1. Đại tự sự (grands récits) hay tự sự chủ đạo (master narratives) là những chuyện kể (stories) mà một nền văn hóa hay một dân tộc tường thuật và tin vào. Nó tạo nên tâm thức cộng đồng và duy trì sức mạnh của một nền văn hóa hay một dân tộc.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng kể trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi: “Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không?” – Không có! “Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến những sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước, bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt”.
Mặt trời Champa đã tắt, nhưng những chuyện kể vẫn sống dai dẳng trong tâm thức Chăm: Truyền thuyết Ppo Inư Nưgar, Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, Nai Tangya Bia Atpah,… Có thể nói, chúng sống còn mạnh mẽ hơn, sâu thẳm hơn, dai dẳng hơn lịch sử thành văn. Chính nó là câu chuyện SỐNG người Chăm dùng tới khi muốn chứng minh sự tồn tại của mình trên mảnh đất này. Cùng với Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya Cam – Bini,… Sứ mệnh của thi sĩ là canh thức và kể lại các câu chuyện đó xuyên thế hệ. Câu chuyện có thể thay đổi, nhưng tinh thần nó không biến mất. Chúng tiềm ẩn và làm nên sức mạnh tâm linh dân tộc, cho đến khi nào dân tộc đó từ chối chúng, bỏ quên chúng.
Lịch sử bất di bất dịch, không ít người nghĩ thế. Nhưng lịch sử không là quá khứ mà là câu chuyện về quá khứ. Nên nó luôn luôn được viết lại. Bởi một cá nhân, một tập thể, một chế độ, trên một lối nhìn, nhân sinh quan,… khác. Khi đã hiểu như thế thì – ngoại trừ trường hợp cá biệt như Lê Chiêu Thống – còn lại, câu nói “họ sẽ bị lịch sử lên án” trở thành phát biểu vô nghĩa và lố bịch.(1)
2. Thế nhưng, thời hậu hiện đại, con người đã nghĩ khác, đã tin/ không tin khác. Bất tín đại tự sự, họ tìm sự cứu chuộc ở tiểu tự sự (petits récits). Nghĩa là những chuyện kể mang tính cá nhân, địa phương, tạm bợ trong hoàn cảnh cụ thể; nó không đòi hỏi ở đó một chân lí phổ quát, ổn định và đòi hỏi tất cả mọi người tin vào nó.
Tiểu thuyết Chân dung Cát đã thử kể câu chuyện khác về Chăm, theo tinh thần đó.
Diễn giải tác phẩm mình là điều nhảm nhí. Với lối viết mới lạ, nhà văn chỉ có thể làm thao tác duy nhất là thòng sợi dây dẫn về hệ thẩm mĩ sáng tạo của mình để người đọc tìm đến chính tác phẩm, giải mã theo kinh nghiệm cá nhân và thưởng thức nó. Ở đây, tôi xin mượn lời của các nhà phê bình về Chân dung Cát nói giúp cho Chân dung Cát. Tác giả chỉ góp thêm phần minh giải.
– Cách viết:
Chân dung Cát thuyết lí:
– “Luôn luôn khởi đầu, tiểu thuyết ngày mai sẽ đi theo con đường của thi ca là vậy”.
– “Tôi không mặn mà lắm với lối viết “cổ điển” chỉ biết áp đặt cho người đọc gần như là chiều nhìn duy nhất. Không hơn. Trong khi định mệnh dân tộc Chăm biến thiên vô lường, gọi mời những đột phá đặc thù phiêu lãng biệt lệ… Định mệnh Sarah qua ngòi bút Chế Khan dù gây xúc động mạnh nhưng nếu được tiếp cận theo hướng khác, bằng cách thế khác, vừa trực diện vừa đa diện thì nó sẽ lộ bày ở cấp độ sâu thẳm hơn, cao vời hơn. Đằng này, tác giả lê thê cà rề tuyến tính, tưởng tượng logic, hệ thống hóa sự việc đến mòn chán. Phải biết tấn công vào ngay tâm điểm của đề tài. Làm cho đề tài bùng nổ. Để cùng bùng nổ với nó.
Người đọc hôm nay không có giờ hay đủ kiên nhẫn dõi theo tưởng tượng thêu dệt của nhà văn thế kỉ XIX. Như người thợ săn xưa kiên trì đi theo vết chân nai – dù chắc chắn – nhưng cuối cùng chỉ thu lượm được cái xác, có khi đã thối rữa. Trong lúc tốt hơn nên dồn sức bố ráp đa hướng, đánh vào trung tâm. Có thể nguy cơ bị sổng cao, nhưng nếu được: con nai sống.
Thật thừa khi chúng ta cứ lần theo đường mòn độc đạo vạch sẵn để mong tìm gặp một định mệnh kì lạ như Sarah (nhân vật chính của chương Truyền thuyết làng Mali). Tại sao không ở mỗi chương, mỗi trang hay mỗi dòng đều bàng bạc thân phận nàng? Cả khi ông đang nói về nhân vật khác, chuyện khác, vấn đề khác? Ở thì quá khứ, hiện tại hay tương lai? Để người đọc có thể bắt gặp nó bất kì đâu, đoạn nào. Đọc ngược hay xuôi, hoặc tùy hứng giở trang nào đó bất chợt. Sau giờ văn phòng, trên xe buýt hay giữa buổi cày? Và ít nhiều soi thấy định mệnh mình trong đó.
Tôi đã thử thực hiện ý định này bằng cách làm hành trình ngược lại: từ khái niệm suy nghiệm được từ giữa lòng dân tộc, lần tìm dấu vết. Rất ít dấu vết. Ở đây, cái cốt tủy là gọi đúng tên sự vật. Chính danh.
– Như vậy, viết tiểu luận về nó không tốt hơn ư? Một anh bạn hỏi tôi thế
– Không. Không phải thể loại tiểu luận khô khan. Mà chỉ có tiểu thuyết mới theo đuổi, dung chứa và mở bày được những gì đề tài muốn nói. Mỗi thể loại văn chương chỉ có thể đảm nhận vấn đề đặc thù. Cái tài của nhà văn là biết chọn thể loại tối ưu.
… Tôi không phản đối Chế Khan, nhưng nếu cứ kể lể cà kê theo lối cũ, Chân dung cát sẽ thành một trường thiên tiểu thuyết mất. Mà tôi thì ngán thể loại đóng hộp này lắm rồi”.
Trần Vũ (Lời giới thiệu, Chân dung Cát) thuyết minh thêm:
“Inrasara đã viết tiểu thuyết này theo cách của một bài thơ… Bàn tay sắp xếp của nhà văn cố tình lộ liễu ở các thao tác này; nhằm khách quan hoá tới mức tối đa những điểm nhìn khác trong tác phẩm, nới rộng không – thời gian về nhiều chiều kích; đồng thời chia cắt nó ra từng mảnh nhỏ.
Không đơn thuần là trò chơi của lối sáng tác hậu hiện đại, với từng mảnh nhỏ bị cắt rời của “không – thời gian”, nhà văn gắng sức truyền tải từng cảm nhận trọn vẹn, từng tâm trạng trọn vẹn, khi rã rời hoang mang, lúc can đảm ngậm ngùi hay sôi nổi vô nghĩa… chen chúc giữa muôn vàn hỗn độn những đứt vỡ, xáo trộn, xô lệch khác. Cũng bằng cách này Inrasara tạo một không khí “Chẳng có gì nghiêm trọng cả”: ngẫu hứng, không chủ đích, dung dị đời thường; viết văn để quên văn”.
Phê bình (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 666, tháng 3-2007), trong phần tính tiểu thuyết, chất tiểu thuyết của Chân dung Cát, Hoài Nam viết:
“Viết tiểu thuyết, tác giả bước vào một thế giới mà mình không biết chắc, không thể nói lời cuối kết dứt khoát về nó… Nhưng Inrasara thì biết quá rõ về tiểu thuyết của mình… Và bởi thế, nếu nói Chân dung Cát là một tập hợp các chân dung Chăm, thì cũng rất cần phải nói một cách rõ ràng rằng, đây là kết quả nghiên cứu dân tộc tính lâu dài của Inrasara. Chỉ có điều, những kết quả ấy không được trình bày dưới dạng các luận điểm trừu tượng, mà nó cụ thể hoá bằng các tính cách nhân vật… Rất nhiều chân dung Chăm như thế có mặt trong Chân dung Cát. Chúng đa dạng, nhưng lại có một đặc điểm chung, đó là sự ổn định ngay từ đầu, không diễn tiến, không biến đổi, bất chấp sự va đập của môi trường thực tế. Điều đó phản ánh khá rõ tính chất minh hoạ của những chân dung này cho những nét tính cách Chăm mà Inrasara, nhà Chăm học, đã nhận thức được sau một quá trình đào sâu nghiên cứu cộng đồng của mình”.
Minh giải:
Vì Chân dung Cát được viết “theo cách của một bài thơ” nên, nó không chủ ở hấp dẫn của biến cố, tình tiết hay tiến trình câu chuyện mà nhấn ở biến động qua đơn vị câu, ngôn từ, phân đoạn, sự đột biến của lối nghĩ ngẫu hứng. Nó không giả vờ không biết chuyện gì sẽ hay sắp xảy ra, bởi ngay chương đầu tiên, nó đã cho lộ hết trọi kết cục thân phận của đa số nhân vật.
Trần Vũ kết luận:
“Chủ đề của tác phẩm không hề bí ẩn, nó được hiển thị ngay từ chương đầu tiên. Quan trọng hơn là những lối xúc cảm, nắm bắt khác nhau, nhiều chiều, vươn từ hiện tại tới quá khứ, tương lai, về hiện thực như một tổng thể đồ sộ. Với cái nhìn đó Inrasara đã tìm thấy điểm gặp nhau giữa tiểu thuyết và thơ. Đó là nói lên trực tiếp xúc cảm và chứng nghiệm hiện thực của mình trong một hình thức tổ chức tác phẩm đặc biệt”.
Như Hà cụ thể hơn (“Truy tìm Chân dung cát”, báo Người lao động, 21-9-2006):
“Chân dung Cát tự thân nó đã mang nghĩa phù ảo, giả tạo và tạm bợ. Một tiểu thuyết có nên viết về những điều này chăng? Inrasara trả lời là nên! Vì theo ông, tiểu thuyết là những câu chuyện nhỏ, chủ yếu là hư cấu và mang tính riêng tư. Và chính ông đã làm điều đó qua tiểu thuyết đầu tay của mình… Xét về mặt thủ pháp thì trong nhiều năm qua, văn xuôi Việt Nam mới có một tiểu thuyết như vậy”.
– Chân dung Chăm có là chân dung Chăm?
Chân dung Cát chú thích ở cuối sách:
“Các địa danh trong sách là địa danh thật. Nhưng bởi đây là tiểu thuyết, nên đa phần sự kiện, biến cố, tên nhân vật… là không thật. Các trích dẫn hay kiến thức sai của các nhân vật trong tác phẩm nếu có, là một cố ý của tác giả. Vài giọng điệu được nhại lại, vài đoạn văn, thơ hay đoạn ca khúc được mượn như là thứ collage của tiểu thuyết”.
Chân dung Cát thuyết lí:
“Chẳng hạn tinh thần tạm bợ mà phái sinh của nó là tinh thần xê dịch. Tôi tìm thấy nó ở làng Mali và cả trong cuộc đời ông Malâm. Đối trọng nó là thứ tinh thần ẩn cư mà Dhan Than là đại biểu rất đáng dồn phiếu. Thế nhưng thật khó mà gò ép một nhân vật điển hình trong cái rọ một/ một vài tính cách điển hình. Trong Dhan Than có cả vĩnh cửu và tạm bợ, có ẩn cư lẫn xê dịch, ngang bướng sống chung sợ hãi. Chúng trộn lẫn, đan xen, trơn trợt khôn lường. Muốn đánh bắt nó, phải sử dụng đến nhiều loại lưới khác nhau và đánh từ nhiều hướng khác nhau”.
Trần Vũ lí giải:
“Không tập trung vào những biểu hiện cụ thể, theo tiến trình, của sự kiện đời sống, tính cách, thân phận…, Inrasara khắc hoạ chân dung tinh thần Chăm bằng lát cắt bén ngọt. Mỗi nhân vật hiện lên chủ yếu trên góc độ tinh thần; để làm nên diện mạo “lập thể” tinh thần Chăm… Thuman – “nông dân – thi sĩ”, Jaklan – “nhà ngôn ngữ học cấp xã”, Pathit, “nhà kinh tế học vĩ mô”, Chế Khan, Văn Khâm, nhất là Cao Xuân Hoang – “kẻ sa đọa”,…
Thông minh, nhiều phát kiến, đầy khát vọng và mạnh mẽ; nhưng cũng viễn vông, ngớ ngẩn, phi thực tế tới mức rồ dại, bế tắc; xuôi tay bất lực không còn đường tìm về với cổ nhân – “buồn đến muốn tìm gò mối lủi đầu vào”… đó là tinh thần Chăm đương đại được khắc hoạ qua loạt chân dung hoạt kê; thông điệp ở tầng ngữ nghĩa thứ nhất của Chân dung Cát“.
Minh giải:
Tiểu thuyết hậu hiện đại quyết cắt đứt quan hệ với lối xây dựng nhân vật, cốt truyện, đề tài,… cú. Đòi hỏi xác lập tính cách điển hình cho nhân vật điển hình, toàn tốt hay toàn xấu hoặc xấu trước tốt sau, thì nhà văn hậu hiện đại hoàn toàn bỏ ngoài tai. Tính cách nhân vật ở đây gần với chứng rối loạn đa nhân cách (multi personality disorder). Cao Xuân Hoang chẳng hạn, có lẽ là “nhân vật” yêu thích nhất của tôi đồng thời là nhân vật tôi yêu thích nhất: sa đọa nằm sát sườn lành mạnh, vừa mạnh mẽ vừa hèn nhát đồng thời, thực tế và hoang tưởng, mới phát biểu đầy phản động nhưng ngay sau đó có lời lẽ rất dũng cảm, kiêu hãnh là Chăm nhưng sẵn sàng bán đứng cái được coi là bản sắc Chăm… Tất cả chúng hiện hữu trùng lắp bổ sung cho nhau trong một Cao Xuân Hoang, như là con người thực trong đời thực bấp bênh, khó hiểu, khôn lường. Chứ không như trong tiểu thuyết!
Chân dung Cát:
“Như dân Chakleng quê tôi, tưởng thủ cựu mà phá cách đáo để, ngỡ bó gối ru rú lại đẻ bộn đứa con phiêu lưu ngang dọc, nhìn bề ngoài như nhát hèn nhưng là đất sản sinh đến ba cuộc cách mạng!”
– Tại sao humor?
Frédéric Ferney (Kiệt Tấn dịch, Talawas.org, 23-9-2008) lí giải:
“Bỡn cợt (humor, humour) là cách chống lại đau khổ, cách thoát khỏi độc ác, khỏi cái Chết, khỏi cái khốn nạn của con người, khỏi tay bạo chúa, khỏi Thượng đế, khỏi đam mê, khỏi mọi thứ xui xẻo trên đời. Là tránh cho khỏi sa vào cái bẫy nghiêm trọng. Không có bỡn cợt thì thằng công tử chỉ là một gã loè đời và vị bác học chỉ là một tên phách lối. Bỡn cợt né tránh được ác ý bằng một nụ cười”.
“Trong mỉa mai, ngược lại, ta cười chống lại kẻ khác, ngay cả chống lại chính mình. Bỡn cợt tha thứ và thông cảm ở những nơi mà mỉa mai khinh bỉ và lên án. Bỡn cợt thì xoa dịu, mỉa mai thì làm tổn thương”.
Điều tối kị đối với tinh thần hậu hiện đại là tính chất nghiêm cẩn, nghiêm trọng (seriousness) của sự thể. Humor chống lại và bỡn cợt nỗi nghiêm trọng này. Hãy chú ý câu: “Chẳng có gì nghiêm trọng cả” lặp đi lặp lại nhiều lần trong Chân dung Cát. Chân dung Cát không mỉa mai mà, bỡn cợt. Humor là khí quyển chủ đạo của Chân dung Cát, nên nói như Frédéric Ferney, nó đầy cảm thông và chia sẻ.
Trần Vũ viết:
“Một tiểu thuyết bao gồm hầu hết những chân dung hoạt kê, châm biếm nhưng lại đượm nét đằm thắm, sâu lắng – đó là nét duyên riêng của Chân dung Cát. Ngay cả khi trào lộng không nương nhẹ, tác giả vẫn giữ được niềm cảm thông. Những cực đoan, huyễn tưởng, rồ dại… trong tác phẩm, vẫn được nhìn nhận như sự sẻ chia gánh nặng buồn thương định mệnh của con người. Và một vẻ đẹp Chăm đậm tính nữ, thuần khiết, phồn thực, ẩn hiện, quyến rũ trong tác phẩm, vừa như một sự cứu rỗi, vừa như một nỗi ngậm ngùi… Nỗi buồn Chăm, bí ẩn Chăm, có lẽ đó là điều mỗi người đọc có thể hướng tới và sẻ chia với tác giả Chân dung Cát!”
Như Hà:
“Chúng ta tìm sự đồng cảm với những nỗi niềm của thân phận, chúng ta chia sẻ một thái độ đối với đời sống và sự sống, thông qua việc đón nhận những tình tiết sống động quyến rũ, những xúc cảm tinh tế hay dữ dội của con người…”
Như vậy nút thắt đã được mở (nhưng chưa chắc đã trọn vẹn). Chân dung Cát là tiểu thuyết hậu hiện đại. Một tự sự mới, kể chuyện đời sống Chăm trong hoàn cảnh Chăm rất cụ thể. Qua đó, nó nỗ lực phác họa chân dung tinh thần Chăm thời hiện đại. Chăm, nhưng không hẳn đúng là/ chỉ là chân dung tinh thần Chăm. Nếu nó chỉ là thì sự thể tố cáo tầm nhà văn quá thấp; còn nếu nó đúng là thì tác giả nên đi viết tiểu luận nghiên cứu là hơn.
Sài Gòn, 24-9-2008.
________________________
(1) Ví dụ hai thế kỉ trước, sử Gia Long kêu Quang Trung là ngụy rồi tố cáo ông bao nhiêu là chuyện; còn Việt sử XHCN bôi nhọ Nguyễn Văn Vĩnh đã đời, vài năm nay trở lại tìm cách ghi công trạng ông.