Tháp nắng quê hương – Phim ca nhạc

Kịch bản: Khánh Vinh, Thơ: Inrasara
Thời lượng: 45 phút
VTV3.

– Chất liệu chính của phim là 7 ca khúc và một điệu múa, những ca khúc và nhạc múa là nhạc dân gian dân tộc Chăm và những sáng tác mới dựa trên chất liệu dân ca dân tộc Chăm.
– Chủ đề phim: Qua những tác phẩm âm nhạc và múa được thể hiện trên nền những cảnh, vật, con người… điển hình của vùng đồng bào dân tộc Chăm sinh sống (Ninh Thuận); phim cho người xem cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của nền âm nhạc nói riêng và văn hóa Chăm nói chung; đồng thời phim cũng cho thấy người Chăm ngày nay, một mặt vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời vẫn vươn lên hòa vào cuộc sống chung của 54 dân tộc anh em trên tổ quốc Việt Nam.
– Nhân vật xuyên suốt của bộ phim là một nhà văn, nhà thơ người Chăm; ông đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng: cái nhìn, cái cảm, cái suy nghĩ của ông chính là bộc lộ những nội dung tư duy tư tưởng của phim gửi đến người thưởng thức.

ĐỀ CƯƠNG

1. Nhà thơ: Khi ông cặm cụi viết trong đêm, khi ông đi dạo trên những con đường thành phố, cạnh những cao ốc cao to; bóng người, bóng xe lướt qua vùn vụt. Ông như tách riêng khỏi khung cảnh chung ồn ào, náo nhiệt. Tâm trí ông đang hướng về một vùng quê xa xôi: những hình ảnh của vùng Ninh Thuận – quê Chăm: bờ biển; ngọn tháp, những đồi cát…những câu thơ vang lên trong đầu ông.

… Và thơ tôi ơi!
Hai mươi năm rồi thơ yêu tôi
Thơ đong cho tôi nghìn giọt mật
Giọt nồng cay, giọt bay bổng nhất
Thơ đã cùng tôi băng vạn nẻo đường
Nẻo đường nào chẳng dẫn đến Quê hương

2. Vào bài hát: Quê em
– Nữ ca sĩ với trang phục dân tộc Chăm biểu diễn. Bóng dáng thấp thoáng những người dân, những cảnh vật của một vùng quê miền Trung…
– Ở phần giữa bài hát, những câu thơ sau lại vang lên:

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu

3. Nhà thơ đang đi giữa khung cảnh ruộng đồng, phía xa là dãy núi xanh mờ; đàn bò ung dung ăn cỏ… những câu thơ vang lên:

Là quê hương em
Dù sáu đỉnh Chà Bang nắng hè khô khốc
Dù vụ lúa năm này ruộng nẻ chân chim
Nhưng làm sao quên
Những ánh mắt nhìn quen, khuôn mặt mới quen
Những tiếng nói đơn sơ, nụ cười đơn giản
Kho kí ức của tuổi thơ – những năm, những tháng
Trận đòn sau buổi tắm sông
Những ngày mưa dài hay những đêm trăng
Cả buổi đầu đến trường bở ngỡ
Làm sao cho khỏi nhớ
Quê hương
?

4. Vào bài hát: Cấy lúa (song ca nam nữ)
Ca sĩ với trang phục dân tộc Chăm. Hình ảnh xen theo nội dung bài hát.

5. Nhà thơ đứng dưới chân một tháp Chàm. Tháp cổ kính in lên nền trời ráng chiều. Giọng đọc thơ vang vọng:

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày
… Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
tháp nắng
thênh thang
.
* Mảng tượng Apsara nhìn từ xa đến gần, cận và nhòa dần để chuyển thành những diễn viên múa.

6. Hát múa Apsara – Vũ nữ Chăm
– Màn múa hát quay dưới chân tháp

7. Hình ảnh nhà thơ trong đêm: Cận mái tóc, khuôn mặt, mắt nhìn xa xăm

Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa
?

8. Vào bài: Nhớ em
Nam ca sĩ hát, trong trang phục dân tộc Chăm. Minh họa hình ảnh thiếu nữ Chăm

9. Trong mắt nhà thơ hiện lên hình ảnh một đám cưới người Chăm.

Em đến thật êm đềm
như que diêm đốt trên đỉnh gió
ngọn diệm sơn trong anh trầm vỡ
giữa mù đêm
cháy
thật êm đềm….
Em vẫn đến – như ngày xưa lồng lộng
nóng bỏng trong anh tặng phẩm của thiên thu
chảy tan. Như dòng sông chảy tan vào biển cả bao la
mỗi rung động mãi còn là bí ẩn.
..

Bài hát đám cưới (Pata nghinh ta thol)
* Ca sĩ hòa vào cùng mọi người trong đám cưới; hoặc có thể đóng vai cô dâu, chú rể.

10. Bờ biển đẹp, từng đợt sóng ào vào bờ cát. Đôi trai gái chạy đùa men theo bờ cát, như bay, như mơ…

Biển đã nói gì với bờ, khi bờ mãi ôm mang biển?
cảm ơn bờ rộng vòng tay bao dong
ong đã nói gì với hoa, khi hoa cho ong nguồn nhụy?
cảm ơn hoa mở lòng ban phát
cây đã nói gì với đất, khi cây cho đất bóng râm?
cảm ơn đã cho bài học về nhận
và ta
ta nói gì với nhau, khi ta cho nhau bàn tay, bờ môi, ánh mắt?
anh sẽ nói gì với em?
em sẽ nói gì với anh
?

11. Vào bài hát: Khăn Matơra
Quay ca sĩ cùng những minh họa hợp với nội dung bài hát.

12. Múa: Ngày hội
Một ngày hội, bên chân ngọn tháp, một màn múa hát với các diễn viên trong trang phục của nhiều dân tộc: Chăm, Êđê, Khơme, Kinh…
Nhà thơ cũng hòa chung vào vòng múa.

Năm mươi tư đứa con
năm mươi tư dân tộc
năm mươi tư nỗi đời
như năm ngón tay trên bàn tay có ngón ngắn ngón dài
ngón chỉ đường đi, ngón thì đeo nhẫn
ngón bắn bi, ngón gẩy đàn, ngón chuyên làm dáng
năm ngón thu vào tạo sức mạnh nắm tay
.

__________________

* Có thể phân cảnh thêm:
1. Cảnh đồi cát và cây xương rồng

Cây xương rồng như là sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm tù trong cát
….
Sinh nhật cây xương rồng
có ngọn gió nồm reo đồi trọc
có loài côn trùng đùa bãi cát
có tháp Chàm giữa nắng đơn ca

2. Múa đạp lửa và múa roi trong lễ Rija Nưgar

Đã vỡ lễ tẩy trần tháng Tư. Ông thấy
vỡ đất, trời, âm thanh bài tụng ca
vỡ niềm vui chờ đợi giấu kín.
….
AUM … AUM… AUM…
Ông đã thấy
cửa trời mở như vòng tay người vợ kiếp xưa ông mở
đám mây mùa tràn về như chỏm tóc đứa con trai kiếp sau ông bay về
Ông dang tay
Ông bước tới, đạp tới bằng bàn chân ngày qua còn đẫm bùn
sá gì ngọn lửa lẹt đẹt với tiếng vỗ tay ahei lẹt đẹt
sá gì trống ginang đánh giục truy đuổi sợ hãi
Ông biến vào lửa Ông nhảy cùng lửa Ông là lửa
sạch lần cuối cùng/sạch muôn ngàn lần nữa
cho thế giới một lần được sạch. Như thế
.

One thought on “Tháp nắng quê hương – Phim ca nhạc

  1. Trong phim có những bài hát Chăm An giang, nhưng được dựng cảnh ở Pandurangga và một số bài thơ lồng vào trước ca khúc với nội dung chẳng liên quan, khiến cho âm hưởng Chăm Châu Đốc bị lạc lõng, xa xạ và trở thành 1 thứ gì đó rất khác khi người Chăm An giang được nghe nó

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *