Tân hình thức, một bước đi mới

Ghi nhanh, nhân đọc Bướm sáu cánh, tập thơ 5 tác giả:
Biển Bắc, Bỉm, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Gyảng Anh Iên,
NXB Tân hình thức xuất bản, Sài Gòn, 2008.

Một trào lưu văn nghệ nào bất kì luôn có kẻ mở đường, người đi theo con đường đó. Có người đi vì vui, rồi bỏ dở chừng. Có kẻ kiên trì quyết đi hết con đường, dù thành tựu đâu không biết, trong khi mục tiêu cứ hun hút xa. Nhưng cũng có không ít người nhập cuộc và góp phần khai quang, mở rộng con đường.
Tân hình thức không là ngoại lệ.
Từ khi mở mắt chào đời tại Hoa Kì bởi nhà thơ Khế Iêm và được xiển dương qua tạp chí Thơ, sau đó, là Website Tanhinhthuc.org, tân hình thức cũng trải qua mấy gập ghềnh. Hàng loạt tên tuổi nhà thơ đã/ chưa thành danh từ trong đến ngoài nước nhập cuộc. Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Lưu Hy Lạc, Đỗ Kh, Lê Thánh Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy,…
Và như định mệnh ngoại biên tự dành cho mình, hàng loạt thi phẩm tân hình thức ra đời qua hình thức in photocopy: Đoàn Minh Hải với Đại nguyện của đá (2003); Thơ tân hình thức, tập thơ in chung của nhiều tác giả ra đời cùng năm, bên cạnh các tập thơ riêng cũng có mặt không ít bài tân hình thức. Song hành với sáng tác là các tiểu luận, trong đó Tân hình thức, tứ khúc và những tiểu luận khác của Khế Iêm do Văn mới (Hoa Kì) ấn hành là rất đáng kể. Như thể một tuyên ngôn của phong trào. Ở ngoài nước, thi phẩm song ngữ Anh – Việt: Blank Verse, An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry, USA, 2006, xuất hiện khá bề thế, khẳng định thế đứng của tân hình thức Việt. Cuối cùng, cuối năm 2006, Inrasara cho ra đời tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in. Có thể nói đây là dấu mốc ghi nhận sự có mặt đầy “chính thống” của tân hình thức với tư cách một trào lưu văn chương.

Trong khí quyển thơ ca Việt “có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao” hay các dạng thơ theo xu hướng “cổ truyền” chiếm thế áp đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoặc loại thơ tự do cao sang, bí hiểm đang dần chui vào tháp ngà mình mình biết mình mình hay, phong trào tân hình thức xuất hiện đã thổi luồng khí mới. Nó đưa thơ trở lại với đời thực hơn, ngôn ngữ thơ gần gũi với đời thường hơn, nhà thơ hết còn nỗ lực cắt đứt dây nhợ với truyền thống quá khứ để làm ra cái gì thật độc sáng. Khế Iêm tuyên bố: “Thơ tự do, sau một thế kỷ đã cạn nguồn và cùng kiệt (…) Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên” (Tạp chí Thơ số 20, tr.70). Tân hình thức “kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ Việt.” (Khế Iêm, Tạp chí Thơ số 18, tr.94).
Lập ngôn và lôi cuốn gần nửa trăm tác giả thử nghiệm, tân hình thức đã tạo nên một phong trào sôi động. Thế nhưng, vần và lặp lại nguy cơ đưa thơ vào sự quẩn quanh, bí bức, nhàm chán; tính truyện đã xô rất nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ.
Độc giả dị ứng với tân hình thức đã đành, ngay những kẻ nhiệt tình với nó nhất cũng có vẻ nguội lạnh. Phong trào thơ tân hình thức ở trong nước (chủ yếu tại Sài Gòn) sôi nổi ba năm đầu (2001-2003), sau đó không khí trầm lắng hẳn đi. Các nhà thơ đang đứng lại, lấy hơi và nhìn lại mình.
Sự nhìn lại mình này kéo dài hơi lâu. Phong trào này chết chăng? Không!

Đã có thế hệ mới, tác giả khác có mặt tiếp lửa. Bướm sáu cánh, tập thơ của năm tác giả do Nhà xuất bản Tân hình thức ấn hành năm 2008 làm cuộc trỗi dậy đó.
Với những “L[nh]ảm” của mình, vẫn là chuyện vụn vặt ngày thường, nhưng Bỉm biết đưa ngôn ngữ thơ dấn vào tâm trạng bề sâu hơn, tứ thơ cư trú ở khoảng bấp bênh hơn dù ở đó không thiếu khuyết chất bỡn cợt.
“Cột điện” của Gyảng Anh Iên khiến ta nhớ đến sự kiện tác phẩm “Tôi là cột điện” của Lê Anh Hoài nằm trong dự án nghệ thuật đường phố Ra đường của nghệ sĩ Ngô Lực ở Hà Nội tháng sáu vừa qua. Nhưng chẳng phải bằng thái độ vô phân biệt giữa người và sự vật mà tại đây thi sĩ nhận ra chức năng khác của cột điện – buồn cười. “Nói chung chẳng có gì để nói”: lặp lại, lẩn quẩn, tù túng của một sinh thể người với bao tử đang “thoát dịch vị” trong thành phố tiền hiện đại. “Guitar đêm” như thể một lãng mạn mới; cũng sương khuya, côn trùng, cũng tiếng mẹ thở hay giấc ngủ sâu, nhưng qua cửa tân hình thức, chúng đã mang hơi thở khác. Nữa: “Thành & bại” không phải không “đầy tràn cảm xúc”.
Biển Bắc, Bỉm, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Gyảng Anh Iên, ở nhiều góc độ khác nhau, họ khai thông dòng chảy mới cho tân hình thức Việt.

*
Ghi chú: Từ khi tân hình thức ra đời, nó bị nhiều dè bỉu, âu cũng là chuyện thường. Hãy xem lại các nhà Nho đã từng dè bỉu Thơ Mới, khi phong trào văn nghệ này xuất hiện. Thử đặt trường hợp thời đó các cụ nắm báo chí, định mệnh Thơ Mới đi về đâu, khó biết được.
Một nhà phê bình là cao tay, khi biết đứng trên mọi phong trào, mọi định kiến để nhận diện văn chương. Mươi năm qua, nhiều hệ mĩ học sáng tạo ra đời và được người viết tiếp nhận. Chỉ đứng trên hệ mĩ học của loại thơ nào đó để nhận diện chính loại thơ đó, nhà phê bình mới có thể phân định chúng hay/ dở từ bạt ngàn các tác phẩm ra đời, chứ không phải ngược lại. Cứ nghĩ các cụ đồ nhìn Thơ Mới qua hệ mĩ học cổ điển, chắc chắn tất tần tật các sáng tác kia đều… dở! Cao tay hơn nữa, một nhà phê bình sau khi tìm hiểu có thể nhập thân vào một vài/ nhiều hệ mĩ học cùng lúc, để nhận định một thời đoạn văn chương. Nhưng đây lại là một đòi hỏi khác rồi.

Sài Gòn, 17-7-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *