Cảm nhận tập thơ Vũng nhớ, NXB Hội Nhà văn, H., 2008.
Báo Văn nghệ trẻ, 21-9-2008.
Anh đã từng yêu nàng thơ, lẽo đẽo đi theo tán tỉnh nàng, miệt mài. Từ lâu lắm.
Từ Một khúc sông Trà (1998), Thơ tặng người (2000), Phượng xưa (2001), Hồn quê (2003) cho đến Chuông gió (2005) và, mãi tận hôm nay: Vũng nhớ (2008). Mười năm cuộc tình, không ngưng nghỉ. Nàng thơ có thể thay tên đổi họ: Lục bát, Thơ bốn, năm hay bảy chữ, thơ Tự do,… Chúng đã nhiều lần làm anh đau, xé rách nỗi say đắm ngây thơ của anh, nhưng anh vẫn thủy chung như nhất một tình yêu: THƠ. Không nóng vội, tín thành và khiêm cung:
Lượm hòn sỏi nhỏ để dành thương nhau
Thương nhau về vá nỗi đau
Nỗi đau về nhớ thương nhau cạn đời…
Cạn đời, đôi khi anh cũng được nàng ngoảnh lại, liếc mắt đưa tình: Giải nhất thơ Lục bát Tuyển Áo Trắng (1999-2000) hay Giải tư của tạp chí Sông Hương (2001-2003).
Nhưng thơ, như người đẹp đỏng đảnh và kiêu kì, người đẹp mơ hồ lung linh, càng đuổi theo càng mất hút. Với Camus, đó là cái đẹp choáng ngợp làm nghẹt thở. Với Nguyễn Tấn On, đó là cái đẹp gây xót đau. Như phố núi quê anh. Đẹp và buồn. Cảnh và người. Những trận ra đi và cuộc trở về. Dấu vết và những kỉ niệm. Chúng cho anh sự ấm áp đồng lúc luôn gây cho anh nhức buốt. Nhưng không dữ dội, quằn quại mà, êm dịu và ngấm. Dịu mà ngấm. Người thơ và thơ Nguyễn Tấn On là vậy.
Đường đi về vấp ngọn cỏ đau
Đau không xuýt xoa
Đau nhăn thành vết…
Cái đau không bao giờ vắng mặt, suốt tập thơ ngỡ như hiền lành này. Với đề tài trở đi trở lại tưởng như nhàm chán này. Trong vùng không gian địa lí ngỡ như bàn chân anh muôn đời làm quẩn quanh này. Cho nên đôi lúc anh cũng đã vài lần dứt áo rời Đà Lạt, xuống dưới kia, nơi Phan Rang nắng cháy! Nhưng đau vẫn có đó.
Trên đồi trọc đêm lặng câm
Đá trần phơi núi đau bầm thịt da…
Như thể đau đeo đẳng anh mãi không dứt ra được. Hay, như thể chính anh đi tìm nỗi đau, nỗi đau đó hiện hữu trong anh. Như đi tìm thơ, thơ đó đang có mặt trong tâm hồn anh. Đi hay về. Xuôi hay ngược. Bao giờ và ở đâu cái anh thường xuyên bắt gặp là buồn và cô đơn.
Những chuyến xe đò chở mưa lầm lũi
Tôi về ngồi bên nóc quán mười năm…
Ngồi uống bia
Dưới ô cửa nhỏ…
Cửa sổ nhìn tôi ướt đẫm cô đơn
Chủ quán một thời
(Bán say cho thiên hạ)
Giờ gã say
Ế ẩm tạt mù mưa
Từ hôm
Nhà bên không còn đèn hắt bóng.
Mười năm… đèn không còn hắt bóng. Mười năm đuổi bắt và luôn như thể hụt hẫng. Nhưng, chính lúc chạm đến đau hay chìm vào đáy cô đơn thẳm sâu hơn cả là lúc anh bắt gặp thơ. Để sống với và qua thơ. Một tiếng thơ trong, lành đúng chất Nguyễn Tấn On.
Mù trong bụi lốc xoay tròn
Cả trời nghẹn nắng, giòn tan tiếng cười…
Sài Gòn, 7-9-2008.