trôi dật dờ giữa mộng và thực, ở đường biên huyễn tưởng và thực tế lôi cuốn tôi kì lạ.
Tôi từng làm bộn việc khác nhau: làm ruộng, trồng nho, đứng quán cà phê, đi buôn lẻ, thú y, dạy học,… Hoạt động chữ nghĩa cũng thế: nghiên cứu ngôn ngữ-văn chương Chăm, dịch, làm thơ, viết tiểu luận-phê bình, truyện ngắn và rồi, tiểu thuyết nữa. Không vấn đề gì cả! Như là một khoảng nghỉ ngơi tích cực bằng thay đổi công việc. Nó làm giàu vốn sống ta, đa dạng ngôn ngữ ta,…Qua đó ta đánh thức tiềm năng ẩn giấu, biết đâu đấy. Vài vấn đề, thơ không thể nói hết trong hình thức cô đọng [ngắn] của mình; tiểu thuyết giải quyết được nó.
4. Trong kho tàng văn hóa Champa, những điều gì đang làm ông luôn đi tìm và phám phá?
Inrasara: Tâm hồn Chăm. Điều sâu thẳm ẩn tàng ở bề dưới nền văn hóa đã bị thất tán suốt nửa ngàn năm ấy. Cái bí mật Chăm ấy. nó hấp dẫn tôi kì lạ.
5. Là một cây bút viết khoẻ và thử sức trong nhiều lĩnh vực: thơ, nghiên cứu, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, viết lý luận phê bình và cả dịch thuật nữa, vậy theo ông, ông tâm đắc với lĩnh vực nào nhất, và xin hỏi thêm: các lĩnh vực này bổ sung cho nhau như thế nào?
Inrasara: Sau Lễ tẩy trần tháng Tư (2002), tôi tắc! Không cách nào cựa quậy được. Thế là tôi bắt đầu tìm đọc tác phẩm bạn văn trẻ. Tôi thấy cuộc văn chương (đúng hơn: thơ) hôm nay rất mực sôi động. Cần có kẻ ghi nhận chúng! Riêng tôi, tôi lập biên bản chúng là cho tôi, vì việc sáng tác của tôi. Qua đó, bên cạnh hiểu mình đang đứng ở đâu, đang rớt lại thế nào trong dòng chảy của thơ ca hôm nay, nó còn tác dụng kích thích tôi dấn tới nữa.
Làm bất cứ cái gì tôi cũng hết mình và, rất khoái. Không phân biệt thơ hay tiểu thuyêt, phê bình hay dịch thuật. Và luôn làm tới nơi tới chốn. Để cuối cùng ngoái nhìn lại: mình cũng có một lượng tác phẩm kha khá trong phòng trưng bày của gia đình.
Và bỏ tất cả chúng ở sau lưng: dấn tới…
6. Dự định sắp tới của Inrasara là gì?
Inrasara: Tôi thường nhận vơ đùa rằng mình là kẻ cư trú ở đường biên: ngoài luồng/ chánh lưu, tiếng Việt/ tiếng Chăm, văn hóa Champa/ Đại Việt, cá nhân/xã hội, nghiên cứu/ sáng tác,…
– Tập tiểu luận-phê bình: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo tập trung vào mọi khía cạnh của vấn đề văn học ngoại vi/trung tâm trong nỗ lực xóa bỏ đường biên kì thị. Tôi đã làm được một nửa, nửa còn lại sẽ giải quyết trong năm nay với tiêu đề: Song thoại với cái mới.
– Bộ tiểu thuyết hơn ngàn trang cũng đang lôi cuốn tôi, nơi ấy tôi đang làm dang dở 2 tập đầu.
– Tagalau – Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm do tôi đứng chủ biên cũng đã trót lọt 7 tập.
– Bộ Tủ sách văn học Chăm 10 tập 5.000 trang cũng đã xong 2 tập; trong lúc tôi tự định mức phải làm xong nó trước năm 2010!
– Và cuối cùng, thơ luôn là công tác được đặt lên hàng đầu của chương trình.
Đọc Inrasara, mới thấy anh nắm bắt hồn của chữ tinh tế đến mức nào. Đề cao anh cũng không tốt vì đôi khi sẽ gây ra những đố kị không cần thiết.Nhưng tôi tin anh đã có chỗ đứng trong trái tim nhiều người bằng tài năng thơ ca đích thực và kiệt xuất của mình.Anh chính là một viên ngọc Chăm tinh tuyền, được kết tụ từ bao đời để bây giờ toả ánh tài năng lấp lánh…
Tôi rất thích khái niệm về làm thơ của anh, dầu không hiểu rõ cho lắm: ” Tôi làm thơ để cãi nhau với bóng của mình..-
và…
” Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
……….”